1. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Thủ tướng Iraq sau vụ ám sát

Đức Thánh Cha Phanxicô đang cầu nguyện cho Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sau một cuộc tấn công âm mưu ám sát vào nhà ông bằng máy bay không người lái có vũ trang.

Đức Giáo Hoàng bày tỏ “sự gần gũi trong lời cầu nguyện” của ngài trong một bức điện do Vatican phát hành vào ngày 9 tháng 11, trong đó lên án cuộc tấn công ở Baghdad là một “hành động khủng bố hèn nhát”.

“Sau cuộc tấn công vào dinh thự của ngài ở Baghdad, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn tôi chuyển sự gần gũi trong lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đến ngài và gia đình, cũng như những người bị thương, và đồng thời lên án hành động khủng bố hèn hạ này,” Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói như trên trong thông điệp được gửi thay mặt cho Đức Thánh Cha.

“Đức Thánh Cha một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng rằng với ơn lành của Thiên Chúa, người dân Iraq sẽ được củng cố về trí tuệ và sức mạnh trong việc theo đuổi con đường hòa bình thông qua đối thoại và đoàn kết huynh đệ.”

Thủ tướng Iraq viết trên Twitter: “Chúc tụng Chúa, tôi không sao giữa những người của tôi, và tôi kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế, vì lợi ích của Iraq”.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ ám sát. Văn phòng thủ tướng gọi cuộc tấn công là “hèn nhát” và là “một cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào nhà nước Iraq của các nhóm vũ trang tội phạm.”

Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Iraq sau khi các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn tranh chấp kết quả cuộc bầu cử quốc hội ngày 10-10.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng al-Kadhimi tại Vatican hồi tháng Bảy. Hai vị đã nói về “tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa đối thoại quốc gia để đạt đến sự ổn định và đẩy mạh quá trình tái thiết đất nước”.

Tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq. Thủ tướng Al-Kadhimi đã chào đón Đức Giáo Hoàng khi ngài đến Baghdad ngay ở các bậc thang máy bay.

Hai vị đã gặp nhau tại sân bay vào ngày 5 tháng 3 trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô có bài phát biểu trước một cuộc họp với ngoại giao đoàn và chính quyền dân sự tại dinh tổng thống.

Thủ tướng Al-Kadhimi đã tuyên bố ngày 6 tháng 3 là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống ở Iraq để tôn vinh cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của Đức Giáo Hoàng với giáo sĩ Shiite hàng đầu của đất nước, Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani.

Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất của họ, thủ tướng đã trao cho Giáo hoàng một cây thánh giá làm từ gỗ và đá lấy từ tàn tích của Nhà thờ Thánh Addai đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy ở thị trấn Karamlesh của Iraq trên Đồng bằng Nineveh.

Chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô đến Iraq đã đưa ngài từ Baghdad đến nơi sinh của Abraham, cũng như đến thành phố Mosul đầy các đống đổ nát, nơi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành lập năm 2014.

“Nhưng sau đó điều khiến tôi xúc động nhất là lời chứng của một người mẹ ở Qaraqosh,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Cô ấy là một phụ nữ đã mất con trai của mình trong các vụ đánh bom đầu tiên của Nhà nước Hồi giáo, và cô ấy đã nói một từ: ‘tha thứ’. “Tôi rất xúc động.”


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sức khoẻ của ngài và báo cáo tại Pháp với tờ Paris Match

Trong bài “Pourquoi eux”, nghĩa là “Tại sao lại là họ”, nữ phóng viên Caroline Pigozzi của tờ Paris Match đã tường thuật về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện hôm thứ Tư 10 tháng 11.

Câu hỏi đầu tiên dành cho Đức Thánh Cha: Trước tiên, thưa Đức Thánh Cha, ngài cảm thấy thế nào kể từ cuộc phẫu thuật vào mùa hè vừa qua?

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi cảm thấy khỏe. Tôi đã trở lại cuộc sống bình thường và có thể làm việc với tốc độ như trước đây.

Thưa Đức Thánh Cha, phản ứng của ngài như thế nào sau báo cáo Sauvé gần đây?

Tôi đã nói về kết quả của cuộc điều tra do chính Hội Đồng Giám Mục Pháp khởi động về các vụ lạm dụng, một ngày sau khi báo cáo được công bố. Đó là trong phần tiếng Pháp của buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư. Từ chủ yếu là “sự nhục nhã”, và từ này trước hết liên quan đến câu nói của Vị Tiên Tri: “Lạy Chúa là sự vinh hiển, con thật nhục nhã.” Một câu hỏi lớn khác, và là một câu hỏi nghiêm trọng, về lạm dụng, mặc dù nó nằm ngoài tầm khống chế của Giáo hội: đó là việc “sản xuất” nội dung khiêu dâm trẻ em. Tôi tin rằng các chính phủ nên hành động chống lại tội ác này càng sớm càng tốt. Các nhóm chịu trách nhiệm hành xử như mafias, chúng ẩn náu và tự vệ. Nạn nhân của chúng là trẻ em và trẻ vị thành niên từng bị quay phim; rất nhiều người, rất nhiều người trẻ, đôi khi thậm chí cả trẻ vị thành niên, đã và đang xem những thứ này!

Thưa Đức Thánh Cha, làm sao để Giáo Hội Công Giáo có thể tiếp tục mời gọi các Giáo Hội Kitô khác tham gia trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để trận chiến này không chỉ mang lại những khoản tiền kếch xù cho những người giàu có?

Ủy ban Covid-19 được thành lập trong khuôn khổ Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện theo cách nói của bạn, đó là một Bộ. Bộ này được đứng đầu bởi Đức Hồng Y người Ghana Peter Kodwo Appiah Turkson, tổng trưởng của thực thể này. Ngài được hỗ trợ bởi Sơ Alessandra Smerilli, Quyền Thư ký, và Cha Fabio Baggio. Công việc của họ đã cho thấy rất có hiệu quả trong thực tế. Ủy ban này có sự tham gia của các Giáo Hội, các tổ chức khác nhau và tất cả những người tình nguyện chiến đấu với đại dịch với lòng dũng cảm và quyết tâm. Sứ mạng tình nguyện này được nuôi dưỡng bằng những trao đổi, những kinh nghiệm của nhiều người tham gia một cách tích cực vào việc đưa ra quyết định sau khi thu thập ý kiến của tất cả những người phụ trách. Loại cam kết thông qua các hành động cụ thể này, với quy mô lớn vẫn là yếu tố cần thiết để đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu, và cũng đòi hỏi chúng ta phải có khả năng nhìn về tương lai.


Source:Paris Match

3. Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Thư gửi tín hữu Galát: Chúng ta đừng để mình bị khuất phục trước sự mệt mỏi

Theo Tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung lúc 9 giờ 15 sáng hôm thứ tư, 10 tháng 11, tại Đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về Thư gửi tín hữu Galát, nhấn mạnh tới việc cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần trong những lúc cảm thấy mệt mỏi, ngã lòng. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa vào bản tiếng Ý do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta đi đến phần kết luận của các bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát. Người ta có thể suy gẫm không biết bao nhiêu nội dung khác, hiện diện trong trước tác này của Thánh Phaolô! Lời Thiên Chúa là một nguồn vô tận. Và Thánh Tông đồ trong Thư này đã nói chuyện với chúng ta như một người rao giảng Tin Mừng, như một nhà thần học và một mục tử.

Thánh Giám mục Inhaxiô thành Antiôkia đã có một cách diễn đạt rất đẹp khi ngài viết: “Có một Vị Thầy duy nhất đã nói và những gì Người nói đều đã được thực hiện; nhưng những việc Người đã làm trong im lặng thì xứng đáng với Chúa Cha. Bất cứ ai sở hữu lời của Chúa Giêsu cũng có thể nghe thấy sự im lặng của Người"(Ad Ephesios, 15,1-2). Chúng ta có thể nói rằng Thánh Tông đồ Phaolô đã có thể nói lên sự im lặng này của Thiên Chúa. Các trực giác độc đáo nhất của ngài giúp chúng ta khám phá được sự mới lạ gây ngạc nhiên chứa đựng trong mạc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài quả là một nhà thần học đích thực, người đã chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô và truyền tải nó bằng trí thông minh sáng tạo của mình. Và ngài cũng có khả năng thi hành sứ mệnh mục vụ của mình đối với một cộng đồng lạc lõng và hoang mang. Ngài đã làm được điều đó bằng những phương pháp khác nhau: ngài sử dụng nghịch lý, sự chính xác, sự nhu mì tùy lúc... ngài nại tới thẩm quyền của mình như một Tông đồ, nhưng đồng thời ngài cũng không che giấu các điểm yếu trong tính cách của mình. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần thực sự lấn sâu trong trái tim ngài: cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục sinh đã chinh phục và biến đổi toàn bộ cuộc đời ngài, và ngài đã dành trọn cuộc đời đó cho việc phục vụ Tin Mừng.

Thánh Phaolô không bao giờ nghĩ về một Kitô giáo với những đặc điểm hòa hoãn, thiếu châm biếm và nghị lực. Ngài bảo vệ sự tự do được Chúa Kitô mang lại với một niềm đam mê mà cho đến nay vẫn không ngừng gây xúc động, đặc biệt nếu chúng ta nghĩ đến sự đau khổ và cô đơn mà ngài đã phải chịu đựng. Ngài tin chắc rằng ngài đã nhận được một ơn gọi mà chỉ ngài mới có thể đáp ứng; và ngài muốn giải thích cho người Galát rằng họ cũng được kêu gọi đạt tới sự tự do đó, thứ tự do đã giải phóng họ khỏi mọi hình thức nô lệ, vì nó giúp họ trở thành những người thừa kế lời hứa xưa và, trong Chúa Kitô, trở thành con cái của Thiên Chúa. Ngài ý thức rõ các rủi ro mà tự do của Chúa Kitô mang lại, nhưng ngài không giảm thiểu các hậu quả. Ngài nhắc lại một cách bạo dạn, nghĩa là, can đảm, với các tín hữu rằng tự do không hề tương đương với buông thả, cũng không dẫn đến những hình thức tự mãn tự phụ. Ngược lại, Thánh Phaolô đặt tự do dưới bóng tình yêu và thiết lập việc thực thi nó nhất quán trong việc phục vụ bác ái. Tất cả viễn kiến này đã được đặt trên đường chân trời sự sống theo Chúa Thánh Thần, Đấng làm trọn Lề Luật được Thiên Chúa ban cho dân Israel và ngăn họ trở lại làm nô lệ cho tội lỗi. Cơn cám dỗ luôn luôn muốn quay trở lại. Một định nghĩa về Kitô hữu, có trong Kinh thánh, nói rằng Kitô hữu chúng ta không phải là những người quay trở lại, những người quay trở lại. Quả là một định nghĩa đẹp. Và cơn cám dỗ là quay trở lại để được an toàn hơn; chỉ quay trở lại với Lề Luật, bỏ qua sự sống mới của Thần Khí. Đây là điều Thánh Phaolô dạy chúng ta: Lề Luật đích thực có sự viên mãn của nó trong sự sống này của Thần Khí mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Và sự sống của Thần Khí này chỉ có thể được sống trong tự do, tự do của Chúa Kitô. Và đây là một trong những điều đẹp đẽ nhất.

Ở phần cuối của hành trình giáo lý này, đối với tôi, dường như một thái độ kép có thể được phát sinh nơi chúng ta. Một mặt, giáo huấn của Thánh Tông đồ khơi dậy lòng nhiệt thành trong chúng ta; chúng ta cảm thấy buộc phải đi theo con đường tự do ngay lập tức, "bước theo Thần Khí". Luôn luôn bước theo Thần Khí: nó làm cho chúng ta tự do. Mặt khác, chúng ta ý thức được các giới hạn của mình, bởi vì hàng ngày chúng ta trực tiếp cảm nhận được việc vâng theo Thần Khí, hỗ trợ hành động gây ích lợi của Người, là điều khó khăn xiết bao. Rồi, sự mệt mỏi có thể xảy tới kìm hãm nhiệt tình của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nản lòng, yếu đuối, đôi khi như bị gạt ra ngoài lề, muốn sống lối sống theo tính thế gian. Thánh Augustinô gợi ý cho chúng ta cách phản ứng trong tình huống này, khi đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn bão trên hồ. Ngài nói: «Đức tin Chúa Kitô trong lòng anh chị em cũng giống như Chúa Kitô ở trên thuyền. Anh chị em nghe những lời lăng mạ, anh chị em mệt mỏi, anh chị em khó chịu, còn Chúa Giêsu thì cứ ngủ. Anh chị em hãy đánh thức Chúa Kitô, hãy lay chuyển đức tin của anh chị em! Ngay trong tình trạng hỗn loạn, anh chị em vẫn có thể làm được một điều gì đó. Anh chị em hãy lay chuyển niềm tin của anh chị em. Chúa Kitô thức dậy và nói với anh chị em... Do đó, anh chị em hãy đánh thức Chúa Kitô... Anh chị em hãy tin những gì đã được nói, thì anh chị em sẽ có một sự bình tĩnh lớn trong lòng anh chị em "(Diễn văn 163 / B 6). Trong những khoảnh khắc khó khăn, chúng ta, như thánh Augustinô nói ở đây, chúng ta giống như đang ở trên thuyền trong lúc giông bão. Và các Tông đồ đã làm gì? Các ngài đánh thức Chúa Kitô đang ngủ trong lúc có gió bão; nhưng Người cũng đang hiện diện. Điều duy nhất chúng ta có thể làm trong thời điểm tồi tệ ấy là "đánh thức" Chúa Kitô dậy, Người đang ở trong chúng ta, chỉ "ngủ" trong thuyền thôi. Vậy đó. Chúng ta phải đánh thức Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta và chỉ khi đó chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng mọi sự bằng cái nhìn của Người, vì Người nhìn quá bên kia bão tố. Qua cái nhìn thanh thản đó của Người, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh, bức tranh mà để một mình chúng ta, đến việc tưởng tượng nhìn thấy cũng không thể có.

Trên hành trình đầy đòi hỏi nhưng hấp dẫn này, Thánh Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể mệt mỏi khi làm điều thiện. Anh chị em đừng mệt mỏi khi làm điều tốt. Chúng ta phải tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần luôn đến giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta và cho chúng ta sự hỗ trợ mà chúng ta cần. Vì vậy, chúng ta hãy học cách cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn nữa! Ai đó có thể nói: “nhưng phải cầu khẩn Chúa Thánh Thần như thế nào? Vì con biết cầu nguyện với Đức Chúa Cha, với Kinh Lạy Cha chúng con; con biết cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Kính mừng Maria; con biết cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng Kinh Năm Dấu, nhưng Chúa Thánh Thần? Kinh Chúa Thánh Thần là chi?”. Kinh Chúa Thánh Thần là kinh rất tự phát: nó phải xuất phát từ trái tim anh chị em. Anh chị em phải thốt lên trong những lúc khó khăn: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến". Chữ quan trọng là: "hãy đến". Nhưng anh chị em phải nói điều đó bằng ngôn ngữ của anh chị em, bằng lời nói của anh chị em. Xin Chúa hãy đến, vì con đang gặp khó khăn, hãy đến vì con đang ở trong bóng tối, trong bóng tối; xin Chúa đến vì con không biết phải làm gì; Xin Chúa đến vì con sắp ngã. Xin Chúa đến. Xin Chúa đến. Đó là lời của Chúa Thánh Thần ngỏ cùng Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy học cách cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn nữa. Chúng ta có thể làm điều đó bằng những chữ đơn giản, vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Và chúng ta có thể mang theo mình, có lẽ trong cuốn Tin Mừng bỏ túi của chúng ta, lời cầu nguyện tuyệt đẹp mà Giáo Hội đọc trong Lễ Hiện Xuống: « Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến! Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời, là khách trọ hiền lương của tâm hồn, là Ðấng uỷ lạo dịu dàng...”. Xin Chúa ngự đến. Và vân vân, đó là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp. Cốt lõi của lời cầu nguyện này là" hãy đến ", Đức Mẹ và các Tông đồ đã cầu nguyện như thế sau khi Chúa Giêsu về Thiên đàng; các ngài ở một mình trong Phòng Tiệc Ly và cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Sẽ tốt cho chúng ta nếu chúng ta thường xuyên cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Và với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng ta bảo vệ được tự do. Chúng ta sẽ tự do, không còn dính bén vào quá khứ theo nghĩa tiêu cực của chữ này, không bị xiềng xích vào các thực hành, nhưng được tự do bằng sự tự do Kitô giáo, sự tự do giúp chúng ta trưởng thành. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta bước đi trong Thần Khí, trong tự do và vui vẻ, bởi vì khi Chúa Thánh Thần đến, niềm vui cũng sẽ đến, niềm vui đích thực cũng sẽ đến, Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.