1. Vị Giáo Hoàng sau Đức Phanxicô là ai? Nhận định của sách mới phát hành tại Rôma

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha vào ngày 30 tháng 8 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định ngài không có ý định từ chức. Tuy nhiên, vì ngài đã 85 tuổi nên tại Rôma những đồn đoán xem ai sẽ là vị Giáo Hoàng tương lai vẫn tiếp diễn. Lần này không chỉ là một bài báo nhưng là cả một cuốn sách trong một chiến dịch vận động cho một vị Hồng Y người Ý được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Edward Pentin, phóng viên thường trực của tờ National Catholic Register tại Rôma có bài tường thuật nhan đề “Italian Vaticanist Looks to Next Pontificate in New Book”, nghĩa là “Các Chuyên Gia Về Vatican Xem Xét Triều Giáo Hoàng Tiếp Theo Trong Cuốn Sách Mới”.

VATICAN CITY - Nhà xuất bản của một cuốn sách mới tại Ý về tương lai của triều đại giáo hoàng nhận định trong lời nói đầu của cuốn sách: “Rõ ràng là các phe phái đã tự tổ chức để không bị bất ngờ khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa”.

Với tựa đề Cosa resta del papato, “Những gì còn sót lại của Ngôi Giáo hoàng”, do chuyên gia người Ý về Vatican Francesco Antonio Grana viết, nhà Edizioni Terrasanta xuất bản, cuốn sách hướng đến mật nghị tiếp theo, xem xét “tương lai của Giáo hội sau Đức Bergoglio” và hỏi liệu ngôi vị giáo hoàng có “còn là một định chế có giá trị” hay “đã được cảm nhận như hoàn toàn lạc hậu.”

Cuốn sách được ra mắt tại Rôma vào ngày 18 tháng 11 với sự giúp đỡ của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, tổng giám mục Bologna, trong tư cách là diễn giả chính.

Sự hiện diện của vị Hồng Y sinh tại Rôma này là rất quan trọng, vì trong nhiều tháng qua, ngài đã được các nhà thạo tin về Vatican, đặc biệt nhất là Sandro Magister, coi như một ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu và Magister trích dẫn ứng viên được ưu ái này của cộng đồng Thánh Egidio như một trong những phe phái trước mật nghị đang “tự tổ chức”.

Với tư cách là người đồng sáng lập và là cựu linh mục quản xứ của cộng đồng, Đức Hồng Y Zuppi, 66 tuổi, không chỉ được biết đến trong Giáo hội mà còn ngoài thế giới Công Giáo do các hoạt động nhân đạo và hòa bình quốc tế nổi tiếng của tổ chức này.

Sự nổi lên như vũ bão của Đức Hồng Y Zuppi để trở thành ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu đã được nhấn mạnh thêm vào tuần này sau các báo cáo cho rằng ngài được tin là sẽ trở thành chủ tịch tiếp theo của Hội Đồng Giám Mục Ý vào năm tới, một con đường mà Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã đi trong Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình trên đường tới ngôi giáo hoàng.

Grana, phóng viên của nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano của Vatican, nói với tờ Register ngày 5 tháng 11 rằng ông đã mời Đức Hồng Y Zuppi tham dự buổi ra mắt cuốn sách của mình vì ông tin rằng vị Hồng Y và hai diễn giả khác tại sự kiện này sẽ “minh họa một cách hiệu quả ý nghĩa cách mạng của triều đại giáo hoàng Đức Phanxicô và cũng có thể nhìn vào các triều đại giáo hoàng của những vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài”.

Grana rất có cảm tình với một tầm nhìn mang tính cách mạng như vậy đối với Giáo hội, nhận thấy điều đó là cần thiết để Giáo hội có thể “tự điều chỉnh lại mình trước những thay đổi sâu sắc và triệt để của thời đại”. Nhà chuyên môn về Vatican người Ý này cho biết ông được thúc đẩy viết cuốn sách của mình vì mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được thể hiện trong tông huấn năm 2013 Evangelii Gaudium, nghĩa là Niềm vui Phúc âm, về việc “chuyển hóa ngôi giáo hoàng” khỏi “tập trung quá mức làm phức tạp thêm đời sống của Giáo hội và việc tiếp cận truyền giáo của Giáo hội”- đó là một mục tiêu của Công đồng Vatican II và sự nhấn mạnh của nó về ‘đoàn thể tính’ mà Đức Giáo Hoàng nói vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Đức Hồng Y Zuppi cũng có nguyện vọng tương tự.

Trong cuốn sách The Next Pope, nghĩa là Vị Giáo Hoàng tiếp theo, (Sophia Institute Press) của tôi, tôi giải thích cách mà “mối quan tâm suốt đời của Đức Hồng Y Zuppi đối với những người nghèo và bị thiệt thòi, được rèn giũa thông qua các mối quan hệ chặt chẽ của ngài với cộng đồng Thánh Egidio” đã cho thấy ngài “là một người con chân chính của tinh thần Công đồng Vatican II, một người luôn tìm cách liên kết với thế giới hiện đại và thực hiện 'sự thay đổi sâu sắc' mà ngài tin rằng Công đồng muốn có nơi Giáo hội”.

Ngài hoàn toàn cam kết gắn bó với tầm nhìn của triều đại giáo hoàng này và muốn thấy điều đó thành hiện thực, bắt đầu với Evangelii Gaudium, và có thể vì lý do này mà theo Marco Mancini, viết trong ACI Stampa, Đức Hồng Y Zuppi là “một trong những các vị giáo phẩm được quý trọng”. Các nguồn tin thân cận với Vatican nói với tờ Register rằng sự hiện diện của Đức Hồng Y Zuppi trong buổi ra mắt sách vào tuần tới sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận rõ ràng của Đức Giáo Hoàng.

Được biết đến như một “Hồng Y đường phố” vì sự giúp đỡ của ngài cho người nghèo, sự nhấn mạnh của Đức Hồng Y Zuppi về nghèo đói vật chất và bình đẳng đã đưa ngài đến gần với chính trị cánh tả Ý - đến nỗi khi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi vào Hồng Y Đoàn được công bố, các phương tiện truyền thông Ý nói đùa rằng “tuyên úy” của đảng xã hội chủ nghĩa hàng đầu của Ý đã trở thành một Hồng Y.

Với tư cách là Tổng giám mục của Bologna, ngài đã đọc điếu văn cho một người Ý cực đoan cánh tả, ủng hộ phá thai, và thậm chí còn cho nhập tịch vào Tổng giáo phận Bologna một linh mục Cộng sản đã tranh cử một ghế trong Nghị viện Âu Châu. Vị Hồng Y này cũng được nhớ đến vì đã viết lời tựa cho cuốn “Xây dựng một cây cầu: Làm sao Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tham gia vào mối quan hệ tôn trọng, trắc ẩn và nhạy cảm”, là cuốn sách gây tranh cãi về LGBT của Cha James Martin, được xuất bản vào năm 2018.

Cộng đồng Thánh Egidio

Đối với Magister, những nỗ lực của Cộng đồng Thánh Egidio trong việc cổ vũ cho Đức Hồng Y Zuppi đến với ngôi Giáo Hoàng là không thể chối cãi, một phần được tạo ra bởi sự bất bình ngày càng tăng đối với triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô như được chỉ ra trong cuốn sách có tên La Chiesa brucia - Crisi e future del cristianesimo, nghĩa là Nhà thờ đang cháy - Những cuộc khủng hoảng và Tương lai của Kitô Giáo, được viết bởi người sáng lập chính của Cộng đồng Thánh Egidio, là Andrea Riccardi.

Cộng đồng có một ảnh hưởng vận động lớn với các mối liên hệ rộng rãi trong hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội.

Trong một chuyên mục ngày 12 tháng 10 có tiêu đề “Conclave in Sight, Operation Sant'Egidio”, nghĩa là “Mật Nghị Trước Mắt, Chiến dịch của Cộng đồng Thánh Egidio” Magister lưu ý cách Cộng đồng Thánh Egidio đã khéo léo tách mình ra khỏi triều đại giáo hoàng này và gia tăng thế giá của Cộng đồng - và của Đức Hồng Y Zuppi - trong những tháng gần đây, gần đây nhất là tổ chức một cuộc gặp gỡ liên tôn tại Đấu trường La Mã với hàng loạt tên tuổi lớn, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đức Hồng Y Zuppi là vị Hồng Y duy nhất tham gia sự kiện này, phát biểu về chủ đề “Chăm sóc Ngôi nhà Chung của chúng ta” cùng với Jeffrey Sachs, thành viên phò kiểm soát dân số của Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội.

Magister nhớ lại rằng trong các mật nghị năm 1978, 2005 và 2013, “các thành viên của Cộng đồng Thánh Egidio đã cố gắng kèo lái kết quả” nhưng “lần nào cũng không thành công”, có lẽ vì khi nâng cao thế giá của một ứng cử viên được ưu ái, họ đã đẩy ngài mạnh quá và nhanh quá và các Hồng Y cử tri trở nên nghi ngờ. Người Rôma có câu nói nổi tiếng này “Ai bước vào mật nghị với tư cách là giáo hoàng, sẽ trở ra với tư cách là một Hồng Y”


Source:National Catholic Register

2. Diễn biến bất ngờ: Các Giám Mục Hoa Kỳ bỏ phiếu áp đảo thông qua văn kiện về bí tích Thánh Thể

Hôm Thứ Tư 17 tháng 11, các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã biểu quyết áp đảo để thông qua một văn kiện mới về Thánh Thể nêu bật vai trò không thể thiếu của Tiệc Thánh trong đời sống của Giáo Hội.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong khuôn khổ phiên khoáng đại mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ ở Baltimore, với tỷ số 222 phiếu thuận, 8 phiếu chống, và 3 phiếu trắng.

Việc bỏ phiếu được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín và được thực hiện bằng phương thức điện tử. Chỉ cần hai phần ba là cần thiết để thông qua tài liệu.

Văn kiện mới về Thánh Thể là sản phẩm của nhiều tháng tranh luận và sửa đổi. Văn bản cuối cùng tránh mọi tham chiếu công khai về việc liệu các giám mục và linh mục có nên từ chối việc rước lễ đối với các nhân vật công cộng cụ thể như ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi, là những người đi ngược với giáo huấn Công Giáo về phá thai và các vấn đề đạo đức khác hay không.

Thay vào đó, tài liệu này nhằm mục đích bắt đầu một sự nhấn mạnh mới trong việc dạy giáo lý cho người Công Giáo về ý nghĩa và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, để đáp lại điều mà nhiều giám mục coi là sự suy giảm đáng lo ngại về niềm tin vào bí tích là sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA trước cuộc bỏ phiếu, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver giải thích rằng tài liệu này nhằm “trình bày sự hiểu biết rõ ràng về các giáo huấn của Giáo hội nhằm nâng cao nhận thức của các tín hữu về cách Bí tích Thánh Thể có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta và đưa chúng ta đến gần hơn với Đấng tạo ra chúng ta và gần hơn với cuộc sống mà Ngài mong muốn nơi chúng ta”.

Ngoài việc phê duyệt tài liệu, có tiêu đề “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội,” các giám mục đã thông qua một kế hoạch chiến lược cho một chiến dịch phục hưng Thánh thể kéo dài ba năm. Số phiếu bầu là 201 phiếu ủng hộ chiến dịch phục hưng, 17 phiếu chống, và 5 phiếu trắng. Sáng kiến này bao gồm việc phát triển các tài liệu giảng dạy mới, đào tạo cho các lãnh đạo giáo phận và giáo xứ, ra mắt trang web chuyên về phục hưng Thánh Thể, và triển khai một đội đặc biệt gồm 50 linh mục sẽ đi khắp đất nước để rao giảng về Bí tích Thánh Thể.

Chiến dịch sẽ lên đến đỉnh điểm với Đại hội Thánh Thể Quốc gia vào tháng 7 năm 2024 tại Indianapolis, Đức Cha Andrew H. Cozzens của Crookston, Minnesota. Đức Cha Cozzens, người đang lãnh đạo nỗ lực phục hưng với tư cách là chủ tịch Ủy ban Phúc âm hóa và Dạy giáo lý của USCCB, cho biết đại hội sẽ là đại hội đầu tiên thuộc loại này ở Hoa Kỳ trong gần 50 năm qua. Đức Cha Cozzens cho biết hôm thứ Tư rằng trước đây, các sự kiện thánh thể quốc gia như vậy được tổ chức mỗi thập kỷ một lần.

“Tôi thấy đây thực sự là một cuộc hội tụ tuyệt vời của các sự kiện, dẫn dắt chúng ta từ sự phục hưng Thánh Thể đến Đại hội Thánh Thể. Tôi sẵn sàng lên tiếng ủng hộ nó một cách mạnh mẽ”, Đức Cha James D. Conley của Lincoln, Nebraska nói.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trên đỉnh cao và bên bờ vực của một điều gì đó thực sự có tác động và tuyệt vời đối với Giáo hội ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đây có thể là thứ chúng ta cần.”

Các giám mục đã tổ chức một phiên họp điều hành kín vào thứ Hai để cho phép thảo luận sâu hơn về tài liệu. Một số giám mục phát biểu trong cuộc thảo luận ngắn trước cuộc bỏ phiếu về tài liệu về Bí tích Thánh Thể chỉ đề xuất những thay đổi nhỏ đối với cách diễn đạt của một số đoạn văn, nhưng không có đề nghị nào được chấp thuận.

Hai phần của tài liệu về Bí tích Thánh Thể dài 30 trang là “Quà tặng”, xoay quanh Bí tích Thánh Thể như một món quà từ Chúa Kitô qua sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Ngài, và “Lời đáp của chúng ta”, tập trung vào lòng biết ơn đối với món quà Bí tích Thánh Thể, vai trò của giáo dân liên quan đến việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong việc hoán cải.

Tài liệu viết: “Chúa đồng hành với chúng ta theo nhiều cách, nhưng không gì sâu sắc bằng khi chúng ta gặp Người trong Bí tích Thánh Thể”.

“Khi chúng ta Rước Lễ, Chúa Kitô đang hiến mình cho chúng ta. Người đến với tất cả chúng ta trong sự khiêm nhường, như Người đã đến với chúng ta trong mầu nhiệm Nhập thể, để chúng ta đón nhận Người và nên một với Người”.

Mặc dù tài liệu không cung cấp bất kỳ tiêu chuẩn nào để từ chối bí tích Thánh Thể đối với một người không hiệp thông với giáo huấn của Giáo hội, nhưng văn bản giải thích sự khác biệt giữa tội nhẹ và tội trọng, và nói rằng một người Công Giáo trong tình trạng tội trọng không nên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cho đến khi họ đã đi đến tòa Giải tội và nhận được ơn xá giải.

“Mặc dù tất cả những thất bại của chúng ta trong việc làm điều đúng đều làm tổn hại đến sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, nhưng chúng thuộc các loại khác nhau, phản ánh mức độ nghiêm trọng khác nhau,” tài liệu viết.

“Tuy nhiên, có một số tội lỗi đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và Giáo hội”.

“Như Giáo Hội đã dạy một cách nhất quán, một người rước lễ trong tình trạng mắc tội trọng không những không nhận được ân sủng của Tiệc Thánh, mà còn phạm tội báng bổ do không thể hiện sự tôn kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”

Tài liệu nói rằng “việc rước lễ đòi hỏi sự hiệp thông của một người với Giáo hội trong chiều kích hữu hình này,” và trình bày lại văn bản của tài liệu năm 2006 từ các giám mục liên quan đến người Công Giáo trong đời sống công cộng.

“Nếu một người Công Giáo trong đời sống cá nhân hoặc nghề nghiệp của mình cố ý và cố chấp bác bỏ các giáo lý đã xác định của Giáo hội, hoặc cố ý và cố chấp từ chối giáo huấn dứt khoát của Giáo Hội về các vấn đề luân lý, thì người đó đánh mất nghiêm trọng sự hiệp thông của mình với Giáo hội.”

“Việc rước lễ trong hoàn cảnh như vậy, sẽ không phù hợp với bản chất của việc cử hành Thánh Thể, vì vậy người đó đừng lên rước lễ.”
Source:Catholic News Agency