1. Nhà lãnh đạo Myanmar bị lật đổ Aung San Suu Kyi bị kết án hai năm tạm giam

Theo đài truyền hình nhà nước MRTV, nhà lãnh đạo hợp hiến của Miến Điện nhưng bị quân đội lật đổ, Aung San Suu Kyi, đã bị tuyên án hai năm tù sau khi bị kết tội kích động và vi phạm các hạn chế về coronavirus.

Phán quyết này là phán quyết đầu tiên trong một loạt cáo buộc chống lại nhà lãnh đạo dân cử, bao gồm cả tham nhũng và gian lận bầu cử

Bà đã bị giam giữ kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà vào tháng Hai

Các nhà phê bình đã mô tả phiên tòa kín này như một trò hề để biện minh cho một “hành vi chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp”

Bản án tù của bà Suu Kyi lúc đầu là 4 năm. Sau khi được Tướng Min Aung Hlaing, chỉ huy quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, ân xá một phần còn lại 2 năm.

Bản án của Tổng thống Win Myint cũng được giảm một nửa, vài giờ sau khi tòa án đưa ra phán quyết đầu tiên đối với các nhà lãnh đạo dân sự bị giam giữ từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng Hai.

Theo MRTV, các bản án sẽ được áp dụng “tại nơi giam giữ hiện tại của họ”, có nghĩa là họ sẽ không bị đưa vào tù.

Không rõ bà Suu Kyi bị giam ở đâu nhưng bà không mô tả đây là nhà tù.

Quân đội đã kết án bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel 76 tuổi, tội kích động vì những tuyên bố được đăng trên trang Facebook của đảng bà sau khi bà và các lãnh đạo đảng khác bị quân đội giam giữ. Đây là một trò hề vì lúc đó bà đã bị bắt, không thể có liên quan đến các bài đăng trên Facebook.

Cáo buộc coronavirus liên quan đến một chiến dịch xuất hiện trước cuộc bầu cử, mà đảng của bà đã giành chiến thắng áp đảo, vào tháng 11 năm ngoái.

Quân đội, sau khi chứng kiến đảng đồng minh của mình mất nhiều ghế trong các cuộc bầu cử, đã tuyên bố có gian lận bỏ phiếu lớn, nhưng các quan sát viên bầu cử độc lập không phát hiện ra bất kỳ bất thường nào.

Các phiên tòa xét xử bà Suu Kyi đã đóng cửa với giới truyền thông, và các luật sư của bà, những người từng là nguồn thông tin duy nhất về quá trình tố tụng, đã bị tống đạt lệnh bịt miệng vào tháng 10 cấm họ tiết lộ thông tin.

Các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi được nhiều người coi là nhằm làm mất uy tín của bà và khiến bà không thể tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Hiến pháp Miến Điện cấm bất cứ ai từng bị tống vào tù giữ chức vụ cao hoặc trở thành nghị sĩ.
Source:ABC News

2. Hội đồng Giám mục Đức kêu gọi các tín hữu tham gia cuộc lạc quyên Giáng sinh

Hội đồng Giám mục Đức đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu Công Giáo toàn quốc tích cực và quảng đại tham gia cuộc lạc quyên vào lễ Giáng sinh tới đây, để giúp đỡ Giáo hội tại Mỹ châu Latinh bị thử thách nặng nề vì đại dịch Covid-19.

Cuộc lạc quyên này là cao điểm của chiến dịch Mùa Vọng do Tổ chức bác ái Adveniat phát động mỗi năm.

Chiến dịch năm nay được khai mạc hôm 28 tháng Mười Một vừa qua, Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, với chủ đề là: “Sống còn tại thành phố” và mời gọi các tín hữu Đức đặc biệt lưu ý về tình trạng dân nghèo và các nhu cầu của họ tại các thành thị ở Mỹ châu Latinh và quần đảo Caraibì. Tại đại lục này, 80% dân chúng sống tại các thành phố và rất nhiều người nghèo càng lâm cảnh lầm than hơn vì đại dịch Covid-19.

Các giám mục mời gọi các tín hữu nhiệt liệt hỗ trợ các cuộc lạc quyên trong hai ngày 24 và 25 tháng Mười Hai sắp tới, kể cả bằng các phương thế trên mạng.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Đức cho biết với sự cộng tác của các tổ chức đối tác ở địa phương, Giáo hội muốn là một dấu chỉ hy vọng, đứng trước tình trạng nghèo đói gia tăng, qua các hoạt động thoa dịu đau khổ, giúp đỡ các bệnh nhân, kiến tạo những điều kiện cơ bản để sinh sống, săn sóc những người yếu thế nhất: các trẻ em, người trẻ, các phụ nữ và các gia đình”.

Các giám mục Đức nhắc lại rằng từ hơn 60 năm nay, Tổ chức bác ái Adveniat vẫn đứng về phía những người nghèo nhất. Năm ngoái (2020), cùng với các tổ chức đối tác ở Mỹ Latinh, Tổ chức Adveniat đã dành 8 triệu Euro để tài trợ hơn 400 dự án bài trừ đại dịch Covid-19 và những hậu quả của nó. Tổng cộng trong năm 2020, ngân khoản tài trợ của Adveniat lên tới 35 triệu 300.000 Euro cho hơn 2.000 dự án. Chiến dịch Mùa Vọng năm nay đặc biệt nhắm đáp ứng tình trạng tại Mêhicô, Paraguay và Brazil.

3. Các nhà khoa học đã tái tạo lại khuôn mặt của Thánh Nicholas

Các nhà khoa học tại một trường đại học ở Liverpool đã tiết lộ những gì họ nói là bức chân dung thực tế nhất từng được tạo ra về Thánh Nicholas thành Myra, vị giám mục nổi tiếng ở thế kỷ thứ 4 được biết đến như nguồn cảm hứng cho nhân vật ông già Noel thời hiện đại.

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm khuôn mặt John Moores của Đại học Liverpool đã sử dụng hệ thống tái tạo khuôn mặt và công nghệ tương tác 3D để tạo ra bức chân dung, được công bố vào ngày 6 tháng 12 - ngày lễ của Thánh Nicholas.

Giáo sư Đại học Caroline Wilkinson cho biết việc tái tạo dựa trên “tất cả các bộ xương và tư liệu lịch sử” có sẵn, theo báo cáo của BBC. Một nữ phát ngôn viên của trường đại học cho biết hình ảnh mới sử dụng “các tiêu chuẩn giải phẫu cập nhật nhất, dữ liệu độ sâu mô của Thổ Nhĩ Kỳ và kỹ thuật CGI”.

Trong số các đặc điểm được mô tả trong hình ảnh của vị thánh là một chiếc mũi bị gãy, mà Wilkinson cho biết đã “chữa lành một cách bất đối xứng, mang lại cho ông một chiếc mũi đặc trưng và khuôn mặt gồ ghề.”

Thánh Nicholas sống từ năm 270 đến năm 343 sau Chúa Giáng Sinh. Ngài là giám mục của Myra, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những năm làm giám mục, ngài đã bị bắt giam trong cuộc đàn áp của đại đế Diocletianus, sau đó được thả khi Constantine lên nắm quyền.

Ngài được biết đến với sự bảo vệ đức tin một cách kiên quyết, cũng như sự giúp đỡ hào phóng, và thường ẩn danh đối với những người cần giúp đỡ.

Những câu chuyện xung quanh vị thánh rất nhiều. Ngài được cho là đã từng giải cứu ba chị em khỏi bị bán làm nô lệ bằng cách ném túi vàng qua cửa sổ của nhà họ để trả nợ cho gia đình họ.

Một câu chuyện phổ biến khác kể rằng ngài đã rất tức giận với linh mục dị giáo Arius - là người tuyên bố rằng Chúa Kitô thực sự không phải là Thiên Chúa - đến mức ngài đã đấm ông ta trong một cuộc tranh luận sôi nổi tại Công Đồng Nicea vào năm 325 sau Chúa Giáng Sinh.

Dựa vào chiếc mũi bị gãy trong cuộc tái tạo khuôn mặt của ngài, có lẽ Arius đã đấm lại ngài một cú.
Source:Catholic News Agency

4. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nikos Dendias về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Síp và Hy Lạp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nikos Dendias đã ra tuyên bố sau:

Chuyến thăm Hy Lạp, sau chuyến thăm mang tính biểu tượng đến Síp, của Đức Giáo Hoàng, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo; và là nhà lãnh đạo của Quốc Gia Thành Vatican, đã xảy ra vào một thời điểm mang tính biểu tượng.

Hy Lạp kỷ niệm 200 năm được tự do, đồng thời hơn 40 năm kể từ khi hai nhà nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Các mối quan hệ này được xây dựng dựa trên các giá trị chung, như tôn trọng Luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền con người và sự chung sống hòa bình của các dân tộc và tôn giáo.

Tôi đã có cơ hội gặp lại Đức Giáo Hoàng vào ngày hôm qua, sau buổi yết kiến vào tháng 10 năm 2019.

Trong bối cảnh tăng cường quan hệ giữa các quốc gia của chúng ta, gần đây tôi đã đến thăm Vatican, nơi tôi đã gặp Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm về nhiều thách thức chung.

Hàng đầu trong chương trình nghị sự của chúng tôi là ý định của chúng tôi cùng nhau hợp tác hơn nữa để bảo vệ các cộng đồng Kitô Giáo ở Trung Đông, những người không may đang bị đe dọa hàng ngày, cũng như hoạt động vì sự chung sống hòa bình của các tín hữu Kitô với phần lớn dân số Hồi giáo.

Chúng tôi đã đồng ý phối hợp nỗ lực với một số quốc gia ở Tây Balkan để thúc đẩy an ninh, ổn định và đối phó với các ý thức hệ Hồi giáo cực đoan, cũng như chủ nghĩa dân tộc, vốn đang tái xuất hiện trong khu vực lân cận của chúng ta.

Tất nhiên, cả hai chúng tôi đều có chung mối quan tâm đặc biệt trong việc bảo vệ di sản văn hóa và tôn giáo, cũng như quyền tự do tôn giáo. Trong bối cảnh này, chúng tôi buộc phải nêu ra vấn đề chuyển đổi nhà thờ Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo, cũng như việc đóng cửa Trường Thần học Halki.
Source:Greek Foreign Affairs Ministry