1. Bức ảnh tai hại chụp Đức Hồng Y Charles Bo và quân phiệt Miến Điện gây phẫn nộ

Nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của Miến Điện đã gây ra một phản ứng phẫn nộ hôm thứ Sáu sau khi những bức ảnh được tung ra cho thấy ngài đang cắt bánh Giáng Sinh với Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội, là người đã tung ra một cuộc đàn áp đẫm máu đối với những người bất đồng chính kiến và gây nên các cuộc đụng độ trong các khu vực đa số theo Kitô Giáo.

Tờ Global New Light của Miến Điện do nhà nước hậu thuẫn đưa tin Đức Hồng Y Charles Bo đã gặp Tổng Tham Mưu Trưởng Min Aung Hlaing hôm thứ Năm trong một buổi văn nghệ hát mừng Giáng Sinh và “nói về các vấn đề hòa bình và thịnh vượng”.

Đức Hồng Y Charles Bo - người được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2015 - sau đó đã đăng một bức ảnh từ cuộc gặp gỡ Giáng Sinh lên tài khoản Twitter của mình, cho thấy hai người với nụ cười trên môi khi họ cùng cắt một chiếc bánh Giáng Sinh.

Một bức ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải cho thấy họ ngồi cùng nhau trước cây thông Noel, trong khi một bức ảnh khác cho thấy Tướng Min Aung Hlaing đang trao số tiền quyên góp trị giá 20 triệu kyat hay 11,200 Mỹ Kim.

Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào tháng Hai, với hơn 1,300 người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Lực lượng dân quân chống đảo chính đã mọc lên trên khắp đất nước để chống lại chính quyền, một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất đã xảy ra ở các khu vực đa số theo Kitô Giáo.

Vào tháng 10, Hoa Kỳ cho biết họ “rất lo ngại” về các báo cáo theo đó lực lượng an ninh đã vi phạm nhân quyền và phá hủy hơn 100 ngôi nhà cũng như nhà thờ ở bang Chin nơi phần lớn dân chúng theo Kitô Giáo.

“Cho dù các nhà thờ Kitô Giáo đang bị đốt cháy, ngay cả khi đó Hồng Y [Bo] vẫn chấp nhận gặp ông ta [Min Aung Hlaing]” một người dùng đã đăng trên mạng xã hội bên dưới một báo cáo về cuộc họp của họ.

“Mọi người không nên đến và cầu nguyện với Hồng Y Bo nữa.”

“Điều này không đại diện cho người Công Giáo. Tại sao ngài lại cắt bánh với một kẻ giết người như vậy?” người khác đã viết.

Người Công Giáo Miến Điện được nhiều người kính trọng vì lập trường thẳng thắn chống lại bọn quân phiệt Miến Điện. Chính Đức Hồng Y Bo cũng nhiều lần lên án cuộc đảo chính của quân phiệt Miến Điện vào tháng Hai vừa qua. Tuy nhiên, ngài chủ trương đối thoại hơn là giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Dù thế nào, những tấm ảnh này là rất tai hại và có khả năng gieo rắc một sự nghi kỵ với người Phật tử Miến Điện.
Source:Yahoo News

2. Giáng Sinh tiếp tục bị cấm ở Brunei gây ra đau khổ cho các tín hữu Kitô

Thông tấn xã UCANews cho biết hàng năm vào mùa này, do tình trạng đắt đỏ tại Brunei, luật cấm tổ chức lễ Giáng Sinh và giá vé máy bay thấp đã kích thích một dòng người lũ lượt rời bỏ Brunei để đón lễ Giáng Sinh nơi khác.

Đường phố Brunei hoang vắng đến mức xơ xác là cảm nhận của nhiều người trong mùa Giáng Sinh. Phi Luật Tân được xem là điểm đến được ưa chuộng của người Brumei và người ngoại quốc đang sinh sống ở quốc gia này. Nhưng các quốc gia khác trong vùng cũng là điểm du lịch của họ, trừ ra Nam Dương, Singapore, Mã Lai Á nơi đã có những lo ngại về chi phí thử nghiệm virus hay tình trạng lây lan đang ở mức hiểm nghèo.

Từ năm 2014, một đạo luật đã được thông qua theo đó Kitô hữu được phép cử hành lễ Giáng Sinh ở nhà riêng của họ, nhưng tất cả những thể hiện bên ngoài bao gồm cả các trang trí tại các địa điểm công cộng cũng như trước tư gia đều bị cấm. Những ai vi phạm có thể bị phạt đến năm năm tù.

Những người Hồi giáo nào gửi lời chúc mừng Giáng Sinh, sử dụng cây Giáng Sinh hay đèn, mặc quần áo ông già Noel, hoặc mừng lễ Giáng Sinh cách này cách khác phải đối diện với án tù còn nặng hơn.

Lệnh cấm được đưa ra sau các áp lực lên chính quyền của các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Họ lo sợ những hình thức tưng bừng của lễ Giáng Sinh có thể cám dỗ người Hồi giáo bắt chước các thực hành Kitô giáo.

Brunei là một quốc gia Đông Nam Á với 416,000 dân trong đó 79% là người Hồi giáo, 9% Kitô Giáo, và 8% Phật giáo. Brunei có ba giáo xứ và 1,900 người Công Giáo. Cả ba giáo xứ Công Giáo đều phải tắt đèn, đóng cửa trong dịp Giáng Sinh.

Ngoài Brunei, còn có các quốc gia khác cấm ngặt việc cử hành lễ Giáng Sinh là Ả rập Xê-út, Bắc Hàn, Tajikistan, và Somalia.

Tổng giám đốc của bộ tôn giáo sự vụ Somalia giải thích lệnh cấm này như sau:

“Tất cả các sự kiện liên quan đến việc mừng Giáng Sinh và năm mới đều trái với văn hóa Hồi giáo, và có thể gây tổn hại niềm tin của cộng đồng Hồi giáo”.

3. Vụ phá hoại một nhà thờ Công Giáo ở miền nam Ấn Độ

Trong bản tin đánh đi hôm 23 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết một nhà thờ Công Giáo 160 tuổi ở quận Chikkaballapur, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ đã bị phá hoại vào sáng ngày 22 tháng 12. Theo xác nhận với Fides của Cha Joseh Anthony Daniel, linh mục quản xứ của Nhà thờ San José ở Susaipalya, cách Bangalore khoảng 65 km, những người không rõ danh tính đã vào nhà thờ vào khoảng năm giờ ba mươi sáng, phá hủy các phòng và làm hư hại các đồ thánh. Cha xứ đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát và họ đang điều tra các sự việc.

Trong những tuần gần đây, tại các quận khác nhau của bang Karnataka, miền nam Ấn Độ, đã xảy ra các đợt căng thẳng giữa các cộng đồng và bạo lực chống lại các tín hữu Kitô. Căn nguyên của căng thẳng là dự luật mới nhằm hạn chế các cuộc chuyển đổi tôn giáo, được trình bày trong quốc hội bang những ngày gần đây. Theo chính phủ quốc gia, trong tay của Đảng Dân tộc Ấn Giáo Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, dự luật có tên “Bảo vệ quyền tự do tôn giáo” nhằm ngăn chặn “các cuộc cải đạo cưỡng bức”. Theo các nhà quan sát, nó thực sự nhắm vào các nhóm thiểu số tôn giáo, cụ thể là Kitô Giáo và Hồi giáo; và thậm chí đưa ra các hình phạt khắc nghiệt hơn so với các luật tương tự đang có hiệu lực ở các bang khác của Ấn Độ. Đã có các cuộc biểu tình công khai chống lại dự luật khắp Karnataka, với sự tham gia của Đức Cha Peter Machado, Tổng Giám mục Công Giáo Bangalore.

Ở Karnataka, 84% trong số 61 triệu người là các tín hữu Ấn Giáo, trong khi người theo đạo Hồi chiếm 13% và các tín hữu Kitô chiếm 2% tổng dân số.
Source:Fides

4. Giáng Sinh trên khắp thế giới

Thông tấn xã AP có bài tường thuật nhan đề “Surging COVID cases make for another subdued Christmas Day”, nghĩa là “Số ca nhiễm COVID gây ra một Ngày Giáng Sinh im ắng khác.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các Kitô Hữu trên khắp thế giới đã tổ chức lễ Giáng Sinh COVID-19 lần thứ hai khi tình trạng nhiễm trùng gia tăng ở nhiều quốc gia khiến các bệnh viện phải chật cứng, hàng ngàn chuyến bay bị hủy và nhiều hoạt động tôn giáo bị hạn chế vào tối Giáng Sinh, bất kể một con số đông đảo đã được tiêm hai liều vắc xin coronavirus.

Trong khi một số quốc gia ở Á Châu áp đặt các hạn chế để cố gắng ngăn chặn biến thể omicron rất dễ lây lan, các chính phủ ở Âu Châu và các nơi khác vẫn chỉ yêu cầu ý thức chung mặc dù đã báo cáo các trường hợp hàng ngày trong tuần này, khuyên công dân của họ sử dụng khẩu trang và tự nguyện hạn chế quy mô tụ tập trong kỳ nghỉ.

Trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Marseille, Pháp, cho biết hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều là những người chưa tiêm chủng, trong khi các nhân viên của ông kiệt sức hoặc không thể làm việc vì bị nhiễm bệnh.

“Chúng tôi chán ngấn chuyện này”, bác sĩ Julien Carvelli, giám đốc ICU tại Bệnh viện Timone La Marseille, cho biết như trên khi nhóm của ông phải dành một đêm Giáng Sinh để chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 phải dùng máy thở. “Chúng tôi sợ rằng chúng tôi sẽ không có đủ giường bệnh.”

Hàng nghìn người trên khắp nước Anh đã được tiêm vắc-xin tăng cường vào dịp Giáng Sinh khi các trường hợp mắc mới ở Anh đạt kỷ lục hàng ngày là 122,186 trường hợp. Bác sĩ Emily Lawson, người đứng đầu chương trình tiêm chủng của Dịch vụ Y tế Quốc gia, cảm ơn các tình nguyện viên đã có mặt trong kỳ nghỉ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi của ngài để cầu nguyện cho các loại vắc xin đến được với các nước nghèo nhất. Trong khi các quốc gia giàu có đã tiêm chủng tới 90% dân số trưởng thành của họ, thì chỉ có 8.9% người dân Phi Châu được tiêm chủng đầy đủ. Phi Châu giờ đây trở thành lục địa được tiêm chủng ít nhất trên thế giới.

Ngài nói: “Lạy Chúa, Đấng-ở-cùng-chúng-con, xin ban sức khỏe cho người ốm yếu và truyền cảm hứng cho tất cả những người nam nữ thiện chí tìm kiếm những cách tốt nhất có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại và những ảnh hưởng của nó. Xin Chúa mở rộng cánh cửa nhiều tâm hồn để bảo đảm rằng dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết - và đặc biệt là vắc xin - được cung cấp cho những người cần đến chúng nhất. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đã quảng đại cống hiến hết mình để chăm sóc các thành viên trong gia đình, những người bệnh tật và những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng con.”

Chỉ có vài nghìn người tham dự buổi đọc sứ điệp Urbi et Orbi dưới trời mưa gió, nhưng vẫn còn tốt hơn năm ngoái, khi vụ khóa cửa Giáng Sinh ở Ý buộc Đức Phanxicô phải đọc sứ điệp Urbi et Orbi bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô gần như trống rỗng.

Tại một trung tâm tiếp nhận những người xin tị nạn trên đảo Síp thuộc Địa Trung Hải, Patricia Etoh, một người Công Giáo đến từ Cameroon, cho biết cô không có bất kỳ kế hoạch đặc biệt nào vì cảm giác không giống như Giáng Sinh nếu không có đứa con 6 tuổi của cô. Cô đã phải bỏ cháu lại phía sau.

Nhưng cô ấy nói thêm: “Chúng tôi biết ơn, chúng tôi đang sống, và khi chúng tôi còn sống, còn có hy vọng.”

Ở phía bên kia địa cầu, hàng trăm nghìn người ở Phi Luật Tân, quốc gia Công Giáo lớn nhất Á Châu, đã trải qua Giáng Sinh mà không có nhà cửa, điện, thức ăn và nước uống đầy đủ sau một cơn bão mạnh khiến ít nhất 375 người thiệt mạng vào tuần trước và tàn phá gần hết các tỉnh đảo miền Trung.

Thống đốc Arthur Yap của tỉnh Bohol bị ảnh hưởng nặng nề, nơi có hơn 100 người chết trong trận bão và khoảng 150,000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy, đã yêu cầu các cơ quan viện trợ nước ngoài giúp cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và hệ thống lọc nước để bổ sung cho viện trợ của chính phủ Phi Luật Tân.

“Có nỗi sợ hãi bao trùm. Không có quà, không có bữa tối đêm Giáng Sinh. Ngày hôm nay không gì cả”, Yap nói với Associated Press.

Yap cho biết anh rất vui vì nhiều người Phi Luật Tân có thể đón Giáng Sinh an toàn hơn sau khi số trường hợp COVID-19 giảm xuống, nhưng anh cầu xin: “Xin đừng quên chúng tôi.”

Ở Hàn Quốc, các quy định về giãn cách xã hội đã yêu cầu các nhà thờ phải giới hạn số người thờ phượng ở mức 70% chỗ ngồi và những người tham dự các cử hành phải được tiêm phòng đầy đủ.

Hàn Quốc đang phải vật lộn với tình trạng nhiễm trùng và tử vong tăng vọt kể từ khi nước này giảm đáng kể việc kiềm chế vi rút vào đầu tháng 11 như một phần trong nỗ lực trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Đất nước này cuối cùng đã buộc phải khôi phục chủ trương giãn cách xã hội khắc nghiệt của nó, trong đó áp đặt một giới hạn chỉ được bốn người tụ họp với nhau trong các cuộc gặp gỡ xã giao và giới nghiêm từ 21g cho các nhà hàng và quán cà phê.

Úc cũng đã có một Giáng Sinh với sự gia tăng của các trường hợp COVID-19, ở mức độ tồi tệ nhất của đại dịch, khiến các tiểu bang buộc phải khôi phục các quy định về khẩu trang y tế và các biện pháp khác.

Lễ Giáng Sinh đã giảm bớt ở phần lớn Ấn Độ, với nhiều đồ trang trí hơn là đám đông: Các nhà chức trách đưa ra lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế tụ tập trên 5 người ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai. Mọi người được tham dự Thánh lễ lúc nửa đêm ở Mumbai và những nơi khác, nhưng với số lượng ít hơn.

Thêm vào sự căng thẳng theo thông lệ của các chuyến du lịch vào kỳ nghỉ, các hãng hàng không trên thế giới đã hủy bỏ hàng trăm chuyến bay do biến thể omicron làm đảo lộn lịch trình và giảm nhân sự.

Theo FlightAware, hơn 3,900 chuyến bay dự kiến vào thứ Sáu và thứ Bảy đã bị hủy, với gần một nửa trong số đó có liên quan đến các hãng hàng không Trung Quốc. Khoảng 30% các chuyến bay bị ảnh hưởng - hơn 1,100 - là đến, từ hoặc trong nội địa Hoa Kỳ.

Số chuyến bay bị hủy vẫn chiếm một phần nhỏ các chuyến bay toàn cầu. FlightAware cho biết họ đã theo dõi hơn 100,000 chuyến bay đến nơi trong 24 giờ.

Khi đại dịch lây lan khắp thế giới trong hai năm qua, New Zealand đã tận dụng vị trí địa lý cô lập như một lợi thế cho mình. Kiểm soát biên giới đã ngăn chặn tình trạng tồi tệ nhất của vi rút. Tính đến Giáng Sinh năm nay, New Zealand đã ghi nhận 50 ca tử vong trong dân số 5.5 triệu người.

Người dân New Zealand tận hưởng kỳ nghỉ giữa mùa hè ấm áp với ít hạn chế. Đất nước của họ có một trong những dân số được tiêm chủng nhiều nhất thế giới, với 95% người lớn đã tiêm ít nhất một liều. Đất nước này cũng là một trong số ít các quốc gia chưa bị omicron tấn công.

Nhưng thành công đó phải trả giá đắt. Có những chiếc ghế trống ở một số bàn gia đình trong mùa lễ này vì một số người New Zealand sống và làm việc ở nước ngoài không thể trở về nhà do yêu cầu cách ly và kiểm dịch.

Ở Fiji, nhiều người ở quốc gia có lòng đạo sâu sắc này sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh tại các buổi lễ nhà thờ truyền thống và các buổi họp mặt gia đình. Hòn đảo Thái Bình Dương đang bùng phát dịch bệnh và số người chết vì đại dịch lên tới gần 700 người, nhưng 92% dân số trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ.

Bộ trưởng Y tế James Fong, trong một thông điệp Giáng Sinh, kêu gọi người dân Fiji “hãy ăn mừng một cách khôn ngoan.”

Ở tỉnh Macuata xa xôi, cư dân của bốn ngôi làng đã nhận được một món quà Giáng Sinh đặc biệt: Lần đầu tiên điện được kết nối với làng của họ.
Source:Crux