1. Tù nhân trong các trại của Triều Tiên buộc phải sản xuất nhiều hơn cho người Trung Quốc

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết bọn cầm quyền Triều Tiên đang buộc các tù nhân trong các trại tập trung phải sản xuất nhiều hơn. Daily NK, một tờ báo có trụ sở tại Hán Thành có liên hệ với Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đã cho biết như trên.

Theo các nguồn tin của tờ báo, việc tăng cường sản xuất trong các trại của Triều Tiên là một phần trong một loạt các thỏa thuận giữa chế độ của Kim Chính Ân và các công ty Trung Quốc.

Các trại này nằm ở Giới Xuyên (Kaechon, 개천) và Bạch Đầu (Paektu, 백두) nơi Bộ An sinh Xã hội của Triều Tiên đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra trong tháng này để kiểm tra mức sản xuất. Các thành phẩm bao gồm quần áo, tóc giả và lông mi giả.

Hoạt động sản xuất tiếp tục trở lại sau khi có nguyên liệu thô từ Trung Quốc, trước đó bị chặn bởi các hạn chế COVID-19. Ngay sau khi đại dịch bùng phát, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới của mình, bao gồm cả biên giới với Trung Quốc.

Lao động cưỡng bức có thể giúp sản xuất hàng xuất khẩu trong một môi trường khép kín và được kiểm soát, do đó giảm nguy cơ lây lan bệnh nhiễm trùng.

Triều Tiên phụ thuộc kinh tế và chính trị vào Trung Quốc. Năm 2019, thương mại song phương chiếm 95.4% tổng kim ngạch ngoại thương; năm 2007, con số này là 67.1%.

Do các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại thực sự duy nhất của chế độ Kim Chính Ân.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, được đánh dấu bằng tình trạng thiếu lương thực triền miên, Kim đã công bố “các biện pháp cách mạng quan trọng” để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Lệnh của Kim được đưa ra trong cuộc họp toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân khóa 8, hiện đang được tiến hành. Đảng này đã nắm quyền kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Cộng đồng quốc tế, với Liên hợp quốc đứng đầu, đã nhiều lần lên án việc chính quyền Triều Tiên bóc lột các tù nhân, tương đương với chế độ nô lệ, một tội ác chống lại loài người.

Theo thông tin có được, Triều Tiên hiện đang vận hành 5 trại lao động dành cho tù nhân chính trị: 4 trại do Bộ An ninh Nhà nước điều hành và 1 trại do Bộ An sinh Xã hội điều hành. Ngoài ra còn có 16 cơ sở giáo dục.

Theo Daily NK, kể từ khi đại dịch bùng phát, số lượng người bị bắt giữ ở nước này đã tăng lên đáng kể.

Nhiều người Triều Tiên đã phải vào trại tập trung của chế độ vì vi phạm các quy tắc cách ly, được coi là mối đe dọa đối với nền kinh tế của đất nước.
Source:Asia News

2. Lãnh đạo Ấn Giáo bị bắt vì xúc phạm Gandhi

Cảnh sát Ấn Độ hôm thứ Năm đã bắt giữ một nhà lãnh đạo Ấn Giáo vì bị cáo buộc có bài phát biểu xúc phạm nhà lãnh đạo độc lập của Ấn Độ Mohandas Gandhi và ca ngợi kẻ ám sát ông ta.

Mahatma Gandhi bị một phần tử cực đoan Ấn Giáo bắn chết trong một buổi cầu nguyện ở thủ đô Ấn Độ vào năm 1948, vì ông được coi là có thiện cảm với người Hồi giáo trong quá trình phân chia tiểu lục địa Ấn Độ của thực dân Anh vào năm 1947. Anh quốc đã chia bán đảo này thành Ấn Độ thế tục và Pakistan Hồi giáo.

Hãng thông tấn Press Trust of India dẫn lời cảnh sát Prashant Agrawal cho biết Kalicharan Maharaj đã bị bắt ở trung tâm bang Madhya Pradesh hôm thứ Năm vì bị cáo buộc kích động sự thù hận giữa các nhóm tôn giáo trong một bài phát biểu vào đầu tuần này.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Maharaj nói “Gandhi đã phá hủy đất nước... lời chào tới Nathuram Godse, người đã giết anh ta.”

Anh ta sẽ chính thức bị buộc tội trước tòa sau khi cảnh sát hoàn tất cuộc điều tra. Nếu bị kết tội, anh ta có thể bị bỏ tù tới 5 năm.

Các cuộc tấn công của những người theo Ấn Độ giáo cứng rắn chống lại người Hồi giáo và các nhóm thiểu số khác đã gia tăng sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014 và giành chiến thắng trong cuộc tái bầu cử năm 2019.

Phe đối lập cũng đang yêu cầu bắt giữ một số nhà lãnh đạo Ấn Giáo khác vì đã có những bài phát biểu mang tính kích động cao chống lại người Hồi giáo tại một cuộc họp tôn giáo kín, được gọi là Dharam Sansad, vào đầu tháng này ở thành phố phía bắc Haridwar. Theo đơn khiếu nại của cảnh sát, những kẻ này đã kêu gọi những người theo Ấn Giáo tự vũ trang cho “một cuộc diệt chủng” đối với người Hồi giáo.

Cảnh sát ở bang Uttarakhand, do Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc của Modi cầm quyền, cho biết họ đang thẩm vấn các nghi phạm. Chưa có lệnh bắt nào được đưa ra.
Source:ABC News

3. Cán-bộ-Giám-Mục Hoa Lục o ép hàng giáo sĩ Hương Cảng theo Tập bỏ Vatican

Thông tấn xã Reuters vừa có bài viết nhan đề “Exclusive-Historic conclave: Chinese bishops, priests brief Hong Kong clerics on Xi's view of religion”, nghĩa là “Mật nghị lịch sử chưa từng có: Các Giám mục, và linh mục Trung Quốc giới thiệu tóm tắt với các giáo sĩ Hương Cảng về quan điểm của ông Tập về tôn giáo”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Theo bốn giáo sĩ tiết lộ, các giám mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo Trung Quốc đã tường trình cho các giáo sĩ Công Giáo Hương Cảng về viễn kiến tôn giáo mang “đặc điểm Trung Quốc” của Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp chưa từng có do văn phòng đại diện của đại lục tại thành phố tổ chức.

Các giáo sĩ đã tham dự hoặc biết về cuộc họp ngày 31 tháng 10 mô tả đây là động thái quyết liệt nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực ảnh hưởng đến giáo phận Hương Cảng, vốn trung thành với Vatican và bao gồm một số nhà lãnh đạo cao cấp từ lâu đã bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền trong lãnh thổ bán tự trị này.

Các giáo sĩ cho Reuters biết, mặc dù các nhà lãnh đạo Công Giáo của Hương Cảng đã từng gặp riêng những người đồng cấp đại lục của các ngài trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên hai bên gặp gỡ chính thức - và lần đầu tiên các quan chức tôn giáo ở đại lục chủ động một cuộc gặp gỡ như vậy.

Các ngài nói rằng bất chấp tính biểu tượng của cuộc họp, các quan chức đại lục và các nhà lãnh đạo tôn giáo thường tránh một thông điệp chính trị công khai.

Cuộc họp, không được tiết lộ công khai, cũng làm sáng tỏ những gì một số nhân vật tôn giáo, chính trị và ngoại giao mô tả là vai trò ngày càng mở rộng của Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương của Bắc Kinh tại Hương Cảng, nơi chính thức đại diện cho đại lục trong thành phố này, nhưng theo truyền thống vẫn tỏ ra kín đáo.

Văn phòng Liên lạc và các quan chức của Cục Quản lý Nhà nước về các vấn đề tôn giáo đã giám sát các phiên họp qua Zoom trong khi ba giám mục hàng đầu và khoảng 15 nhân vật tôn giáo từ Giáo Hội Công Giáo chính thức được bọn cầm quyền Trung Quốc hậu thuẫn và khoảng 15 giáo sĩ cấp cao ở Hương Cảng đã tham gia cuộc họp kéo dài một ngày.

Vatican coi Hương Cảng là một giáo phận duy nhất nên chỉ có một giám mục. Văn phòng Liên lạc và Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Susanne Ho, phát ngôn viên của Giáo phận Công Giáo Hương Cảng, nói với Reuters rằng giáo phận “không tiết lộ chi tiết về các cuộc họp riêng”.

Phát ngôn viên của Vatican Matteo Bruni không đưa ra bình luận gì.

KHÔNG NHẮC ĐẾN TẬP

Hai giáo sĩ cho biết, các diễn giả đại lục đã không thẳng thừng đề cập đến ông Tập hay đưa ra bất kỳ chỉ thị hay mệnh lệnh nào; họ chỉ quảng cáo rằng chính sách “Trung Hoa hóa” của ông Tập phù hợp với các chính sách hội nhập văn hóa của Vatican – trong đó hội nhập Kitô Giáo vào các nền văn hóa truyền thống, phi Kitô Giáo.

Tập từ lâu là một người ủng hộ tích cực đường lối Trung Hoa hóa, đặt ra các chính sách để ép buộc các tôn giáo phải theo đuổi những gì ông ta gọi là “bản sắc Trung Quốc” và phải có các mối quan hệ gần gũi hơn với đảng và nhà nước. Nó bao gồm việc buộc các tôn giáo phải gắn kết chặt chẽ hơn với văn hóa Trung Quốc, chủ nghĩa yêu nước và mục tiêu của Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà nước để đạt được “giấc mơ Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình.

Một giáo sĩ nhận xét rằng “Đây chỉ là bước đầu tiên và tôi cảm thấy họ biết rằng họ không thể đi vào điều này quá sức nặng nề hoặc giáo điều”.

“Tất cả chúng ta đều biết thuật ngữ Trung Hoa hóa mang một chương trình nghị sự chính trị đằng sau nó, và họ không cần phải nói thẳng điều đó ra.”

Giáo sĩ thứ hai nói “Tập là con voi trong phòng”. Xin mở ngoặc để giải thích thêm cụm từ “con voi trong phòng”, tiếng Anh là “the elephant in the room”, được dùng trong thế giới nói tiếng Anh để chỉ một vấn đề, hay một nhân vật sờ sờ ra đó và có một tầm ảnh hưởng lớn nhưng người ta cố ý không đề cập đến.

Hai giáo sĩ cho biết, phía Hương Cảng đã nói một cách rộng rãi về chính sách hội nhập văn hóa lâu dài, tránh đưa ra bất kỳ hành vi xúc phạm chính trị nào và bất kỳ chủ đề nào có thể lôi kéo sự can thiệp của đại lục.

VIỆC BỔ NHIỆM GIÁM MỤC MỚI

Cuộc họp diễn ra chỉ vài tuần trước lễ tấn phong cho Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ) làm tân Giám mục Hương Cảng trong tháng 12 vừa qua, đó là một cuộc bổ nhiệm ôn hòa của Vatican sau hai nỗ lực thất bại trong việc bổ nhiệm chức vụ này. Giữa những áp lực khác, Bắc Kinh đã tìm cách tác động đến quyết định này.

Phía Hương Cảng được dẫn đầu bởi một linh mục cao cấp, Cha Phêrô Thái Huệ Văn (Choy Wai-man - 蔡蕙文), một nhân vật được nhiều người Công Giáo địa phương coi là gần gũi với Bắc Kinh và trước đó là ứng viên sáng giá cho chức giám mục Hương Cảng.

Ba trong số các giáo sĩ cho biết Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân, lúc đó đã được bổ nhiệm Giám mục Hương Cảng, đã tham dự sự kiện này chỉ một thời gian ngắn sau khi buổi họp được khai mạc, điều này có thể cho ngài cơ hội để tác động trong tương lai.

Các giáo sĩ cho biết Hồng Y Thang Hán, Giám Quản Tông Tòa, đã khai mạc và bế mạc sự kiện này.

Người phát ngôn của giáo phận cho biết Cha Phêrô Thái Huệ Văn, Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân và Hồng Y Thang Hán không đưa ra bình luận gì trong buổi họp.

Trong khi có một số thành phần chính quyền và giới tinh hoa thương mại của Hương Cảng theo Công Giáo và thân Bắc Kinh, bao gồm cả lãnh đạo thành phố Carrie Lam hay Lâm Trịnh Nguyệt Nga, thì những người Công Giáo khác từ lâu đã tích cực trong các phong trào ủng hộ dân chủ và chống chính phủ.

Đầu tháng 12 vừa qua, ông Tập đã phát biểu trong một hội nghị ở Bắc Kinh, được mô tả trong các báo cáo chính thức là Hội nghị Công tác Quốc gia về các vấn đề tôn giáo, rằng tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc cần phải tuân theo Đảng Cộng sản, mở rộng một trong những chính sách lâu nay của ông ta.

Ông Tập nói “Chúng ta phải duy trì đường lối cơ bản của Đảng về công tác tôn giáo, chúng ta phải tiếp tục chỉ đạo đất nước chúng ta trong việc vô hiệu hóa tôn giáo, chúng ta phải tiếp tục thu hút đông đảo tín đồ tôn giáo, đoàn kết họ xung quanh đảng và chính phủ”.

VẪN LÀ MỘT CỨ ĐIỂM

Một số nhà ngoại giao và nhà hoạt động cho biết họ đang theo dõi sát sao những diễn biến sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng đối với Hương Cảng vào tháng 6 năm 2020.

Họ coi các quyền tự do và truyền thống tôn giáo rộng rãi của Hương Cảng, như pháp quyền, là một trong những thành trì còn lại của mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” mà theo đó Anh đã trao lại thuộc địa cũ cho Trung Quốc vào năm 1997.

Luật Cơ bản, hiến pháp nhỏ điều hành “một quốc gia, hai hệ thống”, quy định rõ ràng về tự do lương tâm và tự do tôn giáo rộng rãi, bao gồm quyền thuyết giảng trước công chúng.

Giáo Hội ở Hương Cảng về cơ bản hoạt động theo các đường lối trước năm 1997, giữ liên lạc chặt chẽ với Vatican và tổ chức sự hiện diện rộng rãi của các nhà truyền giáo nước ngoài.

Các quan chức Vatican cho biết, một thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và Tòa thánh vào năm 2018 nhằm xoa dịu xích mích lâu dài bằng cách cho phép chính phủ Trung Quốc có tiếng nói quan trọng trong việc bổ nhiệm giám mục của Vatican, nhưng thoả thuận đó không áp dụng cho Hương Cảng.

Các quan chức Trung Quốc và Hương Cảng đã nhiều lần nói rằng các quyền tự do rộng rãi của thành phố, bao gồm cả tự do tín ngưỡng và theo đạo, vẫn còn nguyên vẹn.

Ba giáo sĩ cho biết cuộc họp tháng 10 kết thúc với sự hiểu biết lỏng lẻo của cả hai bên rằng các phiên họp trong tương lai sẽ được tổ chức nhưng không có ngày nào được ấn định.

Một linh mục nói “Áp lực đang đè nặng lên chúng tôi ở Hương Cảng... một số người trong chúng tôi coi Trung Hoa hóa là chiêu bài cho quá trình Tập Cận Bình hóa. Chúng tôi sẽ phải khéo léo để chống lại.”


Source:Reuters