1. Giáo Hội Tây Ban Nha mở cuộc điều tra về tình trạng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ

Trên chuyến bay trở về Rôma trong chuyến tông du gần đây đến Síp và Hy Lạp, một phóng viên của tờ báo El País có trụ sở ở Madrid đã đưa cho Đức Giáo Hoàng một hồ sơ dài 385 trang về 1,237 trường hợp cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ở Tây Ban Nha kể từ năm 1942.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng đã nhận được tài liệu và gửi nó đến các “cơ quan có thẩm quyền” để điều tra, và “có thể tiến hành xét xử theo giáo luật hiện hành.”

Đây là một tham chiếu rõ ràng đến Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha và Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, là cơ quan điều tra và xét xử các cáo buộc lạm dụng tình dục.

Theo luật hiện hành của Giáo hội, các giám mục Tây Ban Nha sẽ phải thông báo cho chính quyền dân sự về các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng.

Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha trả lời: “Điều chúng tôi ước ao là những lời buộc tội trong báo cáo nói trên có tính chặt chẽ hơn, vì nội dung của nó, rất khác nhau về bản chất, khiến cho khó lòng đưa ra kết luận về tính khả thi của một cuộc điều tra đối với các cáo buộc này. Đặc biệt là trong trường hợp không có tên của người bị cáo buộc lạm dụng, ngày tháng xảy ra hành vi lạm dụng hoặc người bị cáo buộc đã qua đời”.

Tuy nhiên, để chứng tỏ thiện chí, Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha sẽ mở một cuộc điều tra về các cáo buộc này trong khoảng thời gian 80 năm mà tờ El Pais đã đưa ra.

Cuộc điều tra sẽ xem xét các cáo buộc lạm dụng đối với 251 linh mục và một số giáo dân.

Tờ báo thế tục khét tiếng bài Công Giáo cho rằng số nạn nhân ít nhất là 1,237 người nhưng có thể lên đến hàng nghìn người. Các cáo buộc liên quan đến 31 dòng tu và 31 trong số 70 giáo phận của Tây Ban Nha. Trường hợp lâu đời nhất diễn ra từ năm 1942 và gần đây nhất là vào năm 2018.

Cuộc điều tra sẽ được thực hiện bởi Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Juan Jose Omella, tổng giám mục của Barcelona, chủ tịch Hội Đồng.

Theo ước lượng vào tháng 7 năm ngoái 2021, dân số Tây Ban Nha là 47,261,000 người. Người Công Giáo chiếm 58.2%, cụ thể là 27,506,000. Trong khi đó, dân số tại Pháp là 60,656,000 người. Người Công Giáo chiếm 88% dân số, cụ thể là 53,377,000 người. Như thế, số người Công Giáo Pháp gần gấp đôi số người Công Giáo Tây Ban Nha. Tờ El Pais khét tiếng bài Công Giáo như thế chỉ dám đưa ra cáo buộc số nạn nhân là 1,237 người. Với các hoàn cảnh sống, văn hóa có nhiều điểm tương đồng, một cách hợp lý có thể cho rằng số trường hợp bị lạm dụng ở Pháp cùng lắm là 3,000 người, thế mà tay Jean-Marc Sauvé dám đưa ra một con số kinh khủng là 330,000 người, nghĩa là 110 lần nhiều hơn con số có thể tin nổi.
Source:MSN

2. Đức Cha Michiaki Nakamura trở thành Tân Tổng Giám Mục Nagasaki

Tổng giáo phận Nagasaki, cái nôi của Công Giáo Nhật Bản và các vị tử đạo, có một tổng giám mục mới, là Đức Cha Phêrô Michiaki Nakamura (中村倫明),phiên ra tiếng Việt là Trung Thôn Luân Minh.

Hôm 29 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Nakamura, 59 tuổi, hiện đang giữ chức Giám Mục Phụ Tá của cùng một tổng giáo phận, thay thế Đức Tổng Giám Mục Giuse Mitsuaki Takami (高見三明), phiên ra tiếng Việt là Cao Hiện Tam Minh, 75 tuổi, lãnh đạo tổng giáo phận này kể từ năm 2002.

Đức Tổng Giám Mục Takami, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản từ năm 2016, chào đời 7 tháng sau vụ đánh bom nguyên tử, trong đó ngài mất bà nội, hai dì và một chú.

Trong suốt sứ vụ của mình, Đức Cha Takami liên tục kêu gọi hòa bình, mà thảm kịch ở Nagasaki đã để lại di sản cho Giáo hội của ngài. “Một quả bom nguyên tử có nghĩa là sự phủ nhận hoàn toàn phẩm giá của con người,” ngài nói trong một bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc năm 2010.

Sinh ngày 21 tháng 3 năm 1962 tại Saikai, Nagasaki, vị tân tổng giám mục cũng lớn lên với hoàn cảnh tương tự.

Thụ phong linh mục năm 1988 trong hàng giáo phẩm của giáo phận, sau đó ngài hoàn thành khóa học về thần học luân lý tại Học viện Anphongsô của Rôma.

Trở lại Nhật Bản, ngài giảng dạy tại tiểu chủng viện Nagasaki và trong các đại chủng viện ở Fukuoka và Tokyo, đồng thời cử hành các thánh lễ tại các giáo xứ Togitsu và Uematsu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Nagasaki vào tháng 5 năm 2019, vài tháng trước chuyến tông du của ngài tới Nhật Bản.

Trong một thông điệp gửi đến tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục sắp mãn nhiệm Takami đã thông báo việc bổ nhiệm Đức Cha Nakamura và ngày 23 tháng 2 năm 2022 được ấn định là ngày chính thức nhậm chức của ngài.

“Chúng ta hãy cầu xin sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và xin Chúa ban sức khỏe và chúc lành cho công việc của Đức Tổng Giám Mục Michiaki Nakamura, và nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin cho cộng đoàn Giáo hội tại Nagasaki ngày càng lớn mạnh và phát triển. Tôi sẽ rất biết ơn nếu anh chị em cũng sẽ cầu nguyện cho tôi.”
Source:Asia News

3. Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha trong Năm 2021

Theo 5 nhà báo được thông tấn xã ECCLESIA của Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha phỏng vấn, năm 2021 đối với Giáo Hội Công Giáo ở Bồ Đào Nha được đánh dấu bởi những tác động tiêu cực của đại dịch, phản ứng đối với tội lỗi lạm dụng trẻ vị thành niên, dấn thân cho thanh niên và một số bổ nhiệm giám mục.

Giám đốc của tờ báo 'Diário do Minho', thuộc Tổng giáo phận Braga, nhấn mạnh rằng “khía cạnh tiêu cực nhất” trong năm 2021, theo quan điểm tôn giáo, là đại dịch Covid-19. Nó hạn chế nghiêm trọng các hình thức của lòng đạo đức bình dân ở Minho.

Về điểm tích cực, giám đốc của 'Diário do Minho' nhấn mạnh việc bổ nhiệm và nhậm chức của Đức Cha João Lavrador làm giám mục của Giáo phận Viana do Castelo lân cận.

Đối với Olímpia Mairos, một nhà báo tại Rádio Renascença, những điểm nổi bật tích cực và tiêu cực cũng tập trung vào đại dịch, mà cô ấy coi là cơ hội để Giáo Hội Công Giáo “mở cửa, ra ngoài và gặp gỡ những người bị cô lập”

“Chúng tôi sống trong lãnh thổ Trás-os-Montes, nơi có rất nhiều người cao niên không sử dụng mạng xã hội hoặc công nghệ mới”

Nhà báo cũng nhấn mạnh “vết thương của lạm dụng tình dục trong Giáo hội” là một khía cạnh tiêu cực, mặc dù ghi nhận rằng đa số người Bồ Đào Nha đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo Giáo hội “muốn biết quy mô thực sự của vấn đề”, cụ thể là ở Bồ Đào Nha, Hội Đồng Giám Mục đã bổ nhiệm một ủy ban dành riêng cho chủ đề này.

Giám đốc của tờ báo 'Mensageiro de Bragança' chỉ ra rằng các báo cáo về những vụ lạm dụng trong Giáo hội ở Pháp đã phủ lên “một bóng đen bao trùm toàn bộ Giáo hội”.

“Điều quan trọng khác là Giáo hội sẽ đối phó với những tình huống kiểu này như thế nào. Tôi nghĩ rằng quan điểm của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha là quan trọng”

Đối với người đứng đầu tờ báo của Giáo phận Bragança-Miranda, việc bổ nhiệm Đức Cha José Cordeiro, làm Tổng Giám Mục mới của Braga là một điểm nhấn tích cực, bởi vì “điều quan trọng là Giáo hội phải có tiếng nói mới”, biết một thực tế khác và cũng đưa “Giáo hội đến với những người trẻ nhất”.

António Gonçalves Rodrigues cũng nhấn mạnh đại dịch Covid-19, do những tác động tiêu cực mà nó tiếp tục gây ra đối với nền kinh tế, đối với “niềm tin của người dân”, và mặt khác, trên con đường mà đất nước “thống nhất với nhau nhằm khắc phục tai ương này “.

Cláudia Sebastião, từ tạp chí 'Família Cristiana', hy vọng rằng đại dịch có thể “mang lại những điều tốt nhất” cho con người và “những điều tốt nhất trên thế giới”. Cô cảnh báo về “chủ nghĩa cực đoan”. Như một điểm tích cực, nhà báo nêu bật “sự giúp đỡ lẫn nhau” giữa các tổ chức khác nhau và “những người bình thường” trong bối cảnh của Covid-19, trong Giáo hội và trong xã hội, và lấy làm tiếc rằng mọi người phải tham dự các thánh lễ trực tuyến vì người dân Bồ Đào Nha đã quen với việc “trở thành cộng đồng, đích thân đi đến nhà thờ, đến các thánh lễ”.

Tại Giáo phận Algarve, nhà báo Samuel Mendonça cho rằng “động lực” liên quan đến giới trẻ, trong phạm vi của Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo, ở Lisbon, là một trong những yếu tố tích cực.

Giám đốc tờ báo giáo phận 'Folha do Domingo' cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của giáo phận “trên các mạng xã hội và trong môi trường kỹ thuật số đã được tăng cường rất nhiều” vào năm 2021.


Source:agencia.ecclesia.pt