Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm, là Chúa Nhật Lời Chúa.
Trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao các thừa tác vụ giáo lý viên, và đọc sách cho anh chị em giáo dân lần đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Các ứng viên đã đến từ ba châu lục. Hai người đến từ vùng Amazon ở Peru được Đức Giáo Hoàng trao thừa tác vụ giáo lý viên, cùng với các ứng viên khác đến từ Brazil, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Ngài cũng đã trao thừa tác vụ đọc sách cho anh chị em giáo dân từ Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và Ý.
Những người được gọi đến thừa tác vụ đọc sách đã được trao tặng một cuốn Kinh thánh, trong khi các giáo lý viên được giao phó một cây thánh giá. Cây thánh giá này là một bản sao của thánh giá mục vụ được sử dụng bởi các vị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II.
Trong số các ứng viên được Đức Thánh Cha Phanxicô trao thừa tác vụ trong thánh lễ này có chủ tịch Trung tâm Phòng thí nghiệm Rôma, được thành lập bởi Arnaldo Canepa, người đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời của mình cho việc dạy giáo lý cho trẻ em.
Do hạn chế đi lại liên quan đến sự bùng phát của biến thể omicron COVID-19, các ứng viên từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda đã không thể tham gia Thánh lễ, như kế hoạch ban đầu. Sự tham dự tại Đền Thờ Thánh Phêrô cũng được giới hạn chỉ 2,000 người.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Mọi thứ bắt đầu bằng lời Chúa nói với chúng ta. Nơi Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu của Người, Chúa Cha “đã chọn chúng ta từ trước khi sáng thế” (Ep 1: 4). Nhờ Lời đó, Người đã tạo dựng vũ trụ: “Người đã nói, và nó đã hiện hữu” (Tv 33: 9). Từ thuở xưa, Người đã nói với chúng ta qua các ngôn sứ (x. Dt 1: 1), và cuối cùng, trong thời viên mãn (x. Gl 4, 4), Người đã gửi đến chúng ta chính Lời đó, là Con một của Người. Đó là lý do tại sao trong Tin Mừng, sau khi đọc sách Isaia, Chúa Giêsu nói một điều hoàn toàn bất ngờ: “Hôm nay lời Kinh thánh này đã được ứng nghiệm” (Lc 4:21). Được ứng nghiệm: lời Chúa không còn là một lời hứa nữa, nhưng bây giờ đã được ứng nghiệm. Trong Chúa Giêsu, lời hứa đã mang lấy xác thịt. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa đã đến ở giữa chúng ta và mong muốn tiếp tục ở giữa chúng ta, để hoàn thành những mong đợi của chúng ta và chữa lành vết thương của chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, như những người trong hội đường Nazareth xưa (xem câu 20). Họ dán mắt vào Ngài, vì Ngài là một người trong số họ, và tự hỏi, “Sự mới mẻ này là gì? Anh ta sẽ làm gì, con người này, là người mà mọi người đang bàn tán?” Còn chúng ta, chúng ta hãy đón nhận lời Người. Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm về hai khía cạnh liên kết với nhau của điều này: lời mạc khải Thiên Chúa và lời dẫn chúng ta đến với con người. Ngôi Lời là trung tâm: mạc khải Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến với con người.
Đầu tiên, Ngôi Lời mạc khải Thiên Chúa. Khi bắt đầu sứ vụ, khi bình luận về những lời của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã loan báo một quyết định rõ ràng: Người đến để giải thoát những người nghèo và những người bị áp bức (xem câu 18). Bằng cách này, chính qua thánh thư, Ngài cho thấy thiên nhan Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến sự nghèo khó của chúng ta và quan tâm đến số phận của chúng ta. Thiên Chúa không phải là một padrone, nghĩa là một vị lãnh chúa, xa cách và trên cao - một hình ảnh xấu xí nhưng không có thật của Thiên Chúa – nhưng Ngài mà là một Padre, một người Cha, luôn theo sát từng bước đi của chúng ta. Ngài không phải là người ngoài cuộc lạnh lùng, tách biệt và vô tình, một “Vị thần toán học”. Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhiệt tình quan tâm đến cuộc sống của chúng ta và tham gia vào cuộc đời chúng ta, thậm chí chia sẻ những giọt nước mắt của chúng ta. Ngài không phải là vị thần trung lập và thờ ơ, mà là Thánh Linh, người yêu của nhân loại, bảo vệ chúng ta, khuyên bảo chúng ta, bênh vực chúng ta, nâng đỡ chúng ta và gánh chịu nỗi đau của chúng ta. Người luôn có mặt. Đây là “tin mừng” (câu 18) mà Chúa Giêsu loan báo trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người: Thiên Chúa đang ở gần, và Ngài muốn chăm sóc cho tôi và cho anh chị em, cho tất cả mọi người. Cách thức của Thiên Chúa là gần gũi. Ngài thậm chí còn tự định nghĩa mình là sự gần gũi. Trong sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa nói với mọi người: “có dân tộc nào được thần minh ở gần, như Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta” (Đnl 4: 7). Một vị thần của sự gần gũi, của sự gần gũi từ bi và dịu dàng. Ngài muốn giải tỏa những gánh nặng đè bẹp anh chị em, sưởi ấm cái lạnh giá mùa đông của anh chị em, để làm bừng sáng sự thê lương thường ngày của anh chị em và nâng đỡ những bước chân chùn bước của anh chị em. Ngài làm điều này bằng lời nói của Ngài, bằng lời thắp lên hy vọng trở lại giữa đống tro tàn của những nỗi sợ hãi của anh chị em, để giúp anh chị em tìm lại niềm vui khi thoát ra khỏi mê cung của nỗi buồn, để lấp đầy hy vọng vào cảm giác cô đơn của anh chị em. Người khiến anh chị em tiến về phía trước, không phải trong mê cung, mà là trên hành trình hàng ngày để tìm kiếm Người.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có mang trong lòng mình hình ảnh giải thoát này của Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự gần gũi, từ bi và dịu dàng, hay chúng ta nghĩ về Người như một thẩm phán nhẫn tâm, một kế toán viên luôn ghi chép từng khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta? Có phải đức tin của chúng ta tạo ra hy vọng và niềm vui, hay giữa chúng ta vẫn còn một đức tin vẫn bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi, một đức tin khiếp sợ? Khuôn mặt của Thiên Chúa mà chúng ta công bố trong Hội Thánh là gì? Đấng Cứu Rỗi giải thoát và chữa lành, hay Thiên Chúa đáng sợ, người đè nặng chúng ta với cảm giác tội lỗi? Để hoán cải chúng ta hướng đến Thiên Chúa thật, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy phải bắt đầu từ đâu: từ lời của Người. Từ đó, bằng cách kể cho chúng ta câu chuyện về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Chúa Giêsu giải phóng chúng ta khỏi những sợ hãi và định kiến về Thiên Chúa đã bóp nghẹt niềm vui đức tin. Ngôi Lời đã lật đổ những thần tượng giả dối, vạch trần những dự đoán của chúng ta, phá hủy tất cả những hình ảnh quá phàm tục của chúng ta về Thiên Chúa và đưa chúng ta trở lại nhìn thấy thiên nhan đích thật của Ngài, lòng thương xót của Ngài. Lời Chúa nuôi dưỡng và đổi mới đức tin: chúng ta hãy đặt Lời Chúa trở lại trung tâm của lời cầu nguyện và đời sống thiêng liêng của chúng ta! Chúng ta hãy đặt ở trung tâm lời mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là như thế nào. Lời kéo chúng ta đến gần Chúa.
Bây giờ là khía cạnh thứ hai: Lời Chúa dẫn chúng ta đến với con người. Đến với Chúa và đến với con người. Chính khi khám phá ra rằng Thiên Chúa là tình yêu thương nhân hậu, chúng ta đã vượt qua cám dỗ khép mình trong một tôn giáo chỉ dành cho sự thờ phượng bên ngoài, một tôn giáo không thể chạm đến và không thể biến đổi cuộc sống của chúng ta. Đây là sự thờ ngẫu tượng, dù được che đậy và tinh tế, nhưng nói cho cùng là tôn thờ ngẫu tượng. Lời Chúa thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi chính mình và gặp gỡ anh chị em của chúng ta chỉ với sức mạnh âm thầm từ tình yêu giải phóng của Thiên Chúa. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu cho chúng ta thấy trong hội đường Nazareth: Người đã được sai đến với những người nghèo - là tất cả chúng ta - để giải thoát họ. Ngài không đến để đưa ra một bộ quy tắc hoặc để cử hành một nghi lễ tôn giáo nào đó; đúng hơn, Người đã xuống đường phố của thế giới chúng ta để gặp gỡ nhân loại bị thương của chúng ta, để vuốt ve những khuôn mặt đang nhăn nheo vì đau khổ, để băng bó những trái tim tan vỡ và để giải thoát chúng ta khỏi các xiềng xích giam cầm linh hồn. Bằng cách này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy cách thức thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa nhất: đó là quan tâm đến người lân cận. Chúng ta cần quay lại vấn đề này. Bất cứ khi nào trong Hội Thánh có những cám dỗ đến sự cứng nhắc, vốn là một sự đồi bại, bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng việc tìm kiếm Chúa có nghĩa là trở nên cứng rắn hơn, với nhiều luật lệ hơn, những điều đúng đắn, những điều rõ ràng… thì đó không phải là cách. Khi nhìn thấy những đề xuất có phần cứng nhắc, chúng ta hãy nghĩ ngay: đây là một ngẫu tượng, không phải là Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải như vậy.
Anh chị em thân mến, lời Chúa thay đổi chúng ta. Sự cứng nhắc không thay đổi chúng ta, nó che giấu chúng ta; Lời Chúa thay đổi chúng ta. Lời Chúa xuyên thấu tâm hồn chúng ta như một thanh gươm (xem Dt 4:12). Một mặt, Lời Chúa an ủi chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy thiên nhan Chúa, mặt khác, Lời Chúa thách thức và làm phiền chúng ta, nhắc nhở chúng ta về những mâu thuẫn của chúng ta. Lời Chúa làm chúng ta rung động. Lời Chúa không mang lại hòa bình cho chúng ta bằng cái giá là chấp nhận một thế giới thống trị bởi bất công và đói kém, nơi mà cái giá luôn phải trả bởi những người yếu đuối nhất. Người nghèo luôn luôn phải trả giá. Lời Chúa thách thức thói tự biện minh cho mình khiến chúng ta đổ lỗi mọi điều sai trái cho người khác và các tình huống khác. Chúng ta cảm thấy đau đớn biết bao khi nhìn thấy anh chị em của mình chết trên biển vì không ai cho vào bờ! Và một số người làm điều này nhân danh Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta bước ra ngoài trời, không che giấu sự phức tạp của các vấn đề, đằng sau cái cớ rằng “không thể làm được gì về điều đó” hoặc “đó là vấn đề của người khác”, hoặc “tôi có thể làm gì đây?”, “Hãy để yên như thế đi”. Lời Chúa thúc giục chúng ta hành động, kết hợp việc thờ phượng Chúa và chăm sóc cho con người. Vì thánh thư đã không được ban cho chúng ta để giải trí, dạy dỗ chúng ta bằng một tâm linh thiên thần, nhưng khiến chúng ta phải đi ra ngoài và gặp gỡ những người khác, đến gần vết thương của họ. Tôi đã nói đến sự cứng nhắc, rằng thuyết Pêlagiô hiện đại [dựa vào ý chí con người, đánh giá thấp tác động của ân sủng Chúa – chú thích của người dịch] là một trong những cám dỗ của Giáo hội. Và còn một cám dỗ khác nữa, đó là tìm kiếm một tâm linh thiên thần, ở một mức độ nào đó, đây là cám dỗ ngày nay: các phong trào ngộ đạo, một thuyết ngộ đạo, đề xuất một lời Chúa đưa anh chị em “vào quỹ đạo” và không làm cho anh chị em chạm vào thực tế. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (x. Ga 1,14) mong muốn trở nên xác phàm trong chúng ta. Lời của Người không loại bỏ chúng ta khỏi cuộc sống, nhưng đưa chúng ta vào cuộc sống, vào cuộc sống hàng ngày, lắng nghe những đau khổ của người khác và tiếng kêu của người nghèo, và nhìn ra những bạo lực và bất công đang làm tổn thương xã hội và thế giới của chúng ta. Lời Chúa thách thức chúng ta, với tư cách là các Kitô Hữu, đừng thờ ơ, nhưng hãy là những tín hữu Kitô năng động, sáng tạo, những Kitô Hữu tiên tri.
“Hôm nay” - Chúa Giêsu nói - “lời Kinh Thánh này đã được ứng nghiệm” (Lc 4:21). Ngôi Lời muốn mang xác thịt hôm nay, trong thời đại mà chúng ta đang sống, chứ không phải trong một tương lai lý tưởng nào đó. Một nhà thần bí người Pháp vào thế kỷ trước, người đã chọn trải nghiệm Tin Mừng ở vùng ngoại vi, đã viết rằng lời Chúa không phải là “một bức thư chết”; đó là tinh thần và sự sống… Sự lắng nghe mà lời Chúa đòi hỏi chúng ta là 'ngày hôm nay' của chúng ta: hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày của chúng ta và nhu cầu của người lân cận” (Madeleine Delbrêl, La joie de croire, Paris, 1968). Vậy chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có muốn noi gương Chúa Giêsu để trở thành thừa tác viên giải phóng và an ủi cho người khác, đưa lời nói vào hành động không? Chúng ta có phải là một Giáo hội ngoan ngoãn với Lời Chúa không? Một Giáo hội có khuynh hướng lắng nghe người khác, nỗ lực vươn tới để nâng cao anh chị em của chúng ta khỏi tất cả những gì áp bức họ, để gỡ bỏ các nút thắt của sợ hãi, giải phóng những người dễ bị tổn thương nhất khỏi nhà tù của nghèo đói, khỏi sự chán nản nội tâm và nỗi buồn, khỏi cuộc sống ngột ngạt? Chẳng lẽ đó không phải là những gì chúng ta muốn sao?
Trong cử hành này, một số anh chị em của chúng ta sẽ được chọn làm những người đọc sách và các giáo lý viên. Họ được mời gọi tham gia công việc quan trọng là phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu, loan báo về Người, để niềm an ủi, niềm vui và sự giải thoát của Người có thể đến với mọi người. Đó cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta: trở thành những sứ giả đáng tin cậy, những nhà tiên tri về lời Chúa trong thế giới. Do đó, chúng ta hãy phát triển lòng say mê đối với Kinh Thánh, chúng ta hãy sẵn sàng đào sâu lời Chúa, là điều mạc khải sự mới mẻ của Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến tình yêu thương người khác một cách không mệt mỏi. Chúng ta hãy đặt lời Chúa làm trọng tâm của đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh! Bằng cách này, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi mọi hình thái Pêlagiô cứng nhắc, khỏi mọi sự cứng nhắc, thoát khỏi ảo tưởng về một tâm linh đưa bạn “vào quỹ đạo”, không quan tâm đến việc chăm sóc anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy đặt lời Chúa làm trọng tâm của đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Chúng ta hãy lắng nghe lời đó, cầu nguyện với Lời Chúa và áp dụng vào thực tế.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana