Vấn đề thay đổi phái tính nơi người Công Giáo ngày càng được nhiều người lưu ý về phương diện mục vụ. Tờ The Pillar gần đây tiết lộ: (https://www.pillarcatholic.com/p/vatican-and-usccb-leave-transgender; (https://www.pillarcatholic.com/p/draft-usccb-lgbt-doc-calls-for-clarity): cả Bộ Giáo Lý Đức Tin lẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đều có những dự thảo về vấn đề này từ lâu, nhưng chưa được công bố. Lý do trì hoãn, theo tờ này, không được rõ ràng: phía Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì nói rằng, do Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu Hội Đồng hoãn công bố; phía Bộ Giáo Lý Đức Tin thì cho hay: chờ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố trước. Kết quả là một số giáo phận Hoa Kỳ đã công bố hướng dẫn riêng của họ nhưng gặp phản ứng không thuận lợi và phần đông tín hữu muốn thấy hai văn kiện trên được công bố càng sớm càng hay.



Theo The Pillar, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã có ít nhất từ năm 2018, nói đến thừa tác vụ bí tích và mục vụ cho những người đổi phái tính. Dự thảo này gợi ý rằng “tính dục của một người là một thực tại phức tạp, bản sắc của nó bao gồm nhiều yếu tố thể lý, tâm lý và xã hội”.

Theo dự thảo, “một số người, bắt đầu từ một viễn kiến sai lầm về con người, muốn tách biệt và thậm chí tương phản các yếu tố khác nhau vốn tạo nên giới tính của một con người. Họ tạo nên một lưỡng phân giữa các khía cạnh thể xác và tâm dục (psycho-sexual) của con người”.

Về hôn nhân, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng “khó cho các mục tử có thể cho phép một ai đó kết hôn khi, theo phán đoán của những người thận trọng và khôn ngoan, việc đổi giống (transsexualism) của một người đủ hiển nhiên do các hành động bên ngoài. Vì việc đổi giống có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, điều cần là phải đánh giá cẩn thận từng hoàn cảnh một, để đừng bác bỏ một cách bất công quyền tự nhiên được kết hôn”.

Dự thảo viết thêm: “một người làm phẫu thuật để tái sắp xếp giới tính không thể kết hôn thành sự; điều này đúng trong cả hai trường hợp mưu toan tái sắp xếp từ nữ sang nam và từ nam sang nữ, vì thủ tục phẫu thuật không thay đổi bản sắc giới tính của một con người”.

Thần học Công Giáo xác định rằng hôn nhân là sự kết hợp của một người đàn ông và một người đàn bà. Giáo luật đòi hỏi một người phải có khả năng giao hợp tính dục mới được kết hôn, một điều xem ra thường là bất khả cho dù ai đó thực hiện cuộc phẫu thuật “đổi giới tính” để sau đó muốn kết hôn với một người thuộc giới tính đối nghịch.

Về bí tích truyền chức thánh, một người “có các nét thể lý của người nam nhưng về phương diện tâm lý cảm thấy mình là một người nữ” sẽ không thích đáng để trở thành linh mục, và một người đàn bà tự nhận mình như người nam “không thể tiếp nhận thành sự các chức thánh”.

Bộ Giáo Lý Đức Tin thúc giục các Giám Mục biện phân “từng trường hợp một” xem liệu một người tự nhận mình đổi phái tính có thể làm người đỡ đầu phép rửa hay phép thêm sức, thừa tác viên Thánh Thể, hoặc giáo lý viên hay không.

Dự thảo giải thích, “Ngoài việc hoàn toàn tuân theo giáo huấn của Giáo Hội và có danh thơm tiếng tốt, thi hành các vai trò này đòi phải có sự chín chắn, quân bình và đào tạo thích đáng, cũng như loại bỏ bất cứ hình thức tai tiếng nào đối với tín hữu”.

Về phép rửa, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích thêm rằng “một người trưởng thành từng qua một cuộc điều trị tâm lý hay kích thích tố hay một phẫu thuật y khoa nhằm tái sắp xếp giới tính, có thể lãnh nhận phép rửa, sau một chuẩn bị thích đáng”.

Dự thảo không đưa ra giới hạn nào thêm cho khả thể lãnh nhận phép rửa.

Tương tự như thế, dự thảo đề cập tới Phép Thánh Thể bằng cách giải thích rằng “những người trưởng thành từng qua một cuộc phẫu thuật để mưu toan tái sắp xếp giới tính có thể được lãnh nhận Thánh Thể, dưới cùng các điều kiện như mọi tín hữu khác nếu không có nguy cơ gây tai tiếng”.

Về phương diện này, câu nhận định của linh mục Martin, Dòng Tên, đối với hướng dẫn của giáo phận Marquette về cùng vấn đề này rằng đổi giống không phải là một cái tội, xem ra dư thừa.

Trong khi ấy, theo The Pillar, dự thảo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng đã có ít nhất từ năm 2018, thúc giục cho có nhiều liên hệ ý nghĩa hơn với những người tự nhận là LGBT, và kêu gọi việc biện phân cẩn thận các tình huống mục vụ và bí tích phức tạp trong khi đề cao các giáo huấn tín lý của Giáo Hội Công Giáo.

Tựa đề của dự thảo là “In the Image of God” nhằm “cung cấp một nguồn tài liệu để xem xét và giúp việc khai triển các qui định và thực hành tại các giáo phận”.

Phần dẫn nhập của dự thảo viết như sau: “Giáo Hội là một bà mẹ luôn tìm sự triển nở trọn vẹn của con cái mình. Giáo Hội muốn giúp đỡ họ lèo lái các tình huống khó khăn với ơn trợ giúp không thể thiếu của Chúa Thánh Thần. Do đó, Giáo Hội được mời gọi biểu lộ sự mẫn cảm và gần gũi với những người mong muốn một mối liên hệ sâu sắc hơn với Thiên Chúa đầy yêu thương của chúng ta. Đồng hành với người ta cách đó luôn giả thiết sự nối kết bất tách biệt với lòng thương xót, công lý, và sự thật, ơn gọi nên thánh phổ quát, và lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa của mình”.

Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, dự thảo viết rằng Giáo Hội phải “lớn lên trong ‘nghệ thuật đồng hành’”; dự thảo cho rằng giúp “người ta khi họ vật lộn với các thử thách đa dạng của cuộc sống đòi phải kiên nhẫn và tương cảm (empathy), một điều học được qua kinh nghiệm”.

“Giáo huấn của Giáo Hội về con người nhân bản tiết lộ sự thật về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa thương xót và toàn năng, cũng như vai trò sâu xa Người vốn có trong đầu dành cho mỗi người chúng ta trong kế hoạch tuyệt diệu của Người. Sứ điệp của Giáo Hội về vẻ đẹp của bản sắc ta trong Chúa Kitô, như những con trai con gái yêu quí, ảnh hưởng tới cách chúng ta tôn trọng thân xác mình, thừa nhận các bản sắc giới tính mình như nam và nữ và sống thực nhân đức khiết tịnh theo bậc sống của mình”.

Dự thảo bàn tới cac vấn đề liên quan tới phép rửa, phép thêm sức, Phép Thánh Thể, và cả việc ghi danh và nhân dụng tại các trường Công Giáo và các chương trình giáo xứ. Mặc dù dự thảo ghi nhận một số tình huống với những giải đáp chắc chắn và rõ ràng, nó cũng nhấn mạnh rằng một số tình huống đòi phải có sự biện phân của các mục tử dưới ánh sáng các hoàn cảnh đặc thù, trong đó, chẳng hạn, có phép rửa của các trẻ em của các cặp đồng tính, hay thừa tác vụ bí tích cho những người tự nhận là đổi phái tính trong toà giải tội.

Dự thảo cũng nhấn mạnh rằng người Công Giáo “có quyền” được hưởng một nền giáo lý rõ ràng và không mơ hồ, trong khi cho rằng sứ mệnh tin mừng của Giáo Hội đòi các mối liên hệ có ý nghĩa và đầy tôn trọng.

Dự thảo giải thích, “Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của một người với Giáo Hội, thường diễn ra ở giáo xứ, vấn đề họ bị lôi cuốn tính dục ít khi diễn ra. Nói chung, nó không phải là một vấn đề phát sinh hay được hỏi trong buổi gặp gỡ, nó cũng không phải là cái khung định nghĩa qua đó Giáo Hội nhìn một con người”.

“Khi một thành viên của giáo xứ hay thành viên của một gia đình đặc thù tiết lộ sự lôi cuốn đồng tính, điều này có thể gây khó khăn cho người khác trong giáo xứ hay trong gia đình. Người ấy, vì được tạo dựng giốn hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi hiệp thông với Người, nên phải được tôn trọng và đối xử một cách yêu thương và ân cần. Bất cứ sự kỳ thị bất công nào, và nhất là bất cứ hình thức gây hấn hay bạo lực nào, cũng đều nên tuyệt đối tránh né. Các thành viên giáo xứ và gia đình nên được các thừa tác viên của Giáo Hội giúp đỡ để hiểu và tuân theo thánh ý Thiên Chúa trong đời họ”.

Người ta hy vọng rằng, với sự thay đổi nhân sự cao cấp tại Bộ Giáo Lý Đức Tin gần đây, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin sớm được công bố để mở đường cho việc công bố dự thảo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, một dự thảo đã thai nghén từ năm 2016 và được đệ trình Vatican lần đầu vào năm 2017 và lần hai vào năm 2018, rất được các Giám Mục Hoa Kỳ trông đợi được thông qua.