Trong khi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang di tản khỏi Ukraine trong bối cảnh Nga đe dọa xâm lược Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak dự định sẽ tiếp tục thực hiện một chuyến đi đã được lên kế hoạch trước và đến quốc gia Đông Âu này vào cuối tuần.
“Khi các nhà ngoại giao đang chạy trốn khỏi Ukraine, cần phải có ai đó bơi ngược lại dòng triều này và nói rằng vào thời điểm khó khăn này, chúng tôi sát cánh với anh chị em, không chỉ từ xa mà ở giữa anh chị em,” Đức Cha Gudziak, nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine ở Philadelphia cho biết như trên và thêm rằng người Ukraine “vào thời điểm áp lực lớn này vẫn có những người đoàn kết với họ”.
Đức Tổng Giám Mục sẽ đến Ukraine trong khi hơn 100,000 binh sĩ Nga đang tập trung tại biên giới Ukraine, bao vây 3 mặt của quốc gia này, và sẵn sàng xâm lược trong tương lai gần. Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp gỡ với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, vào hôm thứ Hai, ngày 24 tháng Giêng, khi mỗi quốc gia cân nhắc cách phản ứng tốt nhất với Nga và Tổng thống Vladimir Putin, là người không có bất cứ dấu hiệu nào muốn quay lại.
Trước đó trong ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã điều 8,500 lính Mỹ “sẵn sàng triển khai” theo chỉ đạo của Biden. Mỹ cũng đã gửi nhiều chuyến hàng vũ khí cho Ukraine trong những ngày gần đây như một phần của khoản viện trợ quốc phòng trị giá 200 triệu USD. Liên minh Âu Châu có kế hoạch giúp Ukraine gói viện trợ tài chính 1.2 tỷ euro, tức là 1.36 tỷ USD.
Nói chuyện với tờ Crux, Đức Cha Gudziak nhấn mạnh sự cần thiết của các quốc gia dân chủ phải đứng ra bảo vệ Ukraine nếu Nga xâm lược, nếu không hậu quả có thể sẽ sâu rộng.
Đức Cha Gudziak nói: “Điều rất quan trọng đối với Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác, các quốc gia dân chủ, là nhận ra rằng Ukraine ngày nay đang bảo vệ nền dân chủ của chúng ta ở Mỹ và Âu Châu. Cái giá chúng ta phải trả và nguy cơ đối với chúng ta bởi sự chiếm đóng của Nga ở Ukraine và sự sụp đổ của nền dân chủ ở Ukraine là gần như không thể tính toán được và ai biết được điều gì có thể xảy ra tiếp theo”.
Đức Tổng Giám Mục Gudziak nhấn mạnh thực tế rằng việc ngăn chặn sự truyền bá dân chủ là trọng tâm trong mục đích của Nga tại biên giới Ukraine. Ngài lưu ý rằng trong những năm gần đây, nền dân chủ của Ukraine đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ, và do đó Tổng thống Nga Vladimir Putin và “chế độ phản dân chủ điều hành nước Nga” lo ngại rằng lối sống dân chủ được cải thiện của Ukraine có thể lan ra khỏi biên giới.
“Họ lo rằng vi rút của tự do và phẩm giá cho tất cả mọi người có thể lây lan và làm suy yếu vị thế của những nhà cầm quyền độc tài. Thành ra, họ có mong muốn ngăn chặn sự lây lan của các ý tưởng và lý tưởng về tự do và phẩm giá và cách tốt hơn để giữ chúng không đến Nga là cố gắng xóa sổ chúng ở quốc gia láng giềng và tạo ra ở Ukraine một khu vực khác với sự cai trị độc đoán nhằm giữ các quyền tự do dân chủ ở bên ngoài của Liên bang Nga”.
Mục đích ban đầu của chuyến đi đến Ukraine của Đức Tổng Giám Mục Gudziak là để họp hội đồng quản trị Đại học Công Giáo Ukraine và phong chức cho một số linh mục. Đức Cha Gudziak là chủ tịch của trường đại học nằm ở Lviv, Ukraine.
Nếu Nga xâm lược, Đức Cha Gudziak mô tả hoàn cảnh ảm đạm sẽ diễn ra đối với người nghèo và các tu sĩ ở Ukraine. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh những gì đã xảy ra kể từ năm 2014 khi Nga xâm lược và sáp nhập Bán đảo Crimea phía nam của Ukraine, đồng thời hậu thuẫn cho những kẻ ly khai đã chiếm phần lớn các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông nước này.
Động thái của Nga, vào năm 2014, được coi là phản ứng trước việc các công dân Ukraine lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Trong 8 năm kể từ đó, Liên hợp quốc ước tính khoảng 1.5 triệu người đã phải di dời và ước tính khoảng 14,000 người đã thiệt mạng, nhiều người trong số họ là dân thường. Đức Cha Gudziak cũng trích dẫn rằng các cộng đồng Công Giáo và Chính thống Ukraine ở Crimea và Donbas đang bị “bách hại”.
Theo nhận định của Đức Cha Gudziak, những cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu Nga xâm lược.
“Việc chiếm đóng một phần hai khu vực Donetsk và Luhansk đã phát sinh ra hai triệu người tị nạn. Bây giờ, nếu bạn ngoại suy điều đó và nói rằng 10 khu vực bị chiếm đóng, bạn có thể có 10 triệu người tị nạn di chuyển về phía tây để chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga không. Điều đó có gây ra sự mất ổn định của Âu Châu? Đây không chỉ là vấn đề của Ukraine”.
Cuối tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Gudziak đã ký một tuyên bố cùng với các Giám mục Công Giáo Ukraine khác tại Hoa Kỳ, trong đó các ngài đặt câu hỏi “khi nào thì điều này sẽ dừng lại?!” khi đề cập đến cuộc chiến 8 năm do Nga khởi xướng.
“Tuy nhiên, người dân Ukraine can đảm chịu đựng,” các giám mục viết. “Khi họ bị kề súng vào đầu, họ mong sự đoàn kết của chúng ta.”
Các Giám Mục cũng nhấn mạnh ba điều mọi người có thể làm để giúp đỡ - cầu nguyện, theo dõi tình hình và hỗ trợ.
Đức Cha Gudziak giải thích với Crux rằng điều quan trọng là phải luôn cập nhật thông tin để tránh các thông tin sai lệch do Nga phổ biến. Và việc quyên góp là rất quan trọng để giúp giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể kéo dài.
Tuy nhiên, cầu nguyện là quan trọng nhất.
Đức Cha Gudziak nói: “Chúa là Chúa tể của lịch sử và chúng ta đã chứng kiến những điều kỳ diệu xảy ra. Ukraine đã được tự do cùng với 14 quốc gia khác. Họ được giải phóng khi Liên sô sụp đổ và không ai dự đoán được điều đó. Cầu nguyện là cách Chúa Giêsu nuôi dưỡng sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha và khi chúng ta nuôi dưỡng sự hiệp thông của mình với Thiên Chúa, thì những điều lớn lao sẽ xảy ra”.
Source:Crux