1. Fides: Một linh mục dòng Đa Minh bị giết trong tòa giải tội

Tin tức gây chấn động thế giới Công Giáo và được loan tải rộng rãi trong 24 giờ qua là cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục dòng Đa Minh Việt Nam, bị giết khi đang giải tội. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong bản tin hôm 31 tháng Giêng cho biết như sau:

Một linh mục dòng Đa Minh Việt Nam, là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, đã bị giết khi đang giải tội và cử hành Bí tích Hòa giải tại giáo phận Kon Tum. Cha Thanh năm nay 41 tuổi. Vụ tấn công xảy ra vào ngày 29 tháng Giêng, ngay trước khi cử hành Thánh lễ Kinh chiều vào tối thứ Bảy. Cha Giuse Trần Ngọc Thanh đang ngồi trong tòa giải tội thì bị một người tâm thần không ổn định dùng dao tấn công. Một thầy Dòng Đa Minh khác, chạy đến hiện trường, cũng bị hung thủ chém gây thương tích khi cố gắng ngăn chặn kẻ tấn công. Những người trong nhà thờ đã hết sức kinh hoàng khi chứng kiến vụ tấn công. Cha Giuse Thanh đã được điều trị ban đầu nhưng không thể hồi phục và qua đời vào lúc 11 giờ 30 trưa theo giờ địa phương cùng ngày, như nhà báo Công Giáo địa phương Thế Trần đưa tin.

Cảnh sát địa phương đã bắt giữ kẻ tấn công, được coi là một người “bị bệnh tâm thần”. Cộng đồng địa phương vô cùng bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của vị linh mục, ngay khi họ đang chuẩn bị cho Tết Nguyên đán được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 1 tháng 2. Những thông điệp thương tiếc và đau buồn đã được đưa ra bởi Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và cộng đoàn giáo xứ Đăk Mót, 40 km về phía bắc Kon Tum, nơi vị linh mục sống và làm việc. Vị linh mục quá cố gần đây đã nhận nhiệm vụ của mình với tư cách là một linh mục phụ trách việc chăm sóc mục vụ của một “đàn chiên nhỏ” người Công Giáo.

Đức Cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo phận Kon Tum, đã cử hành thánh lễ an táng vào hôm Chúa nhật 30 tháng Giêng, và chia buồn cùng cộng đoàn giáo xứ Đăk Mót và Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam. Đức Cha nói: “Hôm nay chúng ta dâng Thánh lễ tiễn biệt một người anh em linh mục đã ra đi rất là đột ngột. Sáng nay tôi biết tin thật là bàng hoàng. Không ngờ lại có một chuyện đã xảy ra như thế. Chúng ta biết rằng thánh ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể hiểu biết được hết đường lối của Chúa. Chúng ta chỉ biết dâng người anh em của chúng ta cho Chúa. Và khi Cha Giuse Trần Ngọc Thanh được về hưởng nhan thánh Chúa, chắc chắn ngài sẽ không quên chúng ta”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Qua cái chết của Cha Giuse, tôi liên tưởng đến một bài hát nói về linh mục: ‘Xin cho con làm linh mục và được chết ở chân bàn thờ’. Khi đặt để linh mục ở trong cương vị của Chúa Kitô, chết vào lúc đó thì chắc là hạnh phúc lắm! Cha Giuse của chúng ta mặc dù không phải là đang làm lễ, nhưng mà ngài đang giải tội, thì cũng là trên cương vị của Chúa Kitô (in persona Christi). Trong đau thương này chúng ta cũng thấy được vẻ đẹp, nét cao quý của người linh mục. Và đứng trước một sự ra đi đột ngột như thế, chúng ta nhận ra mình không có lời nào để diễn tả được những điều đã xảy đến cho Cha Giuse. Chúng ta chỉ có thể nhớ lại các câu lời Chúa qua các Thánh vịnh, Chúa cho chúng ta thấy thân phận của con người chúng ta tựa như hoa cỏ, sáng nở chiều tàn”.

Thi hài cha Giuse Thanh được đưa về nhà nguyện Thánh Martinô ở thị xã Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để làm nghi thức tiễn biệt, diễn ra hôm 31 tháng Giêng và an táng. Thi hài của linh mục được an táng cùng với các anh em dòng Đa Minh khác tại nghĩa trang tỉnh, ở Biên Hòa. Cha Giuse Thanh sinh ngày 10 tháng 8 năm 1981 tại Sài Gòn và khấn Dòng ngày 13 tháng 8 năm 2010. Ngài được thụ phong linh mục ngày 4 tháng 8 năm 2018. Kon Tum, thủ phủ tỉnh Kon Tum, nằm trong nội địa của khu vực Tây Nguyên Việt Nam, gần biên giới của Lào và Campuchia. (Agenzia Fides, 31/1/2022)
Source:Fides

2. Linh mục bị tạt axit khi đang giải tội

Trường hợp tấn công nghiêm trọng nhất một linh mục đang giải tội trước khi xảy ra biến cố tấn công Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là trường hợp tạt axit một linh mục Nicaragua đang cử hành bí tích hòa giải.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết chiều ngày 5 tháng 12, 2018, cha Mario Guevara, 59 tuổi, là cha xứ của Nhà thờ Chính Tòa của thủ đô Managua, Nicaragua, đã bị tạt axit sulfuric vào mặt khi đang ngồi tòa giải tội.

Fides cho biết Cha Mario bị nhiều vết phỏng nghiêm trọng nhưng tình trạng của ngài đã ổn định và đã vượt qua được những nguy hiểm liên quan đến tính mạng.

Hung thủ là một phụ nữ 24 tuổi. Y thị, là một kẻ hoạt động phò phá thai quá khích, đã cố gắng chạy thoát nhưng bị anh chị em giáo dân có mặt trong nhà thờ bắt giữ giao cho cảnh sát. Các nguồn tin cảnh sát tại Managua cho biết trong lời khai ban đầu với các nhà điều tra y thị nói rằng cô ta bị Satan xúi giục phải làm như thế.

Sức khỏe ngài vốn đã có nhiều vấn đề vì bệnh tiểu đường lâu năm. Tuy nhiên, cuối cùng Cha Mario không mất mạng mà chỉ bị tàn phá khuôn mặt.
Source:Fides

3. Trường hợp của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh gây ra các quan ngại về an ninh của các linh mục khi đang cử hành các bí tích và các cử hành Phụng Vụ

Theo tờ La Croix, cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là giọt nước tràn ly đối với các quan ngại sâu xa về an ninh của các linh mục khi đang cử hành các bí tích và các cử hành Phụng Vụ.

Khi trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 17 tháng Giêng, Cha Simon de Violet, linh mục phụ tá tại giáo xứ Chúa Thánh Linh ở quận 12 của Paris, đã phải đối mặt với một người đàn ông đã nhận Mình Thánh Chúa trên tay, trước khi bóp nát thành từng mảnh và ném xuống đất. Một cử chỉ bạo lực và phạm thánh nghiêm trọng đối với Giáo hội, một sự xúc phạm, đòi hỏi một Thánh lễ Sám hối được cử hành vào Thứ Tư tuần này.

Người đàn ông đến và chìa tay ra để rước Mình Thánh Chúa. Nhưng thay vì đưa bánh thánh lên miệng, hắn ta lại nâng nó lên cao ngang mặt và bóp nát thành từng mảnh vụn rồi ném xuống đất.

Trong một trường hợp khác, trong thánh lễ hôm Chúa Nhật 23 tháng Giêng, một phụ nữ lên rước lễ ở Saint-Eustache đã nắm chặt bàn tay của vị linh mục và mơn trớn, cho đến khi người rước lễ phía sau tiến lên can thiệp, xô y thị ra chỗ khác.

Tại Hoa Kỳ, một phụ nữ 26 tuổi đã tự nộp mình cho cảnh sát. Y thị bị cảnh sát truy nã với hai tội danh liên quan đến việc phá hoại gây thiệt hại khoảng 10,000 đô la cho Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver.

Hôm 13 tháng Giêng, Văn phòng Biện lý Quận Denver cho biết Madeline Ann Cramer phải đối mặt với một cáo buộc tội phạm phá hoại công thự và một tội ác vì lòng thù hận liên quan đến một vụ việc xảy ra vào ngày 10 tháng 10. Cả Vương Cung Thánh Đường và các bức tượng gần đó đã bị “phun sơn lên rất nhiều với các thông điệp cho thấy thành kiến chống Kitô Giáo,” Biện lý Quận Beth McCann nói.

Các bức ảnh về vụ phá hoại cho thấy các khẩu hiệu như “Satan sống ở đây”, “Những kẻ siêu cấp da trắng”, cũng như những hình chữ thập ngoặc, được viết bằng sơn phun màu đỏ tươi ở bên ngoài Vương Cung Thánh Đường, vỉa hè và trên nền một bức tượng của Thánh Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã đến thăm ngôi thánh đường này trong Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993.

Trong một video ngày 2 tháng 10, Cramer cho biết cô ta lớn lên theo Công Giáo và được rửa tội tại Nhà thờ Công Giáo St. Francis Cabrini ở Littleton, Colorado. Tuy nhiên, cô ta không bao giờ cảm thấy “Giáo Hội Công Giáo là đúng.”

Cô cho biết gần đây cô đã truy cập trang web của giáo xứ St. Frances Cabrini “và thấy rằng họ đang tích cực hỗ trợ trào lưu chống phá thai trên khắp đất nước.”

Phó tế Chet Ubowski tại Nhà thờ Công Giáo St. Frances Cabrini nói với CNA rằng Cramer là người phụ nữ đã đến gần bàn thờ trong Thánh lễ ngày 10 tháng 10, chỉ vài giờ sau khi cô ta phá hoại Vương Cung Thánh Đường. Cô ta đã lên rước lễ và khi được trao Mình Thánh Chúa, cô ta nhìn chằm chằm vào mặt cha John Paul Leyba, la hét và tự nhận mình là một người thờ Satan.

Trường hợp của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là giọt nước tràn ly gây ra các quan ngại về an ninh của các linh mục khi đang cử hành các bí tích và các cử hành Phụng Vụ

4. Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong năm 2022.

Danh sách các thừa sai bị giết hàng năm của thông tấn xã Fides ghi nhận Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong năm 2022. Danh sách này không chỉ xem xét các nhà truyền giáo theo nghĩa hạn hẹp, nhưng cố gắng ghi lại tất cả những người đã được rửa tội tham gia vào đời sống của Giáo hội đã bị giết một cách bạo lực, không chỉ “vì lòng thù hận đức tin”, mà còn vì những lý do khác. Thành ra, Fides không sử dụng thuật ngữ “những vị tử vì đạo”, theo nguyên nghĩa là các “chứng nhân” đức tin, để không gây trở ngại cho sự phán xét mà cuối cùng Giáo hội có thể đưa ra đối với một số vị trong tiến trình tuyên phong sau này. Đồng thời, thông tấn xã Fides sử dụng thuật ngữ “nhà truyền giáo” cho tất cả những người đã được rửa tội, ý thức rằng “nhờ Bí tích Rửa tội của họ, mọi thành phần dân Chúa đều trở thành môn đệ truyền giáo. Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể vị trí của họ trong Giáo Hội hay mức độ giảng dạy đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc truyền bá Phúc Âm hóa”.

Trong tháng Giêng vừa qua, ngoài các vụ bắt bớ, đánh đập, ngược đãi, bắt cóc đòi tiền chuộc, chưa có báo cáo nào liên quan đến trường hợp hy sinh của các linh mục. Trong khi chưa có các báo cáo chi tiết từ các giáo phận trên thế giới, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh có thể coi là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong năm 2022.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 30 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đưa ra con số các nhà truyền giáo bị giết trong năm 2021 là 22 vị, trong đó có 13 linh mục, 1 nam tu sĩ, 2 nữ tu, 6 giáo dân truyền giáo. Năm nay, số nhà truyền giáo bị giết nhiều nhất được ghi nhận ở Phi Châu, nơi 11 vị bị sát hại bao gồm 7 linh mục, 2 nữ tu, và 2 giáo dân bị giết, tiếp theo là Mỹ Châu, nơi có 7 nhà truyền giáo 4 linh mục, 1 nam tu sĩ, và 2 giáo dân bị giết. Ở Á Châu, 3 nhà truyền giáo gồm 1 linh mục, và 2 giáo dân đã bị giết, và Âu Châu, có một linh mục bị giết. Từ năm 2000 đến năm 2020, theo dữ liệu của chúng tôi, 536 nhà truyền giáo đã bị giết trên thế giới.

Fides nhấn mạnh rằng, cho đến nay, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có rất ít thông tin có thể thu thập được về tiểu sử và hoàn cảnh cái chết của các vị. Có thể, có những vị không hề thực hiện những chiến công hay hành động nổi bật, mà chỉ “đơn giản là” làm chứng về đức tin của các ngài trong bối cảnh xã hội nghèo khó, suy thoái, nơi bạo lực là quy luật của cuộc sống, quyền lực của nhà nước không có hoặc suy yếu do tham nhũng và các thỏa hiệp và trong đó hoàn toàn thiếu sự tôn trọng đối với sự sống và mọi quyền của con người. Một lần nữa những linh mục này, các nam nữ tu sĩ và giáo dân này, nhận thức được tất cả điều này, họ thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp “mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng” (Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại Budapest, ngày 14 tháng 9 năm 2021). Từ Phi Châu đến Mỹ Châu, từ Á Châu đến Âu Châu, họ chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng.

Các linh mục giáo xứ bị giết hại trong cộng đồng của các ngài, ở Phi Châu và Mỹ Châu, bị bọn tội phạm tra tấn, bắt cóc để tìm kiếm các tài sản không tồn tại. Các linh mục tham gia vào các công việc xã hội, như ở Haiti, đã bị giết để cướp đi những gì cần thiết để thực hiện các hoạt động đó, hoặc thậm chí bị giết bởi những người mà họ đang giúp đỡ, như ở Pháp, hoặc ở Venezuela, nơi một tu sĩ bị giết bởi những tên trộm trong cùng một ngôi trường nơi ngài dạy những người trẻ xây dựng tương lai; các nữ tu bị bọn cướp ở Nam Sudan rượt đuổi và giết chết một cách nhẫn tâm. Và vẫn còn nhiều giáo dân, với số lượng ngày càng tăng: các giáo lý viên bị giết trong các cuộc đụng độ vũ trang cùng với các cộng đồng họ đã hoạt động ở Nam Sudan; những thanh niên bị tay súng bắn tỉa giết chết trong khi cố gắng đưa hàng cứu trợ cho những người di tản chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ giữa quân đội và du kích ở Miến Điện; một nhà truyền giáo giáo dân bị giết hại dã man bởi một tên ăn cắp điện thoại di động ở Peru; một thanh niên thiệt mạng vì mìn nổ ở Cộng hòa Trung Phi khi đi trên xe truyền giáo; một giáo lý viên bản địa, nhà hoạt động cho việc tôn trọng nhân quyền theo hình thức bất bạo động, đã bị giết ở Mễ Tây Cơ.