1. Cảnh sát đã tìm được kẻ đột nhập vào ngôi nhà thờ cổ kính nhất California

Giáo xứ Thánh Anphongsô ở Fresno, California đã bị đột nhập vào trung tuần tháng Giêng vừa qua. Cả nhà tạm và bàn thờ kính Đức Mẹ đều bị lật tung.

Cha Carlos Serrano, Cha sở của nhà thờ Thánh Anphongsô, lần đầu tiên phát hiện ra những hư hại là vào sáng ngày 15 tháng Giêng.

Chandler Marquez, giám đốc truyền thông của Giáo phận Fresno, nói với CNA: “Khi đi xung quanh nhà thờ, ngài đã thấy những thiệt hại khác”.

Giáo xứ có một tượng Đức Mẹ được đặt trong một lồng kính, nơi mọi người thường đến cầu nguyện. Bên cạnh bức tượng là một chiếc hộp đựng tiền quyên góp cho giáo xứ. Marquez cho biết kẻ phá hoại đã lấy chiếc hộp cùng với số tiền quyên góp.

Cảnh sát Fresno đã điều tra vụ việc và có thể khôi phục hình ảnh của kẻ phá hoại từ camera giám sát. Từ các hình ảnh này đã lần ra hung thủ và đã bắt được y. Cảnh sát đánh giá thiệt hại về tiền bạc đối với nhà thờ là $35,000, và đang lập hồ sơ truy tố.

Marquez nói với đài truyền hình địa phương rằng “Cộng đồng bị tàn phá. Tấn công vào nhà tạm là một cuộc tấn công trực tiếp vào phần thiêng liêng nhất của nhà thờ. Họ cũng đã tấn công Đài Đức Mẹ của chúng ta. Về mặt văn hóa, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng này”.

Marquez nói thêm rằng cửa của nhà tạm đã bị hư hại đến mức giáo xứ vẫn chưa xác định được khả năng phục hồi.

Giáo xứ Thánh Anphongsô được thành lập năm 1908, phục vụ 700 gia đình. Các thánh lễ tại giáo xứ được cử hành bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Trong một thông điệp đánh dấu Ngày Tự do Tôn giáo vào đầu tháng này, Hồng Y Timothy Dolan của New York tuyên bố rằng “Trong gần hai năm, các giám mục Hoa Kỳ đã nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại là các nhà thờ Công Giáo bị phá hoại và các bức tượng bị đập phá.”

“Chúng ta không đơn độc. Bạn bè của chúng ta từ các nhóm tín ngưỡng khác cũng trải qua những đợt bùng phát này, và đối với một số cộng đồng, chúng xảy ra thường xuyên hơn nhiều.”

2. Những kẻ dám đập phá tượng Đức Mẹ có kết quả không tốt: 350,000 đô bỏ ra và vài năm tù

Cảnh sát Quận Fairfax, Virginia đã mở cuộc họp báo thông báo kết quả cuộc điều tra kẻ phá hoại tượng Đức Mẹ Fatima tại hang đá một giáo xứ Công Giáo ở Burke, Virginia bị phá hoại vào tối thứ Ba 25 tháng Giêng.

Nhà thờ Công Giáo Giáng Sinh, đã mở cuộc quyên góp tiền để thay thế các bức tượng, sau khi phát hiện ra rằng những bức tượng đã bị hư hỏng không thể sửa chữa được. Hang đá của giáo xứ có 4 bức tượng mô tả Đức Mẹ Fatima đang nói chuyện với ba trẻ mục đồng. Cả 4 bức tượng đều bị chặt đầu, và tay chân.

Trong một lá thư ngày 26 tháng Giêng gửi cho giáo xứ của mình, Cha Bob Cilinski cho biết ngài “rất đau buồn” khi phát hiện ra vụ phá hoại.

Cha Cilinski nói: “Cảnh sát đã được thông báo và đến để lập hồ sơ vụ phá hoại và bắt đầu cuộc điều tra của họ. Thật không may, những bức tượng bị hư hỏng không thể sửa chữa được. Các bức tượng sẽ bị dỡ bỏ và chúng ta sẽ làm mọi cách để thay thế.”

Các bức tượng kể từ đó đã bị dỡ bỏ khỏi hang động, và giáo xứ cũng như giáo phận đã làm việc với cảnh sát Quận Fairfax để điều tra vụ phá hoại. Thông tin chi tiết về các cảnh quay được từ camera an ninh đã được giao cho cảnh sát.

Cha Cilinski khuyến khích đàn chiên của mình “trở thành những người sống trong hòa bình, những người quý trọng và tôn trọng lẫn nhau,” và cầu nguyện cho kẻ đã phá hoại hang đá. Ngài mô tả hang đá là “một nơi cầu nguyện, hòa bình và chữa lành.”

Đức Cha Michael Burbidge của Arlington đã lặp lại tình cảm của Cha Cilinski trong một tuyên bố cung cấp cho CNA.

Đức Cha Burbidge nói: “Vụ phá hoại tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ Chúa Giáng Sinh là một hành động bôi nhọ một nơi thờ phượng một cách bi thảm và vô nghĩa. Đức Maria là biểu tượng của hòa bình trong một thế giới cần Mẹ hơn bao giờ hết”.

“Tôi yêu cầu những người khác cùng tôi cầu nguyện cho hung thủ, vì bất kỳ động cơ nào đằng sau hành động của người đó phản ánh một tâm hồn đau khổ đang cần đến Chúa của chúng ta”

Chính quyền địa phương đã lên án vụ phá hoại là một cuộc tấn công vào cộng đồng Công Giáo của Quận Fairfax. Burke là một khu vực của Quận Fairfax, cách Arlington khoảng 15 dặm về phía Tây Nam.

“Gần đây tôi đã được biết về một vụ phá hoại diễn ra tại Nhà thờ Công Giáo Giáng Sinh ở Burke,” Jeffrey McKay, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Quận Fairfax cho biết trong một tuyên bố hôm 26 tháng Giêng.

Ông nói: “Việc phá hủy tài sản và sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng Công Giáo của chúng ta là đáng báo động vì về cốt lõi, nó khiến mọi người cảm thấy không an toàn. Tại Quận Fairfax, chúng tôi biết sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi và chúng tôi luôn tìm cách thu hút nhiều người hơn vào cộng đồng của mình và bảo đảm rằng họ được lắng nghe và đại diện.”

McKay nói: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi lên án hành động thù ghét này. Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục biến Quận Fairfax trở thành một cộng đồng an toàn cho tất cả mọi người.”

Trong cuộc họp báo, Cảnh sát trưởng Kevin Davis cho biết hung thủ đã bị bắt và phải đền bù số tiền ít nhất là 350,000. Phiên tòa xử vụ này sẽ diễn ra trong tháng Hai này.


Source:Catholic News Agency

3. Phỏng Vấn Đức Tân Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến

Hôm 18 tháng 12, Phòng báo chí Toà Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Đaminh Hoàng Minh Tiến, thuộc linh mục đoàn giáo phận Hưng Hóa, làm Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa. Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục sẽ được cử hành vào lúc 09g00, thứ Hai, ngày 14 tháng 02 tới đây tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc, Giáo phận Hưng Hoá.

Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến hiện đang đảm trách chức vụ Đại diện Giám quản Tông tòa giáo phận Hưng Hóa kiêm Chính xứ giáo xứ Chính Tòa giáo phận Hưng Hóa.

Đức Tân Giám mục đã dành cho phóng viên Lê Quang Vinh cuộc phỏng vấn sau:

Trọng kính Đức Cha, xin Đức Cha chia sẻ với chúng con những tâm tình đầu tiên khi Đức Cha được Tòa Thánh trao sứ vụ mới.

Điều trước tiên đó là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao cả Chúa trao ban cho tôi và cho giáo phận Hưng Hóa. Nhưng đối diện với sự thánh thiện của chức vụ và trách nhiệm phải thực thi, tôi cảm thấy sợ và lo lắng. Lúc này, tôi cảm nhận sâu sắc hơn việc thánh Phêrô đối diện với Chúa Giêsu sau mẻ cá lạ lùng. Phêrô đã sợ hãi kêu lên: “Lạy Thầy xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Nhưng sau đó, Chúa Giêsu đã nói lời an ủi để Phêrô có thể vượt qua được nỗi lo lắng sợ hãi ấy: “đừng sợ!”

Thưa Đức Cha, chúng con biết Đức Cha đã từng đi nhiều nơi, phục vụ trong nhiều môi trường trong hành trình ơn gọi. Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về ơn gọi của Đức Cha và những sứ vụ mà Đức Cha đã đảm nhận trong Giáo Hội.

Trong bối cảnh giáo hội Việt Nam đầu thập niên 90 thế kỷ trước, một vài Đại Chủng viện mới được mở cửa trở lại. Bản thân tôi cũng như rất nhiều anh em lúc bấy giờ phải tìm cách học tập tu luyện, miễn là có thể giữ được ơn gọi. Các Đấng Bề Trên cho đi học thì lo học cho tốt. Tương lai thì phó thác trong tay Thiên Chúa. Con đường theo Chúa luôn là con đường Thập giá đầy những khó khăn vất vả mà mình phải cố gắng vượt qua. Khó khăn nhất phải kể đến là khoảng thời gian từ khi hoàn thành chương trình Triết học và Thần Học cho đến khi được chịu chức linh mục (1998 – 2006). Đó là thời gian chờ đợi để có thể hợp thức hóa việc học tập và tu luyện đối với chính sách tôn giáo, thì mới có thể chịu chức linh mục được. Khó khăn rồi cũng qua đi. Chúa luôn có cách của Ngài. Ngài đã thu xếp một cách tốt đẹp. Mỗi khi có dịp ngẫm lại hành trình ơn gọi, tôi lại càng thấy ơn thánh Chúa luôn bao bọc che chở. Đối với Chúa, mọi giây phút đều có giá trị và Ngài sẽ làm cho nên tốt đẹp nhất để biến đổi ta trở nên người môn đệ trung tín của Ngài.

Thật sự, tôi nghĩ rằng, sống ơn gọi tu trì cần phải có lòng yêu mến và nhiệt thành. Tôi luôn cố gắng tận dụng thời gian và cơ hội Chúa ban để phục vụ giáo phận ở nhiều cương vị khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và sự dạy bảo của các Đấng Bề Trên. Kể từ khi chịu chức linh mục cách đây 16 năm, tôi chỉ phục vụ ở giáo xứ như một cha phó và cha xứ khoảng 3 năm. Gần 5 năm tu nghiệp ở nước ngoài. Còn lại phần lớn thời gian của sứ vụ là công việc trong Ban Đào Tạo Ơn Gọi của giáo phận. Đặc biệt từ năm 2014 – 2020 tôi đảm nhận thêm chức vụ Quản lý của giáo phận. Sau đó làm Tổng Đại Diện và Đại Diện Giám quản trong khoảng 18 tháng.

Đức Cha đã từng đặc trách Tiền Chủng viện Hưng Hóa và là Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Ơn gọi giáo phận Hưng Hóa, đặc trách Chủng Sinh nhiều năm liền, xin Đức Cha cho chúng con biết về tình hình ơn gọi và nhu cầu mục vụ tại Giáo phận Hưng Hóa.

Giáo phận Hưng Hóa có địa bàn thuộc 10 tỉnh và thành phố. Trong nhiều thập kỷ trước đây, không có Tiểu Chủng viện và Đại Chủng viện, số linh mục phục vụ trong giáo phận thiếu trầm trọng. Việc đào tạo ơn gọi linh mục luôn bức thiết. Tính từ năm 1990 đến nay, mỗi năm giáo phận có khoảng 20 ứng sinh nhập tu. Tỷ lệ ứng sinh nhập tu cho đến khi làm linh mục đạt khoảng 50%. Hiện nay giáo phận có 178 linh mục đang phục vụ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu mục vụ trên một địa bàn quá rộng. Có những linh mục phải đi hàng trăm cây số vào mỗi Chủ Nhật để dâng lễ cho giáo dân. Nếu tính trung bình 1 linh mục phục vụ cho 1000 giáo dân, thì giáo phận Hưng Hóa cần thêm ít nhất 80 linh mục nữa tại thời điểm hiện tại.

Hiện tại giáo phận có 120 Đại chủng sinh đang gửi học tại các Đại Chủng viện Hà Nội, Huế, Xuân Lộc và 90 em Tiền Chủng viện và tu sinh sinh viên. Mỗi năm giáo phận có thêm 10-15 tân linh mục. Như vậy, khoảng 6-8 năm nữa, số linh mục mới tạm đủ cho số giáo dân hiện nay. Tuy nhiên, giáo phận Hưng Hóa là vùng truyền giáo. Số giáo dân mỗi năm tăng từ 3000-5000 người. Các giáo xứ chia tách hàng năm vẫn tăng. Với tiến độ đào tạo linh mục như hiện nay, trong vòng 10 năm nữa, thật khó có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu mục vụ của giáo phận. Cho nên, các chương trình mục vụ ơn gọi và đào tạo ơn gọi linh mục tương lai cho giáo phận vẫn luôn là việc cần phải quan tâm hơn nữa.

Bên cạnh việc đào tạo ơn gọi linh mục giáo phận, ơn gọi cho các dòng tu cũng luôn cần thiết. Trong những năm gần đây, ơn gọi tu sĩ có phần giảm hơn trước. Đây cũng là một lo ngại đối với ơn gọi tu trì của Giáo hội trong tương lai.

Xin Đức Cha giải thích cho chúng con về huy hiệu và khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha.

Huy Hiệu: Theo cá nhân tôi, huy hiệu Giám mục cần diễn tả được những nét đặc trưng của giáo phận mình phục vụ và qua đó cũng thể hiện được lòng nhiệt thành tín thác vào Thiên Chúa trong sự hướng dẫn của Thánh Thần để bản thân có thể chu toàn được sứ vụ Chúa trao phó.

- Tấm khiên và thanh gươm: biểu tượng của đức tin và Thần Khí (Ep 6,16-17)

- Nền tấm khiên có đường nét ruộng bậc thang: biểu tượng của vùng đất Tây-Bắc Việt Nam, thuộc giáo phận Hưng Hóa.

- Thánh giá: biểu tượng cho sự dấn thân vì Tin Mừng

- Hình ảnh chim bồ câu: biểu tượng cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

- Trái tim: biểu tượng của tình yêu thương

- Ngọn lửa: biểu tượng của lòng nhiệt thành

- Hai cành vạn tuế nối liền với nhau: biểu tượng của sự hiệp nhất nhờ máu của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Đất Sơn Tây là vùng đất thấm đẫm máu các thánh Tử Đạo. Đặc biệt, thánh Phêrô Vũ Văn Truật, một giáo lý viên, một vị tử đạo duy nhất là người sinh quán tại Hưng Hóa.

Khẩu Hiệu: Hiệp nhất và Yêu Thương.

Trong Tin mừng Gioan 17,22, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất. “…để họ được nên một như chúng ta là một”. Ngài cầu xin cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ. Lịch sử Giáo hội cũng cho thấy những kinh nghiệm về sự hiệp nhất quan trọng như thế nào. Xây dựng tình hiệp nhất trong giáo hội luôn tạo được sức mạnh của niềm tin để có thể đương đầu với những nghịch cảnh và giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, trở nên chứng tá Tin mừng cho mọi người.

Tin mừng Gioan 15,17: “Điều thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”. Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ trong đời sống yêu thương. Ngài tóm gọn 10 giới răn trong 2 điều: mến Chúa, yêu người (Mc 12,28-31). Đến với anh em lương dân và các tôn giáo khác, ta gặp trở ngại về quan điểm, niềm tin. Đến với người anh em dân tộc, ta gặp trở ngại về ngôn ngữ. Ngôn ngữ của bác ái và yêu thương như Chúa yêu, sẽ vượt qua mọi trở ngại để Tin mừng có thể được gieo vào tâm hồn mỗi người.

Tôi ước mong mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận luôn biết xây dựng tình hiệp nhất trong một đức tin và thực thi bác ái yêu thương đối với mọi người, để Tin mừng được lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Thưa Đức Cha, Hưng Hóa là một Giáo phận có một lịch sử phong phú và có những đặc điểm mục vụ nổi bật, xin Đức Cha cho chúng con biết tình cảm cũng như ưu tư của Đức Cha trong sứ vụ Giám mục Chính tòa của Giáo phận.

Thứ nhất: Cá nhân tôi luôn ý thức về sứ vụ mục tử Chúa trao để phục vụ giáo phận Hưng Hóa. Tôi cần phải cố gắng mỗi ngày trong đời sống cầu nguyện, hy sinh và yêu mến. Nhờ đó, tôi mới có thể chu toàn nhiệm vụ Chúa đã thương ban và Giáo hội tin tưởng trao phó.

Thứ hai: Giáo phận Hưng Hóa có địa bàn mục vụ quá rộng. Nguồn nhân lực phục vụ rất khiêm tốn đối với nhu cầu quá lớn. Làm thế nào để mọi hoạt động mục vụ có thể thực hiện để đáp ứng được những yêu cầu căn bản của dân Chúa trong giáo phận vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải đáp.

Thứ ba: Giáo phận Hưng Hóa lúc này như một cánh đồng lúa đang đến ngày mùa. Tìm đâu ra những thợ gặt để có thể sai đi đến với muôn dân. Trong khi các linh mục tu sĩ còn quá thiếu, dân trí thấp, hiểu biết đức tin còn non yếu, điều kiện kinh tế nói chung còn khó khăn, việc giáo dân làm tông đồ cũng không có bao nhiêu. Vì thế, những “người thợ gặt” trong hiện tại phải làm việc vất vả hơn để đáp ứng được phần nào nhu cầu của dân Chúa.

Chúng con xin cám ơn Đức Cha và cầu nguyện cho Đức Cha luôn tràn đầy ơn Chúa trong sứ vụ mới.