1. Nếu Nga chiếm được Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Ukraine khó lòng sống nổi
Cha Volodymyr Malchyn, người làm việc trong Tòa Giám Mục Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine ở Kiev nói rằng nếu quân đội Nga chiếm được thủ đô, thì Giáo hội sẽ là “mục tiêu số hai” sau quân đội.
Cha giải thích: “Bạn biết lịch sử của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi không ảo tưởng về điều đó”.
Cha Malchyn nói chuyện với Aleteia vài giờ sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, tấn công Kiev và các thành phố khác bằng các cuộc không kích. Giống như hầu hết các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất hiệp thông với Rôma nhưng tuân theo các thực hành, phụng vụ và linh đạo của Chính thống giáo, Cha Malchyn có gia đình. Ngài nói rằng ngay khi ngài và vợ nghe thấy tiếng pháo kích bên ngoài thủ đô vào khoảng 5:30 sáng thứ Năm, họ đã quyết định di tản con cái của họ đến miền Tây Ukraine và để chúng lại với cha mẹ của cha Malchyn.
Gia đình này là một trong những gia đình đầu tiên lái xe ra khỏi thành phố. Cha Malchyn nói rằng khoảng một giờ sau đó, các con đường kẹt cứng với những người cố gắng chạy trốn.
Ngài cho biết nhiều xác suất ngài sẽ để gia đình ở lại vùng nông thôn gần Lviv, để quay trở lại với các nhiệm vụ của ngài ở thủ đô, bao gồm việc chăn dắt một giáo xứ và làm người đứng đầu văn phòng phát triển và truyền thông ở Tổng Giáo phận Kiev-Halych. Nhưng đây sẽ là một tình huống mong manh trong một thời gian.
“Nếu cuộc tấn công trở nên nghiêm trọng hơn vào Kiev, tôi nghĩ rằng tất cả các linh mục sẽ buộc phải di chuyển đến những nơi an toàn,” ngài nói thế và cho biết thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Kiev-Halych, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, vẫn đang ở Kiev. “Nhưng tôi không biết ngài sẽ có thể ở đó bao lâu.”
Cha Malchyn cho biết ngài hiểu rằng một số tu viện ở miền Tây Ukraine sẽ mở cửa đón những người chạy trốn khỏi các hành động thù địch. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách cuộc chiến diễn ra, ngài nghĩ con số người phải di dời nội bộ chắc chắn sẽ hơn con số các nhà thờ và tu viện có thể tiếp đón. Ngài đang làm việc với một viên chức khác của Giáo hội để đưa ra một lá thư kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác viện trợ nhân đạo.
Ngài nói: “Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ từ các tổ chức tài trợ quốc tế, vì đây là thời điểm chưa từng có. Chúng tôi có kinh nghiệm giúp người dân chạy khỏi khu vực Donbas trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm với lực lượng ly khai Nga ở miền Đông Ukraine, nhưng đó là một khu vực tương đối nhỏ. Có 1.5 triệu người di tản ở đó, nhưng bây giờ con số có thể cao hơn nhiều. Các cuộc tấn công nghiêm trọng hơn và kinh khủng hơn”.
“Tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng tôi”
Khi Cha Malchyn nhận xét, “Bạn biết lịch sử của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi không có ảo tưởng”, ngài muốn đề cập đến thời kỳ ngay sau khi Liên Sô giành lại quyền kiểm soát Ukraine vào cuối Thế Chiến thứ hai. Bọn cầm quyền cộng sản ngay sau đó đã tiến hành đàn áp Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, giết hoặc bỏ tù các giám mục của họ và buộc các tín hữu phải trở thành một phần của Giáo hội Chính thống Nga. Giáo Hội Công Giáo Đông phương tồn tại dưới hình thức hầm trú cho đến cuối những năm 1980, và vị lãnh đạo của nó, Đức Hồng Y Josyf Slipyj, đã chết lưu vong ở Rôma.
Người kế nhiệm ngày hôm nay cho Đức Hồng Y Slipyj, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có thể phải đối đầu với một cuộc lùng bắt tương tự trong những tháng tới, tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến này. Hôm nay, ngài đã hủy kế hoạch tham dự một diễn đàn quốc tế có tên “Địa Trung Hải - Biên giới của hòa bình” ở Florence để ở lại với đoàn chiên của mình ở Kiev. Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã công bố một bức thư đầy xúc động, trong đó ngài bảo vệ quyền đấu tranh của đất nước mình cho quyền tự do và quyền tự quyết.
Đức Tổng Giám Mục viết “Kẻ thù xảo trá, bất chấp những cam kết và bảo đảm của chính mình, đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với tư cách là một kẻ xâm lược phi nghĩa, họ đã bước lên đất Ukraine, mang theo cái chết và sự hủy diệt. Ukraine của chúng ta, mà thế giới công bằng gọi là 'vùng đất máu', nơi đã rất nhiều lần đổ máu các tử đạo và chiến sĩ cho tự do và độc lập của dân tộc mình, hôm nay đang kêu gọi chúng ta đứng lên vì quê hương - để bảo vệ phẩm giá của đất nước trước Thiên Chúa và nhân loại, quyền được hiện hữu và quyền được lựa chọn tương lai của nó”.
Ngài nói rằng “quyền tự nhiên và nghĩa vụ thánh thiêng” của người Ukraine là bảo vệ lãnh thổ, con người, nhà nước “và tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng ta: gia đình, ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử và thế giới tâm linh. Chúng ta là một quốc gia hòa bình yêu thương con cái của mọi quốc gia bằng tình yêu Kitô giáo, không phân biệt nguồn gốc hay tín ngưỡng, quốc tịch hay bản sắc tôn giáo”.
Đề cập đến sự giải phóng của Giáo hội khi Liên bang Xô viết sụp đổ, ngài nói rằng Giáo hội đã trải qua “cái chết và sự phục sinh”.
Đức Tổng Giám Mục viết tiếp, “Trong thời điểm đầy ấn tượng này, Giáo hội của chúng ta, với tư cách là một người mẹ và cô giáo sẽ ở với con cái của mình, sẽ bảo vệ chúng và phục vụ chúng nhân danh Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta long trọng tuyên bố: Linh hồn và thể xác của chúng ta, chúng ta hiến dâng cho tự do của chúng ta! Cùng một lòng, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, Đấng toàn năng vĩ đại, xin Chúa bảo vệ Ukraine thân yêu của chúng con!”
Tin giờ chót cho biết Đức Tổng Giám Mục đang trốn ở một ga tầu điện ngầm dưới lòng đất. Nếu Nga chiếm được Kiev, ngài là một trong số những người bị lùng bắt trước hết.
2. Nguy cơ thế chiến nếu Trung Quốc lợi dụng tình hình Ukraine đánh úp Đài Loan
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa thị trường nội địa cho hoạt động bán lúa mì không hạn chế của Nga. Tuyên bố này phản ánh việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga để đối phó với các áp lực địa chính trị của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Đối với Úc Đại Lợi, lập trường của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Hôm thứ Bẩy 26 tháng Hai, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có những thỏa thuận ngầm với Nga, và có khả năng nước này cũng đang có ý định lợi dụng tình hình Ukraine để có các hành động quân sự đối với Đài Loan và các quốc gia khác ở Biển Đông. Ông cảnh cáo một hành động như thế sẽ dẫn đến thế chiến.
Chính phủ Đài Loan nghĩ sao về tình hình hiện nay. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ một bài trên tờ The Diplomat.
Chính phủ Đài Loan đang cảnh giác về những tác động từ cuộc xâm lược của Nga dưới hình thức “chiến tranh tâm lý” và những khó khăn về kinh tế.
Khi căng thẳng - và quân số Nga - gia tăng dọc biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, các nhà phân tích tập trung vào Á Châu đã tự hỏi về những tác động của tình hình này đối với Đài Loan. Một số người cho rằng việc Hoa Kỳ thiếu quyết tâm hoặc thiếu các hành động dứt khoát để đáp trả cuộc xâm lược của Nga sẽ thúc đẩy Trung Quốc giành quyền kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực. Những người khác, hạ thấp những điểm tương đồng, thì cho rằng Mỹ không đưa ra lập trường tích cực hơn về vấn đề chống đỡ cho Ukraine, vì Washington cần phải chú ý đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nhưng chính phủ Đài Loan nghĩ gì về cuộc xâm lược của Nga và những tác động đối với Đài Loan?
Không có gì đáng ngạc nhiên, với bản sắc riêng của Đài Loan là một nền dân chủ hòa bình, tuân thủ các quy tắc và có mối quan hệ chặt chẽ, mặc dù không chính thức, với Hoa Kỳ, chính phủ Đài Loan đã lên tiếng phản đối các hành động của Nga ở Ukraine.
“Người dân và chính phủ của # Đài Loan lên án mạnh mẽ hành động xâm lược quân sự của # Nga đối với #Ukraine,” Bộ Ngoại giao Đài Loan đã tweet vào sáng ngày 24 tháng 2 khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. Nó kết thúc dòng tweet với hashtag “#StandWithUkraine.” – “Ủng hộ Ukraine”.
“Đài Loan lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Ukraine của Nga và khuyến khích tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp của họ một cách hợp lý & hòa bình,” Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết một tweet vào ngày 23 tháng 2, trước khi cuộc xâm lược quy mô lớn bắt đầu.
Lập trường đó là kết quả của cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi tắt là NSC, được tổ chức vào ngày 23 tháng 2. Theo bản tóm tắt cuộc họp NSC của người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Xavier Chang cho biết “Chính phủ của chúng tôi lên án sự xâm phạm của Nga đối với chủ quyền của Ukraine - hành vi xâm phạm đã dẫn đến gia tăng căng thẳng đối với Biên giới Nga-Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục làm việc hòa bình, hướng tới một giải pháp hợp lý cho tranh chấp để cùng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Đài Loan, cùng với các đồng minh và đối tác thân cận khác của Mỹ, đang xem xét các biện pháp trừng phạt có thể có để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược của mình. Theo tờ Thời báo Đài Bắc, Bộ Kinh tế đang xem xét các phương án trừng phạt, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn.
Tuy nhiên, hơn cả những tác động quốc tế, NSC đã thảo luận về khả năng cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Loan theo ba cách: về mặt thể lý, thông qua khả năng hành động quân sự ở eo biển Đài Loan, về mặt tâm lý, thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch và “chiến tranh tâm lý”; và về mặt kinh tế, thông qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thị trường chứng khoán và giá cả hàng hóa.
Một số nhà phân tích đưa ra kịch bản xấu nhất là Trung Quốc có thể sử dụng sự hỗn loạn và mất tập trung do Nga xâm lược Ukraine để cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Điều đáng chú ý là không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc tập trung quân đội ở bờ biển phía đông nhằm tiến hành bất kỳ hành động quân sự quy mô lớn nào. Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Thái Anh Văn đã tìm cách trấn an người dân của mình, và thế giới nói chung, rằng họ đang theo dõi cẩn thận tình hình ở eo biển Đài Loan trong khi bom của Nga rơi xuống Ukraine.
“Các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta luôn quan tâm đến tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung”, bản tóm tắt cuộc họp của NSC cho biết. “Tuy nhiên, các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta phải tăng cường nỗ lực theo dõi và đưa ra cảnh báo sớm về các diễn biến quân sự ở eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh…”
Chính quyền tổng thống Thái Anh Văn muốn báo hiệu rằng họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, nhưng tuyên bố của họ không cho thấy mối quan ngại ngay lập tức về hành động quân sự.
Một mối đe dọa có thể xảy ra hơn là khả năng Trung Quốc cố gắng sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để truyền bá thông tin sai lệch và gây ra sự bi quan về tương lai của Đài Loan. Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài thực hiện các chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch nhắm vào Đài Loan - đôi khi với mục tiêu cụ thể là thu hút sự ủng hộ của công chúng trước cuộc bầu cử, nhưng đôi khi với mục đích chung chung hơn là gieo rắc sự chia rẽ và bất mãn chính trị.
Chính phủ Đài Loan dự đoán một chiến dịch tương tự sẽ xảy ra khi Trung Quốc tìm cách khai thác cuộc khủng hoảng Ukraine. Diễn biến cuộc họp của NSC đã nhấn mạnh rằng Đài Loan và Ukraine không giống nhau: “Xét về các yếu tố địa chiến lược, địa lý và tầm quan trọng của vai trò của chúng ta trong chuỗi cung ứng quốc tế, tình hình ở Đài Loan và Ukraine về cơ bản là khác nhau”. Như thế rõ ràng là, tài liệu này lưu ý khả năng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến “tinh thần của người dân Đài Loan”.
Bản tuyên bố nói: “Các cơ quan chính phủ của chúng ta phải tăng cường cảnh giác chống lại cuộc chiến tranh nhận thức từ các thế lực bên ngoài cũng như các cộng tác viên địa phương của họ, và phải tăng cường nỗ lực làm rõ thông tin sai lệch để bảo đảm sự ổn định xã hội trong nước của Đài Loan”.
Cuối cùng, chính phủ Đài Loan cũng chia sẻ mối quan ngại tương tự với nhiều quốc gia Á Châu bị hạn chế về tài nguyên về khả năng cuộc xung đột Ukraine làm tăng giá, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Đài Loan phụ thuộc vào Nga với khoảng 17% nhập khẩu than và 14% nhập khẩu khí đốt.
Tại cuộc họp của NSC, tổng thống Thái Anh Văn đã chỉ đạo chính quyền của mình “tiếp tục phản ứng với các diễn biến kinh tế đồng thời bảo đảm sự ổn định của nguồn cung hàng hóa, giá cả hàng hóa và thị trường chứng khoán và ngoại hối của chúng ta.”
Bản tóm tắt cuộc họp của NSC nêu rõ rằng trong khi chính phủ Đài Loan muốn chuẩn bị cho tình huống quân sự, họ vẫn để mắt đến các tác động trực tiếp khác từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chúng ta không nên để khả năng xa vời rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc xâm lược bắt chước Nga làm lu mờ khả năng cao hơn rất nhiều, và thực tế hơn mà cuộc chiến ở Ukraine sẽ tác động đến Đài Loan. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, bao gồm cả Đài Loan.
Source:The Diplomat
3. Thái độ thù địch của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn giữ một thái độ thù địch chống lại Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trước khi xảy ra vụ Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập Ukraine, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã thường xuyên lên tiếng đòi hỏi rằng các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo toàn thế giới phải đưa ra thảo luận tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương hiệp thông với Tòa Thánh. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi đó là điều kiện tiên quyết, miễn bàn cãi, nếu muốn tòa này tham dự các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo.
Tuy nhiên, trong một phản ứng ngược lại, Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople đã đưa ra một tuyên bố rất thân thiện đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và cám ơn vì sự hỗ trợ cho cuộc họp Liên Chính Thống Giáo gần đây ở Crete.
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã phàn nàn rằng trong nhiều năm qua từ sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Đông Âu, Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, đã tăng gấp đôi dân số. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã dùng tình cảm dân tộc và thái độ bài Nga để kích động tâm tình thù địch đối với Chính Thống Giáo Hội Ukraine liên minh với Mạc Tư Khoa.
Tuyên bố từ Mạc Tư Khoa ám chỉ một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng “Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa thường được sử dụng như một công cụ trong tay của kẻ xâm lược”. Đức Tổng Giám Mục thường lên án sự hỗ trợ mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dành cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng thái độ thù địch của Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã tạo ra một tình trạng “khẩn cấp” mà cuộc họp tiếp theo của các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo trên thế giới nhất thiết phải đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô của Constantinople đã gửi một thông điệp cảm ơn đến Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vì sự hỗ trợ của ngài cho cuộc họp Liên Chính Thống Giáo hồi tháng Sáu vừa qua ở Crete
Đáng chú ý, là tuyên bố từ Constantinople được gởi cho “Đức Thượng Phụ” Shevchuk, một danh xưng mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa thẳng thừng bác bỏ và chính Tòa Thánh cũng không dám gọi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bằng danh xưng ấy. Danh xưng chính thức Tòa Thánh dùng là Major Archbishop, nghĩa là, “Đức Tổng Giám Mục Trưởng”.
Trong thông điệp của ngài, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô hứa cầu nguyện cho “hòa bình và ổn định tại Ukraine.” Ngài cũng mạnh mẽ nêu rõ rằng sự thù địch mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa dành cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine không được chia sẻ bởi các Giáo Hội chính thống khác.
Đức Thượng Phụ Đại kết viết:
“Chúng tôi có thể bảo đảm với Đức Thượng Phụ rằng lập trường đối thoại với các Giáo Hội chị em của chúng tôi đã được hỗ trợ áp đảo trong các phiên họp công đồng và được ghi nhận trong các tài liệu chính thức. Điều này, theo ý kiến của chúng tôi, chắc chắn là rất quan trọng cho những chứng tá đáng tin cậy và nhất quán cho Tin Mừng trong một thế giới và một thời đại gặp quá nhiều khó khăn của chúng ta.”