Sau 500 năm thánh lễ Công Giáo được cử hành tại nhà thờ Thánh Phêrô Thụy Sĩ

Nhà thờ thánh Phêrô tại Geneva
Rome 10/3/2022.- Sau gần 500 năm, thánh lễ Công Giáo đầu tiên đã lại được cử hành tại một nhà thờ lớn ở Geneva, Thụy Sĩ, gọi là nhà thờ Thánh Phêrô vào tuần trước Chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay.

Thánh lễ cuối cùng được cử hành tại Nhà thờ này vào năm 1535. Sau Cải cách (reformation), nhà thờ được Giáo Hội Tin lành Cải cách của John Calvin tiếp quản. Nhóm cải cách đã phá hủy các bức tượng và tranh vẽ của nhà thờ, đồng thời cấm người Công Giáo không được cử hành các nghi thức phụng vụ tại đây.

Thánh lễ theo nghi lễ Công Giáo đã diễn ra vào ngày 5 tháng 3 năm 2022 sau khi đã bị hoãn lại hai năm vì đại dịch COVID-19. Khoảng 1.500 người đã tham dự thánh lễ, chủ tế chính là Đức Cha Pascal Desthieux, giám mục phó giáo phận Geneva.

Trong buổi phụng vụ, Daniel Pilly, một đại diện của cộng đồng Tin lành, đã yêu cầu mọi người tha thứ cho những hành động lịch sử chống lại sự thống nhất Cơ đốc giáo.

Đức Cha Desthieux nói rằng những người Công Giáo ở Geneva đã cảm động trước lời mời của cộng đồng Tin lành đến cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Phêrô và cũng xin được tha thứ vì “lỗi chống lại sự đoàn kết”: hành động chế nhạo, biếm họa hoặc thách thức cộng đồng Cải cách. ĐGM Desthieux cũng nhấn mạnh ước mong muốn “làm giàu cho nhau bằng sự khác biệt của chúng ta”.

ĐGM chào mừng các cặp vợ chồng từ các cuộc hôn nhân hỗn hợp tôn giáo "những người sống đại kết theo cách thân mật nhất." Ngài đề cập đến sự cám dỗ của Satan với Chúa Giê-su trong sa mạc, Ngài kêu gọi những người có mặt “chống lại các thế lực gây chia rẽ trong cuộc sống giữa chúng ta là những Kitô hữu.”

Trong một bức thư được công bố trên trang web của ĐGM vào năm 2020, Ngài đã mô tả nhà thờ là “vị trí trung tâm và mang tính biểu tượng của lịch sử Cơ đốc giáo của Geneva”.

Sau cuộc Cải cách, nhà thờ đã trở thành một địa điểm “biểu tượng của cuộc cải cách theo chủ nghĩa Calvin,” Ngài nói.

John Calvin, người Pháp sống ở Geneva sáng lập nhánh đạo Tin lành được gọi là đạo Calvin và thành phố này là điểm đến cho những người Pháp theo đạo Tin lành buộc phải chạy trốn do bị đàn áp. Saint-Pierre de Genève là nhà thờ quê hương của Calvin và ghế của ông được trưng bày bên cạnh bục giảng của nhà thờ.

Giáo phận Geneva cuối cùng được nhập vào giáo phận Lausanne, Geneva, và Fribourg. Ngày nay, chỉ dưới 40% dân số Thụy Sĩ theo đạo Công Giáo.

ĐGM thừa nhận rằng Thánh lễ Công Giáo được cử hành lại tại nhà thờ này là một lý do để vui mừng, ĐGM cũng chống lại “chủ nghĩa chiến thắng” cho rằng người Công Giáo đang tìm cách “tiếp quản” tòa nhà.

ĐGM ngỏ lời với anh chị em Tin Lành: “Với những anh chị em theo đạo Tin lành của chúng tôi, những người chào đón chúng tôi trong nhà thờ lớn của họ, chúng tôi chỉ muốn thực hiện một cử chỉ đại kết mạnh mẽ, một dấu hiệu cho thấy tất cả chúng ta đang sống cùng nhau ở Geneva,” Ngài nói thêm rằng Thánh lễ là một “cử chỉ của lòng hiếu khách” trong cộng đồng Cơ đốc của thành phố.

Nguyễn Long Thao