9. Maurice Blondel và Henri de Lubac

De Lubac dành năm học 1912–1913 để học luật tại Phân khoa Công Giáo của Đại học Lyon. Ngài vào Dòng Tên năm 1913. Các chính sách chống giáo sĩ của Đệ tam Cộng hòa khiến ngài phải đến Đảo Jersey. Năm 1914 xảy ra Đại chiến và de Lubac, cùng với nhiều giáo sĩ khác, phải gia nhập quân đội Pháp, nơi ngài phục vụ từ năm 1915 đến năm 1919. Năm 1916, tại Eparges gần Verdun, de Lubac là một trong nửa triệu người bị thương trong Trận chiến Verdun, bị một vết thương nghiêm trọng ở đầu, hậu quả của nó tiếp tục trong suốt cuộc đời của ngài. Sau chiến tranh, ngài tiếp tục học triết học tại Jersey (1920–23), nơi chủ nghĩa Tôma hiện đại của Pedro Descoqs đã gây chấn động. De Lubac nhớ lại việc ghi vội “một số ghi chú khá không duy bảo thủ” trong các lớp học của Descoqs, những ghi chú “được truyền cảm hứng từ Thánh Tôma nhiều hơn từ bậc thầy Suarez của tôi, người mà lời giảng dạy đầy tính tranh đấu là một lời mời vĩnh viễn phải phản ứng” (50). De Lubac bắt đầu học thần học tại Hastings ở bờ biển phía nam của nước Anh vào năm 1924. Nhưng vào năm 1926, ngài cùng trường thần học Dòng Tên trở lại Lyon và hoàn thành hai năm thần học cuối cùng của mình tại La Fourvière. La Fourvière là một “trường học theo truyền thống tân kinh viện” hơn bất cứ cơ sở nào chịu ảnh hưởng của Blondel. Nhưng cũng có một nhóm các giáo sư mà Henrici gọi là “các tu sĩ Dòng Tên thuyết trình lại [relectures jésuites]”. Đứng đầu trong số họ là Auguste Valensin, bạn và là đệ tử của Blondel, từ vị này, de Lubac đã học Thánh Tôma qua Blondel và Rousselot. Bản thân Blondel lúc này đang giảng dạy tại Aix en Provence, trên bờ biển Địa Trung Hải gần Marseilles, không xa Lyon về phía bắc bao nhiêu (51) Dưới ảnh hưởng của Valensin và nhiều người khác, de Lubac đã trở thành một phần không thể thiếu của một mạng lưới lỏng lẻo gồm các nhà trí thức và nhà hoạt động giáo dân và giáo sĩ mà Fouilloux từng gọi là “trường phái thứ hai của Lyon”. Các nhà lãnh đạo của nó đã được thúc đẩy, đến một mức nào đó, bởi tinh thần của lời Đức Lêô XIII kêu gọi liên minh với nền Đệ tam Cộng hòa. Về mặt chính trị, họ cố gắng lèo lái giữa chủ nghĩa toàn diện bảo hoàng Công Giáo của cánh hữu, được đại diện bởi Charles Maurras và L’Action française, và chủ nghĩa chống giáo sĩ hùng hổ của Đệ tam Công hòa đầu thế kỷ XX.



Về mặt thần học, họ thương lượng các nguy hiểm ngấm ngầm giữa chủ nghĩa phản duy hiện đại của Rôma, vốn nghi ngờ Blondel, và mong muốn của họ đối với việc theo đuổi, trong giới hạn chính thống, các loại vấn đề được nêu ra trong cuộc khủng hoảng duy hiện đại (52). Nhà kỹ nghệ học Victor Carlhian ở Lyon, vốn là học trò của đồng nghiệp Blondel, Lucien Laberthonnière, và là lực lượng chính của Le Sillon ở Lyon trước khi bị dẹp bỏ vào năm 1910, đã giúp đỡ trong việc gây qũy cho nhóm. Fouilloux gọi họ là “trường phái in bằng máy photocpy” [école polycopiante], vì các ấn phẩm của họ, được sản xuất trên máy photocopy thời đó, được lưu hành theo kiểu hầm trú, “một kiểu xuất bản lậu [samizdat] trước thời của nó” (53). Tại trung tâm thần học của Trường phái Lyon là những “thuyết trình lại” của Henrici hay “các tu sĩ Dòng Tên đang trở thành đồ đệ của Blondel”. Đối với Henrici, de Lubac “chắc chắn là nhân vật chính trong hàng ngũ các tu sĩ Dòng Tên theo Blondel” (54). Theo hình ảnh của Fouilloux, “ngọn lửa” của Trường phái Lyon bùng cháy sáng nhất vào năm 1938 với việc xuất bản cuốn Catholicisme (Công Giáo) của de Lubac, một cuốn sách bắt đầu như những bài diễn giảng trình bầy cho những người Công Giáo xã hội xung quanh Lyon (55). Như Henrici đã nhấn mạnh, mối liên hệ chặt chẽ của de Lubac với Blondel chỉ dần dần phát sinh mới đây thôi. De Lubac bước vào thần học “qua cánh cửa hẹp của triết học, nhất là triết học của Maurice Blondel” (56).

De Lubac từng viết, “Trong những năm triết học của tôi (1920–1923), tôi đã nhiệt tình đọc cuốn L’Action, Lá Thư (về hộ giáo) và nhiều nghiên cứu khác của Maurice Blondel.... Tôi đã nghe nhiều về ông từ Cha Auguste Valensin. Tôi đã đến thăm ông lần đầu tiên vào năm 1922...” (57). Tác phẩm lớn Surnaturel của De Lubac, về vấn đề tự nhiên và ân sủng, đã không được xuất bản cho đến năm 1946 khi Thế chiến hai kết thúc. Nhưng vào những năm 1920, Cha Joseph Huby khuyến khích de Lubac “xác minh về phương diện lịch sử luận điểm của Blondel và Rousselot về siêu nhiên trong khi nghiên cứu cùng một vấn đề nơi Thánh Tôma”.

Hồi ký của De Lubac mô tả nhóm thảo luận không chính thức vào buổi tối Chúa nhật của Cha Huby trong đó cuộc điều tra của ngài về “siêu nhiên” đã bắt đầu (58). Ngày 3 tháng 4 năm 1932, de Lubac viết cho Blondel điều ngài mô tả như một “loại phác thảo của điều sau này trở thành cuốn Surnaturel của tôi.” Ngài thúc giục Blondel, “với mọi sự tự do của một môn đệ,” rằng trong công trình gần đây của ông, triết gia vùng Aix đã tiến quá gần tới giả thuyết hiện đại về “bản chất thuần túy”. De Lubac nhắc Blondel nhớ rằng: “Chính việc nghiên cứu công trình của ông đã khiến tôi, cách đây khoảng 11 năm, bắt đầu suy nghĩ về những vấn đề này, và tôi tin rằng tôi vẫn trung thành với nguồn cảm hứng của nó”.

Ngài tiếp tục trích dẫn Blondel như nguồn cảm hứng cho khẩu hiệu vốn lên đặc điểm cho cách tiếp cận của ngài với vấn đề tự nhiên và ân sủng: “hợp nhất để phân biệt điều tốt hơn” (59). Khi cuốn Surnaturel xuất hiện vào năm 1946, de Lubac đã gửi một bản cho Blondel, lúc đó vẫn đang nghiên cứu bộ ba cuối cùng không hoàn chỉnh của ông. Blondel gọi cuốn Surnaturel là một “công trình căn bản, thực sự kỳ công”.

“Tôi tìm thấy trong đó một ánh sáng, một sức mạnh, một niềm vui mà tôi không thể cảm ơn cho đủ, mà không quên lòng biết ơn tôi nợ cha vì đã quan tâm nâng tôi lên trên những lời chê bai và phản bác”. Blondel 85 tuổi viết thế và cho biết mình “được tiếp thêm sức mạnh để một lần nữa tiếp tục nỗ lực của tôi để hoàn tất nhiều bản thảo của Tập III về ‘La Philosophie et l’Esprit chrétien’ [Triết học và Tinh thần Kitô giáo]...” (60)

Sau cái chết của Blondel vào năm 1949 và cuộc tranh cãi về “la nouvelle théologie”(1950) đã phần nào lắng dịu, de Lubac, cùng với Henri Bouillard, và các tu sĩ Dòng Tên khác, đã làm rất nhiều để bảo đảm di sản của Blondel, tiếp tục nâng ông “lên trên các lời chê bai và phản bác” và thoát khỏi các văn kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng duy hiện đại (61). Năm 1957, de Lubac xuất bản ẩn danh hai tập đầu tiên được chú thích nhiều về thư từ giữa Blondel và Auguste Valensin trong các năm 1899 và 1912. Đến năm 1965, de Lubac có thể xuất bản tập thứ ba về thư từ trong các năm 1912 đến 1947 dưới tên của chính mình (62). Năm 1960, René Marlé xuất bản một bộ sưu tập thư từ và các tài liệu khác liên quan đến cuộc khủng hoảng duy hiện đại với tựa đề Au Coeur de la crise modernniste (Giữa lòng cuộc khủng hoảng duy hiện đại). Henrici cho rằng “Cha de Lubac không biết mệt mỏi” với việc chuẩn bị bộ sưu tập này. Cũng trong năm 1965, de Lubac xuất bản một ấn bản có chú thích về thư từ của Blondel và Pierre Teilhard de Chardin, và vào năm 1969, thư từ của Blondel và Johannès Wehrlé, một linh mục chính xứ ở Paris, người mà Blondel đã trao đổi thư từ trong cuộc khủng hoảng duy hiện đại và sau đó (63). Sau một cuộc thảo luận dài về công việc hiệu đính của mình về các tác phẩm của Auguste Valensin, de Lubac đã viết rằng ngài coi “các ấn bản di cảo” mà ngài đã xuất bản cho Valensin, Montcheuil, Blondel và Teilhard “là một trong những nhiệm vụ hữu ích nhất từng được giao cho tôi để hoàn thành” (64).

10. Blondel tại Công đồng Vatican II

Trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng duy hiện đại, trong Lá thư Hộ giáo năm 1896, Blondel đã phân biệt hai cách “nhìn vào lịch sử các ý niệm triết học”. Thay vì ở “bên ngoài chính dòng,” tự cắt đứt “khỏi loại cuộc sống duy nhất có hiệu quả”, Blondel đã đi theo con đường khác. Bằng các cố gắng: để tri nhận sự khích động của cuộc sinh nở mà nhân loại luôn chuyển dạ, chúng ta tự đặt mình vào thế hưởng lợi nhờ cố gắng lớn lao này, khai sáng nó, đưa nó đến chỗ sinh hoa trái, đốt lên tim đèn leo lét, ít sẵn sàng giả thiết rằng chẳng có giá trị đối với bản thân chúng ta trong các học thuyết xem ra trái ngược nhất với học thuyết của chúng ta, đến với những người khác để họ đến với chúng ta — và đó là nguồn gốc của tính sinh hoa trái trí thức (65). Sự thúc đẩy của Blondel “đi đến những người khác để họ có thể đến với chúng ta” đã sinh hoa kết trái tại Công đồng Vatican II.

Khi kết thúc cuộc khảo sát của mình về dòng dõi Blondel nơi các tu sĩ Dòng Tên người Pháp, Henrici lưu ý rằng cuốn L'Action, một dự án vốn được quan niệm như một cuốn hộ giáo ngỏ với "những người không tin, những nhà tài tử [dilettantes], những người bi quan và những người duy nghiệm đương thời," từng oái oăm trở thành "nguồn suối tươi trẻ cho nền thần học và triết học Công Giáo”.

Ông tóm tắt ba chủ đề có liên quan mật thiết với triết học Blondel đã khiến nhiều nhà tư tưởng Công Giáo thế kỷ XX quan niệm lại mối tương quan của triết học và thần học. Thứ nhất, trong lĩnh vực nhân học triết học, con người, với tư cách con người lịch sử, được xác định bởi số phận siêu nhiên của họ. Thứ hai, trong lĩnh vực nhận thức, tính năng động trong việc hiểu biết của con người được sắp đặt để hưởng nhan Thiên Chúa như vừa cần thiết vừa bất khả đối với chúng ta. Thứ ba, và táo bạo nhất, là lập luận của Blondel ở Phần V, Chương 3 cuốn L'Action, cho rằng sự kết hợp giữa nhân tính và thần tính trong Chúa Kitô là "thước đo muôn loài" (panchristisme) và có lẽ là giải pháp duy nhất cho "vấn nạn nan giải [aporia] của Kant về tính chất phù du của dữ kiện cảm giác (données sensibles) khi phải đương đầu với tính năng động của trí hiểu đối với điều khả niệm và tính nhất quán dứt khoát của thế giới khả giác như là cơ sở cho mọi kinh nghiệm của con người” (66).

Henrici kết luận: Nếu có một điều cần học hỏi từ các tu sĩ Dòng Tên thừa kế của Blondel, đó là “triết học và thần học thuộc về nhau nhiều hơn chúng ta quen nghĩ, và, nếu không có thần học thì không có triết học, và cũng đúng là nếu không có thần học, một triết học dù với chiều sâu khiêm nhường nhất cũng không thể có được” (67).

Henrici nhận định rằng việc Blondel mở các “ngăn đóng kín” (cloisons étanchées) của “triết học tách biệt” và “thần học tách biệt” đã có “nhiều vang dội thậm chí đối với cả các giáo huấn có thẩm quyền cao nhất của Giáo hội”, không những trong thông điệp Fides et ratio năm 1998, mà còn trong các văn kiện của Công đồng Vatican II. Ảnh hưởng của De Lubac đối với các tài liệu của Công đồng đã được nhiều người biết đến và thường được bình luận. Nhưng Henrici kết thúc bài báo của mình bằng một trích dẫn Cha Yves Congar, người đã định vị ảnh hưởng sâu xa của de Lubac chính ở điểm Blondel quan niệm lại mối tương quan của triết học và thần học.

Congar viết vào năm 1966, “Nếu chúng ta phải định phẩm cách tiếp cận của Công đồng trong một chữ, thì chúng ta có thể viện dẫn lý tưởng nhận thức mà Maurice Blondel đã đề xuất và lý tưởng mà ông đã lấy lại khi đương đầu với điều được ông gọi là 'chủ nghĩa dẫn nhập đơn nhất', nghĩa là, một quan niệm bị vật thể hóa [thingly, reified) về nhận thức".

Henrici nói thêm, như phần chêm vào cụm từ cuối cùng vừa nói, “một hệ thống duy ngoại gồm các ngăn đóng kín” (68). Theo quan niệm của ngài về “sự thăng trầm của thần học”, có lẽ de Lubac không ngạc nhiên khi thấy nền thần học lấy cảm hứng từ Blondel về tự nhiên và ân sủng, thay vì là một thành tựu dứt khoát, đã chứng tỏ là không ổn định và chưa hoàn tất. Một đàng, việc nại tới một cách không phân biệt đặc tính ân sủng của thế giới chúng ta đe dọa sẽ lấy mất trung tâm Kitô học và ba ngôi của nó. Các tái khẳng định về quyền tự trị của triết học trong việc nại tới các praeambula fidei [lời nói đầu của đức tin] trong Summa theologiae [Tổng luận Thần học] của Thánh Tôma (1, 2, ad 1) và hiến chế tín lý Dei Filius của Vatican I đã làm bất ổn trung tâm Kitô học và ba ngôi của nền thần học về tự nhiên và ân sủng từ một phía khác (69). Làm sáng tỏ các ý nghĩa trong đó, chúng ta thực sự có thể nói rằng thế giới được ân sủng vẫn là một nhiệm vụ chính của thần học Công Giáo đương thời.

11. Maurice Blondel và thông điệp Fides et ratio (1998)

Ngoài Công đồng Vatican II, Henrici cũng đề cập đến thông điệp Fides et ratio như một trong những điển hình cho thấy tác động của tư tưởng Blondel đối với các giáo huấn có thẩm quyền nhất của Giáo hội. Thật vậy, Henrici thấy tư tưởng của Blondel ở trung tâm của thông điệp và nhắc đến Maurice Blondel như một “innommé”, “một người dấu tên” của thông điệp. Thông điệp có thể được coi như bước thứ hai trong ba bước được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận, những bước, nếu được xem xét với nhau, đại diện cho việc minh oan và thậm chí chiến thắng cho Maurice Blondel. Bước đầu tiên: Lá thư kỷ niệm bách chu niên năm 1993. Ngày kỷ niệm các biến cố quan trọng đóng một vai trò đào tạo trong cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sự nhiệt tình của ngài đối với việc cử hành Năm Thánh năm 2000, với trọng tâm là sự ăn năn và “thanh tẩy trí nhớ” nên được hiểu trong bối cảnh này (70). Đức Cố giáo hoàng không phải là người bỏ lỡ một ngày kỷ niệm. Vào ngày 19 tháng 2 năm 1993, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện bước đầu tiên trong ba bước của ngài trong một lá thư gửi cho Đức Tổng Giám Mục Aix en Provence. Đây là dịp kỷ niệm bách chu niên ngày xuất bản cuốn L’Action vào năm 1893. Để đánh giá bức thư này quan trọng ra sao, người ta phải nhớ lại những lời của Đức Giáo Hoàng Piô X trong thông điệp Pascendi, những lời từng gây ra cho Blondel rất nhiều đau buồn vào năm 1907 và sau đó.

“Chúng ta không thể không ta thán một lần nữa, và đau buồn thay, vẫn có những người Công Giáo, trong khi bác bỏ nội tại tính như một học thuyết, vẫn sử dụng nó như một phương pháp hộ giáo, và họ làm điều này một cách thiếu thận trọng đến mức dường như họ thừa nhận rằng trong bản chất con người có một tất yếu đích thực và nghiêm ngặt liên quan đến trật tự siêu nhiên — và không chỉ là một khả năng và sự phù hợp đối với siêu nhiên, y như đã luôn được các nhà hộ giáo Công Giáo nhấn mạnh” (Đoạn 37).

Ở đây, Pascendi bác bỏ con đường nội tại tính như là chấp nhận điểm xuất phát của Kant và bác bỏ các kết luận của ông ta. Việc phân biệt giữa nội tại tính như một học thuyết và như một phương pháp là điều mà Blondel luôn nhấn mạnh khi bảo vệ công trình của mình chống các lời chỉ trích tân kinh viện. Ở đây, Đức Piô X đã cắt đứt sự ủng hộ đối với ông và làm cho tên tuổi ông bị nghi ngờ và cần được bảo vệ nơi các giới giáo hội trong suốt phần đời còn lại của ông. Ông viết vào ngày 17 tháng 9 năm 1907, “Tôi đã đọc thông điệp, và tôi thật sững sờ”.

Ông viết cho người bạn thân của mình, tu sĩ Dòng Tên Auguste Valensin, “Nó gần như khiến người ta phải thốt lên, Hạnh phúc thay cho những người đã chết trong Chúa". Đến ngày 22 tháng 9, ông đã đạt được một viễn ảnh nào đó về thông điệp. Ông viết cho Johannès Wehrlé: “Chúng ta có một nhiệm vụ kép phải hoàn thành, việc thánh hóa và xây dựng bằng lòng trung thành của chúng ta, nếu cần để tiến tới đức anh hùng; việc soi sáng và dấn thân với đầu óc kinh viện” (71).

Năm 1993, gần một thế kỷ sau, vào dịp kỷ niệm bách chu niên cuốn L’Action, một vị giáo hoàng khác đã gửi lời tưởng niệm đầy xúc động đến Maurice Blondel.

“Như thế, khi nhớ đến tác phẩm, trước hết chúng ta có ý định tôn vinh tác giả của nó, người, trong tư tưởng và cuộc đời của mình, đã có thể ảnh hưởng đến việc cùng hiện hữu của cả các phê phán khắt khe nhất lẫn việc nghiên cứu triết học can đảm nhất đối với đạo Công Giáo chân chính nhất, thậm chí cả lúc ông rút tỉa từ chính ngọn nguồn của truyền thống tín điều, giáo phụ và huyền nhiệm. Lòng trung thành hai chiều này đối với các đòi hỏi nhất định của tư tưởng triết học hiện đại và với Huấn quyền của Giáo hội đã phải trả giá bằng việc không được hiểu biết và đau khổ, vào thời điểm lúc Giáo hội thấy mình đương đầu với cuộc khủng hoảng duy hiện đại và những sai lầm liên hệ” (72).

Sự công nhận đặc biệt này của vị Giáo hoàng đối với Blondel thừa nhận cả lòng trung thành của ông với Huấn quyền của Giáo Hội và nỗi đau khổ của ông trong cuộc khủng hoảng duy hiện đại. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi cuốn L’Action là “luận thuyết của một triết gia về điều vượt quá triết học”. Mô tả này cũng có thể dễ dàng áp dụng cho chính thông điệp Fides et ratio năm 1998 của Đức Giáo Hoàng. Trong thông điệp đó, trong bối cảnh bác bỏ “chủ nghĩa duy lý” và “chủ nghĩa thực dụng tín điều”, Đức Gioan-Phaolô II đã trích dẫn ngắn gọn thông điệp Pascendi (đoạn 71). Nhưng cắt bỏ bối cảnh thần học-chính trị của nó, thông điệp Pascendi trở thành một lời cảnh báo hàng thế kỷ chống lại “chủ nghĩa duy lý” và “chủ nghĩa duy sử” mà Đức Gioan-Phaolô II cùng với Đức Piô X đã bác bỏ một cách chính đáng.

Bước thứ hai: Thông điệp Fides et ratio, 1998. Thông điệp Fides et ratio mang theo Pascendi như một nhánh phụ đi vào một trong những dòng thần học lớn chảy vào Công đồng Vatican II. Như chúng ta đã thấy, dòng suối này phát xuất từ Maurice Blondel chẩy qua Henri de Lubac và nhiều người khác. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh de Lubac vào năm 1983 bằng cách phong ngài làm Hồng Y. Nhà cải cách thế kỷ 19, Antonio Rosmini, được một số người Ý gọi là Newman, xuất hiện trong thông điệp này (đoạn 74). Trên thực tế, thông điệp vốn được đọc như “một hành vi phục hồi ở điểm nó đã tiến cử các nhà tư tưởng từng bị kết án hoặc bác bỏ trong biến chuyển Tân Tôma thế kỷ XIX” (73). Năm 2002, Bộ Giáo lý Đức tin đã chính thức xua tan niềm nghi ngờ lạc giáo vốn bao vây Rosmini từ năm 1887. Ngày 18 tháng 11 năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã phong chân phước cho ngài (74). Tương phản với Rosmini và những người bị đặt qua một bên khác được đề cập trong thông điệp, tên của Blondel vắng mặt rõ ràng trong Fides et ratio. Tuy nhiên, người ta có thể rờ thấy sự hiện diện của ông trong thông điệp, như khi nó nhắc đến các triết gia vốn “tạo ra một nền triết học, bắt đầu với sự phân tích về tính nội tại, đã mở ra con đường dẫn đến siêu việt” (đoạn 59). Peter Henrici cho rằng Fides et ratio nên được đọc “chính xác như một biện pháp khen thưởng của huấn quyền đối với khái niệm triết học của Blondel,” trong khi cùng một lúc, “tiểu sử triết học của Blondel tuổi trẻ... có thể được đọc như một biện minh triết học và đặt nền tảng cho nhiệm vụ (hiện sinh) của triết học được Fides et ratio cổ vũ”. Tác giả này nhấn mạnh rằng thông điệp thiếu “cây cầu triết học” để làm trung gian giữa những khẳng định đồng thời của nó về hành trình con người đi tìm ý nghĩa và sự hoàn thành của nó trong Chúa Kitô.

Henrici phác thảo bốn “hội tụ cơ cấu” giữa cuốn L’Action và thông điệp và kết luận rằng cuốn L’Action “trên thực tế, có thể được đọc như một bình luận triết học bổ sung về Fides et ratio”. Nó điển hình hóa chính kiểu trung gian triết học mà thông điệp cần. Vì việc phân tích này, cũng như những ám chỉ rõ ràng về Blondel mà ngài tìm thấy trong các đoạn 26, 59 và 76, Henrici nêu câu hỏi hiển nhiên: "Tại sao tên của Blondel không được nhắc đến trong thông điệp?" Một sự bỏ sót như vậy không thể nào ngẫu nhiên được. Henrici cho rằng điều đó là do Đức Gioan Phaolô II không muốn “áp đặt bất cứ triết lý cụ thể nào lên người đọc của ngài”. Triết học của Blondel là loại triết học được thông điệp lấy làm giả định, nhưng nó không phải là loại triết học duy nhất có thể có. Vì điều được Henrici gọi là “mối liên hệ bên trong giữa tư tưởng của Blondel và các đường hướng suy nghĩ” trong thông điệp, cũng như mong muốn của Đức Giáo Hoàng là tiếp tục cởi mở “đối với nhiều thứ triết lý Kitô giáo khác”, theo Henrici, Đức Gioan Phaolô II đã cố tình tránh nhắc đến tên của Maurice Blondel (75).

Bước thứ ba: Diễn thuyết trước hội nghị Blondel quốc tế, 2000. Như để xác nhận cách Henrici hiểu thông điệp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện bước thứ ba. Đó là dịp có một cuộc gặp gỡ quốc tế tại Đại học Gregorian ở Rôma để minh nhiên liên kết Blondel với các chủ đề của Fides et ratio. Chủ đề của cuộc họp là “Blondel giữa cuốn L’ActionBộ Sách Ba Cuốn”. Ngày 18 tháng 11 năm 2000, Đức Giáo Hoàng nói với những người tụ họp tại Đại Học Gregorian rằng cuộc họp của họ có liên quan đặc thù tới các vấn đề cấp bách mà ngài đã nêu ra trong thông điệp. Các vấn đề này bao gồm việc nghiên cứu triết học như một preparatio fidei [môn học chuẩn bị cho đức tin] (đoạn 61) và mối liên hệ của thần học, vốn được coi như khoa học về đức tin, với lý trí triết học (đoạn 64–69). Những lời tiếp theo của ngài nhắc người đọc nhớ tới bức thư năm 1993, mà sau đó ngài tiếp tục trích dẫn.

“Từ gốc rễ triết học của Maurice Blondel, có một tri nhận rõ nét về bi kịch phân cách giữa đức tin và lý trí (xem đoạn 45–48) và ý chí dũng cảm vượt qua sự phân cách này coi nó như trái với bản chất của sự vật. Vì thế, triết gia vùng Aix là một đại diện lỗi lạc của triết học Kitô giáo, được hiểu như suy lý thuận lý, trong kết hợp quan yếu với đức tin (xem đoạn 76), trong một dạ trung thành kép đối với những đòi hỏi của nghiên cứu trí thức và với Huấn quyền” (76).

Đó có phải là một hành vi tạ tội, thanh tẩy ký ức hay không? Có lẽ chỉ có bản thân Maurice Blondel mới có thể trả lời được câu hỏi này. Dù sao, lịch sử đã xử rất tốt với nhà triết học vùng Aix. Hơn một thế kỷ sau Pascendi, người ta có thể trung thành đọc lịch sử can thiệp của thần học Công Giáo, từ viễn cảnh được phác họa ở đây, như là “cuộc chiến thắng của Maurice Blondel”. Đó là một chiến thắng xuất hiện sau một thế kỷ và đầy những oái oăm và lưỡng nghĩa sâu xa. Có lẽ Blondel sẽ không ngạc nhiên.

Viết vào năm 1980, Henri de Lubac tuyên xưng Blondel như “động lực chính” để “nền thần học Latinh quay trở lại với một truyền thống đích thực hơn” (77). Sau đó, ngài cố gắng nắm bắt ấn tượng mà Blondel đã tạo ra nơi ngài ở lần đầu gặp mặt năm 1912 bằng cách trích dẫn bức chân dung bằng lời về Blondel viết năm 1935. Nó giống như ấn tượng mà Michael Kerlin đã tạo ra nơi tôi.

“Trước sự hiện diện của ông, ngay từ đầu tôi đã hiểu ý nghĩa của việc coi nghề dạy học như một loại chức linh mục... Trong giọng nói kiên nhẫn và tài hùng biện liên tục của Maurice Blondel, vào thời điểm đó, có nhiều biến tố của lòng tốt, lòng bác ái và tao nhã, theo nghĩa rộng của từ ngữ, mà tôi hiếm thấy nơi người của Giáo hội ở một mức độ phát triển và tinh luyện. Trong cuộc trò chuyện của người vốn được gọi là ‘người chiến đấu’ vĩ đại của các ý niệm này, không hề có dấu vết dù nhỏ nhất nào của sự cay đắng [đó].... Tôi tạm biệt Blondel không những được soi sáng mà còn được bình tâm, và, khi đọc những công trình dài của ông, những công trình nói nhiều hơn viết, một lần nữa tôi thấy lòng kiên nhẫn vô hạn, vừa nhẹ nhàng vừa bền bỉ, kết thúc bằng chiến thắng tất cả... (78)

Đây, có lẽ, là chiến thắng đích thật nhất của Blondel”.

Ghi chú

50 de Lubac, At the Service of the Church, 42

51 “Relectures jésuites” tại trang 309 “La Descendance blondélienne parmi les jésuites français”. Để biết thông tin tiểu sử về de Lubac, tôi đã dựa vào mục của Susan Wood về ông trong Biographical Dictionary of Christian Theologians, ed. Patrick W. Carey and Joseph T. Lienhard [Từ điển tiểu sử của các nhà thần học Kitô giáo, chủ biên Patrick W. Carey và Joseph T. Lienhard] (Westport, Conn: Greenwood Press, 2000), 330–33. Xem thêm Grumett, De Lubac, 1–6.)

52 Ở đây tôi theo Fouilloux, “La seconde 'École de Lyon' [‘Trường phái Lyon’ thứ hai] (1919–1939),” 268, 271–72.

53 Ibid., 268. Các ấn phẩm của họ bao gồm, bắt đầu từ thập niên 1930, các tác phẩm chưa được hiệu đính của Pierre Teilhard de Chardin, bao gồm The Divine Milieu [Lãnh vực Thần linh].

54 Henrici, “La descendance blondélienne,” 310.

55 Fouilloux, “La seconde 'École de Lyon' (1919–1939),” 272. De Lubac mô tả các bài giảng mà cuốn sách dựa vào trong At the Service of the Church, 27.

56 Xavier Tilliette, “Le Père de Lubac et le débat de la Philosophie chrétienne,” [Cha de Lubac và cuộc tranh luận về Triết học Kitô giáo] Les Études Philosophiques 50 (1995): 193–203, ở trang 193, được trích dẫn bởi Henrici, “La descendance blondélienne,” 311, n. 21.

57 de Lubac, At the Service of the Church, 19. Dịp ngài đến thăm Aix là cơn đau tai kinh niên của ngài.

58 “Sau này, Cha Huby đề nghị với de Lubac kiểm chứng về phương diện lịch sử các chủ đề của Blondel và de Rousselot về siêu nhiên, bằng cách cùng một lúc nghiên cứu vấn đề nơi Thánh Tôma” (Henrici, “La descendance blondélienne”, 312. Xem de Lubac, At the Service of the Church, 34–35. Henrici tiếp tục gợi ý rằng các nghiên cứu đầu tiên của de Lubac về Baius và Jansenius, xuất bản năm 1931, được lấy cảm hứng từ một bài báo năm 1923 của Blondel về chủ nghĩa Jansenism và chủ nghĩa chống Jansenism nơi Pascal. Trước đó (ở trang 311, ghi chú 19), Henrici trích dẫn luận văn của Antonio Russo, viết dưới sự hướng dẫn của Walter Kasper, Henri de Lubac: Teologia e dogma nella storia. L’influsso di Blondel [Henri de Lubac: Thần học và tín điều trong lịch sử. Ảnh hưởng của Blondel] (Rome: Studium, 1990) như lên tài liệu thấu đáo về ảnh hưởng của Blondel đối với de Lubac trẻ tuổi.

59 de Lubac, At the Service of the Church, Phụ lục 1: 7, 183–85, với câu trả lời của Blondel cho “những lời khuyên rất hữu ích” của de Lubac, ở tr.185tt. Muốn đọc de Lubac về "hợp nhất để phân biệt tốt hơn," xem Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên], bản dịch của Rosemary Sheed với lời Dẫn nhập của David L. Schindler (New York: Crossroad, 1998), 30–31, trước đó là việc tham chiếu đến cuốn L'Action của Blondel tại tr. 29.

60 de Lubac, At the Service of the Church, 188, trích dẫn Blondel gửi de Lubac, ngày 19 tháng 12 năm 1946.

61 Cuốn nghiên cứu của Bouillard, Blondel et le Christianisme xuất hiện năm 1961. Xem ghi chú 2 ở trên.

62 Về dữ kiện xuất bản, xem Henrici, “La descendance blondélienne” 307, số 13. Henrici gọi những tập này là “một mỏ thông tin gần như bất tận”.

63 Xem sđd., 308, số 14 để biết dữ kiện xuất bản. De Lubac kể câu chuyện về những ấn phẩm này trong At the Service of the Church, 101–03. Các học giả theo Duy hiện đại Émile Poulat và René Virgoulay đã chỉ trích việc biên tập Au Coeur de la crise modernniste (Ở Tâm điểm cuộc Khủng hoảng Duy hiện đại]. Xem Marvin O’Connell, Critics on Trial, 254, ghi chú 13. De Lubac giải thích các vai trò liên hệ của ngài và Marlé trong At the Service of the Church, 102–03. Ngài thay mặt Teilhard thực hiện bài viết của mình theo sự hướng dẫn của bề trên tỉnh, người đã viết cho ngài vào năm 1961 rằng “bốn bề trên tỉnh của Pháp, với sự chấp thuận của Cha Bể trên Cả, muốn một trong những người biết rõ về ngài, những người đã theo tư tưởng của ngài, để đem chứng từ của ngài chống đỡ ngài” (At the Service of the Church, 104, trích dẫn Cha Blaise Arminjon gửi cho de Lubac, ngày 23 tháng 4 năm 1961).

64 de Lubac, At the Service of the Church, 101.)

65 Blondel, The Letter on Apologetics and History and Dogma [Lá thư Hộ giáo và lịch sử và Tín điều], 147.

66 Về khía cạnh vũ trụ học này của tư tưởng Blondel, xin xem David Grumett, “Eucharist, Matter and the Supernatural: Why de Lubac Needs Teilhard,” International Journal of Systematic Theology [Thánh thể, Vật chất và Siêu nhiên: Tại sao de Lubac lại cần Teilhard,” Tạp chí Quốc tế về Thần học Hệ thống] 10, số 2 (tháng 4 năm 2008): 165–78. Grumett lập luận rằng, để hoàn tất bài phê bình của mình về “bản chất thuần túy”, de Lubac cần chiều kích vũ trụ do Teilhard đưa ra. Trong quá trình tranh luận của mình, ngài nói rõ tác động của ấn bản tiếng Latinh của luận án Blondel năm 1930 đối với "vinculum substantiale", tức dây nối kết bản thể, nơi Leibniz, đối với cả de Lubac và Teilhard.

67 Về ba chủ đề, xem Henrici, “La descendance blondélienne,” 320–21. Về Chúa Kitô như “thước đo muôn loài”, xem Blondel, L’Action, 420–21.

68 Henrici, “La descendance blondélienne,” 322, trích dẫn Congar trong Documentation catholique, 1 tháng 1 năm 1966, tr. 13. Xem thêm Étienne Michelin, Vatican II et le 'Surnaturel' (Venasque: Éditions du Carmel, 1993), như được trích dẫn trong cuộc thảo luận của David L. Schindler về “Tình hình Giáo hội-Văn hóa Hiện nay,” trong Dẫn nhập của ông về ấn bản 1998 của The Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên], xxv – xxx, 1, tại xxvii, ghi chú 48. Bản thân De Lubac bình luận ngắn gọn về “ ‘Siêu nhiên’ tại Vatican II” trong A Brief Catechesis on Nature and Grace [Sách giáo lý ngắn gọn về Tự nhiên và Ân sủng], bản dịch của Tu huynh Richard Arnandez, F.S.C. (bản gốc tiếng Pháp, 1980; San Francisco: Ignatius Press, 1984), Phụ lục A, 177–90.)

69 Muốn biết de Lubac nói về ý nghĩa trong đó thế giới được ban ơn phúc, xin xem việc ngài tiếp nhận lâu dài mô tả của Schillebeeckx về Giáo hội như là “bí tích của thế giới”, trong A Brief Catechism on Nature and Grace, Phụ lục B, “ ‘Bí tích của Thế giới’?” 191–234. Nhận xét về bản văn này, Susan Wood, sau khi lưu ý rằng trong suốt cuộc đời của ngài, các trước tác của de Lubac “cho thấy một sự thống nhất và không có sự thay đổi nào trong các lập trường thần học hoặc xác tín căn bản”, đã định vị vấn đề căn bản giữa ngài và Schillebeeckx như là “ân sủng đã hiện diện ra sao trong thế giới — bên trong trật tự trần thế bởi việc sáng thế hoặc bởi biến cố Kitô được Giáo Hội trung gian một cách bí tích ” (Biographical Dictionary of Christian Theologians [Từ điển Tiểu sử các nhà Thần học Kitô giáo], 332–33). Xem thêm Frederick Christian Bauerschmidt, “Confessions of an Evangelical Catholic: Five Theses Related to Theological Anthropology” [Lời thú nhận của một người Công Giáo Tin lành: Năm Chủ đề liên quan đến Nhân thần học] Communio 31, no. 1 (Mùa xuân 2004): 67–84. Về việc tái khẳng định quyền độc lập triết học, xin xem Ralph McInerny, Praeambula Fidei: Thomism and the God of the Philosophers [Lời Mở đầu Đức tin: Chủ thuyết Tôma và Thiên Chúa của Các Triết gia](Washington, DC: The Catholic University of America Press, 2006) và, để có một cái nhìn tương phản, Robert Barron, The Priority of Christ: Toward a Postliberal Catholicism [Ưu tiên Chúa Kitô: Hướng tới một Đạo Công Giáo Hậu tự do] (Grand Rapids: Brazos Press, 2007), chương 9, đặc biệt trang 147. Về Dei Filius, xem Balthasar, The Theology of Karl Barth [Thần học của Karl Barth], 302–19. Chương cuối cùng của Bernardi trong Maurice Blondel, Social Catholicism, & Action Française, with its reflections on Blondel’s “contested legacy” [Maurice Blondel, Công Giáo xã hội và L’Action Française, với những suy tư về “di sản bị tranh chấp” của Blondel] (267), đã thành công trong việc nắm bắt được tính lưỡng nghĩa và sự bất ổn của tình hình hiện tại, đặc biệt ở các tr. 261–68. Đối với hiện trạng vấn đề tranh cãi về Surnaturel, xin xem Serge-Thomas Bonino, O.P., chủ biên, Surnaturel: A Controversy at the Heart of Twentieth-Century Thomistic Thought [Surnaturel: Một Mâu thuẫn ở Tâm điểm Tư tưởng Thomist thế kỷ 20], bản dịch của Robert Williams, Linh mục Matthew Leving (Ave Maria, Fla: Sapientia Press, 2009). Xem thêm William L. Portier, “Thomist Resurgence” (Phái Thomist Tái xuất] Communio: International Catholic Review 35, số 3 (Mùa thu 2008): 494–504. Kết thúc một tiểu luận duyệt sách dài và có suy tư về cuốn Jesus of Nazareth (2007) của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Anthony Sciglitano đặt nhận diện chính xác một sự căng thẳng ông thấy trong cuốn sách và trong tình trạng hiện nay của thần học Công Giáo “giữa khoa thông diễn biểu tượng của de Lubac và những người đồng chí hướng và nhu cầu rõ ràng cần một lý do công khai, như luật tự nhiên chẳng hạn vốn có một loại độc lập náo đó đối với mạc khải". Ông gợi ý rằng, Đức Giáo Hoàng không muốn giải quyết căng thẳng này. Việc giải quyết như vậy có thể dễ dàng dẫn đến “sự ép buộc hợp lý hoặc không hợp lý”. Sciglitano viết, “Thay vào đó, Đức Bênêđíctô dường như muốn gợi ý một lời [logos] gắn liền với việc thông truyền tình yêu thần linh đầy tính giải phóng, và là tình yêu thần linh tự nhập thể thành lý trí chữa lành”. Xem Anthony C. Sciglitano, Jr., “Pope Benedict XVI’s Jesus of Nazareth: Agape and Logos,” [Chúa Giêsu Nadarét của Đức Bênêđíctô: Đức ái và Logos] Pro Ecclesia 17, số 2 (Mùa xuân 2008): 159–85, tại tr. 185.)

70 Người ta nói rằng các suy tư của Balthasar về “burden of the dead” [gánh nặng người chết] trong tác phẩm năm 1965 của ngài Who is a Christian? [Kitô hữu là ai?] Bản dịch của John Cumming (Ấn bản gốc tiếng Đức, 1965; New York / Westminster, Md: Newman Press, 1967) đã truyền cảm hứng đáng kể cho cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đối với Năm Thánh 2000 như một thời điểm thống hối. Balthasar viết, “Mối liên hệ của Kitô hữu đương thời với những người đã chết chất lên trách nhiệm tính sổ các lỗi lầm trong quá khứ mà họ phải gánh chịu...” Xem Who is a Christian? 14–15 và Luigi Accattoli, When a Pope Asks Forgiveness: the Mea Culpas of John Paul II [Khi một Giáo hoàng yêu cầu sự tha thứ: Các Lời Thú tội của Đức Gioan Phaolô II], bản dịch của Jordan Aumann, O.P. (Boston: Pauline Books and Media, 1998), đặc biệt là các chương 1, 8 và 9 nói về quá trình mà Đức Thánh Cha đã đạt được hình thức chính xác cho lời kêu gọi tiền Năm Thánh của ngài muốn cộng đồng xét lương tâm lịch sử. Muốn xem lời minh giải các khó khăn thần học khác nhau liên quan đến việc “thanh lọc trí nhớ”, xin xem nghiên cứu tháng 12 năm 1999 của Ủy ban Thần học Quốc tế về “Memory and Reconciliation: The Church and the Faults of the Past.” [Trí nhớ và hòa giải: Giáo hội và những sai lầm của quá khứ].

71 Blondel gửi Fernand Mourret, ngày 17 tháng 9 năm 1907, và Blondel gửi Valensin, ngày 20 tháng 9 năm 1907, như được trích dẫn trong O’Connell, Critics on Trial, 348; Blondel gửi cho Wehrlé, ngày 22 tháng 9 năm 1907, như được trích dẫn trong Peter J. Bernardi, “Maurice Blondel and the Renewal of the Nature-Grace Relationship,” [Maurice Blondel và sự đổi mới mối liên hệ tự nhiên-ân sủng], Communio 26, số 4 (Mùa đông 1999): 806–45, tại tr. 819. Bernardi cung cấp một khảo luận thấu đáo về phản ứng của Blondel đối với thông điệp Pascendi, tại tr. 818–22. Blanchette giảm thiểu nỗi thống khổ của Blondel đối với thông điệp nhưng cũng nói rõ sự mất mát mà mối đe dọa kết án liên tục đã gây ra cho gia đình Blondel, Maurice Blondel, 230–31, 279–80.

72 Lá thư của Đức Gioan Phaolô II gửi Đức Tổng Giám Mục Bernard Panafieu của Aix en Provence được Mark Sebanc dịch trong “Notes and Comments, On the Centenary of Blondel’s L’Action,” [Ghi chú và Nhận định, Nhân Kỷ niệm Bách chu niên cuốn L’Action của Blondel] Communio 20 (Winter 1993): 721–23. (Nó được dịch lại và xuất bản trong số hiện tại của Communio). Đoạn trích dẫn ở trên là từ tr. 722. Ngay sau đó là câu này: “Được các vị tiền nhiệm Leo XIII, Pius X và Pius XII khuyến khích nhiều lần, Blondel đã theo đuổi công việc của mình, cả khi ông không mệt mỏi và kiên trì làm sáng tỏ suy nghĩ của mình đồng thời bác bỏ điều đã truyền cảm hứng cho nó”. Tuyên bố đáng ngạc nhiên này rằng các vị giáo hoàng trước đó, kể cả Đức Piô X, đã khuyến khích Blondel trong công việc của ông, không phải là không có thực chất. Năm 1912, Đức Piô X yêu cầu giám mục Aix “phải trấn an ngài chống lại mọi công kích đối với tính chính thống của ông, điều mà trong tâm trí của vị Giáo hoàng luôn ‘chắc chắn ’” (Blanchette, Maurice Blondel, 285–86). Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đức Piô XII đã gửi một bức thư cho Blondel, được ký bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini, lúc đó là quốc vụ khanh Vatican và là Giáo hoàng tương lai Phaolô VI. Somerville, viết năm 1960, gọi đây là “sự minh oan lớn lao cho công trình đời ông”. Lá thư thúc giục Blondel tiếp tục công việc triết học mà "ông đã thực hiện với tài năng hoàn toàn ngang tầm với đức tin của ông". Somerville trích dẫn La Documentation catholique [Tài liệu Công Giáo] 42 (1945): 498–99. Bernardi nhấn mạnh rằng, mặc dù lá thư này có thể được coi là “một sự minh chứng cho tính chính thống của Blondel,” nó cũng nhắc đến “một số biểu thức cho rằng tính nghiêm ngặt thần học đáng lẽ phải được chính xác hơn” (Maurice Blondel, Social Catholicism, & Action Française [Maurice Blondel, Đạo Công Giáo Xã hội & L'Action Française], 267, ghi chú 115, trích dẫn lá thư được đề cập ở trên). Mặc dù bức thư năm 1993 của Đức Gioan Phaolô II không đề cập đến Đức Giáo Hoàng Piô XI, thông điệp Quadregesimo năm 1931 của ngài (đoạn 46) ca ngợi “các tuần lễ xã hội” mà Blondel đã hết sức bảo vệ chống lại L'Action française, bị Đức Piô XI tố cáo vào năm 1926. Xem thêm chú thích 37 bên trên. “Sự khích lệ” như vậy không bao giờ vượt qua được “điều cấm kỵ” được Henrici nói tới và nhu cầu “nâng cao [Blondel] lên trên các lời chê bai và phản bác”, một nhu cầu mà ông nghĩ cần phải cảm ơn de Lubac đã thoả mãn).

73 Wayne J. Hankey, “Practical Considerations About Teaching Philosophy and Theology Now,” [Các Xem xét Thực tế về Việc Giảng dậy Triết học và Thần học Lúc này] trong Restoring Faith in Reason (Phục hồi Đức tin và Lý trí], ed. Laurence Paul Hemming and Susan F. Parsons (London: SCM Press, 2002), 199, như được trích dẫn trong Aidan Nichols, O.P., From Hermes to Benedict XVI: Faith and Reason in Modern Catholic Thought [Từ Hermes tới Bênêđíctô XVI: Đức tin và Lý trí trong Tư tưởng Công Giáo Hiện đại] (Leominster Herefordshire: Gracewing, 2009), 214.

74 Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin về Rosmini công bố cuối tháng 6 năm 2001 và được tường trình trong L’Osservatore Romano ngày 1 tháng Bẩy năm 2001. Xin xem David McLaurin, “Houdinis in the Holy Office,” [Houdinis trong Văn phòng Thánh] Tablet (7 tháng 7, 2001): 979–80. Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng, dù 40 luận đề của Rosmini, bị kết án năm 1887, vẫn luôn sai lạc, nhưng chúng không nói lên một cách trung thành tư tưởng của ngài. Xin xem Origins 31 (16 tháng 8, 2001): 201–02.

75 Peter Henrici, SJ, “The One Who Went Unnamed: Maurice Blondel in the Encyclical Fides et ratio,” [Người được giữ vô danh: Maurice Blondel trong Thông điệp Fides et ratio”], Communio 26 (Fall 1999): 609–21, bản dịch của D.C. Schindler, trích dẫn tại 617–20. Trong “La descendance blondélienne,” [Hậu duệ Blondèl], Henrici sử dụng việc bỏ tên Blondel khỏi thông điệp để gợi ý rằng “ngay cả ngày nay [điều cấm kỵ đối với việc nhắc đến tên của Blondel] vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn” Xem tr. 309. Trong việc trình bầy dài một chương thông điệp Fides et ratio, Aidan Nichols tìm thấy nhiều dấu tích rõ ràng của Blondel. Thí dụ, Đoạn 7, với việc nhấn mạnh tới “thời điểm quyết định căn bản” được Nichols hiểu như “gợi ta nhớ nhiều đến câu chuyện của Blondel về việc lựa chọn siêu nhiên diễn ra trong các trang của L’Action”. Nhưng nhìn chung, Nichols hiểu thông điệp như đại diện cho một “thành quả tổng hợp” đối với các cuộc tranh luận về đức tin và lý trí cũng như triết học và thần học của các thế kỷ 19 và 20. Ông lập luận trong chương 6 rằng Đức Giáo Hoàng tán thành cách hiểu của Gilson về “triết học Kitô giáo” (Nichols, From Hermes to Benedict XVI, chương 10, về Blondel tại các tr. 207–08, 212; về Gilson tại tr. 216). Cách hiểu này trái ngược với cách hiểu của Đức Hồng Y Avery Dulles được trích dẫn trong chú thích 41 ở trên. Đức Hồng Y Dulles nhận thấy Đức Giáo Hoàng, trong đoạn 75–76, chọn tính trung gian của de Lubac giữa Gilson và Blondel, một biến thể của “lập trường” triết học thứ ba được bàn tới trong các đoạn văn này. Đức Hồng Y Dulles cũng làm rõ các tính liên tục trong bối cảnh “những khác biệt nổi bật” giữa hiến chế tín lý của Vatican I về đức tin và lý trí, Dei Filius, và thông điệp Fides et ratio. Chương 2 của Dei Filius dạy rằng “Thiên Chúa có thể được biết đến một cách chắc chắn từ việc xem xét các sự vật được tạo dựng, bởi sức mạnh tự nhiên của lý trí con người” [Deum… naturali humanae rationis lumine e rebus creatis certo cognosci posse]. Đức Hồng Y Dulles một lần nữa so sánh quan điểm của Đức Giáo Hoàng về đức tin và lý trí với quan điểm của de Lubac, đi xa hơn đến mức suy đoán, như Henrici đã làm với Blondel, về lý do tại sao tên của de Lubac không được nhắc đến. Xin xem Dulles, “Faith and Reason: From Vatican I to John Paul II,” [Đức tin và lý trí: Từ Vatican I đến Gioan Phaolô II”] trong The Two Wings of Catholic Thought [trong Hai cánh của tư tưởng Công Giáo], 193–208, ở tr. 204 về những nhận xét của ngài về Blondel và de Lubac).

76 Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II với các tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Blondel entre 'L'Action' et La Trilogie" [Blondel giữa cuốn L’Action và Bộ Ba Cuốn], Thứ Bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2000. Bản văn được tìm thấy trên trang web của Vatican. Bản dịch là của riêng tôi.

77 de Lubac, A Brief Catechesis on Nature and Grace [Sách giáo lý ngắn gọn về tự nhiên và ân sủng], 37 và lời giải thích về tác động của Blondel sau đó).

78 de Lubac, At the Service of the Church, 19, trích dẫn một mô tả năm 1935 về Blondel của Antoine Denat, một giáo sư văn chương.

Kỳ tới: Tại sao chúng ta cần Maurice Blondel