Tại sao chúng ta cần Maurice Blondel


(Bài của Oliva Blanchette, Tạp chí Communio, Mùa xuân năm 2011)

"Blondel thấy rằng điều cần thiết trong triết học là phải nêu ra câu hỏi về một tôn giáo siêu nhiên, ngay cả khi nó không thể được trả lời bên trong một mình phạm vi triết học hoặc lý trí".



Maurice Blondel đã đầu tư sâu xa vào các cuộc tranh luận về triết học Kitô giáo diễn ra ở Pháp vào đầu thập niên 1930. Ông đã khởi động cuộc tranh luận bằng các bài báo về việc coi Thánh Augustinô là một triết gia Công Giáo, thay vì chỉ là một nhà thần học, nhân dịp kỷ niệm 15 bách chu niên ngày mất của thánh nhân (1). Ông đã đóng góp vào cuộc tranh luận hơn bất cứ ai khác, như có thể thấy từ mục lục của bộ sưu tập các bài báo được xuất bản gần đây từ cuộc tranh luận, do Gregory B. Sadler biên tập và dịch (2). Thực thế, chính Blondel là trung tâm của cuộc tranh luận khi ông bảo vệ ý niệm triết học Công Giáo vốn không những đối lập với những người chống lại chính ý niệm triết học Kitô giáo, mà còn đối với các Kitô hữu đã chấp nhận một ý niệm lỏng lẻo về triết học Kitô giáo cho thời kỳ trung cổ trên cơ sở lịch sử, nhưng chỉ bởi một cách đặt tên bên ngoài ý niệm triết học được quan niệm như một khoa học thuần lý. Bị đe dọa trong cuộc tranh luận là quan niệm của chính Blondel về một triết học Công Giáo đúng nghĩa, điều được ông chuẩn bị trình bầy trong một bộ công trình có hệ thống bao gồm ba tập về Triết học và Tinh thần Kitô giáo. Đây là một quan niệm mà ông đã phải bảo vệ khi bắt đầu sự nghiệp triết gia trong hệ thống đại học Pháp, trong một luận văn đã biến thành tâm điểm chú ý của giới triết học chính ý niệm về một tôn giáo được mạc khải cách siêu nhiên và thực hành tôn giáo, một ý niệm được liên kết rõ ràng với đạo Công Giáo.

Theo nhiều cách, cuộc tranh luận về triết học Kitô giáo này đã đạt tới một điểm chủ yếu trong sự nghiệp triết gia của Blondel. Gần đó, ông đã nghỉ dạy vì lý do điếc và mù, và ông đang tìm nhiều cách hoàn thành các công trình có hệ thống mà ông đã nghiền ngẫm trong nhiều năm, đồng thời bận bịu với công việc giảng dạy và hành chính trong tư cách là chủ tịch thâm niên về triết học của vùng Aix- Marseille. Ý tưởng về việc đề xuất một triết học Công Giáo mà bất cứ tác nhân hữu lý nào cũng sẽ cho không những là chính đáng mà thậm chí còn cần thiết nữa để thực hiện nguyện vọng của con người, vẫn ở hàng đầu trong tâm trí ông. Thực thế, nó được củng cố và khuyến khích nhờ việc đọc nhiều về Thánh Augustinô, người mà ông hiểu như một triết gia không kém Thánh Tôma, thay vì chỉ là một người có thế giá trong Giáo hội phải được các tín hữu noi theo.

Trong tiểu luận được dịch và xuất bản trong số báo này, “Về nhu cầu phải có Nền Triết học về Tinh thần Kitô giáo” (3), được viết một hoặc hai năm trước các cuộc tranh luận bắt đầu vào năm 1930 mặc dù không được xuất bản cho đến sau cái chết của Blondel, chúng ta thấy ông nghiền ngẫm vấn đề về điều tốt và điều hữu ích của việc nghiên cứu các mầu nhiệm Kitô giáo theo quan điểm triết học như một sự tái tiếp tục công trình ông đã bắt đầu hơn ba mươi năm trước đó, và là công trình ông vẫn nghĩ sẽ hoàn thành với việc nhắc rõ ràng hơn đến các mầu nhiệm Kitô giáo. Thực thế, chính nhờ sự suy gẫm của ông về các mầu nhiệm Tin Mừng, Blondel đã đạt tới dự án xem xét lại toàn bộ ý tưởng triết học về hành động cụ thể và về số phận con người nói chung, như chúng ta biết từ nhật ký tâm linh được ông lưu giữ trong khi làm luận văn của mình (4). Tiểu luận sau này là bản thảo đầu tiên về điều ông nghĩ phải làm trong nền triết học sau này của ông và cách ông dự định tiến hành, những vấn đề ông dự định thăm dò khi nói về điều ông gọi là những nhu cầu cấp bách về triết học của Kitô giáo. Tiểu luận nói về một nhu cầu nào đó phải thăm dò về mặt triết học các mầu nhiệm Kitô giáo, đồng thời thừa nhận rằng trong tư cách mầu nhiệm, chúng vượt quá khả năng điều tra của lý trí, nói theo Thánh Tôma hoặc thấu hiểu, nói theo Blondel. Đây là một nhu cầu được ông cố gắng biện minh một cách thuần lý như một triết gia và về mặt thông diễn học như một tín hữu, trong điều, đối với ông trong cả hai trường hợp,
vẫn là một mầu nhiệm.

Nhu cầu này phải làm, không những với việc mang lại ánh sáng mới từ các mầu nhiệm vào lý trí và triết lý về sự hiện hữu nhân bản, một thứ ánh sáng mà bất cứ triết gia nào cũng có thể đánh giá cao, như intellectum quaerens fidem [tri thức tìm kiếm đức tin], mà còn với việc sử dụng lý trí để nâng cao trí hiểu của con người chúng ta về các mầu nhiệm, hay các tín điều, như Thánh Tôma nghĩ cần phải làm trong việc giảng dạy Học thuyết Thánh như một môn khoa học, hay như fides quaerens intellectum [đức tin tìm trí hiểu] ( 5). Đây là một nhu cầu được các nhà trí thức Công Giáo trong thế kỷ 20 đánh giá cao, trong cả triết học và thần học cũng như trong các lĩnh vực khác, nhờ Maurice Blondel, người đã nẩy sinh một phương pháp rất tốt để đáp ứng nhu cầu nơi nó hiện hữu, trong tâm trí của những người do dự giữa các nhu cầu cấp thiết của tư duy phê phán hiện đại và các nhu cầu cấp thiết của đức tin tôn giáo truyền thống. Đó là những người cần Blondel, như các bạn hữu linh mục đã nhấn mạnh để thúc giục ông bước vào cuộc khủng hoảng duy hiện đại liên quan đến các giải thích về “Chúa Giêsu lịch sử” trong Tin Mừng. Các nhà trí thức Công Giáo lúng túng không biết nên hướng vào đâu trong cảnh phân cực gay gắt này về ý kiến giữa những người duy truyền thống cứng ngắc, những người được Blondel gọi là theo chủ nghĩa duy ngoại giáo điều, bởi vì họ ít hoặc không lưu ý tới lịch sử trong cách giải thích sự kiện Kitô giáo, và những người duy hiện đại được Blondel gọi là duy sử, bởi vì họ không thấy gì nơi “Chúa Giêsu lịch sử”ngoại trừ những gì có thể được cung cấp tài liệu, không kém phần từ bên ngoài, qua việc quan sát các tài liệu theo tiêu chuẩn nghiên cứu lịch sử hiện đại (6).

Đến một mức nào đó, chúng ta có thể nói rằng giới trí thức Công Giáo ngày nay vẫn đang ở trong cùng một cuộc khủng hoảng về đức tin và lý trí. Trong một thế giới trong đó, thế tục và tôn giáo, con người và thần linh, dường như vẫn còn mâu thuẫn với nhau, chúng ta có thể nói rằng chúng ta vẫn cần sự giúp đỡ của Blondel để vượt qua cuộc khủng hoảng này trong ý thức lịch sử của chúng ta, mà không từ bỏ lý trí và không đánh mất đức tin vào các mầu nhiệm Kitô giáo được chúng ta mang ra sống, nhưng bằng cách giữ lý trí và đức tin cùng với nhau làm một trong sự phân biệt không thể giảm thiểu và tách rời nhau.

Trong cuộc sống trí thức của mình với tư cách một triết gia, Blondel đã mang triết học và tôn giáo lại với nhau sau nhiều thế kỷ phân cách. Điều tốt và hữu ích cho chúng ta là nhìn lại một lần nữa về việc ông đã cảm nghiệm ra sao nhu cầu trí thức này để tái nối kết triết học và tôn giáo, lý trí và đức tin, vào một thời điểm khi chúng dường như đối lập nhau về mặt văn hóa và không thể phản hồi, và để xem làm thế nào ông kết hợp chúng lại với nhau một cách cần thiết và có lợi cho cả tôn giáo lẫn triết học, như ông đã cố gắng chứng tỏ vào năm 1896 trong phần thứ ba và là phần cuối cùng của bài diễn văn dài sáu phần về phương pháp, tựa đề là Lá thư về Các Nhu cầu Cấp bách của Tư tưởng Đương thời trong Các Vấn đề Hộ giáo và về Phương pháp Triết học trong Nghiên cứu Vấn đề Tôn giáo, gửi cho Annales de Philosophie chrétienne, một tạp chí Công Giáo hàng đầu vào thời điểm đó (7).

Blondel là một người Công Giáo cần triết học và là một triết gia cần Công Giáo như một tôn giáo siêu nhiên vượt quá sức mạnh điều tra của lý trí. Ông thấy rằng điều cần thiết trong triết học là phải nêu ra câu hỏi về một tôn giáo siêu nhiên, ngay cả khi không thể trả lời nó duy trong một mình phạm vi triết học hoặc lý trí. Ông cũng thấy qua đời sống đức tin của chính mình rằng điều cần thiết là triết học phải đặt thành chủ đề tính siêu việt của hồng ân chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, cho phép chúng ta tham gia vào một hành động vừa nhân bản vừa thần linh, dẫn chúng ta trở lại chính cuộc sống của Chúa Ba Ngôi như những đứa con nuôi của Thiên Chúa.

1. Đến với triết học như một Kitô hữu

Blondel không lớn lên với những ý tưởng như vậy trong đầu. Ông không nhận được chúng từ sự giáo dục tôn giáo ở nhà hoặc từ Giáo Hội, cũng không phải từ sự giáo dục thế tục của ông về nhân văn và triết học tại các trường công lập của Pháp. Ông đến với chúng nhiều hơn qua việc suy tư của chính mình, khi ông ngày càng quan tâm hơn đến triết học sau quá trình nuôi dưỡng tôn giáo rất phong phú của ông trong một hệ thống trường học thế tục ít hoặc không sử dụng đến tôn giáo. Những gì ông học được về triết học trong các trường học của nhà nước ít hay không liên quan gì đến tôn giáo, điều mà ở Pháp vào thời của ông chủ yếu có nghĩa là đạo Công Giáo.

Tuy nhiên, điều Blondel thấy là triết học liên quan đến đời sống tinh thần, của chính ông cũng như của những hữu thể có lý trí khác, ngay cả khi cuộc sống và tinh thần đó bao gồm những liều thuốc mạnh mẽ của tôn giáo như ông đã học từ rất sớm trong cuộc sống tại nhà và tại nhà thờ giáo xứ của ông, và trong việc ông đọc truyền thống Công Giáo và Kinh thánh. Trong khi những người khác có cùng một nền dưỡng dục tôn giáo đã hạ giá tôn giáo khi họ đi sâu hơn vào triết học hoặc cách suy nghĩ khoa học hiện đại, để chỉ bàn đến những vấn đề trong khả năng điều tra của lý trí, thì Blondel có một cái nhìn rộng hơn bao gồm những điều vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời và tinh thần của ông, một phần của điều ông phải nghĩ đến như một triết gia khi suy gẫm về cuộc đời mình. Đối với ông, cuộc sống của đức tin và cuộc sống của lý trí không thể được coi là hai cuộc sống riêng biệt. Cả hai đều liên quan tới số phận đơn nhất của mọi hữu thể nhân bản cũng như của chính bản thân ông, đến nỗi cuộc sống này không thể hành động nếu không có cuộc sống kia. Đây là nguồn gốc của việc ông nghiên cứu triết học suốt đời như triết học Công Giáo hay tôn giáo siêu nhiên.

Maurice Blondel xuất thân từ một dòng dõi luật gia, luật sư và công chứng viên từ thời Công tước xứ Burgundy vào thế kỷ 13 (không phải giới quý tộc, mà là giới chuyên gia có liên hệ gần gũi với việc thi hành quyền lực), qua nền Cộng hòa Pháp sau Cách mạng. Cha của ông là một luật sư cũng như chú của ông, người từng là thẩm phán một thời dưới thời Cộng hòa cho đến khi ông bị sa thải vì đã ra phán quyết chống lại nền Cộng hòa trong một vụ án liên quan đến tự do tôn giáo. Gia đình này theo đạo Công Giáo một cách kiên cường, không những giữ cho mình là người Công Giáo chống lại một nền Cộng hòa mà họ gọi là la gueuse [gái đĩ], đồ vô lại, mà còn sống một đời sống tôn giáo sâu sắc, tuân giữ những truyền thống Công Giáo phong phú mà họ đã thừa hưởng từ những bậc tổ tiên của họ ở Pháp, vốn là trưởng nữ của Giáo hội. Họ coi nhà nước và hệ thống trường học của nó là thù địch, thay vì trung lập, đối với cách suy nghĩ của họ.

Trong nhà không những chỉ có mẹ ông là người nuôi dưỡng tinh thần tôn giáo này, mà còn có dì của ông, một cựu nữ tu dòng kín, người đã đặc biệt quan tâm đến việc dẫn nhập mọi con trẻ vào việc thực hành tôn giáo truyền thống, nhất là Bí tích Thánh Thể và các công việc bác ái thương người, lúc đó vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày của các gia đình Công Giáo ở Pháp vào giữa thế kỷ XIX. Maurice đã được chuẩn bị về phương diện chủ quan để hòa nhịp với tinh thần Kitô giáo này vốn đã hình thành ý thức và lương tâm của ông khi còn nhỏ cũng như khi còn là một thanh niên.

Blondel đầu tiên được gửi đến một trường tôn giáo tư nhân, nơi tinh thần Kitô giáo tiếp tục tỏa sáng đối với ông cùng với những lợi ích có tính thế tục hơn đã được ông chú ý đến. Điều này chỉ kéo dài ba năm, sau đó, lúc chín tuổi, ông được gửi đến trường công Lycée de

Dijon đáng sợ, để học môn Cổ điển khó nhá, một môn vẫn là tiêu chuẩn cho tất cả những ai muốn học lên cao hơn ở các đại học danh tiếng thời đó. Tại đây, như ông nói sau này, Blondel đã học đọc và học viết. Ông bắt đầu học tại Lycée vì vào thời điểm đó không có nơi nào khác để học cao hơn. Ông ở lại đó ngay cả sau khi các tu sĩ Dòng Tên mở một trường cao đẳng Công Giáo ở Dijon. Ông đã không chuyển đổi, như một trong những người anh em họ của ông đã làm, người sau đó đã được nhận vào trường Bách khoa ở Paris và trở thành một nhà vật lý nổi tiếng trong khi Maurice theo đuổi khóa học của riêng mình về triết học tại Trường Cao đẳng Sư phạm. Đối với Maurice, như một Kitô hữu trẻ tuổi với một sứ mệnh, điều quan trọng là phải làm quen với suy nghĩ của những người có tiếng đã phản đối hoặc khinh thường cách suy nghĩ của ông. Maurice ở lại Lycée trong tám năm, nơi ông được trao bằng Tú tài Văn chương về Hùng biện ở tuổi mười bảy, sau lần đầu tiên tiếp xúc với triết học vào năm thứ tám của mình. Ông tiếp tục học thêm về triết học để lấy bằng Tú tài Văn chương về Triết học, được trao cho ông vào năm sau. Sau khi tốt nghiệp Lycée, ông trúng tuyển tại Phân Khoa Văn chương ở Dijon, có ý định hoàn thành việc học Luật, theo nguyện vọng của gia đình, nhưng đã được Khoa trưởng Henri Joly, một chuyên gia về Leibniz, dụ dỗ từ bỏ luật sang triết học; vị này, sau đó, đã giảng dạy tại Sorbonne và Collège de France. Đến tháng 7 năm 1880, khi chỉ mới mười tám tuổi, Blondel đã hoàn thành các yêu cầu của bằng Cử nhân Văn chương về Triết học cùng với những yêu cầu dành cho Cử nhân Khoa học.

Sau đó, Ông bắt đầu thêm một năm học tập căng thẳng về triết học dưới sự hướng dẫn của Joly để chuẩn bị cho các kỳ thi đua tranh để được nhận vào Trường Cao đẳng Sư phạm ở Paris. Ông dự kỳ thi năm 1881, mà không tham gia bất cứ khóa học dự bị nào tại các Trung học Nổi tiếng của Paris, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đã được nhận trực tiếp "từ Tỉnh", vào Ngôi trường nơi ông sẽ đua tranh với một loạt những ngôi sao sáng chói triết học, nhiều người trong số họ ông biết sẽ không có thiện cảm với sự dấn thân của ông đối với đạo Công Giáo — đến nỗi ông cảm thấy cần phải tham khảo ý kiến của gia đình và cha xứ của mình trước khi chấp nhận vinh dự này, tất cả người đã hỗ trợ ông sẵn sàng chấp nhận thử thách này.

Tại Cao đẳng Sư phạm, Blondel thực hiện thêm hai năm việc học hỏi căng thẳng về lịch sử triết học với các giáo sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Ông không phải là người Công Giáo thực hành duy nhất ở Cao đẳng Sư phạm. Ông trở thành một phần của một nhóm nhỏ được miễn khỏi phòng học vào các buổi sáng Chúa nhật để tham dự Thánh lễ, được các sinh viên khác gọi là les talas, viết tắt của ils vont à la messe (họ đi dự Thánh lễ), điều mà hầu hết giới sinh viên không muốn làm. Blondel nổi bật không những vì là người Công Giáo, mà còn là người trực tiếp đến từ Tỉnh. Ông được công nhận rất thông minh, cũng như các bạn cùng lứa tuổi của ông, nhưng ông cũng đã sớm được hỏi về việc làm thế nào mà một cậu bé thông minh như vậy vẫn có thể là một người Công Giáo, và ông chỉ trả lời rằng ông có mọi ý định tiếp tục thông minh để theo đuổi triết học của mình. Từ thái độ đối với cả tôn giáo lẫn trí thông minh này, ông đã chọn Hành động làm chủ đề cho luận án tiến sĩ của mình, để chứng tỏ rằng, thay vì phản đối siêu nhiên của đạo Công Giáo, triết học có thể được đem đến chỗ thừa nhận sự cần thiết của việc nêu ra vấn đề về một tôn giáo như vậy. Blondel đã sớm đưa ra lựa chọn này trong sự nghiệp của mình tại Cao đẳng Sư phạm, nhưng ông gặp một số khó khăn khi Hành động được chấp thuận như một chủ đề hợp pháp cho một luận án triết học. Vào thời điểm đó, thuật ngữ hành động không xuất hiện trong các từ điển tiêu chuẩn của triết học, như một trong những người bạn học của ông đã lưu ý. Ông thắng thế chỉ vì ông là một trong hai sinh viên sáng giá nhất trong lớp, và vì ông được sự hỗ trợ của Émile Boutroux, triết gia toán học lỗi lạc và là giáo sư tại Sorbonne, người đã trở thành người bảo trợ cho luận án, khiến nhiều đồng nghiệp trong khoa và ban quản trị tại Sorbonne khó chịu. Blondel đã dành gần mười năm để thực hiện luận án, làm việc chủ yếu một mình tại quê hương của gia đình ông ở ngoại ô Dijon, trước khi đệ trình để bảo vệ nó vào tháng 6 năm 1893, thực hiện phát súng đầu tiên cho việc xoay chuyển triết học chung quanh vấn đề đạo Công Giáo siêu nhiên.

Một sự nghiệp lâu dài đã bắt đầu như thế, trong đó Blondel duy trì vấn đề tôn giáo siêu nhiên ở vị trí hàng đầu của triết học đối đầu với những người cho rằng tôn giáo không liên quan đến đời sống tự trị của lý trí, hoặc thù địch với nó, và thậm chí với cả những người muốn giữ cho triết học đứng ngoài tôn giáo, hoặc tách biệt khỏi tôn giáo, vì lòng tôn trọng đối với việc đạo Công Giáo cho rằng mình siêu nhiên và không thuần nhất. Việc bảo vệ luận án của ông, được một lượng lớn khán giả theo dõi, mất hơn bốn giờ, trước khi một ban giám khảo gồm năm người đã đưa ra nhiều phản bác đáng kể đối với dự án của ông. Cuối cùng, ông đã thành công trong việc chứng minh mình là một triết gia thực thụ. Ban giám khảo đã cấp cho ông danh hiệu Doctorat dès lettres [Bằng Tiến sĩ Văn chương], nhưng nói rằng họ bác bỏ kết luận của ông về tôn giáo, điều này sau đó khiến ứng viên khó nhận được một chức vụ đại học mà bằng tiến sĩ của ông làm ông có quyền hưởng.

Ở cuối luận án năm 1893, Blondel đã lập luận cho sự nhất thiết phải nêu ra câu hỏi về một hồng phúc siêu nhiên của Thiên Chúa để bổ sung cho hồng phúc của tự nhiên và tự do đã được ban cho khi tạo ra con người. Ông đã chọn hành động cụ thể của cuộc sống con người làm chủ đề cho cuộc điều tra để đi đến vấn đề này, vì không một triết học nào chỉ dựa trên những ý tưởng trừu tượng có thể làm được. Đối với ông, hành động là loại thử nghiệm căn bản nhất được chúng ta thực hiện, trong lương tâm, liên quan đến ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống hoặc số phận cuối cùng của chúng ta, nếu chúng ta có một số phận như thế. Ông nhìn thấy trong đó điều được ông gọi là một khoa học thực hành mà chúng ta đạt tới vào cuối cuộc đời, một sự khôn ngoan tích lũy được nhờ phản tỉnh trong cuộc sống cá nhân của người ta, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ nọ và được truyền cho ông khi còn nhỏ và khi là một người trưởng thành trẻ tuổi có lý trí, một sự khôn ngoan mà đối với ông bao hàm một liều lượng tôn giáo mạnh mẽ không hề bất tương hợp với lý trí, mặc dù vượt qua nó. Luận án hẳn phải là một suy tư về hành động vào thời điểm quan yếu này trong cuộc đời của ông như một triết gia, một khoa học thực hành ở đây và bây giờ, hoặc một phê bình về cuộc sống, để xem xem liệu vấn đề của cuộc sống hoặc của hành động có thể được giải quyết một cách suy lý ra sao trong hiện tại mà không cần phải đợi giải pháp cuối cùng trong thực hành vào cuối cuộc đời.

2. Sự cần thiết của tôn giáo siêu nhiên trong triết học

Như thế, trong Khoa học Thực hành, như một suy tư có hệ thống và phê phán về Khoa học Thực hành sự sống đã được nói đến, ông đã đi một chặng đường dài nhất, xem xét các cách khác nhau đã được đề xuất để giải quyết vấn đề hòa giải giữa tự do và tất yếu trong hành động của con người, như trong chủ nghĩa tài tử (dilettantism), chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa khoa học, cả ba chủ nghĩa này đều bị ông coi như các giải pháp thiếu sót, bởi vì mỗi chủ nghĩa chỉ đặt lại vấn đề hành động với ý chí sẵn lòng thực hiện một số hành động nào đó. Điều này, do đó, đưa ông trở lại xem xét cách chúng ta tiến tới chỗ muốn bất cứ hành động nào trong tư cách là con người, bắt đầu từ nhiều động cơ hành động được đưa ra trong ý thức của chúng ta, và tiếp tục tự do lựa chọn động cơ này hay động cơ nọ trong số các động cơ này, để theo đuổi một cùng đích vốn ngang tầm sức mạnh vô hạn của sự lựa chọn, mà chúng ta đã bắt đầu bằng ý chí tự do của mình.

(Từ đỉnh cao đầu tiên của ý chí tự do trong hành động của con người này, có thể nói như thế, có một số đỉnh cao hoặc giai đoạn khác, như ông gọi chúng, bắt đầu với việc đầu tiên mở rộng ra bên ngoài hành động có ý chí trong cơ thể, sinh vật hoặc đời sống cá nhân của chủ thể nhân bản, và đi từ hành động cá nhân đến hành động xã hội, hoặc cùng hành động với người khác, và sau đó đến hành động xã hội như tìm thấy trong gia đình, trong quốc gia và trong toàn thể nhân loại, tất cả đều dẫn đến một việc mở rộng hành động phổ quát cần thiết đến các tận cùng vũ trụ. Mỗi một trong những giai đoạn này được coi như một đối tượng được ước muốn mà ý chí con người sẵn sàng bao hàm trong điều Blondel gọi là hiện tượng hành động, nghĩa là hành động được quan niệm trong tính chủ quan nhân bản và mở rộng đến chính tận cùng của điều chúng ta nghĩ là vũ trụ. Mỗi giai đoạn trên đường đi, hoặc mỗi đối tượng được ước muốn, đều được coi như thỏa mãn một phần nào đó của điều nhất thiết được ước muốn trong ý chí ước muốn, nhưng cũng được coi như để lại một phần nào đó để được ước muốn hơn sao cho ý chí được uớc muốn (volonté voulue) bằng với ý chí ước muốn (volonté voulante), để khi chúng ta bước đến giai đoạn cuối cùng, ở tận cùng hiện tượng hành động nói chung, có một khoảnh khắc quyết định (crisis) đối với ý chí tự do trong diễn trình tự giải phóng: phải làm gì với những gì còn lại của tính vô hạn trong ý chí đã không được sử dụng trong việc ước muốn tất cả những gì nó ước muốn một cách tự do và tất yếu trong hiện tượng phổ quát? Phải làm gì để tiếp tục nhìn xa hơn hiện tượng, hoặc sâu hơn vào sức mạnh vô hạn của việc ước muốn, hoặc để giải quyết một điều gì đó trong hiện tượng được ước muốn như thể nó là điều vô hạn, và do đó, nhường chỗ cho mê tín trong hành động của nó, như giai đoạn cuối cùng chúng ta có thể tiến tới trong trật tự nội tại của hiện tượng?

Năm 1893, ở tận cùng điều ông gọi là Hiện tượng Hành động, bao gồm phần lớn nhất trong tác phẩm gốc của ông về Hành động, Blondel phê phán các hình thức mê tín khác nhau, sơ khai và hiện đại, bao gồm các mê tín của chủ nghĩa tài tử và chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa hoạt động, và trên hết là chủ nghĩa duy lý, như các nỗ lực nhằm nắm giữ điều vô hạn đã thất bại và nhất định sẽ thất bại. Trong quá trình khám phá có hệ thống lâu dài của mình về toàn bộ hiện tượng hành động, ông đã cố gắng xem xem liệu vấn đề hành động có thể được giải quyết trong hiện tượng này hay không, hoặc xem xem liệu sẽ không thể có một đối tượng được ước muốn nào đóng mạch ý chí được ước muốn như cân bằng với ý chí ước muốn hay không. Nếu có thể tìm ra một đối tượng hoặc một quyết tâm được ước muốn như vậy trong hiện tượng như ngang tầm với sức mạnh vô hạn của ý chí, thì sẽ không có lý do gì để tìm xa hơn hoặc sâu hơn. Nhưng việc phê bình hành động mê tín ở cuối cuộc thăm dò này cho thấy hai điều về phương diện này: (1) chúng ta vẫn cần phải đi xa hơn hoặc sâu hơn hiện tượng, và (2) trên thực tế, chúng ta không thể làm được như vậy bằng riêng sức của mình như mọi nỗ lực thất bại của hành động tự mãn mê tín đã cho thấy rõ ràng. Do đó, vấn đề điều gì xa hơn và sâu hơn hiện tượng vẫn còn đó, cùng với câu hỏi liệu có điều gì có thể giải quyết vấn đề này là khoảng cách vẫn được tìm thấy trong hành động tự nguyện của chúng ta giữa ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn của chúng ta, vấn đề cuối cùng dẫn đến vấn đề Thiên Chúa tích cực trong hành động tự nguyện của chúng ta, và vấn đề liệu Thiên Chúa có thể hoặc muốn làm cách nào thu hẹp khoảng cách này để đưa hành động của chúng ta đến một sự trùng hợp hoàn hảo giữa ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn của chúng ta.

Đó là cách mà câu hỏi về tôn giáo nhất thiết nảy sinh ở phần kết thúc triết lý hành động đối với Blondel, như một nhu cầu cấp thiết phải có một điều gì đó hơn thế nữa, một điều gì đó vừa siêu việt vừa siêu nhiên, khi triết học tiến xa hết mức có thể của nó. Đầu tiên, Blondel bàn đến câu hỏi như một vấn đề tiến đến chỗ chống lại Điều Cần thiết Duy Nhất, l'unique nécessaire, khi đối tượng được ước muốn phần nào ngang tầm với sức mạnh ước muốn vô hạn của chúng ta - không phải một ngẫu tượng, một điều chỉ có thể là một vật hữu hạn, nhưng thực sự là Thiên Chúa như Đấng thực sự vô hạn và mãi mãi mầu nhiệm. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy vực thẳm giữa một hành động hữu hạn được ước muốn và sức mạnh ước muốn vô hạn mà chúng ta thấy đang xuyên suốt toàn bộ hiện tượng hành động, đến nỗi chúng ta phải nói rằng điều chúng ta cuối cùng sẽ ước muốn, trong mọi sự chúng ta ước muốn trong trật tự nội tại của vũ trụ, là Thiên Chúa, Đấng Duy nhất Nhất thiết, Đấng muốn chính hữu thể ước muốn của chúng ta và tất cả những gì chứa đựng trong hiện tượng hành động. Đó là cách ý tưởng về Thiên Chúa tự thể hiện ở mọi cao điểm của hành động của chúng ta như những hữu thể hữu lý. Đây là cách thức và lý do tại sao chúng ta phải nghĩ đến Thiên Chúa trong mọi hành động của mình, giờ đây được quan niệm như nhân thần [theandric], vừa là con người vừa là thần linh, thay vì chỉ tự đóng kín trong một ý chí được ước muốn, một ý chí muốn tự mãn và kết cục chỉ là mê tín dưới bất cứ hình thức nào nó mang lấy.

Tuy nhiên, từ quan điểm về hành động của con người này, mà hiện nay được quan niệm như có tính tôn giáo đúng đắn trong triết học hoặc trong Khoa học Thực hành, chúng ta không những phải nghĩ về Thiên Chúa đích thật, hay có Thiên Chúa trong tâm trí một cách thích đáng, có thể nói như thế, thay vì là một ngẫu thần nào đó do chính chúng ta lựa chọn. Chúng ta cũng phải chọn hoặc tiếp nhận một trong hai thái độ đối với Thiên Chúa như nguyên lý cần thiết của hữu thể và ý muốn của chúng ta, thái độ đi với Người hoặc thái độ chống lại Người. Blondel tuyên bố một cách cảm kích phương thức thực tế mà chúng ta phải đối diện ở điểm cao nhất ý muốn của chúng ta: “Con người, tự mình, không thể là điều họ đã là bất chấp chính họ, điều họ tuyên bố sẽ trở thành một cách tự nguyện. Có hay không, liệu họ có muốn được sống, thậm chí cho đến chết, có thể nói như thế, bằng cách đồng ý để được thay thế bởi Thiên Chúa? Hoặc nếu không, liệu họ có cao ngạo muốn tự mãn không cần có Thiên Chúa, kiếm lợi bằng sự hiện diện nhất thiết của Người mà không làm cho nó thành tự nguyện, mượn sức mạnh của Người để tiến tới mà không cần có Người, và muốn một cách vô hạn mà không muốn Đấng Vô hạn?” (8)

Triết học vẫn còn nhiều điều để nói về các hậu quả của việc đi theo một trong những phương thức này, về sự sống của hành động hay về cái chết của hành động, nhưng khi nói về sự sống của hành động, vẫn chỉ như bao hàm các thay thế và chuẩn bị cho hành động hoàn hảo, nơi ý chí được ước muốn và ý chí ước muốn sẽ hoàn toàn trùng hợp, Khoa học Thực hành đưa ra một câu hỏi cuối cùng, một giả thuyết cuối cùng: liệu Thiên Chúa có ban sự trợ giúp cần thiết để đưa hành động của con người đến sự hoàn hảo mà nó vốn phấn đấu giành được hay không?

Đây là đỉnh điểm nơi triết học đụng tới mầu nhiệm của tôn giáo siêu nhiên trong hành động của con người. Blondel từng nhấn mạnh rằng triết học cần tôn giáo để trả lời câu hỏi hoặc những câu hỏi cuối cùng mà nó để lại ở cuối hành trình của nó. Ông không cố gắng trả lời câu hỏi cách trực tiếp bằng triết lý hành động của mình, cũng không nói rằng ông có thể, như một triết gia, nhưng ông cố gắng coi câu hỏi như một giả thuyết cần thiết phải xảy ra tại tuyệt đỉnh Khoa học Thực hành này. Từ đó, có triết lý ngắn gọn về tôn giáo, không những như tự nhiên mà còn như siêu nhiên, và với nó, ông đã kết thúc triết lý hành động của mình trong luận văn năm 1893.

Triết lý về siêu nhiên này giả định ý niệm tự nhiên và ý niệm tự do như đã được Tạo hóa ban tặng, hồng ân đã được thăm dò rất nhiều trong triết lý hành động cho tới điểm này. Nhưng bao lâu hồng phúc đầu tiên này vẫn khiến chúng ta không thể thu hẹp khoảng cách mà chúng ta tìm thấy trong bản thân hoặc đưa hành động của chúng ta tới chỗ hoàn tất một cách hoàn hảo, thì ý tưởng về hồng phúc thứ hai, một hồng phúc sẽ giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách còn lại và do đó, tiến đến một hành động hoàn hảo mà nếu không, sẽ không thực tế đối với chúng ta, nhất thiết phải xảy ra như một giả thuyết đáng được khảo sát trong Khoa học Thực hành nhằm mục đích tuân theo sự tất yếu ở bất cứ nơi nào có thể tìm thấy nó. Không cố gắng nói liệu một hồng phúc siêu nhiên như vậy có được ban tặng cho một tạo vật có lý trí hay không, hoặc thậm chí hồng phúc bổ sung và tự do đó có thể là gì hoặc trông như thế nào, Khoa học Thực hành vẫn có thể khảo sát việc trong những điều kiện nào hồng phúc siêu nhiên này được tìm thấy trong hành động của con người như chúng ta biết về mặt triết học.

Một cuộc khảo sát như vậy có thể dẫn triết học vào một cuộc khảo sát mở rộng các phạm vi nơi hành động, suy nghĩ và hữu thể của con người đụng tới mầu nhiệm đức tin Kitô giáo, như nó đã làm đối với Blondel và như ông sẽ giải thích dài hơn sau này trong cuộc đời của ông. Tuy nhiên, trong luận văn năm 1893, được thiết kế để trở thành một thao tác mang tính khoa học hoặc học thuật nghiêm ngặt, phù hợp với kỳ vọng của những người khảo sát về triết học chứ không phải về tôn giáo, ông đã chọn chỉ nói về hai hoặc ba điều kiện mà ông nghĩ là cần thiết để lồng một trợ cụ siêu nhiên vào vở kịch hành động của con người: một mạc khải để trí hiểu tiếp nhận, một trung gian giữa con người và thần linh, và một thực hành theo nghĩa đen được chỉ thị từ trên cao như một kỷ luật phải được thi hành trong lịch sử. Điều đó đi xa đến nỗi chỉ cho thấy sự cần thiết của một tôn giáo siêu nhiên nào đó trong triết học, mà trên thực tế, tất cả những người tham dự đều coi là đạo Công Giáo. Khi làm như vậy, ông đã thành công trong việc thuyết phục ban giám khảo rằng ông thực sự là một nhà triết học đáng được công nhận, mặc dù ông không hoàn toàn thuyết phục họ rằng có một nhu cầu như thế hoặc sự tất yếu ở trọng tâm hành động của họ trong tư cách các triết gia.

Còn 1 kỳ

Ghi Chú

1 Có ba bài báo như vậy, tất cả đều được sao chép trong Dialogues avec les Philosophes: Descartes, Spinoza, Malebranche, Pascal, St. Augustin [Các cuộc đối thoại với các triết gia: Descartes, Spinoza, Malebranche, Pascal, St. Augustin] (Paris: Aubier, 1966): (1) Về tính thống nhất độc đáo và sức sống vĩnh viễn của học thuyết triết học của Thánh Augustinô, ban đầu được xuất bản trong Revue de Métaphysique et Morale 37 (1930); (2) Về sự phong phú không ngừng đổi mới của tư tưởng Augustinô, xuất bản lần đầu trên tạp chí Cahiers de la Nouvelle Journée [Tạp chí Tân Hành trình]17 (1930); và (3) về “Nguồn lực tiềm ẩn trong tư tưởng của Thánh Augustinô,” bản dịch của Cha Léonard, ban đầu được xuất bản trong A Monument to Augustine: Essays on His Age, Life and Thinking [Một Đền đài cho Thánh Augustinô: Các tiểu luận về thời đại, đời sống và Tư duy của ngài] (London: Sheed & Ward, 1930), tác phẩm duy nhất của Blondel được xuất bản bằng tiếng Anh khi ông còn sống, một phiên bản rút gọn của nó cũng xuất hiện bằng Tiếng Pháp trong Revue Néo-scolastique de Philosophie [Tạp chí Tân Kinh viện về Triết học] 32 (1930)

2 Xem Gregory B. Sadler, Reason Fulfilled by Revelation: The 1930s Christian Philosophy Debates in France [Lý trí được Nên trọn nhờ Mạc Khải: Các cuộc tranh luận về triết học Kitô giáo Thập niên 1930 tại Pháp] (Washington, D.C: The Catholic University of America Press, 2011).

3 “Về sự cần thiết của một triết học về Tinh thần Kitô giáo” Bản dịch của Oliva Blanchette, Communio: Tạp chí Công Giáo Quốc tế 38 (Mùa xuân 2011). Cf Maurice Blondel, Exigences Philosophiques du christianisme [Các đòi hỏi Triết lý của Kitô giáo] (Paris: Presses Universitaires de France, 1950), I: Le sens chrétien (Ý nghĩa Kitô giáo]: Dẫn nhập, 3–25.

4 Xem Carnets Intimes [Nhật ký], Tập I (1883–1894) (Paris: Cerf, 1961); Tập II (1894–1949) (Paris: Cerf, 1966).

5 Xem Giải đáp của Thánh Tôma về phản bác chống lại việc sử dụng khoa triết học trong Học thuyết Thánh thiêng như một khoa học trong Summa Theologiae I, q. 1, a. 5, ad 2.

6 Hai linh mục là Jean Wehrlé, người từng là bạn cùng lớp của Blondel tại Cao đẳng Sư phạm trước khi vào chủng viện, và Fernand Mourret, Giám đốc Chủng viện Saint Sulpice ở Paris, cả hai đều là các nhà trí thức Công Giáo gặp rắc rối vì cuộc khủng hoảng duy hiện đại tại nước Pháp Công Giáo. Vào lúc họ đang cố vấn cho ông, cuộc khủng hoảng giữa Loisy và các nhà chức trách Giáo hội đã lên đến đỉnh điểm, và họ thấy mình và nhiều trí thức Công Giáo khác bị lôi cuốn theo cả hai hướng, hướng của Loisy và hướng của các nhà chức trách tín điều. Khoảng thời điểm này, vào năm 1904, Blondel từ lâu đã ngừng xuất bản bất cứ điều gì về các vấn đề thuộc khoa hộ giáo của Kitô giáo vì các bài báo chí xấu mà ông liên tục nhận được từ những người chống đối trong Giáo hội, sau bức thư nổi tiếng, hoặc khét tiếng của ông, không nói nhiều tới hộ giáo, cho bằng nói tới Phương pháp Triết học trong Nghiên cứu Vấn đề Tôn giáo năm1896, tùy thuộc vào vị trí của bạn trong cuộc khủng hoảng đang ló dạng này. Wehrlé và Mourret thúc giục Blondel tham gia vào cuộc chiến một lần nữa, có nguy cơ gây ra nhiều bài báo xấu hơn, vì lợi ích của các trí thức Công Giáo chân thành, đang tìm kiếm sự hướng dẫn về việc phải đứng ra sao và ở đâu như người Công Giáo giữa cuộc hỗn chiến này từ các thái cực trái ngược nhau. Từ tình trạng hỗn loạn này có bài báo của ông về “Lịch sử và tín điều”, công bố năm 1904 trên tờ La Quinzaine, một tạp chí dành cho giới trí thức Công Giáo. Bài báo đã được in lại trong Les Premiers Écrits de Maurice Blondel [Các trước tác đầu tiên của Maurice Blondel) (Paris: Presses Universitaires de France, 1956), 149–228, và được Alexander Dru dịch trong Maurice Blondel: The Letter on Apologetics & History and Dogma [Maurice Blondel: Lá thư về Hộ giáo và Lịch sử cùng Tín điều] (London: Harvill Press; Grand Rapids: Eerdmans Publishing Co., 1994), 220–87. Bài báo có lẽ đã giúp ích nhiều hơn cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách tích cực trong thần học cũng như triết học Công Giáo hơn bất cứ Tự sắc hay Thông điệp nào từ Rôma vào thời điểm đó. Điều oái oăm về nó là nó đã đi trước bất cứ sắc lệnh nào từ giới chính thức. Muốn biết thêm về giai đoạn hòa giải này trong cuộc sống Công Giáo nhiệt thành của Blondel, x. Oliva Blanchette, A Philosophical Life [Một Cuộc đời triết học] (Grand Rapids / Cambridge: Eerdmans Publishing Co., 2010), 190–209.

7 Bức thư này đã được in lại trong Les Premiers Écrits de Maurice Blondel [Các trước tác đầu tiên của Maurice Blondel] (Paris: Presses Universitaires de France, 1956), 5–95, và đã được Illtyd Trethowan dịch trong Maurice Blondel: The Letter on Apologetics & History and Dogma [Maurice Blondel: Lá thư về Hộ giáo và Lịch sử cùng Tín điều] (Grand Rapids: Eerdmans Publishing Co., 1994), 125–208.

8 Maurice Blondel, Action (1893): Essay on a Critique of Life and a Science of Practice, [Hành động (1893): Tiểu luận về Lòi Phê bình Đời sống và Khoa học Thực hành] bản dịch của Oliva Blanchette (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1984), 327.