Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 08:30 sáng thứ Bẩy 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để đến Sân bay quốc tế Malta.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu ngày thứ hai tại Malta với cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Dòng Tên đang phục vụ tại Malta ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Lúc 08:30, Đức Thánh Cha đã thăm khu hầm Thánh Phaolô tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ở Rabat. Tại đây, Đức Thánh Cha đọc lời cầu nguyện sau.

Sinh hoạt tiếp theo của Đức Thánh Cha là thánh lễ tại quảng trường các vựa thóc ở Floriana.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Sáng sớm, Chúa Giêsu lại đến đền thờ; muôn dân đến với Người “(Ga 8: 2). Những dòng chữ này giới thiệu câu chuyện của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Bối cảnh thật thanh bình: một buổi sáng ở nơi thánh, ở trung tâm thành phố Giêrusalem. Ở trọng tâm câu chuyện là dân Chúa đang tìm kiếm Chúa Giêsu, là vị Thầy, trong sân đền thờ: họ muốn lắng nghe Ngài, vì những lời Ngài nói thật sâu sắc và ấm lòng. Không có gì trừu tượng trong những lời giáo huấn của Ngài; nó chạm vào, giải phóng, biến đổi và canh tân cuộc sống thực. Ở đây chúng ta thấy “trực giác” của dân Chúa; họ không hài lòng với đền thờ xây bằng đá, nhưng đổ xô quanh con người của Chúa Giêsu. Trong đoạn văn này, chúng ta có thể thấy những tín hữu của mọi thời đại, dân thánh của Thiên Chúa. Ở đây, ở Malta này những người như thế đông vô kể và linh hoạt, trung thành tìm kiếm Chúa qua một đức tin cụ thể, sống động. Vì điều này, tôi cảm ơn tất cả anh chị em.

Trước sự hiện diện của những người đó, Chúa Giêsu dành thời gian của mình: Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, “Người đã ngồi xuống và dạy dỗ họ” (câu 2). Tuy nhiên, vẫn có những chỗ trống trong trường học của Chúa Giêsu. Người phụ nữ và những người tố cáo cô ấy không có ở đó. Không giống như những người khác, họ không đến gặp Thầy. Tất cả đều có lý do của họ: các kinh sư và người Pharisêu nghĩ rằng họ đã biết hết mọi sự và không cần đến giáo huấn của Chúa Giêsu; còn người phụ nữ thì lầm đường lạc lối và bối rối, một người lạc lối tìm kiếm hạnh phúc ở những nơi sai lầm. Họ vắng mặt vì những lý do khác nhau, và câu chuyện sẽ kết thúc khác nhau đối với mỗi người. Chúng ta hãy suy nghĩ về những “người vắng mặt”.

Trước hết, chúng ta hãy xem xét những người tố cáo người phụ nữ. Ở họ, chúng ta nhìn thấy sự phản chiếu của tất cả những người tự hào mình là người công chính, những người tuân thủ luật pháp của Thiên Chúa, những người đàng hoàng và đáng kính. Họ không quan tâm đến những lầm lỗi của mình, nhưng họ rất quan tâm đến những lỗi phạm của người khác. Họ đến với Chúa Giêsu: không phải với tấm lòng rộng mở để nghe lời Ngài, nhưng “để thử thách Ngài và tìm dịp bắt lỗi chống lại Ngài” (câu 6). Điều này tiết lộ suy nghĩ bên trong của những người tu luyện và mộ đạo, những người biết Kinh thánh và viếng thăm ngôi đền, nhưng làm thế vì lợi ích cá nhân của họ và không chống lại những ý nghĩ xấu xa đang ấp ủ trong lòng mình. Trong mắt mọi người, họ có vẻ là chuyên gia về những điều của Thiên Chúa, nhưng họ không nhận ra Chúa Giêsu; thực sự, họ xem Ngài như một kẻ thù cần phải loại bỏ. Để đạt được điều này, họ đặt ra trước mặt Ngài một người mà họ khinh bỉ gọi là “người đàn bà này”, coi cô như một thứ đồ vật, và công khai tố cáo cô ngoại tình. Họ kêu gọi mọi người ném đá người phụ nữ, và trút lên đầu cô ấy tất cả sự thù địch của họ đối với lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu. Và họ làm như vậy dưới tấm áo choàng của danh tiếng là những người mộ đạo và công chính.

Anh chị em thân mến, những nhân vật Phúc Âm này nhắc nhở chúng ta rằng lòng mộ đạo của cá nhân và cộng đồng của chúng ta luôn có thể che dấu vết sâu của thói đạo đức giả và sự thôi thúc chỉ tay lên án người khác. Chúng ta luôn có nguy cơ không hiểu Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có danh Ngài trên môi miệng nhưng lại từ chối Ngài qua cách chúng ta sống. Ngay cả khi chúng ta giơ cao ngọn cờ thánh giá. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể chứng minh được chúng ta có phải là môn đệ chân chính của Thầy hay không? Chúng ta có thể làm được bằng cách nhìn xem chúng ta đối xử với người lân cận ra sao và đối với chính mình như thế nào. Đây là một điểm quan trọng trong định nghĩa chúng ta là ai.

Thứ nhất là xét xem chúng ta đối xử với người lân cận của mình ra sao: chúng ta làm điều này với cái nhìn thương xót, như Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ngày hôm nay, hay với cái nhìn phán xét, thậm chí khinh miệt, như những người tố cáo được Phúc âm mô tả, những người tự cho mình là người bảo vệ Thiên Chúa nhưng thất bại không nhận ra rằng họ đang chà đạp lên anh chị em mình. Những người tin rằng họ đang giữ vững đức tin bằng cách chỉ tay vào người khác có thể có một lòng “mộ đạo” nào đó, nhưng họ đã không chấp nhận tinh thần của Phúc Âm, vì họ coi thường lòng thương xót, là tấm lòng của Thiên Chúa.

Thứ hai, để hiểu chúng ta có phải là đệ tử chân chính của Thầy hay không, chúng ta cần phải suy nghĩ về cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Những người tố cáo người phụ nữ bị thuyết phục rằng họ không có gì để học. Vẻ ngoài của họ là hoàn hảo, nhưng họ thiếu sự thật của trái tim. Họ đại diện cho những tín hữu, những người ở mọi thời đại biến đức tin thành một phần mặt tiền của họ; họ trình bày một diện mạo bên ngoài đầy ấn tượng và trang trọng, nhưng họ nghèo nàn bên trong, và thiếu kho tàng lớn nhất của trái tim con người. Đối với Chúa Giêsu, điều thực sự quan trọng là sự cởi mở và ngoan ngoãn của những người không coi mình là tốt lành, nhưng nhận ra nhu cầu cần được cứu rỗi của họ. Khi đó, thật tốt cho chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện, cũng như bất cứ khi nào chúng ta tham gia vào các buổi lễ tôn giáo đáng yêu, hãy tự hỏi mình xem chúng ta có thực sự hòa hợp với Chúa hay không. Chúng ta có thể hỏi Ngài một cách thành thật rằng, “Lạy Chúa, con ở đây với Chúa, nhưng Chúa muốn gì nơi con? Điều gì trong trái tim con, trong cuộc sống của con, mà Chúa muốn con thay đổi? Chúa muốn con coi người khác như thế nào?” Cầu nguyện như thế sẽ tốt cho chúng ta, bởi vì Thầy không bằng lòng với những dáng vẻ bên ngoài; Ngài tìm kiếm sự thật của trái tim. Một khi chúng ta mở lòng với Ngài trong sự thật, Ngài có thể làm nên những điều kỳ diệu trong chúng ta.

Chúng ta thấy điều này ở người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Tình cảnh của cô tưởng chừng như vô vọng, nhưng rồi một chân trời mới đầy bất ngờ đã mở ra trước mắt. Cô đã bị sỉ nhục và đang chờ sự phán xét tàn nhẫn và sự trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của cô, cô thấy mình được Thiên Chúa tha bổng, và chỉ cho cô đến một tương lai mà cô không hề đoán trước: “Không ai lên án cô sao?” - Chúa Giêsu nói với cô ấy - “Tôi cũng không kết án chị đâu; hãy đi và đừng phạm tội nữa” (câu 10,11). Thật là khác biệt giữa Chúa và những kẻ tố cáo người phụ nữ! Họ viện dẫn Kinh thánh để kết án cô ấy; Chúa Giêsu, chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã hoàn toàn phục hồi người phụ nữ, khôi phục lại hy vọng của cô ấy. Từ câu chuyện này, chúng ta học được rằng mọi phán xét không được truyền cảm hứng và cảm động bởi lòng bác ái sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn cho những người nhận được phán xét ấy. Mặt khác, Chúa luôn có chỗ cho cơ hội thứ hai; Ngài luôn có thể tìm thấy những con đường dẫn đến giải thoát và cứu rỗi.

Sự tha thứ đã thay đổi cuộc đời người phụ nữ đó. Thương xót và khốn khổ bao trùm. Xót xa và khốn khó gặp nhau ở đó, cuộc đời người phụ nữ đã thay đổi. Chúng ta thậm chí có thể suy đoán liệu sau khi được Chúa Giêsu tha thứ, cô ấy có thể lần lượt tha thứ cho người khác hay không. Có lẽ cô ấy thậm chí đã đi xa đến mức xem những người tố cáo cô ấy không còn là những người đàn ông thô bạo và gian ác nữa, mà là phương tiện dẫn đến cuộc gặp gỡ của cô ấy với Chúa Giêsu. Chúa cũng muốn chúng ta, các môn đệ, Hội Thánh của Ngài, cũng như những ai được Ngài tha thứ, trở thành những chứng nhân hòa giải không mệt mỏi. Nhân chứng của một vị Chúa mà từ “vô phương cứu chữa” không hề tồn tại, một vị Chúa luôn tha thứ. Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa không bao giờ ngừng tin tưởng vào chúng ta và luôn cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại. Không có tội lỗi hay thất bại nào mà chúng ta có thể mang lại trước mặt Người mà không thể trở thành cơ hội để bắt đầu sống một cuộc sống mới và khác biệt dưới ngọn cờ của lòng thương xót. Không có tội lỗi nào mà không thể được đối xử theo cách này. Chúa tha thứ cho tất cả mọi thứ. Ngài tha thứ mọi tội lỗi.

Đây là Chúa Giêsu. Chúng ta thực sự biết Ngài khi chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ của Ngài, và khi, giống như người phụ nữ trong Phúc âm, chúng ta khám phá ra rằng Chúa đến với chúng ta qua vết thương nội tâm của chúng ta. Đó quả thật là nơi Chúa rất thích làm cho mình được biết đến, vì Người đến không phải vì những người khỏe mạnh mà là vì những ai đau yếu (x. Mt 9,12). Hôm nay, người phụ nữ đó, người đã tìm thấy lòng thương xót trong lúc khốn khổ của mình và đã ra đi được chữa lành nhờ sự tha thứ của Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta, với tư cách là Giáo hội, trở lại trường học Tin Mừng, để học hỏi từ Thiên Chúa của niềm hy vọng, Đấng không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên. Nếu chúng ta noi gương Ngài, chúng ta sẽ không có khuynh hướng tập trung vào việc lên án tội lỗi, nhưng tập trung vào việc lên đường với tình yêu thương để tìm kiếm tội nhân. Chúng ta sẽ bằng lòng với những người đã có mặt, nhưng sẽ đi tìm những người vắng mặt. Chúng ta sẽ không quay lại việc chỉ tay lên án, mà sẽ bắt đầu lắng nghe. Chúng ta sẽ không loại bỏ những người bị khinh thường, nhưng xem trọng nhất là những người mà những người khác coi là kém nhất. Thưa anh chị em, đây là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta ngày nay qua gương của Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy hân hoan chào đón tin vui mà Ngài mang đến.
Source:Holy See Press Office