1. Người Tiệp và người Slovakia hỗ trợ tối đa cho người Ukraine để trả thù cuộc xâm lược của Nga vào Tiệp Khắc năm 1968
Trong các quốc gia Âu Châu, Tiệp và Slovakia đang trở thành các quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ quân sự táo bạo cho Ukraine. Trong khi đã có một sự dè dặt của NATO trong việc gởi cho Ukraine các khí tài chiến tranh hạng nặng như máy bay, xe tăng và các loại hỏa tiễn phòng không, vì lo ngại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga; Tiệp và Slovakia đã không ngần ngại cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và các hệ thống phòng không S-300.
Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Tiệp và Slovakia đang muốn nhân dịp này trả thù cho biến cố Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968. Các chính trị gia ở hai quốc gia này hiểu rất rõ ràng rằng nếu Nga chiến thắng tại Ukraine, họ sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ rất lớn của quần chúng Tiệp và Slovakia.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Mùa xuân Praha là một thời kỳ tự do hóa chính trị và phản đối quần chúng ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nó bắt đầu vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubček được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thời kỳ này kéo dài cho đến ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Warsaw khác xâm lược đất nước để đàn áp các cải cách.
Cải cách Mùa xuân Praha là một nỗ lực mạnh mẽ của Dubček nhằm trao thêm quyền cho công dân Tiệp Khắc trong một hành động phân cấp một phần nền kinh tế và dân chủ hóa. Các quyền tự do được cấp bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với phương tiện truyền thông, cho tự do ngôn luận và đi lại. Sau khi đi xa đến mức chia đất nước thành một liên bang của ba nước cộng hòa, Bohemia, Moravia-Silesia và Slovakia, Dubček quyết định tách thành Tiệp Khắc thành hai nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Slovakia.
Các cải cách dân chủ, đặc biệt là phân cấp quyền hành chính, không được Liên Xô đón nhận, và đã gửi nửa triệu quân và xe tăng của Khối Hiệp ước Warsaw đến chiếm đóng đất nước. New York Times trích dẫn các báo cáo có đến 650,000 quân trang bị vũ khí hiện đại và tinh vi nhất của Liên Xô lúc bấy giờ đã nhào vào Tiệp Khắc. Một làn sóng di cư khổng lồ đã diễn ra. Các cuộc kháng chiến đã bùng lên khắp cả nước, đập tan các trụ sở của đảng cộng sản, săn lùng và giết chết các đảng viên cộng sản, bất chấp lệnh giới nghiêm. Quân đội Liên Xô dự đoán rằng chỉ cần mất bốn ngày để khuất phục đất nước này, nhưng cuộc kháng chiến đã diễn ra trong tám tháng. Nó đã trở thành một ví dụ điển hình về quốc phòng dựa vào toàn dân. Có cả một số cuộc biểu tình phản đối bằng cách tự thiêu, nổi tiếng nhất là của Jan Palach.
Sau cuộc xâm lược, Tiệp Khắc bước vào thời kỳ được gọi là bình thường hóa, trong đó các nhà lãnh đạo mới cố gắng khôi phục các giá trị chính trị và kinh tế đã chiếm ưu thế trước khi Dubček lên nắm quyền. Gustáv Husák, người thay thế Dubček làm Bí thư thứ nhất và cũng trở thành Tổng thống, đã đảo ngược gần như tất cả các cải cách.
Dù thất bại, Mùa xuân Praha đã truyền cảm hứng cho âm nhạc và văn học bao gồm tác phẩm của Václav Havel, Karel Husa, Karel Kryl và cuốn tiểu thuyết lừng danh “Ánh sáng không thể chịu đựng được” của Milan Kundera.
Tiệp Khắc vẫn do Liên Xô kiểm soát cho đến năm 1989, khi Cách mạng Nhung kết thúc một cách hòa bình chế độ cộng sản; những người lính Liên Xô cuối cùng đã rời khỏi đất nước vào năm 1991.
2. Cuộc chiến tại Ukraine có thể leo thang và kéo NATO vào cuộc
Các bộ trưởng của NATO đã nhóm họp tại Brussels tuần trước để thảo luận về việc họ nên đi bao xa trong việc cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.
Thách thức đối với NATO trong suốt cuộc chiến này là làm thế nào để cung cấp cho đồng minh Ukraine đủ hỗ trợ quân sự để tự vệ mà không bị lôi kéo vào cuộc xung đột và thấy mình đang giao tranh với Nga.
Chính phủ Ukraine đã tỏ ra rất rõ ràng trong các lời kêu gọi giúp đỡ.
Theo Ukraine, để có thể chống đỡ nổi cuộc tấn công sắp tới của Nga vào khu vực Donbas, phía đông đất nước, thì nước này khẩn cấp cần được tiếp tế Javelin của phương Tây, NLAW, nghĩa là vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo, Hỏa tiễn chống tăng và phòng không Stinger và Starstreak mà lực lượng của họ đã và đang sử dụng có hiệu quả trong cuộc chiến này.
Đó là nhiều thứ đang được khẩn cấp chuyển đến cho Kiev. Nhưng Ukraine muốn nhiều hơn thế.
Họ muốn xe tăng, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và hệ thống phòng không hỏa tiễn tiên tiến để chống lại việc Nga sử dụng ngày càng nhiều các cuộc không kích và hỏa tiễn tầm xa đang làm cạn kiệt dần các kho dự trữ nhiên liệu chiến lược và các nhu yếu phẩm khác của Ukraine.
Nhiều người có thể hỏi chính xác điều gì đang kìm hãm Nato? Câu trả lời là sự leo thang chiến tranh.
Nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc cuộc xung đột lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine thành một cuộc chiến tranh Âu Châu rộng lớn hơn luôn ở trong tâm trí các nhà lãnh đạo phương Tây và ở đây hậu quả là rất nguy hiểm.
Những gì phương Tây đã giúp Ukraine cho đến nay
Hơn 30 quốc gia đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine bao gồm 1 tỷ euro từ Liên Hiệp Âu Châu và 1,7 tỷ đô la Mỹ từ Hoa Kỳ.
Nguồn cung cấp cho đến nay chỉ giới hạn ở vũ khí, đạn dược và thiết bị phòng thủ như hệ thống hỏa tiễn phòng không và chống tăng. Chúng bao gồm Javelins là vũ khí chống tăng vác vai bắn ra hỏa tiễn tầm nhiệt; và Stingers là vũ khí phòng không cơ động được sử dụng nổi tiếng nhất ở Afghanistan để chống lại máy bay Liên Xô
Starstreak là một hệ thống phòng không di động do Vương quốc Anh sản xuất.
Các thành viên NATO lo ngại việc cung cấp các thiết bị tấn công hạng nặng hơn như xe tăng và máy bay chiến đấu có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.
Điều đó không ngăn được Tiệp trao tặng xe tăng T72 cho Ukraine.
Putin đã sớm nhắc nhở thế giới trong cuộc chiến này rằng Nga là cường quốc vũ khí hạt nhân và ông ta đang chuyển khả năng răn đe hạt nhân chiến lược lên mức độ sẵn sàng cao hơn.
Mỹ đã không tỏ ra không lo lắng vì họ không phát hiện thấy đầu đạn hạt nhân nào của Nga di chuyển ra khỏi boongke bảo quản an toàn của họ. Nhưng quan điểm của Putin đã khiến nhiều người khác lo lắng.
Học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng các đầu đạn hạt nhân chiến thuật, năng suất thấp trên chiến trường, dù biết rằng phương Tây có sự ghê tởm đối với vũ khí hạt nhân đã không được sử dụng trong 77 năm qua.
Các nhà hoạch định chiến lược của NATO lo lắng rằng một khi điều cấm kỵ hạt nhân này bị phá vỡ, ngay cả khi thiệt hại chỉ giới hạn ở một mục tiêu cục bộ trên chiến trường Ukraine, thì nguy cơ leo thang thành thảm họa trao đổi hạt nhân giữa Nga và phương Tây chắc chắn sẽ tăng lên.
Mỹ đang gửi gì cho Ukraine
800 triệu đô la trong hỗ trợ quân sự mới, bao gồm 800 hệ thống phòng không Stinger có thể bắn hạ máy bay; 2.000 Javelins, vũ khí chống tăng vác vai bắn ra hỏa tiễn tầm nhiệt. 6,000 hệ thống chống thiết giáp AT-4, một loại vũ khí chống tăng sử dụng một lần, do Thụy Điển sản xuất
Tuy nhiên, với mọi hành động tàn bạo của binh lính Nga, quyết tâm của Nato trở nên cứng rắn hơn và sự ức chế của nó đang tan biến.
Nghị sĩ Tobias Ellwood, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, là một trong những người tin rằng Putin đang lừa dối khi làm dấy lên bóng ma vũ khí hạt nhân và rằng NATO không nên quá khiếp đảm.
Ông nói: “Chúng ta đã quá thận trọng trong các hệ thống vũ khí mà chúng ta sẵn sàng cung cấp. Chúng tôi cần một thái độ mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang cung cấp cho người Ukraine đủ để tồn tại nhưng không thể chiến thắng và điều đó phải thay đổi”.
Bằng cách nào cuộc chiến Nga-Ukraine này có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn Âu Châu rộng lớn hơn kéo theo NATO?
Có một số kịch bản chắc chắn đang chiếm lấy tâm trí của các bộ quốc phòng phương Tây.
Đây chỉ là ba trong số những kịch bản đó:
Thứ nhất: Một hỏa tiễn chống hạm đội do Nato cung cấp do lực lượng Ukraine được bắn ra ở Odesa đã bắn trúng và đánh chìm một tàu chiến Nga ngoài khơi Biển Đen với tổn thất của gần 100 thủy thủ và hàng chục thủy quân lục chiến. Số người chết ở mức độ này trong một cuộc tấn công sẽ là chưa từng có và Putin sẽ phải chịu áp lực đáp trả dưới một số hình thức.
Thứ hai: Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn chiến lược của Nga nhằm vào một đoàn xe cung cấp khí tài quân sự từ một quốc gia Nato, như Ba Lan hoặc Slovakia, vào Ukraine. Nếu thương vong xảy ra trong biên giới của Nato thì Nato có khả năng kích hoạt Điều 5 trong hiến pháp của Nato, đưa toàn bộ liên minh bảo vệ đất nước bị tấn công.
Thứ ba: Giữa lúc giao tranh ác liệt ở Donbas, một vụ nổ xảy ra tại một cơ sở công nghiệp dẫn đến thải ra khí hóa học độc hại. Trong khi điều này đã xảy ra, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Nhưng liệu nó có dẫn đến loại thương vong hàng loạt như khi Syria sử dụng khí độc tại Ghouta hay không và nếu nó được phát hiện là do lực lượng Nga cố tình gây ra, thì NATO sẽ có nghĩa vụ phải đáp trả.
3. Nhận định của Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Maliar
Không có sự ổn định nào đang được quan sát ở Ukraine khi người Nga đang dồn quân, trong mục tiêu cuối cùng của họ là chiếm toàn bộ Ukraine.
Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Maliar đã đưa ra lập trường trên trong một video hôm Chúa Nhật,
“Mọi người đang chờ đợi tin tức mỗi ngày, nhưng một số hoạt động quân sự nhất định phải mất vài ngày và đôi khi vài tuần. Và những gì đang xảy ra bây giờ dường như là một loại ổn định, nhưng thực tế không phải vậy. Bây giờ kẻ địch đang tích lũy lực lượng, không có động tĩnh, nhưng không có ổn định. Quân đội Nga đang cố gắng hoàn thành kế hoạch đã bị hạn chế đến mức tối thiểu của chúng là đánh chiếm phía đông Ukraine. Nếu chúng thành công, chúng ta phải hiểu rằng mục tiêu cuối cùng của chúng là toàn thể Ukraine”
Theo Bộ Tổng tham mưu, Nga tiếp tục điều quân tới các khu vực giáp biên giới với Ukraine. Đặc biệt, quân xâm lược đang di chuyển các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn từ các Quân khu miền Đông và Trung tâm đến các khu vực biên giới thuộc các vùng Belgorod, Voronezh và Kursk.
Các lực lượng Nga đã cố gắng tiến vào Severodonetsk nhưng quân đội Ukraine đã đẩy lùi cuộc tấn công.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine báo cáo:
“Có những nỗ lực đột phá gần Severodonetsk, nhưng họ đã bị đẩy lui. Các cuộc không kích đã được thực hiện gần Rubizhne và Novotoshkivske, bỏ qua Popasna. Nhưng kẻ thù bị tổn thất và rút lui”
Các cuộc tấn công bằng pháo và hỏa tiễn của Nga vào các khu dân cư và nơi di tản dân thường vẫn tiếp tục diễn ra ở vùng Luhansk. Hôm Chúa Nhật 19 tháng 4, một người đã thiệt mạng và bốn người khác bị thương trong cuộc pháo kích của Nga vào Severodonetsk.
4. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phản pháo lại tuyên truyền của Nga
Trong bài phát biểu mới nhất của mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phản pháo lại tuyên truyền của Nga:
Họ nói về những vụ giết người ở Bucha rằng đó không phải là họ, mà là chúng ta. Mặc dù ai cũng thấy rõ rằng người dân đã thiệt mạng trong khi quân đội Nga kiểm soát thành phố.
Họ nói về vụ tấn công hỏa tiễn vào Kramatorsk rằng đó không phải là do họ, mà do chúng ta. Mặc dù chính những nhà tuyên truyền của họ đã rêu rao về cuộc tấn công này. Mặc dù hỏa tiễn bay từ lãnh thổ dưới sự kiểm soát của họ. Và đối với bất kỳ thành phố nào bị phá hủy của chúng ta, bất kỳ ngôi làng nào bị đốt cháy của chúng ta, họ nói điều tương tự, rằng đó cũng không phải là do họ, mà do chúng ta.
Quân đội Nga đã nói dối rằng sau hơn sáu tuần chiến tranh, họ đã không bắn trúng bất kỳ đối tượng dân sự nào!
Bạn có biết tại sao lại như vậy không? Vì đó là sự hèn nhát...
Họ đã chiếm Crimea - và chúng ta bị cho là có lỗi.
Họ đã phá hủy cuộc sống bình thường ở Donbas - và chúng ta bị cho là có lỗi.
Họ đã bắn rơi một chiếc Boeing của Malaysia - và chúng ta bị cho là có lỗi.
Họ đã giết người và trẻ em trên đất của chúng ta trong tám năm - và chúng ta bị cho là có lỗi.
Họ đã phá hủy khu vực công nghiệp mạnh nhất ở Đông Âu - và chúng ta bị cho là có lỗi.
Zelenskiy nói rằng ông biết ơn những người lính phục vụ, những người đang bảo vệ Ukraine và đánh trả quân đội Nga, những người ứng phó đầu tiên và những người “khôi phục sự sống” ở những vùng lãnh thổ được giải phóng gần đây, và cả “những người bảo đảm chiến thắng của chúng ta trong cuộc đối đầu thông tin”.
Ông nói rằng ông cảm ơn “tất cả các nhà báo, các biên tập viên, trong cuộc thi chạy marathon thông tin, tất cả các trang web của chúng ta, và tất cả các đại diện truyền thông trên thế giới không cho phép tuyên truyền của Nga giành chiến thắng”.
“Sự thật sẽ chiến thắng. Ukraine sẽ thắng!”
5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẩn khoản xin thêm vũ khí
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tiếp tục lời kêu gọi xin thêm vũ khí trước sự gia tăng dự kiến trong cuộc giao tranh ở miền đông đất nước. Zelenskiy cho biết trên Twitter vào ngày 10 tháng 4 rằng ông đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về quốc phòng và hỗ trợ tài chính cho đất nước của ông, cũng như khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.
Tuy nhiên, tổng thống cũng nói rằng ông cam kết thúc đẩy hòa bình bất chấp các cuộc tấn công của Nga nhằm vào thường dân Ukraine gây ra sự phẫn nộ trên thế giới.
“Chúng ta phải chiến đấu, nhưng chiến đấu vì sự sống. Bạn không thể chiến đấu vì cát bụi khi không có gì và không có người. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải ngăn chặn cuộc chiến này”, Zelenskiy nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ngày 9/4, một ngày sau khi ít nhất 52 người thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một nhà ga xe lửa ở thành phố Kramatorsk, vào các thường dân đang cố gắng chạy trốn.
Nga đã biến một số thành phố của Ukraine, bao gồm cả Mariupol ở Donetsk, thành đống đổ nát, thả bom vào các mục tiêu dân sự cũng như quân sự.
“Không ai muốn thương lượng với một người hoặc những người đã tra tấn đất nước này. Tất cả đều có thể hiểu được. Và với tư cách là một người đàn ông, là một người cha, tôi hiểu rất rõ điều này”, Zelenskiy nói. Nhưng “chúng tôi không muốn đánh mất các cơ hội, nếu chúng tôi có, cho một giải pháp ngoại giao.”
Zelenskiy cho biết ông tin tưởng rằng người Ukraine sẽ chấp nhận hòa bình bất chấp những điều khủng khiếp mà họ đã chứng kiến trong cuộc chiến vô cớ của Nga ở đất nước của họ.
Hôm Chúa Nhật, 10/4, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, một ngôi mộ tập thể chứa hàng chục thi thể thường dân đã được tìm thấy ở làng Buzova gần Kiev.
Đã có những hình ảnh thi thể của thường dân được tìm thấy trong sân và đường phố và được chôn trong những ngôi mộ tập thể như đã từng xảy ra ở thị trấn Bucha gần Kiev sau khi quân đội Nga rút đi.
Các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây đã cáo buộc Mạc Tư Khoa về tội ác chiến tranh. Nga đã phủ nhận trách nhiệm.
6. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 4,5 triệu người tị nạn rời khỏi Ukraine
Kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đến nay đã có hơn 4.5 triệu người tị nạn từ Ukraine vượt biên sang các nước láng giềng.
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, gọi tắt là UNHCR, đã cho biết như trên hôm 9 tháng 4.
Kể từ ngày 24 tháng 2, 4,503.954 người đã rời Ukraine. Cụ thể, Ba Lan đã tiếp nhận 2,593,902 người tị nạn, Rumani – 686,232, Hung Gia Lợi – 419,101, Moldova – 410,882 Slovakia – 314,485. Ít nhất 404,418 người đã sang Nga, 19,096 sang Belarus hầu hết là trái với ý muốn của họ.
Theo UNHCR, hơn 7,1 triệu người Ukraine được coi là di tản trong nước, tức là vẫn ở lại đất nước nhưng buộc phải rời bỏ nhà cửa.