1. Một nữ tu Pháp 72 tuổi can đảm đương đầu với kẻ mưu sát linh mục

Dư luận ở Pháp ca ngợi một nữ tu 72 tuổi đã can đảm can thiệp để giải giáp một người đàn ông dùng dao đâm một linh mục trong thánh đường.

Nữ tu Marie-Claude đã can thiệp sau khi một người đàn ông 31 tuổi vào nhà thờ thánh Phêrô Arene, ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, trước thánh lễ Chúa nhật 24 tháng Tư vừa qua, và đâm cha Krzysztof Rudzinski 20 nhát, phần lớn ở ngực.

Trong khi can thiệp, nữ tu Marie-Claude bị thương ở cánh tay và được đưa vào nhà thương cùng với cha Rudzinski 57 tuổi.

Thông cáo của giáo phận Nice cho biết vị linh mục cũng như nữ tu không bị nguy hiểm đến tính mạng trong vụ này. Ông Éric Ciotti, đại biểu quốc hội miền Alpes Maritimes ở địa phương đã ca ngợi nữ tu Marie-Claude vì lòng can đảm đặc biệt: “Chị đã tước đoạt con dao khỏi tay kẻ tấn công trong lúc bị thương ở cánh tay”. Giáo phận Nice mô tả kẻ hành hùng là một người dường như mất quân bình về tâm trí.

Đức cha Piotr Turzynski, đặc trách mục vụ người Ba Lan di cư, kêu gọi cầu nguyện cho cha Rudzinski cũng như cho chị nữ tu.

Tuần báo Famille Chrétienne, nghĩa là “Gia Đình Kitô” ở Pháp cho biết kẻ tấn công là một công dân Pháp, tự nhận mình là người Do thái. Trước đó ông ta đã được chữa trị về phân tâm.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm tân Tổng Giám Mục Paris

Hôm thứ Ba 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich làm Tân Tổng Giám mục của Paris.

Đức Cha Ulrich, tổng giám mục của Lille, miền bắc nước Pháp, sẽ kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit.

Đức Tổng Giám Mục Paris sinh năm 1951 và thụ phong linh mục của giáo phận Dijon, miền đông nước Pháp năm 1979.

Ngài được Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Đức Tổng Giám Mục của Chambéry, miền đông nam nước Pháp vào năm 2000. Sau đó, Ngài được Đức Bênêđíctô XVI chuyển đến Lille vào năm 2008.

Trong số những thách thức mà vị tổng giám mục 70 tuổi phải đối mặt sẽ là hàn gắn những chia rẽ đang bộc lộ trong tổng giáo phận Paris.

Ngài cũng sẽ giám sát việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2019. Nhà thờ dự kiến sẽ mở cửa trở lại để thờ phượng vào ngày 16 tháng 4 năm 2024, 5 năm sau vụ hỏa hoạn.

Trong thông điệp đầu tiên gửi cho đàn chiên mới của mình, Đức Cha Ulrich nói: “Thật là vui mừng cho chúng ta khi chờ đợi ngày mở cửa trở lại của ngôi thánh đường để chúng ta vẫn có thể rao truyền Chúa Kitô hằng sống ở đó, trong khi rõ ràng là không bỏ qua nhiều lý do thu hút mọi người đến với ngôi thánh đường này”.

“Tôi nhận thức được sự phức tạp của những thách thức sẽ phải đối mặt với chúng ta trong những năm sắp tới, và điều này không nên làm chúng ta lo lắng, nhưng nó đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta: một thái độ đồng nghị sâu sắc, mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô chính là con đường đồng nghị này là điều Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã được Đức Giáo Hoàng miễn nhiệm làm Tổng giám mục Paris vào tháng 12 năm ngoái. Đức Cha Aupetit là một bác sĩ trước khi được thụ phong linh mục ở tuổi 44, đã bị các phương tiện truyền thông thế tục tấn công vì có mối quan hệ với một người phụ nữ.

Đức Cha Michel Aupetit cho biết ngài đã trao đổi email với người phụ nữ này và thừa nhận rằng mối quan hệ của họ không rõ ràng.

Ngài nói rằng người đàn bà viết cho ngài “mỗi ngày” và thừa nhận rằng “có một lần” khi cô ấy “bị đau lưng”, ngài đã “xoa bóp cho cô ấy bớt căng thẳng”. Tất cả vấn đề chỉ có như thế.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói, “Một vài năm trước, tôi đã báo cáo điều này cho các bề trên của tôi”. Sau đó, mối quan hệ trên đã hoàn toàn chấm dứt.

Ngài nói thêm, “Quả thực không có gì mới trong câu chuyện này. Nhưng việc phơi bầy công khai về nó có thể đã đặt người cai quản giáo phận ở thế khó khăn”.

Ngài nói chính vì thế ngài đã quyết định trao chức vụ của ngài cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định.

Ngài có mong Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc từ chức của ngài hay không?

Đức Cha Aupetit nói, “Nếu ngài hỏi tôi, có thể tôi đã vượt qua được cơn giông bão. Tôi có thể làm được việc này”.

Ngài thừa nhận “Tôi đoán ngài cảm thấy tình hình có thể làm suy yếu giáo phận”.

Sau khi Đức Phanxicô chấp nhận việc từ chức của Đức Cha Aupetit, Đức Giáo Hoàng có nói Đức Tổng Giám Mục không còn cai quản được nữa vì “danh tiếng của ngài đã bị xâm hại”, trích dẫn sự “vi phạm” điều răn thứ sáu, “không phải toàn diện, nhưng bao gồm những cái vuốt ve và mát xa nhỏ mà ngài đã làm cho thư ký của mình”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng người phụ nữ được đề cập không phải là thư ký của ngài.

Ngài nói, “tôi nghĩ (Đức Giáo Hoàng) hơi lẫn lộn các yếu tố của câu chuyện một chút”.

Ngài cho biết, “Cô thư ký tội nghiệp của tôi chẳng liên quan gì. Tôi biết rõ về chồng và gia đình của cô ấy. Tôi đã rửa tội cho cháu của cô ấy”.

3. Lãnh đạo hội đồng giám mục Pháp nói rằng cuộc bầu cử cho thấy 'sự rạn nứt ngày càng gia tăng'

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp hoan nghênh việc Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử nhưng cũng cảnh báo về sự chia rẽ xã hội ngày càng gia tăng sau khi cuộc bỏ phiếu bị lu mờ bởi vụ đâm một linh mục và nữ tu Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort của Reims cho biết cuộc bầu cử tiết lộ “một sự rạn nứt ngày càng gia tăng... về mặt địa lý nhưng cũng ngăn cách những người bên trên với những người bên dưới. Đây là điều đáng lo ngại cho tương lai của đất nước chúng ta”.

Ngài đã đưa ra phản ứng của mình trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Pháp ngày 25 tháng 4 với Vatican News sau chiến thắng ngày 24 tháng 4 của Macron trước nhân vật cực hữu Marine Le Pen.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng hầu hết các cử tri Pháp không muốn “dấn thân vào cuộc phiêu lưu” được Le Pen đề xướng.

Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng kết quả, trong bối cảnh đói nghèo gia tăng và tình trạng loại trừ, cũng làm nổi bật những giới hạn đối với “mô hình phát triển” mà Pháp đã tuân theo kể từ Thế chiến II.

“Chúng tôi thấy những vấn đề liên quan đến sự phân phối của cải và cuộc khủng hoảng sinh thái và xã hội - tuy nhiên trong khi chúng tôi đề cập đến những giới hạn của một hệ thống, chúng tôi cũng phải vật lộn để hình dung ra một hệ thống khác,” Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort nói.

“Điều rõ ràng cần thiết là bây giờ chúng ta cần một dự án tập thể có khả năng thực sự mang mọi người lại với nhau bằng cách vượt qua các tầng lớp xã hội, tôn giáo và các chia rẽ khác. Nhưng điều này đang tỏ ra khó khăn, và đó là nơi mà chính trị phải xen vào ngày nay”.

Macron đã giành được nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm với 58,5% số phiếu bầu so với 41,5% của Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 24 tháng 4. Ông trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Pháp được bầu đến hai nhiệm kỳ sau hai thập kỷ qua.
Source:UCANews