Theo Inés San Martín của tạp chí Crux Now, sáng thứ Tư, Giáo hội Úc đã phân phối một tài liệu cho 280 đại biểu về diễn trình tham vấn trên toàn quốc diễn ra vào tháng Bảy.



Tài liệu cho biết cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Úc, "có nhiều khía cạnh", từ việc giải quyết các tác động liên tục của "việc lạm dụng đầy tội phạm và tội lỗi đối với trẻ vị thành niên" đến việc giải quyết sự tin tưởng của công chúng vào việc quản trị và các thủ tục của định chế.

Diễn trình tham vấn cũng đề cập tới các khuyến nghị do Ủy ban Hoàng gia đưa ra về các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, được chính phủ Úc thành lập cách đây một thập niên và đã công bố báo cáo cuối cùng vào năm 2017.

Khuôn khổ Đề nghị thiết lập chương trình nghị sự cho phiên họp thứ hai và cuối cùng của Công đồng toàn thể lần thứ năm của Úc Đại Lợi, diễn ra từ ngày 2-9 tháng Bảy.

Tài liệu cho biết, “Cần phải có hành động liên quan đến khả năng sinh tồn và bền vững của các giáo phận, giáo xứ, dòng tu và các thừa tác vụ do thay đổi nhân khẩu học, nhân sự và tài nguyên gây ra. Chúng ta cần tìm cách phát triển các đặc sủng của những người được thụ phong và của tất cả những người đã lãnh phép rửa trong Giáo Hội, trong các thừa tác vụ hiện có và mới có nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội ngày nay”.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, Công đồng lập luận rằng đây cũng là thời gian để hy vọng trong Giáo Hội địa phương, với “ý thức mạnh mẽ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu và Thánh Thần ban sự sống của Người trong lòng các tín hữu, trong đời sống cộng đồng của Giáo Hội, trong tất cả các nền văn hóa nhân bản và các dân tộc, và trong toàn bộ công trình sáng tạo. Niềm hy vọng này khuyến khích chúng ta cùng làm việc với các Kitô hữu, các tôn giáo khác và những người chia sẻ các giá trị dựa trên Tin Mừng của chúng ta, tăng cường việc phục vụ, việc vận động và sự hiện diện tiên tri của Giáo Hội trong xã hội Úc.”

Tài liệu cũng bày tỏ “nỗi buồn sâu xa” đối với những người từng bị tổn thương sau một cuộc gặp gỡ với Giáo Hội, những người từng trải qua việc bị hắt hủi, “bao gồm người Thổ dân và Cư dân Eo biển Torres, phụ nữ, những người đã ly hôn, những người xác định là LGBTIQA + và những người từng bị lạm dụng dưới mọi hình thức.”

Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã khởi trình Công đồng Toàn thể vào Lễ Ngũ tuần năm 2018, trước khi “tính đồng nghị” trở thành một hạn từ được bàn tán sôi nổi trong triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô và rất lâu trước khi ngài kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trên toàn thế giới về chủ đề này.

Các giám mục đã quyết định kêu gọi giáo hội địa phương thực hiện hành trình Công đồng Toàn thể lần thứ năm vào năm 2016.

Các Công đồng toàn thể là các phiên họp của các giám mục một quốc gia và rất phổ biến vào thế kỷ 19. Tại Hoa Kỳ, Sách Giáo lý Baltimore nổi tiếng được sử dụng trong các giáo xứ trước Công đồng Vatican II được đặt tên cho Công đồng Toàn thể lần thứ Ba của Hoa Kỳ, diễn ra tại Baltimore vào năm 1884. Tuy nhiên, các Công đồng toàn thể trở nên ít phổ biến hơn vào thế kỷ 20, và Công đồng toàn thể gần đây nhất ở Úc diễn ra vào năm 1937.

Các nhà tổ chức của sự kiện mới nhất đã thực hiện một cuộc tham khảo trên toàn quốc nhằm kết tinh các chủ đề và vấn đề chính đang thách thức đời sống Giáo hội ở mọi bình diện. Khoảng 220,000 người đã trả lời câu hỏi: "Bạn nghĩ Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta điều gì ở Úc vào thời điểm này?"

Được dời lại do đại dịch COVID-19, phiên họp đầu tiên đã nhóm họp vào tháng 10 năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, chủ tịch Công đồng và là Tổng giám mục của Perth viết, “Ngay từ khi bắt đầu cuộc hành trình này, chúng ta đã tìm cách lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói, và tài liệu mà tôi hân hạnh được cung cấp cho các bạn bây giờ này, là thành quả của cả việc lắng nghe lẫn phân định về tất cả những gì chúng ta đã chia sẻ với nhau”.

Tài liệu dài 44 trang bao gồm 30 đề nghị mà các đại biểu sẽ biểu quyết để xác định xem Công đồng toàn thể có thông qua chúng hay không trong Phiên họp thứ hai, diễn ra tại Sydney.

Từ nay cho đến ngày 15 tháng 6, các thành viên của Công đồng toàn thể có thể đề xuất các sửa đổi đối với các đề nghị và cả các đề xuất này cũng như các đề nghị sẽ được biểu quyết trong Phiên họp lần thứ hai.

Vào những thời điểm được đánh dấu bằng “việc quá độ của xã hội Úc từ một dân số phần lớn theo Kitô giáo sang một xã hội đa tôn giáo, đa văn hóa và không thống thuộc tôn giáo nào, cùng với việc công chúng chấp nhận các hình thức đa dạng của đời sống hôn nhân và gia đình, khuynh hướng tình dục và xác định phái tính,” và xem xét các tác động của đại dịch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, Công đồng đã chấp nhận “nhu cầu cấp thiết” phải phát triển một “hệ sinh thái toàn diện của sự sống” đòi hỏi điều mà các vị giáo hoàng gần đây gọi là “hoán cải sinh thái”.

Các đề nghị được chia thành tám nhóm phụ từ “Hòa giải: Chữa lành các vết thương, Tiếp nhận Các Ơn phúc”, đề cập đến tác phong của Giáo hội Úc liên quan đến dân số Bản địa của đất nước; đến “Lựa chọn ăn năn - Tìm kiếm sự chữa lành”, tập trung vào cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Úc.

Các chủ đề khác là việc làm môn đệ truyền giáo, làm nhân chứng cho phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới, việc đào tạo và lãnh đạo, quản trị và chăm sóc sáng thế của Thiên Chúa.

Về thổ dân và những người dân Eo Biển Torres, tài liệu thừa nhận rằng Giáo Hội ở Úc “đã bị cuốn hút vào lịch sử tước đoạt này, Các thế hệ bị đánh cắp, sự phá hoại ngôn ngữ và văn hóa, và phân biệt chủng tộc.” Mặc dù các giáo phận và dòng tu đã thực hiện “nhiều nỗ lực chân thành để chia sẻ đức tin, giáo dục và các dịch vụ mục vụ” với những người này, “nhiều đau khổ đã gây ra bởi những nỗ lực sai lầm của những người không biết đến sự phong phú về văn hóa của các dân tộc này”.

Trong tương lai, họ nói, “chúng ta sẽ không hoàn toàn là Giáo Hội mà Chúa Giêsu muốn” cho đến khi những dân tộc này đóng góp vào đời sống của Giáo Hội, và cho đến khi nó được những người khác “vui vẻ đón nhận”.

Tương tự, khi nói đến những tội ác có tính chất tình dục do các nhân viên Giáo Hội, các giáo sĩ và giáo dân gây ra, Giáo Hội phải xin lỗi những người sống sót và gia đình của họ; cam kết đáp ứng bằng công lý và lòng cảm thương cho những người đau khổ; thực hiện các biện pháp bảo vệ và mời tất cả các thành viên của Giáo Hội bảo đảm các môi trường an toàn và đầy tôn trọng bên trong định chế.

Nếu các đề nghị trong phần nói về việc làm môn đệ truyền giáo được thông qua, Công đồng Toàn thể sẽ cam kết để Giáo Hội ở Úc trở thành Giáo Hội “tập trung vào Chúa Kitô” và cổ vũ lòng hiếu khách, gặp gỡ, đối thoại và lòng thương xót. Nó cũng kêu gọi đối thoại với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và phát triển một kế hoạch dài hạn để truyền giáo cho các tín hữu “về sự thánh thiện của cuộc sống, bản chất con người, tình dục, hôn nhân và gia đình; hỗ trợ mọi người có cuộc sống hôn nhân và tình dục lành mạnh; và loan báo Tin Mừng thông qua sự tham gia của người Công Giáo vào lãnh vực công cộng và đóng góp vào cuộc tranh luận công khai về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và tình dục.”

Về sự bình đẳng giữa nam và nữ, họ kêu gọi “nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội”, bao gồm cuộc đàm đạo nhiều hơn - cả ở địa phương lẫn với Vatican - về khả năng phong phụ nữ làm phó tế, nhiều nhìn nhận công cộng hơn đối với phụ nữ, và nếu cần, “trả tiền công thích đáng hơn” cho các phụ nữ đang lãnh đạo và phục vụ trong Giáo Hội.

Công đồng cũng có thể chấp thuận việc thiết lập các quy định để giáo dân thuyết giảng.