Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Hôm nay hiệp cùng Giáo hội hoàn vũ, Giáo họ Sơn Lạng chúng ta tổ chức long trọng mừng lễ Thánh Antôn Padua, linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh, một vị thánh nổi danh là Đấng hay làm phép lạ. Như chúng ta đã biết, khi ai đó muốn giới thiệu cho ta một người tốt là để qua đó chúng ta học lấy cái tốt, cái hay của người đó, cũng vậy, hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh An-tôn là để muốn giới thiệu cho chúng ta về một con người hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, là một vị thánh rất thương người không phân biệt lương giáo, sắc tộc khi đến cầu xin ngài. Cũng vì lý do đó mà Thánh An-tôn được mệnh danh là Đấng hay làm phép lạ.

Quả thật, kính thưa, vì Thiên Chúa là tình yêu, yêu đến nỗi ban Con Một của mình là Đức Giê-su xuống thế làm người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để chết thay cho loài người tội lỗi chúng ta! Quả thật, "Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta". (Rm 5,7-8).

Kính thưa,

Chính vì yêu thương nhân loại lầm than khốn khổ, và vì muốn cứu độ tất cả mọi người chúng ta thoát ách nô lệ tội lỗi và khỏi chết muôn đời, Đức Giê-su Ngôi Lời Thiên Chúa là hình ảnh của Chúa Cha, là Trung Gian duy nhất, là hiện thân Lòng thương xót của Thiên Chúa ở trần gian để cư ngụ, để đồng hành, để ban ơn giúp sức cho kiếp nhân sinh. Một tình yêu khôn dò, khôn thấu của Thiên Chúa không chỉ hiện hữu bằng lý thuyết suông, không chỉ bằng lời nói mà thôi, nhưng còn kèm theo những cử chỉ gần gũi, đụng chạm, mặt giáp mặt, lòng kề lòng của Đức Giê-su, hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người!

Thật vậy, là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, chính Đức Giê-su đã thi ân giáng phúc cho mọi người ở khắp mọi nơi. Những ai biết tin tưởng và quảng đại đón nhận thì người ấy được đón nhận ơn lành của Thiên Chúa. Thế nhưng, không tự mình trao ban, Thiên Chúa vẫn dùng nhiều trung gian khác để thi thố tình yêu nhân hậu của Ngài xuống trên con người. Cụ thể, Thánh An-tôn cũng là một trong những trung gian mà Thiên Chúa dùng để ban phát nhiều ơn lành của Ngài cho con người, cho những ai biết chạy đến kêu xin thánh nhân. Tuy nhiên, nhiều người nhầm tưởng rằng được ơn này ơn khác là do ông thánh An-tôn, nhưng không biết rằng chính Thiên Chúa đã cho phép hay sử dụng phương tiện của Ngài là thánh nhân để ban ân sủng cho con người. Mà chúng ta thường gọi là ông thánh hay làm phép lạ.

Quả thật, dấu lạ còn gọi là phép lạ, là việc Thiên Chúa làm, có thể nhận biết bằng giác quan, như dấu chỉ của sự hiện diện và ý hướng cứu độ của Ngài.

Bình thường, giác quan và lý trí tự nhiên chỉ thấy hiện tượng bên ngoài. Duy có đức tin mới nhận ra được sự hiện diện và lời mời gọi của Thiên Chúa qua các dấu chỉ đó.

Dấu lạ nhằm minh chứng cho một chân lý mặc khải hoặc để xác nhận sự thánh thiện của một người nào đó. Mục đích của dấu lạ không nhằm gây thán phục, thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưu chuộng ma thuật, nhưng để thông truyền một thông điệp cứu rỗi của Thiên Chúa và củng cố đức tin (x. GLHTHCG, số 156).

Khi rao giảng, "kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm những phép mầu, điềm thiêng và dâu lạ' (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu chinh là Đấng Messia đã được tiên báo" (GLHTHTG, số 547).

Lòng đạo đức bình dân thường nói đến phép lạ của Đức Mẹ hoăc của Các Thánh. Tuy nhiên, chỉ có Thiên Chúa mói làm phép la, Mẹ Maria và Các Thánh chỉ đóng vai trò chuyển cầu mà thôi.

Thiên Chúa đã dùng cha Antôn làm nhiều phép lạ để xác nhận những chân lý và mầu nhiệm trong đạo Công Giáo. Chúng ta có thể dẫn chứng một vài phép lại của Thánh An-tôn như sau:

Thầy Antôn hay đền đáp cho kẻ làm ơn cho mình. Trên đường từ Pháp về Ý, Người cùng một bạn đồng hành vào trọ đêm trong nhà của một bà đạo đức và nghèo khó. Bà chỉ mượn hàng xóm một cái ly cho hai người, thế mà tu sĩ đồng hành lại đánh rơi vỡ nát. Đã vậy, thùng rượu vang dưới nhà lại quên khóa vòi lại, chảy tràn lan. Hai tai vạ một trật, bà chịu không nổi liền đem tâm sự với thầy Antôn. Người vừa cúi đầu cầu nguyện thì bà thấy các mảnh vỡ đã ráp lại và cái ly trở lại nguyên lành như trước.

Bà liền nghĩ: “Đấng làm ly vỡ lại lành, ắt cũng có phép làm cho vò rượu vơi lại đầy như cũ”. Cho nên, bà chạy xuống nhà xem sao, thì quả nhiên thấy vò rượu đã đầy. Bà liền chạy lên quỳ gối tạ ơn ông thánh.

Câu chuyện tiếp theo: Một người giầu có, nhưng sống đời hà tiện, tham lam của cải. Sau khi ông chết, cha Antôn trưng lời Chúa Kitô đã phán: "của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đo?, đồng thời sai người đi mở két vàng của người quá cố thì thấy một trái tim bằng thịt đang nằm chình ình trong két! Vàng bạc bạn ở đâu, con tim bạn cũng ở nơi đó!

Lần khác, ngài giảng ngoài bãi biển. Nhiều người rối đạo cũng hiện diện, nhưng họ lấy tay bịt tai không nghe lời giảng. Cha Antôn liền quay ra biển: "loài người không thèm nghe lời giảng. Vậy các ngươi hãy đến đây mà nghe!"

Lập tức, muôn vàn cá lớn cá bé nhô đầu lên khỏi mặt nước để nghe lời Ngài. Cha Antôn nói với chúng: Các ngươi hãy cảm tạ Thiên Chúa đã gìn giữ và nuôi dưỡng các ngươi.

Bầy cá gật đầu tỏ dấu nghe lời Ngài. Sau đó cha ra hiệu cho bầy cá giải tán, chúng lần lượt chìm dần trong làn nước biển.

Ngày khác, ba của cha Antôn tại Lisbon bị cáo gian về tội giết người. Dù đang ở xa quê hương, Thiên Chúa đã soi lòng cho cha biết giúp đỡ. Bỗng nhiên cha thấy mình có mặt tại Lisbon. Cha xin quan đem xác người chết tới công đường, rồi Ngài truyền cho xác chết sống lại và hỏi:

-Có phải ba tôi đã giết anh không?

Anh ta trả lời "không phải" rồi lại lăn đùng ra chết! Cùng lúc đó, cha Antôn thấy mình đang ở nhà dòng. Ba của Antôn đã được giải oan.

Có lần, cha Antôn vào trọ tại một gia đình. Giữa đêm, chủ nhà thấy phòng cha tự nhiên rực sáng. Ngó vào trong phòng, ông bỡ ngỡ thấy cha đang ẵm bế Chúa Hài Nhi, âu yếm hôn kính và thưa truyện với Ngài. Chính từ đó, chúng ta thấy bức tượng thánh An-tôn bồng bể Đức Giê-su.

Còn chúng ta, chúng ta rút ra được những bài học gì qua việc suy niệm trên?

Thứ nhất, chúng ta tin rằng mỗi phép lạ, mỗi dấu lạ đều xuất phát từ Thiên Chúa, dù qua Đức Mẹ hay cụ thể qua thánh An-tôn, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Chúng ta được mời gọi hãy tin, trước khi xin. Và khi xin rồi thì đòi hỏi chúng ta phải cận lực cộng tác hết sức mình vào việc xin của mình. Chẳng hạn: bị bệnh rồi đến gặp thánh An-tôn xin ơn để được lành mà không cần đi khám bệnh, không uống thuốc đâu cả thì như vậy khó, xác suất rất khó để bệnh tật thuyên giảm.

Thứ đến, khi đến với thánh nhân để xin ơn thì ơn đó phải đẹp ý Chúa, hoặc mưu ích cho linh hồn mình, chứ không phải theo ý riêng mình. Chằng hạn đến gặp ông Thánh An-tôn để xin ơn đi buôn ma túy, đi buôn lậu, đi ăn cắp,…như vậy khó lòng lắm. Có nhiều trường hợp đã cá cược với ông Thánh An-tôn, “nếu vụ này trót lọt con sẽ cho ông Thánh một nửa,…?????”

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Ơn của Chúa vẫn đổ trên người lành kẻ dữ. Ngài vẫn dùng các trung gian của Ngài, cụ thể như Thánh An-tôn để ban phát các ơn lành của Ngài xuống trên tất cả chúng ta nếu chúng ta luôn biết tin tưởng và phó thác. Hay nói rõ ràng rằng Lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn trào trên mỗi chúng ta, chúng ta có nhận được hay không là tùy thuộc vào sự cộng tác, sự mở cửa tâm lòng mình để cho Chúa vào. Chúa vẫn đứng ngoài cửa “nhà tâm hồn” chúng ta thông qua các linh mục, qua Lời Ngài, qua các ngôn sứ, qua các thánh trung gian, để gõ cửa, để bước vào và để ban ơn phúc, tuy nhiên, nhiều khi chúng ta vẫn thờ ơ, vô cảm, lãnh đạm, bất cần, giả điếc làm ngơ, khô khan, nguội lạnh, chưa muốn nói là nhiều lúc chống đối, chửi bởi, kiện cáo, nói xấu, oán trách các người trung gian của Thiên Chúa gửi đến. Như vậy, làm sao gia đình có được bình an, bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, công việc làm ăn được xuôi cháy,…Vì ở đâu có Chúa là ở đó có niềm vui, có bình an. Ở đâu có Chúa thì mọi việc sẽ thành công và hoàn tất vì Chúa đã nói rõ rằng không có Thầy, anh em không làm được gì. (x.Ga 15,5).

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh An-tôn, xin cho tất cả chúng ta cũng biết tin tưởng, phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa; biết cộng tác, biết quảng đại với ơn lành của Chúa; biết sẵn sàng trao ban, dấn thân ra đi loan báo niềm vui Tin Mừng mà chính chúng ta đã lãnh nhận được qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta, ngõ hầu mọi người đều nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương