1. Đức Hồng Y Koch khẳng định chưa có điều kiện để rước lễ chung
Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tái khẳng định rằng hiện nay chưa có điều kiện để các tín hữu Công Giáo và Tin lành rước lễ chung.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo “Báo Chúa nhật” (Sonntagsblat), số ra Chúa nhật 19 tháng Sáu vừa qua, Đức Hồng Y Koch nhận xét rằng các hệ phái Kitô đều nói về sự hiệp nhất, nhưng mỗi khối Giáo hội lại hiểu sự “hiệp nhất” theo một nghĩa khác nhau, do đó không có cùng một quan điểm chung về sự đối thoại đại kết, về mục tiêu của cuộc đối thoại này. Vì thế chưa tới thời kỳ mỗi Giáo hội mời Giáo hội kia rước lễ chung, như văn kiện chung hồi năm ngoái của khóa họp thứ ba về đại kết giữa Công Giáo và Tin lành tại Đức đề nghị.
Đức Hồng Y nhận xét rằng trong văn kiện này, người ta đã bỏ qua quá nhiều chiều kích cấu thành đức tin Công Giáo.
Đức Hồng Y Koch cũng nói rằng thật là một điều không thích hợp về phương diện đại kết, nếu vấn đề hiệp nhất chỉ được thảo luận song phương giữa Công Giáo và Tin lành tại Đức. Tại nước này không phải chỉ có hai hệ phái Kitô, Công Giáo và Tin lành, như trước đây nữa, vì số tín hữu Chính thống ngày càng gia tăng cùng với các tín hữu Kitô khác. Không thể bỏ qua các Giáo hội Đông phương, nhất là về vấn đề rước lễ chung, vốn là điều rất quan trọng đối với đức tin.
Đối với Giáo Hội Công Giáo, việc rước lễ chung đòi hai Giáo hội phải có cùng một niềm tin chung: chỉ khi nào chúng ta có cùng một niềm tin thì chúng ta mới có thể cử hành một hình thức đức tin nồng nhiệt như phép Thánh Thể. Ngoài ra, còn cần phải có sự nhìn nhận các thừa tác vụ. Điều này là vấn đề khó khăn nhất, và theo đức tin Công Giáo, bạn không thể có sự hiệp nhất mà không có vai trò của Đức Giáo Hoàng. Vì thế, vai trò của Đức Giáo Hoàng thuộc vào những điều kiện để tái lập hiệp nhất. Vấn đề này đặc biệt được thảo luận trong cuộc đối thoại quốc tế về thần học với Chính thống giáo, trong đó có chủ đề chính là tương quan giữa công nghị tính và quyền tối thượng.
2. Tại sao Chánh án Roberts không đồng ý với việc lật ngược phán quyết Roe chống Wade?
Tòa án Tối cao đã lật lại vụ án Roe kiện Wade - một vụ án hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc vào năm 1973 - trong một quyết định hôm thứ Sáu, phần lớn theo quan điểm tư tưởng của các thẩm phán. Chánh án John Roberts, đã tách khỏi nhóm, như ông vẫn thường làm.
Trong phán quyết được đưa ra ngày 24 tháng 6 liên quan đến vụ Mississippi Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, đa số chín thẩm phán Tòa án Tối cao đã bác bỏ các phán quyết Roe chống Wade, và Planned Parenthood kiện Casey, là phán quyết tái xác nhận phán quyết Roe chống Wade vào năm 1992.
Tòa án đã bỏ phiếu với tỷ số 6-3 để duy trì luật Mississippi hạn chế hầu hết các ca phá thai sau 15 tuần. Đồng thời, các thẩm phán đã bỏ phiếu với tỷ số hẹp hơn, 5-4, để lật ngược phán quyết Roe chống Wade.
Đó là vì Roberts.
Roberts nổi bật vì các thẩm phán được bổ nhiệm bởi các tổng thống Đảng Cộng hòa – trong đó có Roberts, Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett - thường được coi là có khuynh hướng bảo thủ hơn. Tương tự như vậy, các Thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan, những người được các tổng thống đảng Dân chủ đề cử, có xu hướng nghiêng về cấp tiến.
Trong vụ Dobbs, Alito viết ý kiến của tòa án - là ý kiến mà đa số thẩm phán đồng ý hoặc tham gia. Breyer, Sotomayor và Kagan là những thẩm phán không đồng tình với đa số.
Roberts có một vị trí khác biệt: Ông ta đưa ra ý kiến đồng tình trong phán quyết, có nghĩa là anh ta đồng ý với phán quyết của đa số, nhưng không nhất thiết là đồng tình với cơ sở lý luận của họ.
Lý luận của Roberts
Trong ý kiến dài 12 trang của mình về vụ Dobbs, Roberts nói rằng ông đồng ý với việc duy trì lệnh cấm phá thai sau 15 tuần của Mississippi, nhưng ông không đồng ý lật ngược phán quyết Roe chống Wade trong trường hợp này.
Ông viết: “Quyết định của Tòa án về việc lật đổ phán quyết trong vụ Roe và Casey là một sự xáo trộn nghiêm trọng đối với hệ thống pháp luật — bất kể bạn xem những trường hợp đó như thế nào,”. “Một quyết định hẹp hơn phủ nhận ranh giới sai lầm về khả năng tồn tại sẽ ít đáng lo ngại hơn rõ rệt và không cần thêm gì để quyết định trong trường hợp này.”
Dobbs tập trung vào câu hỏi, “Liệu tất cả các lệnh cấm trước khi thai nhi có khả năng tồn tại trong các trường hợp phá thai tự chọn có vi hiến hay không.”
Roberts cho rằng câu hỏi này có thể được trả lời mà không cần lật ngược phán quyết Roe chống Wade. Trong phán quyết Roe chống Wade, tòa án phán quyết rằng các tiểu bang không thể cấm phá thai trước khi thai nhi có khả năng tồn tại, mà tòa án xác định là khi thai được 24 đến 28 tuần. Sau đó, trong vụ Casey, tòa án nói rằng các tiểu bang không thể thực thi “gánh nặng quá mức”, được tòa định nghĩa là gây ra “một trở ngại đáng kể trên con đường của một phụ nữ tìm cách phá thai khi một thai nhi chưa thể sống sót bên ngoài người mẹ”.
Roberts nói rằng anh đồng ý với việc loại bỏ các phần của phán quyết Roe và Casey, đặc biệt là “thời điểm thai nhi có khả năng tồn tại bên ngoài người mẹ”, tiếng Anh gọi là viability line, để ủng hộ một tiêu chuẩn mới.
Roberts nói: “Thời điểm sống sót không bao giờ có ý nghĩa gì cả. Thay vào đó, ông nói, “quyền” phá thai của phụ nữ nên “mở rộng đủ xa để bảo đảm có cơ hội lựa chọn hợp lý”.
Nói cách khác, thay vì xác định phá thai dựa trên thời điểm thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung, Roberts cho rằng nên dựa trên việc một phụ nữ có đủ thời gian để phá thai sau khi nhận ra rằng mình có thai hay không.
Roberts viết: “Luật đang được đề cập cho phép phá thai trong vòng mười lăm tuần, tạo cơ hội thích hợp để thực hiện quyền mà Roe bảo vệ”, đồng thời thêm vào một điểm khác rằng “không có gì vốn có trong quyền lựa chọn đòi hỏi quyền đó phải mở rộng đến khả năng tồn tại hoặc bất kỳ điểm nào khác, miễn là một sự lựa chọn thực sự được cung cấp.”
Trong khi loại bỏ tiêu chuẩn khả năng tồn tại, tòa án vẫn có thể công nhận “quyền” phá thai của một phụ nữ với Roe, ông tuyên bố.
“Quan điểm của tôi là phán quyết Roe đã thông qua hai quy tắc khác biệt của luật hiến pháp: một là phụ nữ có quyền lựa chọn bỏ thai; hai, quyền đó có thể bị lợi ích hợp pháp của Nhà nước lấn át khi thai nhi còn tồn tại trong bụng mẹ,” ông nói.
Roberts mô tả điều mà ông gọi là “con đường rõ ràng” để quyết định Dobbs “một cách chính xác” mà không lật ngược Roe là “nhận ra rằng tiêu chuẩn khả năng tồn tại phải được loại bỏ, như đa số đã chấp nhận, và để lại cho một ngày khác để xem xét liệu có nên từ chối bất kỳ quyền phá thai nào tại tất cả các thời điểm.”
Phe các thẩm phán chủ trương lật ngược phán quyết Roe chống Wade cho rằng ý kiến của Roberts có “khuyết điểm cơ bản nhất là không đưa ra được cơ sở nguyên tắc nào cho đường lối của mình.” Ý kiến của Roberts cũng không chứng minh được cái gọi là “quyền có cơ hội hợp lý để phá thai bắt nguồn từ sâu xa trong lịch sử và truyền thống của Quốc gia này và tiềm ẩn trong khái niệm tự do có trật tự.”
“Nó cũng không đưa ra bất kỳ lý thuyết nào khác có thể cho thấy rằng Hiến pháp ủng hộ quy tắc đó. Và nếu Hiến pháp bảo vệ quyền của phụ nữ được phá thai, thì ý kiến không giải thích được tại sao quyền đó phải chấm dứt sau thời điểm mà tất cả phụ nữ 'hợp lý' sẽ quyết định có nên phá thai hay không.”
“Cuộc tìm kiếm một con đường trung dung sẽ chỉ dừng lại vào ngày mà chúng ta buộc phải đối mặt với câu hỏi mà chúng ta quyết định bây giờ. Tình trạng hỗn loạn do các phán quyết Roe và Casey gây ra sẽ còn kéo dài. Tốt hơn rất nhiều - cho Tòa án này và đất nước – là hãy đối mặt với vấn đề thực tế mà không bị trì hoãn thêm nữa. “
Source:Catholic News Agency