1. Internet của Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Vụ ám sát Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang gây ra một chấn động lớn trên thế giới. Tờ POLITICO có bài tường trình nhan đề “China’s internet expresses glee at Abe’s assassination” nghĩa là “Internet của Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Những lời bình luận sắt máu trực tuyến phản ánh sức mạnh của chính sách “giáo dục yêu nước” chống Nhật.
Nhật Bản và phần lớn cộng đồng quốc tế đã phản ứng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với sự bàng hoàng và mất tinh thần. Nhưng tình trạng diễn ra ngược lại ở Trung Quốc, nơi phản ứng trên mạng xã hội tràn ngập niềm hân hoan và những lời phản đối Thủ tướng Abe.
Ông Abe, được tường trình là bị ám sát bởi một người đàn ông 41 tuổi mà động cơ vẫn chưa rõ ràng, tại một sự kiện vận động tranh cử hôm thứ Sáu. Nhiều nhà bình luận trên mạng Vi Bác, hay còn gọi là Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc giống như Twiiter, đã chào đón tin tức về vụ ám sát bằng cách kêu gọi “rượu và ăn tối” để nâng cốc chúc mừng cái chết của ông. Một số người cho rằng kẻ giết ông là một “anh hùng”. Ông Abe đã đi tiên phong trong chính sách đối ngoại nhằm chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh tức giận.
Phản ứng ở Trung Quốc phản ánh cách mà hàng thập kỷ tuyên truyền của chính phủ được thiết kế để kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bằng cách phỉ báng người Nhật vì những hành động tàn bạo trong thời chiến. Chính sách này đã đầu độc thái độ của công chúng đối với Nhật Bản. Chính sách tuyên truyền này cũng làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải thiện quan hệ với Tokyo; nhằm đáp lại Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden.
Matthew Schmidt, giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học New Haven của Hoa Kỳ cho biết:
“Khán giả Mỹ nên nhớ rằng trong quá khứ người Nhật là Đức quốc xã của Á Châu trong Thế chiến thứ hai - họ đã giết hàng triệu người Trung Quốc và một huyền thoại đã được xác lập tại Trung Quốc hiện đại cho rằng người Tầu cần phải chiến đấu chống lại Nhật Bản. Ông Abe là một nhân vật gây tranh cãi ở Trung Quốc bởi vì quan điểm cơ bản của ông ấy là, 'Tôi muốn một Nhật Bản không còn bị ràng buộc với lịch sử của Thế chiến thứ hai.'“
Một bài báo của CCTV đưa tin về cái chết của Abe đã nhận được 2,55 triệu lượt yêu thích, một số nhà bình luận đã ăn mừng sự kiện này.
“Sát thủ của Abe sẽ được viết vào lịch sử Nhật Bản”, một bình luận hàng đầu cho biết khi “Cái chết của Shinzo Abe” đã trở thành một trong những mục hàng đầu trên mạng xã hội Vi Bác hôm thứ Sáu. “Thiện ác sẽ luôn được đền đáp”, một người khác nói. Những người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng chỉ ra ngày thứ Năm vừa qua là ngày kỷ niệm sự việc cầu Marco Polo, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xâm lược toàn diện của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 1937.
“Chúng tôi không đủ tư cách để tha thứ cho kẻ ác đối với hàng triệu đồng bào đã chết trong cuộc chiến chống Trung Quốc và cuộc Thảm sát Nam Kinh! ! ! Đừng quên nỗi nhục quốc thể! ! !” một người nhận xét.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc “bị sốc” trước vụ ám sát Ông Abe và ghi nhận ông đã “cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.” Nhưng các nhà kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc vẫn chưa xóa các bình luận chống Abe khỏi internet, điều này cho thấy một mức độ dung túng chính thức cho thái độ bài Nhật. Hôm thứ Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian) từ chối bình luận về phản ứng của cư dân mạng. Ông nói: “Sự việc bất ngờ này không nên liên quan đến quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản”.
Các bài bình luận trực tuyến chống Ông Abe phản ánh cách thức hệ thống giáo dục Trung Quốc hướng đến một chương trình giảng dạy “giáo dục yêu nước” kết hợp với một câu chuyện lịch sử chống Nhật lan truyền mạnh. Chính sách ấy đã tạo điều kiện cho một thế hệ thanh niên Trung Quốc có tư tưởng bài Nhật cực đoan.
Những tình cảm đó được gieo mầm bởi cả nỗi kinh hoàng mà Nhật Bản gây ra cho Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai cũng như những tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài về quyền kiểm soát các đảo Điếu Ngư hay Senkaku ở Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc gọi Chiến tranh thế giới thứ hai là “Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống lại sự xâm lược của Nhật Bản” và “Chiến tranh thế giới chống phát xít”.
Bắc Kinh cũng đã điên tiết trước sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của Tokyo trong việc bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược có thể có của Trung Quốc. Ông Abe trở thành người công khai ủng hộ việc Nhật Bản bảo vệ Đài Loan kể từ khi ông từ chức thủ tướng vào năm 2020, khiến ông trở thành mục tiêu chỉ trích của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Vào tháng 2 vừa qua, Ông Abe đã kêu gọi chính quyền Biden từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” liên quan đến việc liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan khi đối mặt với cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc hay không, và tuyên bố rằng “người dân Đài Loan chia sẻ các giá trị chung của chúng ta” và xứng đáng được bảo vệ. Ông Abe cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của Trung Quốc khi đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tôn vinh những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh “Loại A”. Ông Abe cũng coi việc thắt chặt mối quan hệ của Nhật Bản với Mỹ là một kế hoạch quan trọng trong chính quyền của ông và hướng dẫn các nỗ lực của Nhật Bản nhằm hồi sinh Tứ Cường, là một nhóm địa chính trị bán chính thức bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia.
Ông Abe hẳn là có bề dày hồ sơ trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể vì những lợi ích nào đó đang cố gắng đổ thêm dầu vào lửa qua các bình luận trực tuyến có thể làm tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Nhật - Trung.
Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Canterbury ở New Zealand, nhận xét rằng: “Trong thời điểm bi thảm như thế này, khi một nhà lãnh đạo toàn cầu bị ám sát, Đảng Cộng sản Trung Quốc lẽ ra không nên khuyến khích những lời bình luận thù địch trên mạng xã hội tiếng Trung, nổ ra kể từ khi Abe qua đời”.
Tuy nhiên, bà tin rằng phong trào này cuối cùng sẽ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp. “Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ kiềm chế những bình luận như thế này vì nó không phản ánh thông điệp mà họ muốn gửi đến chính phủ và người dân Nhật Bản ngay bây giờ. Không những thế, tình cảm dân tộc sẽ chống lại chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi phản ánh sự đối kháng xã hội sâu sắc.”
2. Việc đưa Boris Johnson trở thành đặc phái viên của phương Tây tại Ukraine sẽ gửi một tín hiệu thách thức tới Nga
Boris Johnson đã dẫn đầu thế giới trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong khi các đối tác Âu Châu vẫn còn chập chờn. Việc ông từ chức Thủ tướng Anh không nên dẫn đến tình trạng suy yếu cam kết của Anh trong việc đánh bại chế độ chuyên chế tàn sát của Nga. Boris Johnson đã xây dựng một mối quan hệ đặc biệt với tổng thống Zelenskiy của Ukarine, người ca ngợi ông như một người bạn chí thiết.
Trong bối cảnh đó, các kế hoạch đang được tiến hành để tìm một vai trò mới cho Thủ tướng với tư cách là đặc phái viên của phương Tây tại Ukraine khi ông rời phố Downing. Còn ai ở phương Tây phù hợp hơn Boris Johnson trong vai trò này?
Tờ The Sun của Anh đã cho biết như trên.
Không giống như một số quan chức hèn nhát, Boris Johnson chưa bao giờ chùn bước khi đối mặt với chủ nghĩa đế quốc đẫm máu của Vladimir Putin.
Những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của ông về việc bảo vệ các giá trị và nền dân chủ phương Tây đã khiến những người gây sóng gió ở Mạc Tư Khoa phải cứng họng.
Ông đã làm đúng theo lời của mình bằng cách cung cấp hàng tỷ bảng Anh vũ khí công nghệ cao cho quân đội Ukraine.
Putin chắc chắn hy vọng phương Tây sẽ ngày càng mệt mỏi vì chiến tranh trong khi ông ta chiếm được nhiều đất hơn và giết nhiều thường dân vô tội hơn.
Việc trở thành người cổ vũ chính cho Ukraine của Boris sẽ bảo đảm sự phẫn nộ đối với Putin vẫn ở trung tâm của sân khấu thế giới.
Nó cũng sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng, và đầy thách thức: Phương Tây sẽ không cho phép Nga chiến thắng.
3. Lính Nga phàn nàn về việc không trả tiền bồi thường cho các thương tật chiến đấu
Những kẻ xâm lược Nga đã được nghe phàn nàn rằng chính phủ của họ đã đình chỉ các khoản thanh toán cho những người bị thương trong trận chiến ở Ukraine, theo một cuộc gọi bị chặn.
Điều này đã được báo cáo bởi Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine.
Trong cuộc gọi bị chặn, một quân nhân Nga giải thích cho vợ về các nhiêu khê của hệ thống chi trả tiền mặt cho người bị thương: “Ở đây, ngay cả chỉ huy quân đội cũng đang nói dối cấp trên rằng mọi thứ đều ổn và theo đúng kế hoạch. Ví dụ, khi 26 người đi thực hiện một nhiệm vụ tấn công, họ báo cáo rằng đó là 126 người. Và cho cuộc tấn công đó, bộ binh được trả công. Đó là 8.000 rúp mỗi ngày cho một nhiệm vụ tấn công. Vì vậy, cấp trên ăn gian được 100 người từ không khí loãng. Không ai biết họ là ai. Nói chung, không rõ cuối cùng ai là người nhận được số tiền này. Hôm qua, tiểu đoàn 3 của anh đang thực hiện nhiệm vụ tấn công - có tổng cộng 150 người ở đó hoặc thậm chí ít hơn. Anh nghĩ chỉ có 120 người thôi. Trong đó, 23 người bị thương và 7 người thiệt mạng. Vì vậy, mất đi 30 người. Những người còn lại sẽ bám quanh đó một lúc, trong khi bị đạn cối bắn xối xả. Khi yên ắng một chút, một nửa sẽ bỏ trốn, một nửa sẽ trở thành thương binh và di tản”.
Anh ta tiếp tục phàn nàn rằng tình trạng lộn xộn như vậy sẽ chiếm ưu thế: “Các chỉ huy của anh bảo vệ các loại pháo cỡ lớn. Họ không bắn từ đó. Anh không thể hiểu được. Dường như mạng sống của con người rẻ hơn hỏa tiễn. Và bây giờ họ đã ngừng trả tiền. Trước đó họ đã từng trả 3 triệu rúp cho tất cả những người bị thương, sau đó vào một ngày nào đó vào tháng 6, toàn bộ điều này đã biến mất.”
“Putin nhận ra rằng đây là một dòng tiền lớn vì mọi người bắt đầu tính toán. Họ sẽ tự bắn vào tay hoặc chân của mình hoặc thò tay ra khỏi chiến hào khi họ sắp bị giết để có thể về nhà với 3 triệu đó. Đó là tất cả, họ nói rằng họ là cựu chiến binh, nhận được ba triệu, và họ sẽ tiếp tục sống một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh và không bao giờ quay trở lại đây nữa,” người lính nói.
“Bây giờ, họ bắt đầu chia chấn thương thành nhẹ và nặng. Ví dụ, người lính có thể bị bắn vào chân. Miễn là xương của anh ta không bị ảnh hưởng, thì đó là một chấn thương nhẹ. Nhưng nếu cánh tay, chân hoặc ngón tay của anh ta bị đứt lìa, xương bị tổn thương hoặc các cơ quan nội tạng bị tổn thương, thì đây là một vấn đề nghiêm trọng. Vì điều này, người lính phải được bồi thường số tiền là ba triệu. Có nghĩa là, nếu người lính bị bắn vào chân hoặc mảnh đạn rơi vào đâu đó, thì đó chỉ là chuyện vặt, tối đa 60.000 rúp. Đó là tất cả những gì anh ta nhận được, và sau đó anh ta lại bị gửi trở lại để chiến đấu.”