1. Tin giả trên Twitter gây náo động với báo cáo sai sự thật rằng Đức Bênêđíctô XVI qua đời

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã cảnh báo rằng Đức Bênêđíctô vẫn còn sống và mạnh khoẻ. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số cơ quan truyền thông Công Giáo loan tin từ trần của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, trích dẫn một một tài khoản Twitter được cho là của Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.

Theo CNA, tài khoản Twitter sử dụng tên của Đức Cha Georg Bätzing, là mạo danh, và đã đăng một bài báo sai sự thật rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI đã qua đời.

Tài khoản @BischofBatzing sau đó đã bị xóa. Trước khi biến mất, cũng tài khoản này đã khẳng định rằng báo cáo nó đưa ra trước đó là sai sự thật về sự ra đi của vị giáo hoàng đã nghỉ hưu 95 tuổi. Ngài vẫn còn sống. Đồng thời, tài khoản này cũng ngạo nghễ khẳng định rằng đây là tác phẩm của kẻ chơi khăm khét tiếng trên Twitter người Ý Tommasso De Benedetti.

De Benedetti nói với tờ The Guardian vào năm 2012 rằng “Twitter hoạt động hiệu quả đối với những trường hợp tử vong.”

Trò chơi khăm này đã khiến một số cơ quan Công Giáo bị lừa vì quá nhanh nhẩu, và là một minh chứng hùng hồn cho luận điểm của De Benedetti.
Source:Catholic News Agency

2. Em trai của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thề tiếp tục sứ mạng của Cố Thủ Tướng Abe

Nobuo Kishi, em trai của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã ca ngợi “nhà lãnh đạo không thể thay thế” của đất nước hôm thứ Ba trong tuyên bố công khai đầu tiên của mình kể từ vụ ám sát gây sốc vào tuần trước.

Nobuo Kishi là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Cựu Thủ Tướng Abe, 67 tuổi, đã bị bắn hạ bằng một khẩu súng ngắn tự chế ở thành phố Nara vào sáng thứ Sáu (giờ địa phương) khi đang vận động cho một cuộc bầu cử bán phần thượng viện.

Thủ tướng có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản thời hậu chiến được tuyên bố qua đời chưa đầy sáu giờ sau đó.

“Tôi đã mất anh trai của mình. Đồng thời, Nhật Bản đã mất đi một nhà lãnh đạo không thể thay thế”, Kishi, 63 tuổi, cho biết trong một tuyên bố, và tố cáo vụ giết người là một hành động khủng bố.

“Anh tôi yêu mến Nhật Bản và đánh cược mạng sống của mình vào chính trị để bảo vệ đất nước này,” Kishi, người phục vụ năm thứ ba với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết. “Những người trong chúng tôi bị bỏ lại đều hiểu. Cảm ơn anh vì sự phục vụ của anh. Hãy yên nghỉ”.

Nobuo Kishi cũng đề cập đến các ước muốn của Cố Thủ Tướng Abe trong việc khôi phục quân đội Nhật Bản nhằm đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Tập Cận Bình.

Abe, người lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là LDP, đang cầm quyền, là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật Bản khi ông từ chức vì lý do sức khỏe vào tháng 9 năm 2020. Ông được kế vị bởi Yoshihide Suga và sau đó là lãnh đạo hiện tại Fumio Kishida, nhưng Ông Abe tiếp tục đứng đầu phe lớn nhất của LDP cho đến khi cái chết của anh ấy.

Những lời vinh danh ông đã được đưa ra từ các nhà lãnh đạo thế giới trong những ngày sau khi ông bị giết, là một biến cố gây sốc cho một đất nước không quen với bạo lực súng đạn.

Tổng thống Joe Biden đã gửi lời chia buồn cá nhân tới Kishida và đến thăm Đại sứ quán Nhật Bản vào thứ Sáu tuần trước, trước khi ra lệnh treo cờ rũ tại Tòa Bạch Ốc và tất cả các cơ sở công cộng trên khắp nước Mỹ cho đến hôm Chúa Nhật.

Biden nói Abe, “là một đầy tớ đáng tự hào của người dân Nhật Bản và là một người bạn trung thành của Hoa Kỳ.”

Tại Tokyo hôm thứ Ba, những người đưa tang đã tập trung tại Đền Zojo-ji, nơi gia đình Abe đã tổ chức nghi thức riêng vào ngày hôm trước, với sự tham dự của các quan chức đương nhiệm cũng như các vị đã nghỉ và các chức sắc nước ngoài, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đại sứ Hoa Kỳ Rahm Emanuel.

Một chiếc xe tang và đoàn xe chở thi thể của nhà lãnh đạo bị giết đã đến thăm dinh thủ tướng, được gọi là Kantei, quốc hội Nhật Bản, được gọi là Diet, và trụ sở của LDP.

Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã đến thăm Bali và Bangkok, đã dừng đột xuất ở thủ đô Nhật Bản vào hôm thứ Hai để gặp các quan chức bao gồm cả Thủ tướng Kishida.

Abe là một “người có tầm nhìn với khả năng hiện thực hóa tầm nhìn đó,” Blinken nói.

Abe là một người ủng hộ trung thành của liên minh Mỹ-Nhật và có công trong việc thành lập Tứ Cường, nhóm bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai, ông cũng được biết đến là người vun đắp mối quan hệ cá nhân với cựu Tổng thống Donald Trump, chia sẻ quan điểm của Hoa Kỳ về Trung Quốc.

LDP cầm quyền và đối tác liên minh của nó, Komeito, đã vượt qua cuộc bầu cử thượng viện của Nhật Bản vào Chúa Nhật với chiến thắng áp đảo giành được đa số 2/3, đủ để có khả năng tiến hành sửa đổi Điều 9 hiến pháp sau chiến tranh của đất nước – là một trong số những ước vọng lâu nay của Abe.

Hôm thứ Hai, chính phủ Nhật Bản đã vinh danh Abe với Huân chương Hoa cúc, khiến ông trở thành thủ tướng thứ tư của đất nước sau chiến tranh nhận được giải thưởng cao nhất của Nhật Bản về sự phục vụ.
Source:Newsweek

3. Tổng giám mục Kansas: Các cuộc tấn công các nhà thờ Công Giáo không phải là tính cách của 'người Mỹ'

Đức Tổng Giám Mục của Thành phố Kansas ở Kansas đã lên án vụ tấn công gần đây nhằm vào một nhà thờ Công Giáo địa phương trước cuộc bỏ phiếu của tiểu bang về một sửa đổi phò sinh.

“Cuộc tấn công này và những cuộc tấn công khác nhắm vào các nhà thờ Công Giáo ở Kansas và trên khắp đất nước không chỉ thô tục mà cũng chẳng phản ánh tính cách người Mỹ,” Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann cho biết trong một tuyên bố ngày 10 tháng 7.

Cuối tuần qua, các tòa nhà của giáo xứ và tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ Thăng Thiên ở Công viên Overland đã bị “xịt sơn màu đỏ” làm dơ bẩn nặng nề mặt tiền ngôi thánh đường trong một “hành động công khai thù hận và vô nhân”, tổng giáo phận cho biết.

“Ý định rõ ràng là nhằm đe dọa và khủng bố niềm tin ủng hộ sự sống của Giáo hội và lập trường ủng hộ tu chính án Value Them Both, nghĩa là Đánh Giá Cao cả mẹ lẫn con,” Đức Cha Naumann nhận xét.

Vào ngày 2 tháng 8, người dân Kansans sẽ bỏ phiếu về một tu chính án ủng hộ cuộc sống, được gọi là tu chính án “Value Them Both”. Nếu được thông qua, nó sẽ cho phép các nhà lập pháp tiểu bang thông qua những luật mới nhằm điều chỉnh việc phá thai. Hiện tại, các nhà lập pháp nói chung bị cấm không được hạn chế việc phá thai sau khi Tòa án Tối cao Kansas ra phán quyết vào năm 2019 rằng hiến pháp của tiểu bang bảo vệ việc phá thai.

Tổng giáo phận nhận thấy một “mô hình trộm cắp, phá hoại và đe dọa ngày càng gia tăng nhắm vào các thành viên của các Nhà thờ Công Giáo và những người ủng hộ khác của bản tu chính án “Value Them Both”.

Đức Tổng Giám Mục Naumann nhấn mạnh rằng cuộc tấn công mới nhất này không ngăn cản sứ mệnh ủng hộ sự sống của Giáo hội - hoặc sự ủng hộ của Giáo Hội đối với tu chính án vì sự sống.

Ngài nói: “Tu chính án Value Them Both sẽ bảo đảm sự bảo vệ khỏi một ngành công nghiệp phá thai vô giới hạn đang cố gắng thao túng cuộc bầu cử này để nó có thể trở thành mồi ngon hơn nữa cho những phụ nữ phải đối mặt với việc mang thai ngoài ý muốn hoặc mang thai đầy thử thách. Giáo Hội Công Giáo vẫn vững vàng trong việc hỗ trợ các bà mẹ và trẻ sơ sinh và các thành viên của chúng tôi luôn tận tâm với sứ mệnh của mình hơn bao giờ hết”.

Theo tờ báo của tổng giáo phận, The Leaven, vụ tấn công xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng ngày Chúa Nhật, 10 tháng Bảy.

“Các cửa ra vào ngôi thánh đường và tòa nhà của trường học giáo xứ đã bị phun sơn với những thông điệp thù hận, và một bức tượng của Đức Maria cũng bị xịt sơn”. The Leaven đã chia sẻ những bức ảnh cho thấy dòng chữ “SỰ LỰA CHỌN CỦA TÔI” được phun sơn khắp một tòa nhà bằng chữ lớn màu đỏ.

Tờ báo nói thêm: “Đối với những người hỏi thăm sự việc, xin trả lời rằng cửa trường học đã bị phá hoại với những từ ngữ, mà chúng tôi sẽ không nhắc lại ở đây.”

The Leaven cũng chia sẻ một bức ảnh về bức tượng Đức Mẹ bị phun sơn, bức ảnh được tường trình lấy được từ một giáo dân. Nó cho thấy lớp sơn đỏ chảy như máu từ trái tim bức tượng đến chân tượng.

Theo tổng giáo phận, các nhà chức trách đã được thông báo.

Theo Mackenzie Haddix, phó giám đốc truyền thông của tu chính án Value Them Both, những người ủng hộ tu chính án phò sinh này đã bị tấn công trước đây. Liên minh được dẫn đầu bởi Kansans for Life, Kansas Catholic Conference và Kansas Family Voice.

Haddix nói với CNA: “Các cuộc tấn công vào Nhà thờ Thăng thiên ở Công viên Overland là rất đau lòng và không thể lý giải được. Đây không phải là lần đầu tiên hoạt động phá hoại diễn ra tại các nhà thờ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tu chính án Value Them Both.”

Haddix kêu gọi các nhóm ủng hộ phá thai phản đối việc sửa đổi, chẳng hạn như đảng Tự do Hiến pháp ở Kansas, hãy lên án “những hành động thù hận diễn ra tại nhà thờ Thăng Thiên cũng như tình trạng phá hoại và trộm cắp diễn ra trên khắp Kansas”.
Source:Catholic News Agency