Dù Đức Tổng Giám Mục Paglia đã rào trước đón sau về chủ trương “dạn dĩ” của cơ quan do ngài làm chủ tịch, sẵn sàng quảng bá cả những quan điểm lạ lẫm đối với Thánh kinh và Thánh truyền, với ý hướng đối thoại với những người không đồng quan điểm với mình và coi những điều trong cuốn sách không có giá trị huấn quyền mà chỉ trợ giúp huấn quyền biện phân dưới ánh sáng Thánh kinh và Thánh truyền, nhưng qua các trao đổi trên Tweeter của chính Hàn lâm viện với các người dùng và nhất là bài duyệt sách đầy thiện cảm của tờ Civiltà Cattolica với “lời tiên đoán” sẽ có cả một thông điệp với cái tên hấp dẫn Gaudium vitae [không ảm đạm như Humanae Vitae của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI] của Đức Phanxicô theo chiều hướng của cuốn sách, nhiều người tỏ ý lo ngại.
Điều gì xẩy ra tại Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự Sống?
Ngày 13 tháng 7, tờ The Pillar có bài viết tựa đề như trên về cuốn sách vừa được xuất bản của Giáo Hoàng Hàn lâm viện Sự Sống. Tờ này cho rằng: Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống đã trở thành tâm điểm của một cơn bão trên mạng xã hội, với tài khoản chính thức của Hàn lâm viện bị chỉ trích mạnh mẽ về việc xuất bản cuốn sách mới.
Vì tài khoản Twitter của Hàn lâm viện đăng lại các bài duyệt sách tích cực cho cuốn “Đạo đức thần học về sự sống. Thánh kinh, Thánh truyền, Các Thách thức thực tế,” nhiều độc giả, bao gồm các nhà thần học và đạo đức học, bắt đầu đặt nghi vấn về cuốn sách.
Ngay sau đó, tài khoản chính thức của định chế giáo hoàng này đã lên tiếng chê bai “những lời lăng mạ và chỉ trích mất kiểm soát” và dường như ám chỉ một cuộc duyệt xét giáo huấn của Giáo hội về một loạt các vấn đề đạo đức, bao gồm ngừa thai, thụ tinh trong ống nghiệm và các vấn đề khác về sự sống.
Không kể các dòng tweet giận dữ, cả những người chỉ trích lẫn những người ủng hộ đều cho rằng cuốn sách là một công trình thách thức các chuẩn mực lâu đời có thể ảnh hưởng đến lập trường của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề đạo đức sinh học.
Tờ The Pillar trích dẫn lời phê bình của Luisella Scrosati trên trang mạng tiếng Ý Daily Compass, cho hay: cuốn sách mới đã thách thức việc Giáo Hội lên án biện pháp ngừa thai, được tái khẳng định trong thông điệp Humanae Vitae [Sự sống Con người] năm 1968.
Bà nói rằng nó "ủng hộ luận đề cho rằng ‘trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế có thể khiến việc lựa chọn sinh sản thành vô trách nhiệm’, người ta có thể sử dụng ‘một lựa chọn khôn ngoan’ đối với các kỹ thuật ngừa thai..."
Bà lập luận rằng “việc thúc đẩy nền đạo đức sinh học thần học” này trực tiếp nhắm vào việc tương đối hóa các giới luật phủ định của luật luân lý, y hệt như tông huấn Amoris laetitia [Niềm vui Yêu thương] đã làm: tính tuyệt đối của các giới luật phủ định chỉ giới hạn trong lý thuyết, để tương đối hóa chúng - và do đó phủ nhận chúng là tuyệt đối - trong trường hợp cụ thể.”
Trên tài khoản Twitter của Hàn lâm viện, một độc giả tự mô tả mình là “con trẻ của Thánh truyền” cho rằng cuốn sách đi trệch hẳn giáo huấn của Giáo hội, chứ không hẳn cổ vũ “tranh luận và đối thoại”. Khi ông gợi ý rằng “phản ứng chính xác là *không hàm hồ* bảo vệ giáo huấn của Giáo hội và lên án những bất đồng chính kiến về những vấn đề đã được giải quyết này,” người đại diện của Giáo hoàng Hàn lâm viện đã trả lời: “Ý của bạn là 'lên án' những con người có thực, những con người cụ thể gặp khó khăn trong cuộc sống riêng tư của họ và trong các mối liên hệ mật thiết của họ. Tôi nghĩ rằng phương thức đúng đắn là lòng thương xót và đối thoại. Thí dụ Luca 6:36-37…”
Người đại diện này viết thêm: “Hãy cẩn thận: những gì là bất đồng quan điểm ngày nay, có thể thay đổi. Nó không phải là thuyết tương đối, nó là động lực của sự hiểu biết về các hiện tượng và khoa học: Mặt trời không quay quanh Trái đất. Nếu không sẽ không có tiến triển và mọi thứ sẽ đứng yên. Ngay cả trong thần học. Hãy suy nghĩ về điều đó”.
“Các vấn đề về sự sống không phải là [sic] vấn đề chủ trương các lập trường cực đoan đến trở thành ý thức hệ, mà là mở ra cuộc tranh luận trong cộng đồng các nhà thần học đạo đức,” tài khoản này cho biết như thế trong một tweet diễn giải một trích dẫn trong một bài báo về phán quyết phá thai của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
The Pillar cho hay điều trên đã khiến một số độc giả, gồm cả các nhà thần học đạo đức, trưng dẫn các tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về các vấn đề như phá thai và yêu cầu tài khoản của Hàn lâm viện làm rõ phạm vi tranh luận và liệu Đức Giáo Hoàng có đang sử dụng ngôn ngữ "cực đoan" hay không.
Quay trở lại thập niên 1960? Hàn lâm viện Sự Sống thúc đẩy việc đi trệch khỏi tín lý về ngừa thai
Đó là tựa đề bài nhận định của National Catholic Register cũng ngày 13 tháng 7, nhấn mạnh rằng tài liệu này đoạn tuyệt với 5 thập niên giáo huấn giáo hoàng sau Công Đồng; những người ủng hộ nó thúc giục Đức Phanxicô biến các chủ trương của nó thành chính thức.
Theo tác giả, cách đây 55 năm, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố Humanae Vitae, một thông điệp giáo hoàng minh xác không hàm hồ việc Giáo Hội chống đối việc làm tình chống thụ thai nhân tạo. Mặc dù giáo huấn này phải đương đầu với sự phản kháng của một số nhà thần học và thậm chí cả các giám mục vào thời điểm đó, nhưng nó đã được tái khẳng định và phát triển thêm bởi giáo huấn giáo hoàng sau đó, từ Evangelium Vitae của Thánh Gioan Phaolô II đến phiên bản hiện tại của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Phanxicô sửa đổi gần đây, mô tả việc thực hành này là “xấu xa từ nội tại”.
Thế mà bây giờ, một định chế của Vatican, oái oăm thay được chính vị thánh giáo hoàng vĩ đại người Ba Lan quá cố thành lập, đang thúc đẩy một "sự thay đổi mô hình" trong thần học luân lý, kể cả việc đi trệch ra ngoài giáo huấn đã được thiết lập về việc ngừa thai, cũng như an tử và các hình thức thụ thai nhân tạo - và những người ủng hộ "sự thay đổi triệt để" này đang thúc giục Đức Thánh Cha Phanxicô làm theo họ bằng một thông điệp khẳng định sự đoạn tuyệt này với sự đồng thuận của huấn quyền hậu công đồng từ năm thập niên qua.
Những động thái trên được đưa vào một bản văn gần đây do Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống, một cơ quan tư duy của Giáo hội do Thánh Gioan Phaolô thành lập năm 1994 để nghiên cứu và cung cấp hướng dẫn “về các vấn đề chính của y sinh học và luật lệ, liên quan đến việc cổ vũ và bảo vệ sự sống, nhất là trong mối liên hệ trực tiếp của chúng với nền luân lý Kitô giáo và các chỉ thị của huấn quyền Giáo hội.”
Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống mô tả cuốn sách của mình Đạo đức Thần học về Sự sống. Kinh thánh, Truyền thống, những Thách thức Thực tế, một bản tổng hợp dài 528 trang về các đóng góp tại một hội thảo thần học do Hàn lâm viện Sự sống tài trợ năm 2021, là “một đóng góp nhằm khai triển một cách chi tiết viễn kiến của Kitô giáo về sự sống bằng cách trình bầy nó từ quan điểm nhân học thích hợp với trung gian văn hóa của đức tin trong thế giới ngày nay."
Trong phần dẫn nhập cuốn sách, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện từ năm 2016, cho rằng cuốn sách này kết hợp các quan điểm không những của các chủ trương thần học khác nhau, mà còn của cả những người không Công Giáo và không tin.
Tuy nhiên, dường như một số thành viên tích cực của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống không được tham khảo ý kiến trong việc sản xuất tài liệu này.
Elena Postigo, một nhà đạo đức sinh học người Tây Ban Nha, chia sẻ trên Twitter, “Với tư cách là một thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống: cuốn sách không phải là một tuyên bố chính thức nhưng là hồ sơ ghi lại cuộc hội thảo trong đó 20 người đã đưa ra tuyên bố cá nhân của họ. Nhiều thành viên không biết về nó và rất ngạc nhiên.”
Cuộc tranh cãi om sòm mới nhất tại Hàn lâm viện Sự Sống nêu lên các nghi vấn về mục đích, tự chế
John Allen Jr. của Crux, một tác giả lúc nào cũng nhìn thấy 2 mặt của một đồng tiền, vừa khen vừa chê cuốn sách hay đúng hơn về thái độ của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự Sống nhân dịp xuất bản cuốn Đạo đức Thần học về Sự sống. Kinh thánh, Truyền thống, những Thách thức Thực tế.
Thực vậy, theo Allen, trong cuốn sách trên, một số thần học gia cho rằng trong một số trường hợp có giới hạn, vợ chồng có thể được biện minh khi chọn việc ngừa thai. Cả việc sinh sản nhân tạo cũng thế. Ông cho rằng, việc chủ trương này bị một số người Công Giáo bảo thủ phản đối là chuyện bình thường như mặt trời mọc rồi mặt trời lặn.
Tuy nhiên, theo Allen, các ấn phẩm của một giáo hoàng hàn lâm viện không mang thế giá huấn quyền. Mặc dù một số nhà báo và cư dân các phương tiện truyền thông xã hội có thể vẫn cứ tường trình chúng như thể “Tòa Thánh” vừa mới tuyên bố thế này thế nọ, nhưng thực sự, một hàn lâm viện, trong căn bản, chỉ là một nhóm tư duy [think tank] nhằm kích thích suy tư chứ không hẳn giải quyết vấn đề một cách dứt khoát.
Có suy đoán cho rằng ấn phẩm của Hàn lâm viện Sự sống có thể mở đường cho một thông điệp giáo hoàng nay mai. Nhưng đống rác lịch sử thiếu chi các thông điệp được loan truyền mà đâu có thành sự thật.
Allen cũng nhân dịp này đỡ đòn cho Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống: Hiện có đến 11 Giáo hoàng Hàn lâm viện, nhưng chỉ có Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống là được người ta chú ý vì nó bàn tới các vấn đề nhậy cảm nhất trong giáo huấn luân lý Công Giáo, trong đó, có kiểm soát sinh đẻ, phá thai, an tử, thụ thai trong ống nghiệm, và gia đình. Trước đây, thời Đức Hồng Y Elio Sgreccia làm chủ tịch, Hàn lâm viện này là địa bàn hoạt động của các nhà bảo thủ đấu tranh phò sự sống. Từ năm 2016, với Đức Tổng Giám Mục Paglia, Hàn lâm viện có vóc dáng cấp tiến nhiều hơn, rất phù hợp với viễn kiến mục vụ của Đức Phanxicô. Điều này cho thấy, các người chỉ trích nó phần lớn phát xuất từ cánh hữu trong Giáo Hội.
Thành thử, nhân viên của Hàn lâm viện nên chấp nhận việc người ta phê bình mình như cái giá phải trả cho việc làm của mình, chứ không nên phóng chiếu sự mếch lòng hay ngạc nhiên khi lời phê bình xuất hiện.Trong mấy ngày qua, theo Allen, tài khoản Tweeter của Hàn lâm viện rất bận rộn trong việc đáp trả các ta thán về cuốn sách. Trong một trường hợp, nó đe dọa rằng “điều là bất đồng hôm nay có thể thay đổi”. Allen cho rằng tự chế là một nhân đức, hết sức quan trọng trong thời đại trả lời ngay lập tức này.