“Giáo hội đã thần thánh hóa những đam mê cực đoan, ban phước cho những kẻ điên cuồng, ca ngợi chứng loạn thần kinh mà nó đã tạo kênh trước đó và dường như không có gì có thể ngăn cản tôi trước cửa của nó. Không."



Đấy là những lời của một trí thức trẻ, Maurice Sachs, nói ngay sau khi ông trở lại Công Giáo vào đầu thế kỷ 20 và chúng mô tả những gì đã thu hút ông tới đó nhiều nhất, đó là nền huyền nhiệm, các nghi thức bí tích, thực hành sùng đạo, lòng đạo đức cảm giới, và hầu như mọi điều bên trong Công Giáo Rôma vốn nói tới một điều gì đó bên ngoài những gì có thể hiểu một cách thuần lý. Trong hồi ký của mình, Sachs mô tả những yếu tố có tính huyền nhiệm, có tính bí tích và có tính sùng đạo này như “tia nắng” và coi chúng như một sự thay thế triệt để cho chủ nghĩa duy lý hẹp hòi vốn là bầu không khí trí thức thấm nhiễm thời kỳ này và là điều ông thấy ngột ngạt.

Maurice Sachs chỉ mới mười chín tuổi khi ông được rửa tội và cuộc hành trình hướng tới Công Giáo của ông đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Raissa Maritain, chính bà cũng là một người từ Do Thái giáo chuyển sang Kitô giáo. Bà và người chồng nổi tiếng của mình, Jacques, đã gặp nhau tại Sorbonne ở Paris vào đầu những năm 1900. Cả hai đều là những người theo thuyết bất khả tri vào thời điểm đó; bà, bất khả tri đối với di sản Do Thái giáo, và ông, bất khả tri đối với gốc rễ Kitô giáo. Mỗi người đã đến Sorbonne chính vì, như một người không tin, họ đều muốn đắm mình trong khoa học và chủ nghĩa duy lý. Nhưng những gì họ gặp ở đó đã làm họ vô cùng thất vọng và tỉnh ngộ. Họ cảm thấy ngột ngạt. Tâm trí và linh hồn họ muốn nhiều hơn là khoa học và lý trí thuần túy và họ sớm rời khỏi Sorbonne, không chắc chắn về những gì họ đang tìm kiếm, nhưng chủ yếu chắc chắn đối với sự kiện này: một mình thế giới thuần lý sẽ không bao giờ thỏa mãn họ.

Họ bắt đầu tìm kiếm một giải pháp thay thế và điều này dẫn họ đến với hai nhà trí thức vốn không chịu khuôn phép xã hội là Léon Bloy và Charles Péguy, cả hai, vì ưa thích huyền bí và sùng đạo nên đã bị giới trí thức khinh bỉ đáng kể vào thời điểm đó. Léon Bloy cuối cùng đã dẫn dắt Maritain vào Giáo Hội, trở thành cha đỡ đầu của Raissa trong nghi thức lãnh phép rửa của bà, và một trong những điều ông dẫn nhập vào cuộc sống của họ, một điều về cơ bản trái ngược với mọi thứ họ đã gặp ở Sorbonne, là huyền nhiệm và lòng mộ đạo. Những điều này, mạnh hơn các giáo điều của Kitô giáo, đã thu hút vợ chồng Maritain gia nhập Giáo Hội.

Không lâu sau khi trở thành Kitô hữu, Raissa và Jacques, giờ đây chính họ bị chính dòng trí thức ruồng bỏ, bắt đầu tổ chức các cuộc thảo luận hàng tuần tại ngôi nhà của họ ở ngoại ô Paris. Vào thời điểm này, họ cũng đã đọc Thánh Tôma Aquinô và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi viễn kiến của ngài. Nó đã tạo cho họ một khung trí thức để tích hợp huyền nhiệm, các bí tích và lòng sùng kính. Giờ đây, họ cảm thấy sẵn sàng dìu dắt những người khác và chẳng mấy chốc đã có một nhóm lớn các nghệ sĩ, nhà văn và trí thức tụ tập xung quanh họ, nhiều người cuối cùng đã chịu phép rửa.

Và họ đã cung cấp điều gì cho những người này mà đời sống tri thức và văn hóa của Paris vào thời điểm đó không cung cấp được? Làm thế nào họ lôi kéo được những nhà trí thức và những người hoài nghi gia nhập Giáo Hội? Họ cung cấp cho họ một viễn kiến về đức tin, tức Công Giáo, và Giáo Hội, một viễn kiến nói với cả trái tim lẫn cái đầu theo những cách mà cả chủ nghĩa duy lý của các trường đại học cũng như lòng sùng đạo không kiềm chế của các giới Giáo Hội vào thời điểm đó không thể nói được. Viễn kiến của họ về đức tin ngỏ lời với cả trái tim lẫn cái đầu. Nó vừa có tính sùng kính cao lẫn tính trí thức cao cùng một lúc, một công thức hiếm có.

Ngày nay, chúng ta đấu tranh trong các Giáo Hội của mình để cung ứng cùng một viễn kiến như vậy, một viễn kiến cung cấp thức ăn cho cả trái tim lẫn cái đầu bằng nhau. Chúng ta có xu hướng bán bớt điều này lấy điều kia.

Các giới cấp tiến có xu hướng hướng tới một viễn kiến về đức tin và Giáo Hội nhằm tôn vinh lý trí một cách thích đáng nhưng thường không dành mấy chỗ "để thánh hóa những đam mê cực đoan và chúc phúc cho những kẻ điên rồ". Thành thử, chúng ta có rất nhiều người trẻ tuổi như Maurice Sachs, không tin tưởng vào một viễn kiến có tính phê bình hơn về đức tin và muốn đức tin của họ được phục vụ chủ yếu bằng sự thành tâm, lòng đạo đức và sự sáng sủa về giáo lý. Họ không muốn những lời chỉ trích mang tính học thuật ngó đầu vào Giáo Hội của họ và chiếu ánh sáng của nó vào các xác tín của họ. Và, vì họ cảm thấy thế giới học thuật không tôn trọng lòng đạo của họ, nên họ coi thế giới đó cùng một cách như Maritain coi các giáo sư duy lý của họ tại Sorbonne, một thế giới của những người theo chủ nghĩa duy lý đã bị thiêu rụi, hết lửa.

Nhưng có một mặt trái gần như hoàn hảo đối với điều này: có những người vì sợ hãi và khinh thị thế giới phê bình học thuật nên có xu hướng tạo ra một viễn kiến về đức tin, một viễn kiến, dù dành chỗ cho những người ngoan đạo, sùng đạo và rõ ràng về giáo lý, nhưng thiếu sự tương cảm [empathy] và ôm ấp một Đạo Công Giáo rộng rãi đủ để có thể chấp nhận được đối với một bộ óc có suy nghĩ. Trong khi nhiều người trẻ tuổi, như Maurice Sachs, bị thu hút bởi loại đạo Công Giáo này, thì hàng triệu người khác lại thấy nó quá ngột ngạt, quá hạn hẹp về trí thức, quá sợ hãi, quá tầm thường, quá thu mình và quá chú trọng đến việc tự bảo vệ mình đến khó nhá. Nên, nhiều người đơn giản bỏ đi, trong khi nhiều người khác đơn giản chịu đau khổ vì các Giáo Hội của họ hơn là rút tỉa được bất cứ nguồn cảm hứng nào từ các Giáo Hội này.

Và vì vậy chúng ta có thể học được một bài học từ Raissa và Jacques Maritain trong việc tìm một công thức nhân dịp tân phúc âm hóa. Chúng ta cần cả nền thần học cứng rắn, có phê phán và một lòng đạo đức nhẹ nhàng, ấm áp.

Nguồn: Ronald Rolheiser OMI [Missionary Oblates of Mary Immaculate], https://ronrolheiser.com/raissa-and-jacques-maritain-and-the-new-evangelization/#.Yhr6Y5ZxWbg