1. Chuyện hiếm thấy: Chàng trai 17 tuổi trả lại chiếc ví bị mất và được thưởng 17.000 đô Mỹ.

Adrián Rodríguez, một chàng trai 17, sống ở Chula Vista, California, cách đây vài ngày, nhặt được một chiếc ví bị bỏ quên trong một xe đẩy hàng ở siêu thị.

Nam thanh niên này mở chiếc ví ra, tìm thấy giấy tờ tùy thân của thân chủ, anh đã quyết định tìm đến địa chỉ của người làm mất. Anh đến nhà và bấm chuông, được một người phụ nữ ra tiếp, đó là dì của chủ nhân chiếc túi. Bà cảm ơn anh và nhận chiếc túi, còn Adrian ra về.

Tất cả có thể đã kết thúc ở đó. Nhưng khi người phụ nữ bị mất ví về, cô Eliana Martín vui mừng khôn xiết và rất ngạc nhiên khi thấy không có gì trong ví bị mất cả.

Eliana Martín không biết cậu Adrián nhưng may mắn được camera nhà ghi lại. Cô ấy đã lên mạng xã hội để yêu cầu giúp đỡ cô nhận ra chàng trai xuất hiện trong camera.

Trong một thời gian ngắn, cô ấy đã xác định được danh tính chàng thanh niên lương thiện đó và nhiều người biết được câu chuyện, đã rất cảm động, họ đóng góp tiền bạc để cho chàng một giải thưởng. Với sự giúp đỡ của người bạn Melina Marquez, Martin đã tạo ra một tài khoản GoFundMe để quyên góp. Quỹ này đã quyên góp được hơn 17.000 đô la.

Marquez viết trên trang quỹ GoFundMe: “Chúng tôi tin rằng anh ấy xứng đáng được phần thưởng, và cũng như nhiều người muốn giúp đỡ cho những việc làm tốt của anh ấy. Hãy chia sẻ. Anh ấy đã được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ tuyệt vời và điều này cần được phổ biến. Nó mang lại niềm hy vọng cho thế hệ tương lai của chúng ta.”

Điều gì đã thúc đẩy Adrian trả lại?

Khi được tờ San Diego Union-Tribune phỏng vấn, chàng trai trả lời đơn sơ: “Tôi chỉ làm theo những gì mẹ tôi luôn nói với tôi khi tôi còn nhỏ: con hãy làm điều đúng, dù không ai thấy.”

Giáo dục con cái trở thành người tốt là món quà lớn nhất mà bạn có thể dành cho chúng. Hoa trái sẽ thành tựu mà ta không ngờ!

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc Hạ viện Thông qua Dự luật Áp đặt “Phá thai theo Yêu cầu” trên toàn quốc

Thứ Sáu tuần trước, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ, HR 8296, với 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống. Dự luật này sẽ áp đặt phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và sẽ loại bỏ các luật ủng hộ sự sống ở mọi cấp độ của chính phủ, loại bỏ yêu cầu thông báo cho cha mẹ biết đối với trẻ gái vị thành niên, loại bỏ yêu cầu phải có đồng ý của họ; loại bỏ yêu cầu phải có các biện pháp bảo vệ sức khỏe và an toàn chuyên biệt cho các cơ sở phá thai. HR 8296 cũng sẽ buộc tất cả người Mỹ phải ủng hộ việc phá thai ở đây và ở nước ngoài bằng tiền thuế của họ và có thể sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chuyên gia thực hiện, hỗ trợ và giới thiệu việc phá thai trái với niềm tin sâu sắc của họ, cũng như buộc người sử dụng lao động và các công ty bảo hiểm phải mua bảo hiểm hoặc trả tiền cho việc phá thai.

Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Hồng Y Timothy M. Dolan ở New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Đa số trong Hạ viện đã bỏ phiếu vào thứ Sáu tuần trước để thông qua dự luật phá thai theo yêu cầu bất công và cực đoan nhất mà quốc gia của chúng ta từng thấy. Việc đáp ứng nhu cầu của phụ nữ bằng cách khuyến khích phá thai tự chọn do người đóng thuế tài trợ, như dự luật này sẽ làm, là một hành động xấu xa nghiêm trọng và không thể được xem là yêu thương và phục vụ phụ nữ. Cung cấp dịch vụ phá thai miễn phí hoặc chi phí thấp, thay vì tăng cường các nguồn lực mà phụ nữ cần để chăm sóc cho bản thân và con cái của họ, không phải là 'sự lựa chọn' mà là sự ép buộc nhẫn tâm từ bỏ con cái. Đơn giản chỉ lặp đi lặp lại câu thần chú rằng phá thai là chăm sóc sức khỏe sẽ không làm cho nó trở thành như vậy. Cố ý kết thúc cuộc sống của những con người không có khả năng tự vệ và không có tiếng nói là phản đề của việc chăm sóc sức khỏe.”

“Chúng tôi khẩn cầu những người coi phá thai là 'giải pháp' hợp pháp cho nhu cầu của phụ nữ từ bỏ con đường chết chóc và tuyệt vọng này. Thay vào đó, chúng tôi mời tất cả mọi người cùng theo đuổi một tầm nhìn mà chúng tôi đã trình bày trong tuyên ngôn Ủng hộ những người mẹ đang cần giúp đỡ, một tầm nhìn đề cao sự thật rằng cuộc sống của mỗi con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm - một xã hội mà sự bảo vệ hợp pháp của cuộc sống con người đi kèm với sự sâu sắc chăm sóc cho các bà mẹ và con cái của họ. Chúng tôi khuyến khích quốc gia của chúng ta ưu tiên quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và gia đình bằng cả nguồn lực vật chất và sự đồng hành của cá nhân để không một phụ nữ nào cảm thấy buộc phải lựa chọn giữa tương lai của mình và cuộc sống của con mình”.
Source:USCCB


3. Thông điệp của Đức Phanxicô gửi Hội nghị Kỹ thuật số Công Giáo họp tại Hán Thành

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, chúng ta phải khai triển cho bằng được “cảm thức phê phán lành mạnh”. Vì theo ngài, “thời có nhiều cuộc bùng phát bạo động và gây hấn trên khắp thế giới của chúng ta hiện nay”, các phương tiện kỹ thuật số gây ra “ nhiều vấn đề đạo đức học nghiêm trọng”. Ngài viết như thế, trong một thông điệp gửi cho các tham dự viên hội nghị thế giới tổ chức tại Hán Thành, từ ngày 15 tới ngày 18 tháng 7, bởi Signis, hiệp hội truyền thông Công Giáo thế giới, về chủ đề “Hòa bình trong thế giới kỹ thuật số”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng một số không gian kỹ thuật số đã trở thành “nơi chuốc độc, ngôn từ hận thù và tin tức giả”. Sau đây là nguyên văn thông điệp của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Tôi gửi lời chào và lời chúc tốt đẹp đến tất cả những người tham gia Đại hội Thế giới SIGNIS năm nay, được tổ chức tại Hán Thành, kết hợp các cuộc gặp mặt trực tiếp và các hội nghị ảo. Là một hiệp hội quốc tế dành cho các chuyên gia truyền thông Công Giáo, thật phù hợp khi anh chị em gặp nhau tại Hàn Quốc, một vùng đất có lịch sử truyền bá Tin Mừng cho thấy sức mạnh của chữ in và vai trò thiết yếu của giáo dân trong việc truyền bá Tin Mừng. Mong câu chuyện của Thánh Anrê Kim và các bạn đồng hành của ngài hai trăm năm trước xác nhận cho các nỗ lực của anh chị em trong việc truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô bằng ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông đương thời.

Thật phù hợp khi trong những ngày có những đợt bùng phát bạo lực và gây hấn mới trên thế giới của chúng ta này, anh chị em đã chọn câu sau đây làm chủ đề cho Đại hội thế giới của mình “Hòa bình trong thế giới kỹ thuật số”. Cuộc cách mạng truyền thông kỹ thuật số trong những thập niên gần đây đã chứng tỏ là một phương tiện mạnh mẽ để thúc đẩy sự hiệp thông và đối thoại trong gia đình nhân loại của chúng ta. Thật vậy, trong những tháng bị đóng cửa vì đại dịch, chúng ta đã thấy rõ phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã có thể mang chúng ta lại với nhau ra sao, không những chỉ bằng cách phổ biến thông tin thiết yếu, mà còn bằng cách bắc cầu nối giữa nỗi cô đơn cô lập và, trong nhiều trường hợp, đoàn kết trọn cả các gia đình và các cộng đồng giáo hội để cầu nguyện và thờ phượng.

Đồng thời, việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội, đã gây ra một số vấn đề đạo đức nghiêm trọng đòi hỏi sự phán đoán khôn ngoan và phân định của các nhà truyền thông và tất cả những ai quan tâm đến tính chân chính và phẩm chất của các mối liên hệ giữa con người với nhau. Đôi khi và ở một số nơi, các trang truyền thông đã trở thành nơi chuốc độc, ngôn từ hận thù và tin tức giả. Để đối phó với thách thức này, SIGNIS có thể đóng một vai trò quan trọng qua giáo dục truyền thông, kết nối các phương tiện truyền thông Công Giáo và chống lại những lời nói dối và thông tin sai lệch. Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong những nỗ lực này, đặc biệt chú ý đến sự cần thiết phải hỗ trợ mọi người, nhất là những người trẻ tuổi, phát triển cảm thức phê phán lành mạnh, học cách phân biệt thật - giả, đúng - sai, thiện - ác và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phục vụ công lý, hòa hợp xã hội và tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta.

Tôi cũng khuyến khích anh chị em xem xét nhiều cộng đồng trong thế giới của chúng ta vẫn còn bị loại trừ khỏi không gian kỹ thuật số, bằng cách biến việc hòa nhập vào kỹ thuật số trở thành ưu tiên trong kế hoạch tổ chức của anh chị em. Khi làm như vậy, anh chị em sẽ đóng góp đáng kể vào việc truyền bá văn hóa hòa bình dựa trên chân lý của Tin Mừng.

Trong Thông điệp của tôi cho Ngày Truyền thông Thế giới năm nay, tôi đã đề cập đến việc lắng nghe như thành tố đầu tiên và không thể thiếu của đối thoại và truyền thông tốt, và yêu cầu các nhà báo phát triển khả năng “lắng nghe bằng lỗ tai của trái tim”. Hơn ai hết, “việc làm việc tông đồ bằng lắng nghe” thuộc về anh chị em trong tư cách là những nhà truyền thông Công Giáo. Vì truyền thông không những là một nghề, mà còn là một việc phục vụ đối thoại và hiểu nhau giữa các cá nhân và các cộng đồng lớn hơn trong việc theo đuổi việc sống chung thanh thản và hòa bình.

Lắng nghe cũng rất cần thiết cho hành trình đồng nghị mà toàn thể Giáo hội đã thực hiện trong những năm này. Tôi hy vọng rằng, trong việc truyền thông của mình, anh chị em sẽ đóng góp vào tiến trình này bằng cách hỗ trợ Dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa trong cam kết lắng nghe lẫn nhau của chúng ta, lắng nghe ý muốn của Chúa và lớn lên trong nhận thức rằng chúng ta tham gia vào một sự hiệp thông vốn đi trước và bao gồm chúng ta. Bằng cách này, những nỗ lực của anh chị em trong việc thúc đẩy Hòa bình trong Thế giới kỹ thuật số sẽ giúp tạo ra một Giáo hội “giao hưởng” hơn bao giờ hết, mà tính thống nhất được phát biểu bằng một bản đa âm hài hòa và thánh thiêng.

Anh chị em của SIGNIS thân mến, với những tình cảm này, tôi gửi đến anh chị em những lời cầu chúc tốt đẹp trong cầu nguyện cho công việc của anh chị em và cho thành quả tinh thần của Đại hội Thế giới này. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa ban phước khôn ngoan, niềm vui và sự bình an dồi dào cho anh chị em, gia đình anh chị em, đồng nghiệp của anh chị em và tất cả những người mà anh chị em phục vụ. Tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Rôma, Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 15 tháng 7 năm 2022