Như chúng tôi đã tường trình, lúc 10g sáng Thứ Năm 28 tháng 7 Đức Thánh Cha đã cử hành một thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anna-de-Beaupré. Đây là một địa điểm hành hương lớn của Canada, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm.

Sinh hoạt tiếp theo diễn ra lúc 17g15, khi Đức Thánh Cha cử hành Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, những người sống đời thánh hiến, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Quebéc.

Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2022 của chính quyền 39% người Canada nhận mình là tín hữu Công Giáo, con số này là 44.4% theo niên giám thống kê của Tòa Thánh tính đến ngày 31 tháng 12, 2020. Các giáo phái Tin Lành chiếm 20.3%, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6.1%), tiếp theo là Anh giáo 5%, và Báp-tít, 1.9%, Lutheran 1.5%. Bên cạnh đó, còn có 3.2% dân số theo Hồi Giáo; 1.1% theo Phật Giáo; và 1% theo Do Thái Giáo.

Quan thầy của Giáo Hội Canada là Thánh Giuse, Thánh Anna, thân mẫu Đức Mẹ, và các thánh tử đạo Canada.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng 12, 2020, Giáo Hội tại Canada có tổng cộng 3881 giáo xứ, 557 trung tâm mục vụ khác; và 35 tu hội đời.

Giáo Hội Canada có 4 vị Hồng Y là các Đức Hồng Y Thomas Christopher Collin, Tổng Giám Mục Toronto, Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám Mục Quebéc, Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ.

Giáo Hội tại Canada có 134 Giám Mục, 6,222 linh mục bao gồm 4,117 linh mục triều, và 2,105 linh mục dòng. Giáo Hội Canada cũng có 1,217 phó tế vĩnh viễn, 1,032 nam tu sĩ không có chức linh mục, 9,620 nữ tu, 18,761 giáo lý viên, 99 giáo dân truyền giáo.

Về mặt đào tạo, Giáo Hội Canada có 497 tiểu chủng sinh, 352 đại chủng sinh. Giáo Hội sở hữu 2,179 trường mẫu giáo và tiểu học với 516,821 học sinh; 451 trường trung học với 276,218 học sinh; và 45 trường Đại Học với 28,074 sinh viên.

Giáo Hội cũng sở hữu 64 bệnh viện, 3 trung tâm chăm sóc sức khoẻ, 140 nhà dưỡng lão, 54 cơ sở dành cho trẻ mồ côi, 72 trung tâm cố vấn gia đình, 30 trung tâm xã hội, và 72 cơ sở xã hội khác.

Trong diễn từ tại đây, ngài nói:

Kính thưa anh em Giám mục, thưa các linh mục và phó tế, các nam nữ thánh hiến, các chủng sinh và những người làm công tác mục vụ, xin chào buổi tối!

Tôi cảm ơn Đức cha Poisson vì những lời chào mừng của ngài và tôi chào tất cả anh chị em, đặc biệt những người đã phải đi một chặng đường dài để đến đây. Khoảng cách ở đất nước của anh chị em thực sự lớn! Cảm ơn anh chị em! Tôi rất vui khi được ở đây với anh chị em!

Điều quan trọng là chúng ta đang ở Vương cung thánh đường Đức Bà Québec, Nhà thờ chính tòa của Giáo Hội đặc thù này và là tòa giáo chủ của Canada, vị Giám mục đầu tiên, Thánh François de Laval, đã mở Chủng viện vào năm 1663 và dành toàn bộ thừa tác vụ của ngài để đào tạo các linh mục. Bài đọc ngắn, mà chúng ta đã nghe, nói với chúng ta về “các trưởng lão”, tức các linh mục. Thánh Phêrô thúc giục chúng ta: “Hãy chăn dắt đoàn chiên Thiên Chúa do anh em phụ trách, không phải bằng sự ràng buộc mà bằng lòng tự nguyện” (1 Pr 5: 2). Được quy tụ về đây trong tư cách dân Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu là Mục Tử của cuộc đời chúng ta, là Đấng chăm sóc chúng ta vì Người thực sự yêu thương chúng ta. Chúng ta, các mục tử của Giáo hội, chúng ta được yêu cầu biểu lộ cùng một sự rộng lượng đó trong việc chăm sóc đoàn chiên, để biểu lộ sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với mọi người và lòng cảm thương của Người đối với vết thương của mỗi người.

Chính vì chúng ta là dấu chỉ Chúa Kitô, Tông đồ Phêrô thúc giục chúng ta chăm sóc đoàn chiên, hướng dẫn đoàn chiên, đừng để nó lạc lối trong khi bận rộn về công việc riêng của mình. Chăm sóc nó bằng sự tận tâm và tình yêu thương dịu dàng. Thánh Phêrô bảo chúng ta làm điều này một cách “tự nguyện”, không bắt buộc, không như một nghĩa vụ, không như một nhân viên tôn giáo “chuyên nghiệp”, những công chức thánh thiêng, nhưng một cách sốt sắng và với tấm lòng của một người chăn chiên. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, trước khi nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính chúng ta được “chăm sóc” bằng tình yêu thương xót; chúng ta sẽ cảm nhận được sự gần gũi của Chúa. Đây là nguồn vui của thừa tác vụ và trên hết là niềm vui của đức tin. Đây không phải là việc chúng ta có thể hoàn thành được gì, mà là việc biết rằng Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta, Người yêu chúng ta trước và Người luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là niềm vui của chúng ta. Nó cũng không phải là một niềm vui rẻ tiền, giống như một niềm vui mà thế giới đôi khi đề xuất, làm chói mắt chúng ta bằng pháo bông. Nó không phải là chuyện giàu có, thoải mái và an ninh. Thậm chí nó không cố thuyết phục chúng ta rằng cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp, không có thập giá và vấn đề. Niềm vui của Kitô hữu là trải nghiệm một sự bình an còn mãi trong tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang bị thử thách và đau khổ, vì khi đó chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, nhưng được đồng hành với một Thiên Chúa không thờ ơ với phần số của chúng ta. Khi biển động: trên bề mặt luôn có giông tố nhưng sâu thẳm vẫn êm đềm và bình yên. Điều đó cũng đúng với niềm vui của người Kitô hữu: đó là một hồng ân miễn phí, là sự chắc chắn khi biết rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương, nâng đỡ và đón nhận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Người là Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và tội lỗi, khỏi nỗi buồn cô đơn, khỏi sự trống rỗng và sợ hãi bên trong, và ban cho chúng ta một cái nhìn mới về cuộc sống và lịch sử: “Với Chúa Kitô, niềm vui không ngừng được tái sinh” (Evangelii Gaudium, 1).

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta làm thế nào khi có được niềm vui? Giáo hội của chúng ta có bày tỏ niềm vui của Tin Mừng không? Có đức tin trong cộng đồng của chúng ta có thể thu hút bởi niềm vui nó truyền đạt không?

Nếu muốn đi vào gốc rễ của những câu hỏi này, chúng ta cần suy gẫm về điều, trong thế giới ngày nay, đang đe dọa niềm vui của đức tin và do đó có nguy cơ làm giảm sút đức tin và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách Kitô hữu. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến việc thế tục hóa, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách sống của đàn ông và đàn bà đương thời, có thể nói, đẩy Thiên Chúa vào hậu trường. Thiên Chúa dường như đã biến mất khỏi chân trời, và lời của Người dường như không còn là chiếc la bàn hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, các quyết định căn bản của chúng ta, các mối liên hệ nhân bản và xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên rõ ràng về một điều. Khi chúng ta xem xét nền văn hóa xung quanh, và sự đa dạng của các ngôn ngữ và biểu tượng của nó, chúng ta phải cẩn thận đừng làm mồi cho sự bi quan hoặc phẫn uất, rơi vào những phán đoán tiêu cực hoặc một tiếc nuối viển vông. Có hai cách nhìn mà chúng ta có thể có đối với thế giới mà chúng ta đang sống: Tôi gọi một là “quan điểm tiêu cực”, và quan điểm kia là “quan điểm biện phân”.

Thứ nhất, quan điểm tiêu cực, thường phát sinh từ một đức tin cảm thấy bị tấn công và coi đó như một loại “áo giáp”, bảo vệ chúng ta chống lại thế gian. Quan điểm này phàn nàn một cách cay đắng rằng “thế giới là xấu xa; tội lỗi ngự trị”, và do đó có nguy cơ tự mặc cho mình một “tinh thần thập tự chinh”. Chúng ta cần phải cẩn thận, vì đó không phải là Kitô giáo; thật vậy, đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, Đấng - như Tin Mừng nhắc nhở chúng ta - “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, hầu cho ai tin vào Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Ga 3:16 ). Chúa, Đấng ghét tính thế gian, nhưng có một cái nhìn tích cực về thế giới. Ngài chúc phúc cho cuộc sống của chúng ta, nói tốt về chúng ta và hoàn cảnh của chúng ta, và tự mình nhập thể vào những hoàn cảnh lịch sử, không phải để lên án, nhưng để tăng trưởng hạt giống Nước Trời ở những nơi mà bóng tối dường như chiến thắng. Nếu chúng ta bị giới hạn trong một cái nhìn tiêu cực, kết cục chúng ta sẽ phủ nhận sự nhập thể: chúng ta sẽ trốn chạy thực tại, hơn là làm cho nó nhập thể trong chúng ta. Chúng ta sẽ tự thu mình lại, than thở những mất mát của mình, không ngừng phàn nàn và rơi vào sự u ám và bi quan, điều không bao giờ phát xuất từ Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta được kêu gọi có một cái nhìn tương tự như cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng biện phân điều gì là tốt và kiên trì tìm kiếm nó, thấy nó và nuôi dưỡng nó. Đây không phải là một quan điểm ngây thơ, mà là một quan điểm biện phân thực tại.

Để tinh chỉnh việc biện phân của chúng ta về thế giới bị tục hóa, chúng ta hãy lấy cảm hứng từ Thánh Phaolô VI, người đã coi việc tục hóa là “nỗ lực, tự nó, vốn chính đáng và hợp pháp và không hề trái với đức tin hay tôn giáo” (Evangelii Nuntiandi, 55) để khám phá những quy luật chi phối thực tại và cuộc sống con người do Tạo hóa cấy trồng. Thiên Chúa không muốn chúng ta làm nô lệ, nhưng làm con trai con gái; Người không muốn ra quyết định cho chúng ta, hoặc áp chế chúng ta bằng một quyền lực thánh thiêng, được thực hiện trong một thế giới được điều hành bằng các luật lệ tôn giáo. Không! Người tạo ra chúng ta để được tự do, và Người yêu cầu chúng ta trở thành những người trưởng thành và có trách nhiệm trong cuộc sống cũng như trong xã hội. Đức Phaolô VI đã phân biệt việc thế tục hóa với chủ nghĩa duy thế tục, một quan niệm sống hoàn toàn tách biệt mối liên kết với Đấng Tạo Hóa, đến nỗi Thiên Chúa trở thành “thừa thãi và ngăn cản”, và tạo ra “các hình thức vô thần mới” tinh tế và đa dạng: “xã hội tiêu thụ, việc theo đuổi khoái cảm được coi là giá trị tối cao, một ham muốn quyền lực và sự thống trị, và kỳ thị đủ loại ”(sđd). Là Giáo hội, và trên hết là những người chăn dắt Dân Thiên Chúa và là những người làm công tác mục vụ, tùy thuộc chúng ta phải phân biệt những điều này và thực hiện sự phân biệt này. Nếu chúng ta nhượng bộ quan điểm tiêu cực và phán đoán vấn đề một cách hời hợt, chúng ta có nguy cơ gửi thông điệp sai, như thể những lời chỉ trích việc thế tục hóa về phía chúng ta ngụy trang niềm luyến tiếc một thế giới thánh thiêng hóa, một xã hội đã qua, trong đó Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội có quyền lực lớn hơn và thích đáng đối với xã hội. Và đó là một cách nhìn sự vật sai lầm.

Thay vào đó, như một trong những học giả vĩ đại của thời đại chúng ta đã nhận xét, đối với các Kitô hữu chúng ta, vấn đề thực sự của thế tục hóa không nên là sự thích đáng về xã hội của Giáo hội bị giảm đi hay sự mất mát của cải và các đặc ân vật chất. Đúng hơn, thế tục hóa đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về các thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách trong đó con người suy nghĩ và tổ chức cuộc sống của họ. Nếu chúng ta xem xét khía cạnh này của câu hỏi, chúng ta nhận ra rằng điều đang gặp khủng hoảng không phải là đức tin, mà là một số hình thức và cách thức chúng ta trình bày nó. Do đó, thế tục hóa là một thách thức đối với trí tưởng tượng mục vụ của chúng ta, nó là “một cơ hội để tái cấu trúc đời sống thiêng liêng dưới những hình thức mới và vì những cách thức hiện hữu mới” (C. TAYLOR, A Secular Age, Cambridge 2007, 437). Theo cách này, một cái nhìn biện phân, trong khi thừa nhận những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong việc truyền đạt niềm vui đức tin, thúc đẩy chúng ta phát triển một niềm đam mê mới cho việc phúc âm hóa, tìm kiếm những ngôn ngữ và hình thức diễn đạt mới, thay đổi một số ưu tiên mục vụ nào đó và tập chú vào các yếu tố chủ yếu.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng cần được công bố nếu chúng ta muốn thông truyền niềm vui đức tin cho những người nam và người nữ ngày nay. Tuy nhiên, việc công bố này chủ yếu không phải là vấn đề bằng lời nói, mà là vấn đề nhân chứng đầy tình yêu thương nhưng không, vì đây là cách Thiên Chúa ở với chúng ta. Lời công bố nên lên khuôn trong lối sống bản thân và giáo hội có thể khơi dậy lòng khao khát Chúa, truyền dẫn hy vọng và chiếu tỏa sự tin cậy và khả tín tính. Ở đây, trong tinh thần huynh đệ, cho phép tôi gợi ý ba thách đố có thể định hình việc cầu nguyện và phục vụ mục vụ của anh chị em.

Thách đố đầu tiên là làm cho Chúa Giêsu được biết đến. Trong những sa mạc thiêng liêng của thời đại chúng ta, được chủ nghĩa thế tục và sự thờ ơ tạo ra, chúng ta cần trở lại lời công bố thuở đầu. Chúng ta không thể giả thiết truyền đạt niềm vui đức tin bằng cách trình bày những khía cạnh thứ yếu cho những người chưa đón nhận Chúa trong đời sống họ, hoặc đơn giản lặp lại những thực hành nào đó hoặc sao chép những hình thức mục vụ cũ hơn. Chúng ta phải tìm những cách mới để loan báo trọng tâm của Tin Mừng cho những người chưa gặp gỡ Chúa Kitô. Điều này đòi hỏi một sự sáng tạo mục vụ có khả năng tiếp cận mọi người ngay nơi họ đang sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ. Chúng ta cần trở lại với sự đơn sơ và nhiệt thành của thời Tông đồ Công vụ, với vẻ đẹp của việc nhận ra rằng ngày nay chúng ta là công cụ sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, để loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải đáng được tin cậy. Đây là thách đố thứ hai: làm chứng. Tin Mừng được rao giảng một cách hữu hiệu khi chính cuộc sống nói lên và cho thấy sự tự do làm cho người khác được tự do, lòng cảm thương không đòi điều gì được đáp trả, lòng thương xót thầm lặng nói về Chúa Kitô. Giáo hội ở Canada đã khởi hành trên một con đường mới, sau khi bị tổn thương và tàn phá bởi cái ác do một số con trai và con gái của mình gây ra. Tôi đặc biệt nghĩ tới việc lạm dụng tình dục các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, những vụ tai tiếng đòi hỏi hành động kiên quyết và cam kết không thể thay đổi. Cùng với anh chị em, một lần nữa tôi muốn xin sự tha thứ của mọi nạn nhân. Nỗi đau và sự xấu hổ mà chúng ta cảm thấy phải trở thành một cơ hội để hoán cải: không bao giờ nữa! Và nhờ suy nghĩ về diễn trình hàn gắn và hòa giải với các anh chị em bản địa của chúng ta, không bao giờ cộng đồng Kitô hữu có thể để cho mình bị lây nhiễm bởi ý niệm cho rằng nền văn hóa này vượt trội hơn các nền văn hóa khác, hoặc được phép sử dụng các cách ép buộc người khác. Chúng ta hãy phục hồi lòng nhiệt thành của vị Giám mục đầu tiên của anh chị em, Thánh François de Laval, người đã chê trách những kẻ hạ thấp người bản địa bằng cách dụ họ say rượu mạnh để sau đó đánh lừa họ. Chúng ta đừng cho phép bất cứ ý thức hệ nào làm tha hóa hoặc sai lệch các phong tục và cách sống của các dân tộc chúng ta, như một phương tiện để khuất phục hoặc kiểm soát họ.

Để đánh bại văn hóa loại trừ này, chúng ta phải bắt đầu với chính mình: các giám mục và linh mục, những người không nên cảm thấy mình cao hơn anh chị em của chúng ta trong dân Chúa; những người làm công tác mục vụ, những người không nên hiểu phục vụ như quyền hành. Đây là chỗ chúng ta phải bắt đầu. Anh chị em là những nhân vật chủ chốt và những người xây dựng một Giáo hội khác: khiêm tốn, nhu mì, thương xót, một Giáo Hội đồng hành với các diễn trình, lao động một cách dứt khoát và thanh thản để phục vụ việc hội nhập văn hóa, và biểu lộ sự tôn trọng đối với mỗi cá nhân và mọi sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy cung cấp chứng tá này!

Cuối cùng là thách đố thứ ba: tình huynh đệ. Giáo hội sẽ là nhân chứng đáng tin cậy cho Tin Mừng khi các chi thể càng hiện thân sự hiệp thông, tạo cơ hội và tình huống giúp tất cả những ai tiếp cận đức tin gặp gỡ được một cộng đồng chào đón, một cộng đồng có khả năng lắng nghe, bước vào đối thoại và cổ vũ các mối liên hệ có phẩm chất tốt. Đó là điều mà Thánh François de Laval đã nói với các nhà truyền giáo: “Thường thì một lời nói cay đắng, một cử chỉ thiếu kiên nhẫn, một cái nhìn khó chịu sẽ phá hủy ngay lập tức những gì đã mất nhiều thời gian để hoàn thành” (Hướng dẫn cho các nhà truyền giáo, 1668).

Chúng ta đang nói về việc sống trong một cộng đồng Kitô giáo, theo cách này, trở thành một trường dạy nhân tính, nơi tất cả mọi người có thể học cách yêu thương nhau như anh chị em, sẵn sàng làm việc cùng nhau vì lợi ích chung. Thật vậy, trọng tâm của việc rao giảng Tin Mừng là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu này biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng hiệp thông với mọi người và phục vụ mọi người. Như một nhà thần học người Canada đã viết: “Tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ứ tràn qua tình yêu... Đó là thứ tình yêu đã thúc đẩy Người Samaritanô nhân hậu dừng lại và chăm sóc du khách bị bọn trộm tấn công. Đó là thứ tình yêu không có biên giới, tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa... và vương quốc này là phổ quát” (B. LONERGAN, 'Tương lai của Kitô giáo', trong Bộ sưu tập thứ hai: Bài viết của Bernard F.J. Lonergan, S.J., London 1974, 154). Giáo hội được mời gọi hiện thân cho tình yêu không biên giới này, thể hiện ước mơ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại: cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta làm thế nào khi nói đến tình huynh đệ thực tế giữa chúng ta? Các giám mục giữa các ngài và với các linh mục của các ngài, các linh mục giữa các ngài và với Dân Thiên Chúa. Chúng ta là anh em, hay là đối thủ cạnh tranh chia thành các bên? Và còn các mối liên hệ của chúng ta với những người không phải là “của riêng chúng ta”, với những người không tin, với những người có truyền thống và phong tục khác nhau thì sao? Đây là cách: xây dựng mối liên hệ huynh đệ với mọi người, với anh chị em bản xứ, với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa được phản chiếu trên từng khuôn mặt của họ.

Đây chỉ là một vài thách thức. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta chỉ có thể thỏa mãn chúng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh thần, Đấng mà chúng ta phải luôn cầu khẩn trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng để tinh thần duy thế tục xâm nhập vào giữa chúng ta, vì nghĩ rằng chúng ta có thể tạo ra các kế hoạch hoạt động một cách tự động, và chỉ bằng nỗ lực của con người, ngoài Thiên Chúa. Và, xin anh chị em vui lòng, chúng ta đừng khép kín mình bằng cách "nhìn trở lui", nhưng hãy tiến về phía trước với niềm vui!

Chúng ta hãy đem vào thực hành các lời lẽ sau đây mà bây giờ chúng ta thưa với Thánh François de Laval:

Ngài là một người vì người khác, người đi thăm người bệnh, mặc quần áo cho người nghèo, bảo vệ phẩm giá của các dân tộc nguyên thủy, ủng hộ những nỗ lực vất vả của những nhà truyền giáo, sẵn sàng vươn tay ra với những người nghèo nàn hơn ngài.

Đã bao nhiêu lần dự án của ngài bị thất vọng!

Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, ngài lại lấy lại chúng.

Ngài đã hiểu rằng Thiên Chúa không xây bằng đá, và trong vùng đất chán nản này, cần có một người xây dựng hy vọng.

Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm, và tôi chúc lành cho anh chị em từ trái tim tôi. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.