1. Một linh mục viết thư cho Đức Giáo Hoàng: “Chúng con không có chỗ đứng trong Giáo hội sao?”
Đầu năm nay, một linh mục người Á Căn Đình đang đấu tranh để hiểu về việc Vatican đóng cửa một trong những chủng viện hàng đầu của đất nước đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô để tìm kiếm câu trả lời.
Vị linh mục, khẳng định mình và các anh em khác luôn giữ lòng trung thành đối với Công đồng Vatican II, cũng như lòng sùng kính của họ đối với các bí tích, đời sống thiêng liêng và các bệnh nhân, hỏi xem liệu việc đọc theo nghĩa đen các tài liệu của Công đồng Vatican II có phải là quá cứng nhắc hay không.
“Sự cứng nhắc này có tệ không? Nó có phải là ý thức hệ không? Ngày nay chúng con không có chỗ đứng trong Giáo hội sao?” vị linh mục hỏi.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư lại cho ngài.
“Trong lá thư của con, con chỉ ra với ta rằng họ đã hiểu Công đồng Vatican II theo đúng nghĩa đen và ngay sau đó con hỏi ta rằng liệu sự cứng nhắc như thế có phải là xấu không,” Đức Giáo Hoàng viết.
“Con trai yêu dấu, sự cứng rắn không phải là món quà từ Chúa, hiền lành có, nhân từ có, vị tha có, tha thứ có, nhưng cứng nhắc thì không!”
Cuộc trao đổi thẳng thắn - được viết trong các bức thư do ACI Prensa, hãng thông tấn chị em bằng tiếng Tây Ban Nha của CNA - làm sáng tỏ về việc Vatican đóng cửa Chủng viện Thánh Mẫu của Thiên Chúa gây tranh cãi vào tháng 11 năm 2020, và kết quả là căng thẳng vẫn gây ra cho Giáo phận Á Căn Đình San Rafael.
Hôm thứ Bảy 12 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Eduardo María Taussig, Giám Mục của San Rafael.
Quyết định ngày 5 tháng 2 được đưa ra một năm rưỡi sau khi Vatican đóng cửa chủng viện giáo phận San Rafael. Đức Cha Taussig năm nay mới 67 tuổi.
Đức Cha Carlos María Domínguez, Giám Mục Phụ Tá của San Juan de Cuyo, hiện được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa của San Rafael.
Trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tuần báo giáo phận De Buena Fe, phát ngôn viên của Giáo phận San Rafael, là cha José Antonio Alvarez, nói rằng “công chúng biết rằng giáo phận đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến việc đóng cửa chủng viện địa phương”.
“Tình hình đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng vẫn chưa hoàn toàn. Đức Cha Taussig, ngay từ giây phút đầu tiên, đã đặt chức vụ của mình dưới quyền của Đức Giáo Hoàng”.
“Trong quá trình hai năm qua, ngài đã nhắc lại nó một vài lần và cuối cùng đã xác nhận lại nó bằng văn bản vào những tháng cuối năm 2021. Từ thời điểm đó, Đức Thánh Cha bắt đầu chuẩn bị quá trình chuyển đổi và cuối cùng hôm nay ngài đã truyền đạt những gì chúng ta biết.”
Đức Cha Taussig được phong chức linh mục của Tổng giáo phận Buenos Aires vào năm 1982, và ngài được bổ nhiệm làm Giám mục của San Rafael vào năm 2004.
Kể từ giữa năm 2020, căng thẳng đã tăng cao giữa Giáo phận San Rafael và một nhóm tín hữu đáng kể.
Vào tháng 6 năm 2020, khi thông báo về việc ngừng thờ phượng nơi công cộng do đại dịch COVID-19, Đức Cha Taussig truyền rằng chỉ có thể rước lễ khi đứng và cầm trên tay, chứ không được quỳ và rước lễ trên lưỡi.
Một số lớn các linh mục ở San Rafael đã không tuân thủ các chỉ thị về việc cho Rước lễ trên tay, trong số đó có nhiều chủng sinh cũ của chủng viện, được một số người cho là đứng sau việc các linh mục miễn cưỡng tuân thủ yêu cầu Rước lễ trên tay.
Bên cạnh những rắc rối mà điều này gây ra giữa giáo dân và các linh mục của giáo phận, quyết định của Giám mục Taussig cũng gây ra căng thẳng trong nội bộ chủng viện của giáo phận.
Đức Cha San Rafael thông báo ngày 27 tháng 7 năm 2020 theo lệnh của Bộ Giáo sĩ rằng Chủng viện Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa sẽ đóng cửa vào cuối năm và các chủng sinh sẽ được chuyển đến các chủng viện khác của giáo phận.
Vị giám mục cho biết “quyết định đóng cửa chủng viện đã làm tôi vô cùng thất vọng và khiến tôi rất ngạc nhiên, nhưng đó là chỉ thị trực tiếp từ Tòa Thánh.”
Đức Cha Taussig giải thích rằng Bộ Giáo sĩ thông báo với ngài rằng do rắc rối mà chủng viện phải thay hiệu trưởng đến bảy người trong 15 năm qua - dường như không đáng để tiếp tục mở chủng viện”.
Chủng viện San Rafael là một trong những chủng viện thành công nhất ở Á Căn Đình và ở khắp Châu Mỹ Latinh, với một số lượng lớn các ơn gọi.
Sau cuộc triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vào cuối tháng 10 năm 2020, Đức Cha Taussig nói rằng quyết định đóng cửa chủng viện của Vatican “miễn bàn cãi”.
Một số giáo dân trong giáo phận đã tổ chức các cuộc biểu tình khác nhau và yêu cầu mọi người lần chuỗi Mân Côi trước các văn phòng của giáo phận. Nhiều đoàn xe ô tô đi qua các đường phố ở các thành phố trong giáo phận Á Căn Đình để phản đối quyết định này.
Vào tháng 12 năm 2021, chỉ hơn một năm sau khi đóng cửa Chủng viện Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, giáo phận đã thông báo về việc tái phân bổ các chủng sinh đã được đào tạo ở đó, và nói rằng một nhóm 12 người đã được chuyển đến “bốn chủng viện trong nhiều giáo phận ở Á Căn Đình, mà không tiết lộ có bao nhiêu quyết định từ bỏ việc đào tạo linh mục sau những tranh cãi.
Source:Catholic News Agency
2. Tiền thuế Giáo Hội Công Giáo tại Đức thu được vẫn gia tăng dù số tín hữu giảm sút
Mặc dù số tín hữu giảm sút, trong năm ngoái (2021) Giáo Hội Công Giáo tại Đức đã thu được số tiền thuế Giáo hội là 6 tỷ 730 triệu Euro, cao thứ hai từ trước đến nay.
Theo thông cáo của Hội đồng Giám mục Đức công bố hôm 26 tháng Bảy vừa qua, số thuế vừa nói cao hơn 28 triệu so với năm 2020 trước đó. Trước đại dịch năm 2019, số thuế Giáo Hội Công Giáo Đức thu được là 6 tỷ 760 triệu Euro.
Năm ngoái, 20 Giáo hội Tin lành tại Đức thu được tổng cộng 6 tỷ Euro, tức là ít hơn Công Giáo 730 triệu Euro.
Theo thống kê công bố hồi cuối tháng Sáu năm nay, có gần 360.000 (359.338) tín hữu Công Giáo, thuộc 27 giáo phận, làm đơn xin ra khỏi Giáo hội trong năm ngoái (2021), và do đó Công Giáo Đức còn 21 triệu 640.000 tín hữu, so với 19 triệu 720.000 người theo Tin lành. Trong năm ngoái, có 280.000 tín hữu xin ra khỏi 20 Giáo hội Tin lành tại Đức.
Với những con số trên đây của năm ngoái, lần đầu tiên hai Giáo Hội Công Giáo và Tin lành tại Đức có tổng số tín hữu xuống dưới 50% dân số tại nước này.
3. Tổng Giám Mục Anh Giáo kêu gọi “Hãy nhìn ra bên ngoài” trước tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng
Đức Tổng Giám Mục Canterbury kêu gọi các giám mục Anh giáo “nhìn ra bên ngoài” trong một bài phát biểu trước Hội đồng Lambeth hôm 29 tháng 7, sau một tuần tranh cãi gay gắt.
Đức Tổng Giám Mục Justin Welby nói với hội nghị tại Đại học Kent, Canterbury, rằng “những phiền nhiễu và thực tế của thế giới sa ngã của chúng ta - những nỗi sợ hãi, lo lắng, áp lực và gánh nặng mà chúng ta mang theo” đe dọa che lấp “tình yêu vĩ đại và được trao ban nhưng không từ Thiên Chúa”.
Ngài đã đưa ra nhận xét trên trong một bài phát biểu lên án một hệ thống kinh tế toàn cầu, trong đó “người giàu có quyền lựa chọn, người nghèo phải gánh chịu hậu quả”.
Điều này theo sau một khởi đầu đầy sóng gió cho hội nghị đầu tiên kể từ năm 2008, trong bối cảnh tranh chấp về giáo huấn của Anh giáo liên quan đến hôn nhân đồng tính. Những điều này tập trung vào “lời kêu gọi đến phẩm giá con người” được công bố vào tuần trước như là một trong mười tuyên bố dự thảo để các giám mục thảo luận, trong đó khẳng định rằng “tâm thức của Hiệp thông Anh giáo nói chung là không công nhận cái gọi là hôn nhân cùng giới tính”.
Sau khi bị phản đối, nhóm soạn thảo đã loại bỏ tuyên bố này. Thay vào đó, tài liệu sửa đổi, được công bố vào thứ Ba ngày 26 tháng 7, lưu ý rằng “nhiều tỉnh Anh Giáo tiếp tục khẳng định rằng hôn nhân đồng giới là không được phép”, trong khi những tỉnh khác “đã chúc phúc và hoan nghênh các kết hợp đồng giới sau khi suy xét thần học cẩn thận”.
Các nhà tổ chức của hội nghị đã nhấn mạnh các vấn đề khác đang được thảo luận, bao gồm việc quan tâm đến môi trường và việc tái cấu trúc Khối Hiệp Thông Anh giáo. Lời kêu gọi về phẩm giá con người bao gồm những bình luận quan trọng về di sản của chủ nghĩa thực dân. Đức Tổng Giám Mục Welby nói với một buổi tiếp tân hôm thứ Năm rằng ngài “không muốn dành cả tuần để nói về tình dục”.
Tuy nhiên, chủ đề đã được chứng minh là khó tránh khỏi. Lá cờ LGBTQ đã được tung bay từ các tòa nhà của Đại học Kent khi các giám mục đến vào thứ Ba và thứ Tư, và ít nhất một chục giám mục từ Hoa Kỳ, nơi cho phép hôn nhân đồng tính, đã tham gia một cuộc tuần hành hàng trăm người khắp khuôn viên được sắp xếp bởi mạng lưới nhân viên LGBTQ của trường đại học.
Hôm nay, có báo cáo rằng một số giám mục đã không rước lễ trong một buổi cử hành Thánh Thể buổi sáng với lý do họ “không hiệp thông” với những người khác hiện diện.
Các giám mục Nigeria, Rwanda và Uganda đã từ chối tham dự hội nghị với lý do tương tự.
Phản ứng trước tin này, Đức Tổng Giám Mục của Cape Town, Thabo Makgoba, chủ tịch nhóm thiết kế của hội nghị, nói rằng các giám mục nên cố gắng “cùng nhau tiến bước đến mức độ tối đa có thể”.
Source:The Tablet