KHIÊM NHƯỢNG VÀ NIỀM TIN SẼ KÉO XUỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT
“Này cô, cô có lòng mạnh tin. Cô muốn sao thì được vậy!”.

Andrew Murray nói, “Khiêm nhượng là sự tĩnh lặng hoàn hảo của trái tim; là ngôi nhà phước hạnh trong Chúa, nơi tôi có thể đi vào, đóng cửa và quỳ lạy Cha tôi trong kín ẩn; và linh hồn được bình an như biển sâu êm đềm khi bên trên là bão tố. Ở đó, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nơi ‘ngôi nhà Giêsu’, người mẹ khốn khổ của Tin Mừng hôm nay “đã đi vào, đóng cửa và quỳ lạy!”. Nhưng đây cũng là một trong những trình thuật gây sốc của toàn bộ Tin Mừng! Một phụ nữ ngoại giáo cùng đường đến xin Chúa Giêsu một ân huệ, và cô lại nhận được một quả đắng! Thế mà, chẳng có quả đắng nào ở đây cả! Qua người phụ nữ này, Chúa Giêsu chỉ muốn tiết lộ một bí quyết, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Ngài!

“Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó!”. Chúa Giêsu có thực sự ngụ ý việc cứu giúp người mẹ này tựa hồ việc ném thức ăn cho một con chó? Không đâu! Hầu hết chúng ta cảm thấy xúc phạm với những gì Ngài nói; thế mà những gì Ngài nói là sự thật và không thô lậu dưới bất kỳ hình thức nào! Ngài không thể thô lậu; tuy bề ngoài, câu nói của Ngài có vẻ thô lậu! Về căn bản, Chúa Giêsu muốn nói, cô không xứng đáng với ân huệ này. Và đó là sự thật! Dẫu đây là một cách nói gây sốc, nhưng bằng cách này, lần đầu tiên, Ngài cho biết một sự thật về tình trạng tội lỗi và sự không xứng đáng của bất cứ ai trước ân huệ của Thiên Chúa; và người phụ nữ này, đại diện cho cả nhân loại, xác nhận điều đó!

Thứ hai, câu trả lời ‘muối mặt’ của Chúa Giêsu cho phép người phụ nữ này phản ứng với sự khiêm tốn và đức tin đến mức cao nhất. Sự khiêm tốn của cô thể hiện ở chỗ, cô không phủ nhận việc mình ‘được’ sánh với một con vật dưới gầm bàn; thay vào đó, cô khiêm tốn chỉ ra rằng, ngay cả những cún con cũng được phép lượm những đồ thừa từ bàn rơi xuống. Ôi, đích thực đây mới là khiêm nhượng! Trên thực tế, chúng ta có thể đoan chắc, Chúa Giêsu đã nói với cô ấy một cách nghiệt ngã, bởi Ngài biết cô khiêm tốn như thế nào; và Ngài biết, cô sẽ phản ứng bằng việc để cho sự khiêm nhường toả sáng hầu đức tin của cô được thể hiện; và Ngài biết, rồi đây, từ con người này, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Thiên Chúa. Cô không bị xúc phạm bởi sự thật về sự không xứng đáng; đúng hơn, cô đã đón nhận sự thật đó và tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa, bất chấp sự bất xứng của mình.

Sự khiêm nhường có khả năng giải phóng đức tin, đức tin lại giải phóng lòng thương xót và mở ra quyền năng của Thiên Chúa. Cuối cùng, đức tin của cô đã tỏ bày và Chúa Giêsu đã nắm bắt cơ hội để tôn vinh cô vì đức tin hạ mình thẳm sâu đó, “Này cô, cô có lòng mạnh tin. Cô muốn sao thì được vậy!”. Quả thế, ‘khiêm nhượng và niềm tin đã kéo xuống lòng thương xót’ Chúa.

Bài đọc Giêrêmia cũng cho thấy, chính đức tin và lòng khiêm nhượng của dân Chúa đã làm một điều tương tự. Dân nhìn nhận sự bất trung, phản nghịch Chúa; họ kêu cầu, và Ngài đã xót thương, “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương và dắt ngươi lên”. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên”.

Anh Chị em,

Hôm nay, bạn và tôi, chúng ta hãy suy gẫm về sự khiêm nhường của mình trước mặt Chúa. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào nếu Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng những lời đã nói với người phụ nữ? Bạn có đủ khiêm tốn để thừa nhận sự không xứng đáng của mình không? Nếu vậy, bạn có đủ đức tin để kêu lên lòng thương xót Chúa dù bạn không xứng đáng? Khiêm nhường và đức tin đi đôi với nhau; chúng có khả năng giải phóng lòng thương xót! Nói cách khác, ‘khiêm nhượng và niềm tin sẽ kéo xuống lòng thương xót’ của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước bao ân huệ Chúa, con thật bất xứng; nhưng xin giúp con can đảm đi vào ngôi nhà Giêsu mỗi ngày, “đóng cửa và quỳ lạy”, hầu con cũng được chính Ngài xót thương!”, Amen.

(Tgp. Huế)