1. Vụ nổ nhà thờ Hồi giáo ở Afghanistan giết chết 18 người, bao gồm cả giáo sĩ ủng hộ Taliban
Một vụ nổ xé nát một nhà thờ Hồi giáo đông đúc ở miền tây Afghanistan đã xảy ra vào hôm thứ Sáu, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, bao gồm một giáo sĩ nổi tiếng thân cận với Taliban, các quan chức Taliban và một viên chức y tế địa phương cho biết. Ít nhất 23 người bị thương.
Video từ hiện trường cho thấy: Vụ nổ ở thành phố Herat khiến sân của Nhà thờ Hồi giáo Guzargah ngổn ngang xác người, mặt đất bê bết máu,. Những người đàn ông hét lên, “Chúa vĩ đại”, trong cơn sốc và kinh hoàng.
Quả bom đã nổ trong buổi cầu nguyện trưa thứ Sáu, khi các nhà thờ Hồi giáo đầy người thờ phượng.
Trong số những người thiệt mạng có Mujib-ul Rahman Ansari, một giáo sĩ nổi tiếng trên khắp Afghanistan vì những lời chỉ trích của ông đối với các chính phủ được phương Tây hậu thuẫn trong hai thập kỷ qua. Ansari được coi là thân cận với Taliban, kẻ đã giành quyền kiểm soát Afghanistan một năm trước khi các lực lượng nước ngoài rút đi.
Phát ngôn nhân chính của Taliban, Zabihullah Mujahid, xác nhận cái chết của giáo sĩ này. Ngay trước khi xảy ra vụ đánh bom, Ansari đã gặp gỡ ở một khu vực khác của thành phố với phó thủ tướng của chính phủ Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, người đang có chuyến thăm tới Herat. Ansari đã vội vã từ cuộc họp đến nhà thờ Hồi giáo để đến chủ trì buổi cầu nguyện buổi trưa, một phụ tá của Baradar cho biết trong một tweet thương tiếc giáo sĩ.
Source:AP
2. Đức Giáo Hoàng giải tán hàng lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta, ban hành hiến pháp mới
Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải tán hàng lãnh đạo của dòng Hiệp sĩ Malta, là một Dòng Tu và một nhóm nhân đạo Công Giáo toàn cầu, đồng thời thành lập một hàng lãnh đạo lâm thời trước cuộc bầu cử một nhà lãnh đạo mới.
Sự thay đổi, mà Đức Giáo Hoàng ban hành trong một sắc lệnh, diễn ra sau 5 năm tranh luận gay gắt trong nhà dòng và giữa một số thành viên hàng đầu của hàng lãnh đạo cũ và Vatican về một hiến pháp mới mà một số người lo ngại sẽ làm suy yếu chủ quyền của nhà dòng.
Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Thánh Địa Giêrusalem. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.
Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.
Nhà Dòng hiện có ngân sách nhiều triệu đô la, 13.500 thành viên, 95.000 tình nguyện viên và 52.000 nhân viên y tế đang điều hành các trại tị nạn, trung tâm điều trị ma túy, các chương trình cứu trợ thảm họa và phòng khám trên khắp thế giới.
Nhà Dòng đã rất tích cực trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và các nạn nhân chiến tranh.
Nhà Dòng không có lãnh thổ thực sự ngoài cung điện và các văn phòng ở Rome và pháo đài ở Malta, nhưng được công nhận là một thực thể có chủ quyền với hộ chiếu và biển số xe riêng.
Nhà Dòng có quan hệ ngoại giao với 110 quốc gia và quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, cho phép hoạt động như một bên trung lập trong các nỗ lực cứu trợ ở các vùng chiến sự.
Ngay khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, Dòng Malta đã cung cấp ngay cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.
Source:Reuters
3. Tổng Giáo Phận Chicago không đi đúng hướng đồng nghị
Linh mục Louis J. Cameli, đặc trách phối hợp diễn trình tham khảo “đồng nghị” của tổng giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, trên tạp chí America ngày 18 tháng 8, cho hay: ngài đã xem xét tất cả các câu trả lời về Thượng hội đồng của giáo phận ngài và ngài khám phá ra ba thiếu sót hết sức căn bản đối với diễn trình này. Theo ngài giải quyết được 3 thiếu sót này sẽ là bước tiến tới cho cả Giáo Hội. Vì ngài nhận định chúng ta có nhiệm vụ đào tạo to lớn giúp Giáo Hội khôi phục thực tại của mình như dân Chúa đang cùng nhau lữ hành, bén rễ sâu vào Tin Mừng và được linh hứng đem Tin Mừng vào thế gian.
Ba thiếu sót đó là:
Một thao tác cầu nguyện
Trong cuộc tham khảo của chúng tôi, hầu hết mọi người đã không hiểu chính xác hoặc đầy đủ về con đường đồng nghị như Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày. Đối với rất nhiều người trả lời, cuộc tham khảo về Thượng hội đồng là về việc hình dung ra mọi sự hoặc chia sẻ ý kiến cá nhân về cách mọi sự phải nên như thế nào, hoặc một số hình thức lập kế hoạch dựa trên nhu cầu. Niềm hy vọng của Đức Thánh Cha đối với tiến trình thượng hội đồng đã sắp xếp mọi sự một cách rất khác.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi sự về con đường đồng nghị đều bắt đầu trong việc cầu nguyện. Từ việc cầu nguyện của họ, các tín hữu gặp gỡ nhau. Trong những cuộc gặp gỡ của họ, họ được triệu tập để lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Và cuối cùng, khi lắng nghe, họ khám phá ra Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy họ di chuyển tới đâu. Các yếu tố thiết yếu là cầu nguyện, gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Diễn trình này phản ảnh rõ ràng cách thức Giáo Hội sơ khai hội họp và tự tổ chức, như chúng ta biết từ Tông đồ Công vụ, và những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời sống Giáo Hội trong suốt lịch sử của mình.
Nhưng bằng nhiều cách, tiến trình đồng nghị từng ăn sâu vào lịch sử của chúng ta cũng đã trở nên xa lạ đối với chúng ta. Lực hấp dẫn dường như hướng đến việc tự hình dung ra mọi sự, chia sẻ ý kiến hoặc lập kế hoạch dựa trên nhu cầu. Rõ ràng, nhiệm vụ đào tạo là giúp Giáo Hội phục hồi tinh thần đồng nghị từng đánh dấu những buổi đầu sớm nhất và những khoảnh khắc đẹp nhất của Giáo Hội.
Từ Giáo Hội, chứ không phải là với Giáo Hội
Khi nghiên cứu các câu trả lời về Thượng hội đồng, cha Cameli cũng phát hiện ra một điều bất thường khác mà việc đào tạo tính đồng nghị trong tương lai sẽ cần phải giải quyết. Khi người ta đưa ra nhận xét của họ một cách chân thành thực sự và, đôi khi, với niềm đam mê lớn, cách nói của họ khiến cha phải dừng lại. Tại một thời điểm nào đó, cha nhận ra rằng rất nhiều người trả lời nói với Giáo Hội nhiều hơn là nói từ Giáo Hội. Nói cách khác, họ nhận định về Giáo Hội như thể nó là một đối tượng ở bên ngoài họ.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến. Chúng ta là chủ thể, là tác nhân và - theo lời ngài - là nhân vật chính trong diễn trình này. Nói cách khác, chúng ta là Giáo Hội. Và trong bối cảnh đồng nghị, chúng ta nói từ Giáo Hội. Tất cả những điều này có ý nghĩa nhiều hơn là việc phân biệt các giới từ. Từ góc độ đào tạo, nó liên quan đến việc trau dồi một cách cẩn thận cảm thức đồng nhất nội tại với Giáo Hội.
Hướng ngoại
Sự thiếu sót thứ ba và cuối cùng mà Cha Cameli tìm thấy trong các câu trả lời là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một Giáo Hội thu mình vào bên trong” [ecclesial introversion] chỉ tập chú vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội và việc tổ chức cơ cấu-thể chế của nó. Toàn bộ trọng điểm của tính đồng nghị là “cùng nhau lên đường” đi vào sứ mệnh, ra bên ngoài chính chúng ta. Quá nhiều nhận định trong các câu trả lời nói về những đề nghị thay đổi đời sống Giáo Hội hoặc chính xác hơn bên trong đời sống Giáo Hội. Cảm thức về sứ mệnh đi ra bên ngoài nói chung khá mờ nhạt. Việc đào tạo cho sứ mệnh, một cảm thức ngày càng mở rộng về mục đích của chúng ta trong thế giới, cần phải bén rễ trong các cộng đồng đức tin của chúng ta.
Sau khi xem xét ba hướng đi trên cho việc đào tạo tính đồng nghị — tìm lại động lực thực sự của tính đồng nghị, lấy lại tính tác nhân của chúng ta trong Giáo Hội và làm sống lại cảm thức về sứ mệnh đi ra ngoài — cha Cameli cũng nhận ra rằng chính những hướng đi này cũng áp dụng theo cách riêng của chúng vào việc phục hưng thánh thể mà chúng ta hy vọng sẽ cổ vũ tại Hoa Kỳ. Phong trào cầu nguyện-gặp gỡ-lắng nghe-phân định xảy ra khi chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong Lời Chúa và Bí tích. Cảm thức là chủ thể và tác nhân tích cực của Giáo Hội là chìa khóa để tham gia đầy đủ và tích cực vào các mầu nhiệm bí tích. Ý thức về sứ mệnh trong bối cảnh phụng vụ là lời kêu gọi thiên niên hòa nhập việc thờ phượng và đời sống ở bên ngoài đền thờ. Như thế, việc đào tạo đồng nghị chính là việc đào tạo thánh thể; mặc dù cần nhiều suy ngẫm hơn để tìm ra phương thức tích hợp này.
Như thế, tất cả những điều này dẫn chúng ta đến đâu? Sau khi nghiên cứu các câu trả lời về Thượng Hội Đồng và suy gẫm về chúng, Cha Cameli thấy rõ hơn nhu cầu của dân Chúa đối với việc đào tạo tính đồng nghị. Cha nhận ra rằng việc đào tạo đồng nghị cũng có thể phục hồi mạnh mẽ trong việc phục hưng Thánh Thể đang rất được mong đợi. Tất cả điều này rất rõ ràng. Điều chưa rõ ràng là làm thế nào để thúc đẩy chính xác việc đào tạo tính đồng nghị.
Rõ ràng, không thể giản lược nó thành những lời huấn giáo từ bục giảng, các chương trình làm sẵn hoặc một loạt các tài liệu viết. Nếu phải diễn ra kiểu đào tạo này, Cha Cameli cho rằng nó phải là một loại lên men lấy cảm hứng từ Tin Mừng. Một số người sẽ hiểu được trọng điểm của tính đồng nghị và cách nó bộc lộ một cách xác thực. Họ có thể là số ít, nhưng họ đã ở giữa chúng ta. Họ cần được khuyến khích để hỗ trợ lẫn nhau và làm sâu sắc thêm cảm thức của họ về Giáo Hội. Ở một thời điểm nào đó, họ sẽ đạt tới một khối lượng có tính quyết định và sau đó có thể mở rộng năng lực và xác tín của họ cho người khác.
Thực vậy, sự đào tạo đang phát triển và khai diễn này mô phỏng buổi khởi đầu của Giáo Hội như được ghi lại trong Tông đồ Công vụ. Sách Thánh này nói với chúng ta rằng điều đó có thể xảy ra hôm nay, vì nó đã xảy ra trước đây. Đó thực sự là một tin mừng. Nó cũng gợi ý rằng lời hứa của Công đồng Vatican II về một Lễ Hiện xuống mới có thể nằm trong tầm tay.