1. Giáo Hội và Hồng Y Đoàn, một quả bóng thử nghiệm trước một mật nghị có thể xảy ra
Theo chuyên gia người Á Căn Đình về Vatican, Elisabetta Piqué, sau công nghị tấn phong 20 Hồng Y, hai ngày họp về hiến pháp tại Giáo triều Rôma thực sự được dùng để thảo luận về “nhiều vấn đề khác”. Bà coi đó là “một cơ hội phi thường, đặc biệt là sau đại dịch, cho các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ để thảo luận về những thách thức hiện tại của Giáo hội, những mối quan tâm của Giáo hội, và tình hình phức tạp và quan trọng của thế giới, nhưng trên hết là tìm hiểu nhau một cách trực tiếp”. Và các ngài làm điều này “chắc chắn với ý thức rằng trong số các ngài, một người có thể sẽ là người kế vị Đức Phanxicô.”
Đức Giáo Hoàng đã hoàn thành việc định hình mật nghị tiếp theo “Trong số 132 Hồng Y cử tri hiện tại từ 69 quốc gia, 83 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong, gần 2/3 số Hồng Y sẽ vào Nhà nguyện Sistina trong tương lai để bầu người kế nhiệm ngài, sau khi ngài từ chức hoặc qua đời”. Đức Phanxicô cũng đã quốc tế hóa Hồng Y Đoàn hơn bao giờ hết: các nước phía Bắc đã mất ảnh hưởng và các nước phía Nam, “những nước ở ngoại vi,” đã giành được vị thế đó. Trong số 132 đại cử tri, 53 cử tri đến từ Âu Châu, 38 đại cử tri đến từ Mỹ Châu, 21 cử tri đến từ Á Châu, 17 cử tri đến từ Phi Châu và 3 cử tri đến từ châu Đại Dương. Đối với Elisabetta Piqué, có vẻ như vị đương kim Giáo hoàng đang chuẩn bị cho tương lai.
Tuy nhiên, mật nghị không xảy ra vào thời điểm này, bởi vì ngoài vấn đề đầu gối của mình, “cựu tổng giám mục của Buenos Aires đang làm rất tốt, minh mẫn như mọi khi, với tinh thần tốt và không phải lo lắng nữa.”
Source:La Nacion
2. Một số nhà thờ Hà Lan phải bỏ các thánh lễ do chi phí năng lượng quá cao
Các hóa đơn năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu linh mục đã khiến các giáo phận Công Giáo tại Hà Lan cắt giảm các cử hành tôn giáo ở một số nhà thờ.
Giáo phận phía nam Roermond, nơi có khoảng 290 nhà thờ ở tỉnh Limburg, đã viết thư cho các giáo xứ của mình vào tuần trước để khuyến khích một số giáo xứ nhập các Thánh lễ định kỳ lại với nhau, phát ngôn viên Matheu Bemelmans cho biết.
“Tài chính không thể là yếu tố chi phối, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua. Nếu bạn chỉ có một số ít người, mỗi người quyên góp một euro, thì điều đó không đủ để trang trải hóa đơn sưởi ấm,” Bemelmans nói.
Bemelmans nói: “Đôi khi không thể tìm thấy một linh mục để làm lễ ở mỗi nhà thờ, mỗi cuối tuần. Nếu có những nhà thờ chỉ có một vài du khách, chúng tôi muốn nói: hãy thiết thực và và bảo đảm những người ở đó có thể tham dự Thánh lễ vào một thời điểm khác hay ở một nhà thờ khác”.
Ông nói, biện pháp này ban đầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 10 đến 15 nhà thờ.
Hầu hết các hộ gia đình và công ty Hà Lan dựa vào khí đốt để sưởi ấm hoặc hoạt động kinh doanh.
Giá cả tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8, khiến lạm phát tăng lên hơn 13%, theo sau mức tăng mạnh tương tự trên khắp Âu Châu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã hoàn toàn ngừng cung cấp khí đốt cho đường ống Nord Stream 1 và viện lý do là rò rỉ dầu, Gazprom cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Nord Stream 1 - đường ống lớn nhất đưa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga đến Âu Châu qua Đức - đã được lên kế hoạch ngừng hoạt động trong ít nhất là 72 giờ để bảo trì.
Với tuyên bố mới nhất này, Gazprom cho biết nguồn cung cấp qua đường ống sẽ bị “ngừng hoàn toàn” cho đến khi các vấn đề về vận hành thiết bị được giải quyết, và không đưa ra mốc thời gian rõ ràng về thời điểm dòng chảy sẽ tiếp tục.
Trong quá trình bảo dưỡng tại trạm máy nén Portovaya của mình, Gazprom phát hiện rò rỉ dầu, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan giám sát nhà nước Nga đã đưa ra cảnh báo cho công ty và họ cũng đã gửi thư cho Siemens về việc cần phải sửa chữa tuabin..
Siemens Energy, nhà sản xuất tuabin của Đức trên đường ống Nord Stream 1, cho biết rò rỉ dầu “không phải là lý do kỹ thuật” có thể biện minh cho việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga cho phần còn lại của Âu Châu.
“Với tư cách là nhà sản xuất tuabin, chúng tôi chỉ có thể tuyên bố rằng phát hiện như vậy không phải là lý do kỹ thuật để ngừng hoạt động.” Công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Theo Siemens, những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và có thể được bịt kín tại chỗ.
“Đó là một quy trình thường xuyên trong quá trình bảo trì. Trong quá khứ, sự xuất hiện của loại rò rỉ này đã không dẫn đến việc ngừng hoạt động”.
Siemens cũng cho biết họ đã chỉ ra “vài lần” rằng có đủ số tua bin bổ sung tại trạm máy nén Portovaya để Nord Stream 1 hoạt động. Các hành động của Nga là nhằm gây khó khăn cho Liên Hiệp Âu Châu, đẩy giá năng lượng lên cao.
Source:Swiss.info
3. Đức Tổng Giám Mục chỉ trích việc chính phủ Tây Ban Nha phê duyệt dự luật phá thai
Đức Tổng Giám Mục Luis Javier Argüello Garcia của Valladolid đã chỉ trích Hội đồng Bộ trưởng Tây Ban Nha về việc phê duyệt dự luật phá thai, nhấn mạnh rằng phá thai “không bao giờ là quyền” và nội dung của dự luật “hoàn toàn là biểu hiện của một sự lèo lái xã hội theo con đường cực đoan.”
Với sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng, là cơ quan ra quyết định chính của chính phủ, dự luật sẽ được thực hiện thông qua quy trình lập pháp.
Trong một tweet ngày 30 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Argüello, tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, đã chỉ ra rằng thực tế là việc phản ánh và thông tin cho phụ nữ mang thai đã bị loại bỏ, và điều đó là đặc biệt có hại.
“Luật mới loại bỏ thông tin và suy tư như một yêu cầu không thể thiếu để đưa ra quyết định nghiêm túc về cuộc sống của người khác”, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh,và khẳng định rằng “từ chối thông tin và suy tư hoàn toàn là triệu chứng của một sự lèo lái xã hội theo con đường cực đoan”.
Nói với đài phát thanh thuộc sở hữu của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, Đức Tổng Giám Mục Argüello tuyên bố rằng đề xuất phá thai như một quyền là “khủng khiếp”, hơn thế nữa nó xảy ra trong bối cảnh mùa đông nhân khẩu học ở Tây Ban Nha.
“Trong hoàn cảnh mùa đông nhân khẩu học, nơi mà những tiến bộ của khoa học có thể nói rõ ràng rằng bên trong người phụ nữ có một cuộc sống mới, đề xuất phá thai như một quyền nhằm cố thao túng lương tâm. Đó là điều mà tôi nhận ra trong một số tình huống nhất định. Người ta cho rằng đó là một quyền bất kể giải pháp đó tiêu diệt kẻ yếu nhất. Thẳng thắn mà nói, đó là một điều gì đó khủng khiếp”.
Đức Tổng Giám Mục của Valladolid lưu ý rằng “việc áp đặt ý chí quyền lực và quyền quyết định của một người đối với một người quá mỏng manh và dễ bị tổn thương, một người đã tượng hình trong bụng mẹ” không thể được coi là tiến bộ.
Source:Catholic News Agency