Theo tin VaticanNews, lúc 10 giờ sáng Thư Tư, 14 tháng 9, Đại hội Lần thứ 7 Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống đã diễn ra tại Dinh Độc Lập ở thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với Đại hội. Sau đây là diễn từ của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến!
Tôi xin được xưng hô với các bạn một cách trực tiếp và thân thuộc như thế này, như anh chị em. Vì đó là cách tôi muốn gửi lời chào đến tất cả các bạn - các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền, các thành viên của ngoại giao đoàn và của các tổ chức quốc tế, đại diện của các định chế học thuật và văn hóa của xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ khác nhau - nhân danh tình huynh đệ vốn đoàn kết chúng ta như những đứa con của cùng một Thiên đàng.
Trước mầu nhiệm của Đấng vô hạn vốn vượt quá và thu hút chúng ta, các tôn giáo nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những tạo vật; chúng ta không phải là toàn năng, nhưng là những người đàn ông và đàn bà đang hành trình hướng tới cùng một mục tiêu trên trời. Do đó, bản chất chung của chúng ta như những tạo vật tạo ra mối dây nối kết chung, một tình huynh đệ chân chính. Nó làm cho chúng ta nhận ra rằng ý nghĩa của cuộc sống không thể bị thu hẹp vào lợi ích cá nhân của chúng ta, nhưng được liên kết sâu sắc với tình huynh đệ vốn là một phần của bản sắc chúng ta. Chúng ta chỉ trưởng thành với những người khác và nhờ những người khác. Kính thưa các nhà lãnh đạo và đại diện của các tôn giáo thế giới và truyền thống, chúng ta đang gặp gỡ tại một đất nước đã được những đoàn lữ hành vĩ đại đi qua trong nhiều thế kỷ. Ở những vùng đất này, phần lớn nhờ đường tơ lụa cổ xưa, nhiều lịch sử, ý tưởng, niềm tin và hy vọng đã giao thoa nhau. Xin cho Kazakhstan một lần nữa là miền đất gặp gỡ giữa những người đến từ phương xa. Mong sao nó mở ra một lộ trình mới, tập trung vào các mối liên hệ nhân bản: tôn trọng, đối thoại chân thành, tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người và hợp tác lẫn nhau. Một lộ trình huynh đệ, được mọi người cùng nhau bước đi hướng tới mục tiêu hòa bình.
Hôm qua tôi đã nói chuyện bằng cách sử dụng hình ảnh chiếc đàn dombra; hôm nay tôi muốn kết hợp một giọng nói với nhạc cụ đó: giọng nói của nhà thơ nổi tiếng nhất của đất nước và cha đẻ của nền văn học hiện đại, một nhà giáo dục và nhà soạn nhạc thường được miêu tả với cây đàn dombra. Abai (1845-1904), như ông được nhiều người biết đến, đã để lại cho chúng ta những tác phẩm thấm đẫm lòng sùng kính tôn giáo và phản ảnh linh hồn cao quý của dân tộc này: sự phân định hiền triết, lòng khao khát hòa bình được tìm thấy qua việc đặt câu hỏi một cách khiêm tốn và việc nó theo đuổi một sự khôn ngoan thực sự nhân ái, không bao giờ khép kín nhưng luôn cởi mở để được truyền cảm hứng từ nhiều trải nghiệm khác nhau. Abai thách thức chúng ta bằng cách hỏi một câu hỏi bất hủ: "Vẻ đẹp của cuộc sống là gì nếu người ta không chịu vào sâu?" (Những bài thơ, 1898). Một nhà thơ khác, khi cân nhắc về ý nghĩa của cuộc đời, đã đặt lên môi một người chăn cừu ở những vùng đất rộng lớn của châu Á này một câu hỏi thiết yếu không kém: "Cuộc lang thang ngắn ngủi của tôi sẽ dẫn đến đâu?" (G. LEOPARDI, Canto notturno di un pastore errante dell’Asia[dạ khúc của một người chăn chiên Á Châu]. Những câu hỏi như thế này nói lên nhu cầu của nhân loại đối với tôn giáo; chúng nhắc nhở chúng ta rằng con người chúng ta không hẳn hiện hữu chỉ để thỏa mãn những lợi ích trần thế hoặc để dệt nên những mối liên hệ kinh tế thuần túy, cho bằng để cùng nhau bước đi, như những người đi đường, với đôi mắt ngước lên trời. Chúng ta cần phải hiểu những câu hỏi tối hậu, để trau dồi một linh đạo; như Abai nói, chúng ta cần giữ cho “linh hồn sống động và trí óc minh mẫn” (Sách Các Lời, Lời 6).
Anh chị em thân mến, thế giới mong đợi chúng ta trở thành các tấm gương cho các linh hồn sống động và trí óc minh mẫn; nó trông mong nơi chúng ta một tính tôn giáo chân chính. Đã đến lúc nhận ra rằng chủ nghĩa cực đoan làm ô uế và băng hoại mọi tín điều; đã đến lúc phải có các tâm hồn cởi mở và nhân ái. Cũng đã đến lúc phải đẩy vào sách sử kiểu nói từ quá lâu, ở đây và ở nơi khác, đã dẫn đến sự ngờ vực và khinh miệt đối với tôn giáo, như thể nó là một lực lượng gây bất ổn trong xã hội hiện đại. Những vùng đất này đều đã quá quen thuộc với di sản của nhiều thập niên dưới chủ nghĩa vô thần do nhà nước áp đặt: não trạng áp bức và ngột ngạt đó mà chỉ cần nhắc đến hạn từ “tôn giáo” đã được chào đón bằng một sự im lặng xấu hổ. Tôn giáo không phải là một vấn đề, nhưng là một phần của giải pháp cho một cuộc sống hài hòa hơn trong xã hội. Việc theo đuổi tính siêu việt và giá trị thánh thiêng của tình huynh đệ có thể truyền cảm hứng và làm sáng tỏ các quyết định cần đưa ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng địa chính trị, xã hội, kinh tế, sinh thái, nhưng trong căn bản có tính tâm linh mà nhiều định chế hiện đại, bao gồm cả các nền dân chủ, hiện đang trải qua, gây tổn hại cho an ninh và hòa thuận giữa các dân tộc. Chúng ta cần tôn giáo, để đáp ứng cơn khát hòa bình thế giới và cơn khát thể vô hạn đang ngự trị trong tâm hồn của mỗi người đàn ông và đàn bà.
Vì lý do này, một điều kiện thiết yếu cho sự phát triển thực sự nhân bản và toàn diện là tự do tôn giáo. Thưa anh chị em, chúng ta tự do. Đấng Tạo Hóa của chúng ta đã “bước sang một bên vì chúng ta”; Nói cách khác, Người đã “giới hạn” sự tự do tuyệt đối của Người để cho phép chúng ta, những tạo vật của Người, được tự do. Như thế, làm sao chúng ta có thể nhân danh Người ép buộc các anh chị em của mình được? Abai một lần nữa nói với chúng ta, “Là những người tin và thờ phượng, chúng ta không nên cho rằng chúng ta có thể buộc người khác tin và thờ phượng ”(Lời 45). Quyền tự do tôn giáo là một quyền căn bản, đệ nhất đẳng và bất khả xâm phạm, cần được cổ vũ ở mọi nơi, một quyền không thể bị giới hạn duy nhất ở quyền tự do thờ phượng. Mỗi người có quyền làm chứng công khai cho tín điều của mình, đề xuất nó mà không bao giờ áp đặt nó. Đây là phương pháp rao giảng đúng đắn, trái ngược với chủ nghĩa cải đạo và nhồi sọ, mà mọi người đều được kêu gọi xa lánh. Đẩy niềm tin quan trọng nhất của chúng ta trong cuộc sống vào lĩnh vực riêng tư sẽ là tước đi một kho báu vô cùng lớn lao của xã hội. Mặt khác, làm việc cho một xã hội được đánh dấu bằng sự chung sống một cách tôn trọng giữa các khác biệt tôn giáo, dân tộc và văn hóa là cách tốt nhất để nâng cao các đặc điểm riêng biệt của mỗi người, mang mọi người lại với nhau trong khi tôn trọng sự đa dạng của họ và cổ vũ các khát vọng cao cả nhất của họ mà không gây hại tới sức sống của họ.
Bằng cách đó, chúng ta thấy cả tầm quan trọng trường cửu của tôn giáo và sự liên quan của nó đối với thời đại của chúng ta, điều mà Kazakhstan đã đưa lên hàng đầu trong hai thập niên qua bằng cách đăng cai tổ chức Đại hội toàn thế giới này. Cuộc gặp gỡ hiện nay mời gọi chúng ta suy gẫm về vai trò mà chúng ta được mời gọi đối với sự phát triển tâm linh và xã hội của nhân loại trong thế giới hậu đại dịch này.
Đại dịch, giữa tính dễ bị tổn thương và trách nhiệm, nói lên thách thức đầu tiên trong bốn thách thức hoàn cầu mà tôi muốn trình bầy. Những thách thức đó kêu gọi tất cả chúng ta - và một cách đặc biệt, các tôn giáo – tiến đến sự hợp nhất cao hơn về mục đích. Covid-19 đưa tất cả chúng ta vào cùng một con thuyền. Như Abai đã nói, nó giúp chúng ta nhận ra rằng “chúng ta không phải là các á thần mà là người phàm” (sđd). Tất cả chúng ta đều cảm thấy dễ bị tổn thương, tất cả chúng ta cần được giúp đỡ, không ai trong chúng ta hoàn toàn độc lập, không ai hoàn toàn tự túc. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta bị thách thức không phung phí cảm thức liên đới mạnh mẽ mà chúng ta vốn có bằng cách tiến bước như thể không có gì xảy ra, không thừa nhận rằng chúng ta phải cùng nhau đương đầu với những nhu cầu cấp thiết mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Các tôn giáo không được thờ ơ với điều này: họ được mời gọi hiện diện trên tuyến đầu, như những người cổ vũ hiệp nhất giữa những thách thức nghiêm trọng có nguy cơ chia rẽ gia đình nhân loại của chúng ta hơn nữa.
Một cách chuyên biệt, tùy thuộc ở chúng ta, những người tin vào Thần linh, giúp anh chị em của chúng ta ở thời điểm hiện tại mà không quên đặc tính dễ bị tổn thương của chính chúng ta. Không rơi vào ảo tưởng toàn năng được cổ vũ bởi tiến bộ kỹ thuật và kinh tế vốn không đủ. Không để mình bị cuốn vào mạng lưới lợi nhuận và thu nhập, như thể chúng là giải pháp cho mọi tệ nạn. Không hỗ trợ cho sự phát triển thiếu bền vững không biết tôn trọng các giới hạn do tạo hóa đặt ra. Không để mình bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn bề ngoài của chủ nghĩa tiêu dùng, vì của cải vật chất là vì con người chứ không phải con người vì của cải vật chất. Nói cách khác, ý thức về sự dễ bị tổn thương xuất hiện trong đại dịch nên thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, không phải như chúng ta làm trước đây, mà bây giờ với lòng khiêm tốn và tầm nhìn xa hơn.
Ngoài việc nhắc nhở chúng ta về tính dễ bị tổn thương và trách nhiệm của chúng ta, các tín hữu trong một thế giới hậu đại dịch được kêu gọi biết quan tâm: quan tâm đối với nhân loại về mọi mặt bằng cách trở thành những nghệ nhân của hiệp thông, nhân chứng của hợp tác vượt qua giới hạn của cộng đồng chúng ta, các thống thuộc sắc tộc, quốc gia và tôn giáo. Làm thế nào để chúng ta bắt tay vào một sứ mệnh đòi hỏi nhiều như vậy? Chúng ta bắt đầu ở đâu? Chúng ta bắt đầu bằng cách lắng nghe người nghèo, bằng cách nói lên tiếng nói của những người không có tiếng nói, bằng cách làm chứng cho một tình liên đới hoàn cầu, trước hết quan tâm đến những người nghèo và những người thiếu thốn, vốn là những người phải chịu đựng nhiều nhất từ đại dịch, thứ dịch đã gây ra cảnh bất công mạnh mẽ tạo ra nhiều bất bình đẳng và mất cân bằng hoàn cầu. Biết bao nhiêu người, ngay cả ngày nay, thiếu khả năng nhận được vắc-xin! Chúng ta hãy đứng về phía họ, chứ đừng đứng về phía những người có nhiều hơn nhưng cho ít hơn. Chúng ta hãy trở thành những tiếng nói tiên tri và can đảm của lương tâm. Chúng ta hãy chứng tỏ là những người thân cận của mọi người, nhưng đặc biệt của những người bị bỏ rơi nhất trong thời đại của chúng ta: những người bị tước quyền thừa kế, những người nghèo và không nơi nương tựa, và những người đau khổ trong thầm lặng và bị coi thường. Điều tôi đề xuất không những là một nẻo đường dẫn đến sự quan tâm và liên đới nhiều hơn, mà còn là một nẻo đường để hàn gắn xã hội của chúng ta. Vì nghèo đói chính là thứ tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh và các tệ nạn lớn khác vốn phát triển mạnh mẽ trên địa hình nghèo đói và bất bình đẳng. Nghèo đói tiếp tục là yếu tố rủi ro chính trong thời đại của chúng ta. Với sự khôn ngoan tuyệt vời, Abai từng đặt câu hỏi, “Liệu những người đang đói có thể giữ đầu óc tỉnh táo… và thể hiện sự siêng năng trong học tập được không? Nghèo đói và cãi vã… sinh ra bạo lực và tham lam” (Lời 25). Chừng nào bất bình đẳng và bất công tiếp tục sinh sôi, sẽ không có hồi kết đối với những loại virút thậm chí còn tồi tệ hơn Covid: virút của hận thù, bạo lực và khủng bố.
Điều này đưa chúng ta đến thách thức hoàn cầu thứ hai, một thách thức có một yêu sách đặc biệt đối với các tín hữu: thách thức về hòa bình. Trong những thập niên gần đây, cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo chủ yếu bàn tới câu hỏi này. Tuy nhiên, chúng ta nhìn xung quanh mình và thấy thời đại của chúng ta vẫn còn bị cản trở bởi tai họa chiến tranh, bởi một bầu không khí thù địch và đối đầu, bởi việc thiếu khả năng lùi lại và chìa tay cho người kia. Thưa anh chị em, cần phải có một bước tiến nhảy vọt, và nó cần phát xuất từ chúng ta. Nếu Đấng Tạo Hóa, Đấng mà chúng ta đã cống hiến cuộc đời cho Người, là tác giả của cuộc sống con người, thì làm sao chúng ta, những người tự gọi là tín hữu, lại có thể đồng ý với việc hủy hoại sự sống đó? Và làm sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng những người đàn ông và đàn bà trong thời đại của chúng ta, mà nhiều người trong số họ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, có thể được truyền cảm hứng để tham gia vào cuộc đối thoại tôn trọng và có trách nhiệm nếu các tôn giáo lớn, vốn là linh hồn của rất nhiều nền văn hóa và truyền thống, chính họ không tích cực cam kết cho hòa bình?
Ý thức được các sai trái và sai lầm của quá khứ, chúng ta hãy thống nhất các nỗ lực của mình để bảo đảm rằng Đấng Toàn năng sẽ không bao giờ bị bắt làm con tin cho cơn khát quyền lực của con người. Abai nhận xét rằng, “người nào cho phép điều ác, và không chống lại nó, thì không thể được coi là một tín hữu chân chính. Cùng lắm, họ là người tin tưởng nửa vời ”(x. Lời 38). Anh chị em thân mến, mỗi người và mọi người trong chúng ta đều cần được thanh tẩy khỏi sự dữ. Nhà thơ vĩ đại người Kazakhstan nhấn mạnh về điều này; theo cách nói của ông, “người bỏ học tự tước mất một phước lành thần linh”, và “người nào không nghiêm khắc trong đường lối của mình và không có khả năng cảm thương thì không thể được coi là một tín hữu” (Lời 12). Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy thanh lọc bản thân mình khỏi sự cao ngạo tự cho mình là công chính, không cần phải học hỏi bất cứ điều gì từ bất cứ ai. Chúng ta hãy tự giải phóng mình khỏi những quan niệm phiến diện và phá hoại xúc phạm danh thánh Thiên Chúa bằng sự khắc nghiệt, cực đoan và các hình thức của chủ nghĩa chính thống, và xúc phạm nó bằng thù hận, cuồng tín và khủng bố, làm biến dạng hình ảnh của con người. Như Abai từng nói, “nguồn gốc của nhân loại là tình yêu và công lý… Chúng là vương miện của sự sáng tạo thần linh” (Lời 45). Mong sao chúng ta đừng bao giờ biện minh cho bạo lực. Mong sao chúng ta đừng bao giờ cho phép thể thánh thiêng bị khai thác bởi những điều trần tục. Thể thánh thiêng không bao giờ được là chỗ dựa cho quyền lực, cũng như quyền lực là chỗ dựa cho thể thánh thiêng!
Thiên Chúa là hòa bình. Người luôn hướng dẫn chúng ta theo con đường hòa bình, không bao giờ là chiến tranh. Như thế, chúng ta hãy cam kết nhiều hơn trong việc nhấn mạnh tới sự cần thiết phải giải quyết xung đột không phải bằng quyền lực bất phân thắng bại, bằng vũ khí và đe dọa, mà bằng phương tiện duy nhất được trời ban cho và xứng đáng với con người: gặp gỡ, đối thoại và kiên nhẫn thương lượng vốn tạo ra tiến bộ, đặc biệt khi lưu ý tới các thế hệ trẻ và tương lai. Vì những người trẻ vốn hiện thân cho niềm hy vọng rằng hòa bình sẽ đến, không phải là kết quả mong manh của các cuộc đàm phán khó khăn, mà là kết quả của cam kết bền bỉ đối với một việc giáo dục vốn có thể hỗ trợ khát vọng phát triển và một tương lai thanh thản của họ. Theo nghĩa này, Abai đã khuyến khích việc mở rộng học tập vượt ra ngoài giới hạn của nền văn hóa riêng của người ta, để nắm được kiến thức, lịch sử và văn học của những người khác. Tôi cầu xin anh chị em, chúng ta hãy đầu tư vào việc này: không phải vào nhiều vũ khí hơn, mà là vào giáo dục!
Ngoài các thách thức đại dịch và hòa bình, bây giờ chúng ta hãy chuyển sang thách thức thứ ba, đó là thách thức chấp nhận tình huynh đệ. Ngày nay chúng ta cảm thấy thật khó để chấp nhận con người. Mỗi ngày, trẻ em, đã sinh ra và chưa sinh ra, người di cư và người già, bị gạt sang một bên, bị vứt bỏ. Hiện đang có một nền văn hóa vứt bỏ. Nhiều anh chị em của chúng ta bị hy sinh trên bàn thờ lợi nhuận, giữa những đám mây khói trầm hương thờ ơ. Ấy thế nhưng mỗi con người đều thánh thiêng. Người xưa từng nói “Homo sacra res homini [con người là vật thánh thiêng cho con người]”, (xem SENECA, Epistulae Morales ad Lucilium, 95, 33). Trên hết, nhiệm vụ của chúng ta, nhiệm vụ của các tôn giáo, là nhắc nhở thế giới về điều này. Giờ đây, như chưa từng có trước đây, chúng ta đang chứng kiến cuộc di cư ồ ạt của các dân tộc do chiến tranh, đói nghèo, biến đổi khí hậu và theo đuổi sự thịnh vượng mà thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta quảng cáo, nhưng thường rất khó đạt được. Một cuộc di cư lớn đang diễn ra, khi những người từ những khu vực nghèo đói nhất trên thế giới của chúng ta phải vật lộn để tới được những nơi thịnh vượng hơn. Chúng ta thấy điều này hàng ngày, trong các phong trào di cư khác nhau trên thế giới của chúng ta. Đây không chỉ là một mục khác trên tin tức hàng ngày; nó là một sự kiện lịch sử đòi hỏi những giải pháp phù hợp và có tầm nhìn xa. Chắc chắn, theo bản năng, chúng ta bảo vệ các an toàn khó kiếm của chính mình và đóng cửa vì sợ hãi; nghi ngờ người lạ, buộc tội và lên án họ dễ hơn là làm quen và hiểu họ. Tuy nhiên, bổn phận của chúng ta là phải lưu ý rằng Đấng Tạo Hóa, Đấng trông nom từng tạo vật của Người, khuyến khích chúng ta coi trọng người khác như Người vốn coi trọng, và nhìn thấy nơi họ khuôn mặt của một người anh chị em. Các anh chị em di cư của chúng ta cần được chấp nhận, đồng hành, cổ vũ và hòa nhập.
Tiếng Kazakh mời chúng ta đến với ánh mắt chào đón này: trong đó, động từ “yêu” nghĩa đen là “nhìn ai đó một cách tử tế”. Văn hóa truyền thống của những vùng đất này có cùng quan điểm với một câu tục ngữ phổ biến: “Khi bạn gặp người ta, hãy cố gắng làm họ vui, vì đó có thể là lần cuối cùng bạn gặp họ”. Tập quán hiếu khách đặc trưng của thảo nguyên phản ảnh giá trị bất khả xâm phạm của mỗi con người. Abai tái khẳng định điều này bằng cách nói rằng, "con người phải là bạn bè với con người” và tình bạn đó dựa trên sự chia sẻ phổ quát, vì các thực tại quan trọng nhất của đời này và đời sau đều có điểm chung. Ông tiếp tục nói rằng, “tất cả mọi người là khách của nhau” và, “chính con người là khách trong cuộc sống này” (Lời 34). Chúng ta hãy khám phá lại nghệ thuật hiếu khách, chấp nhận và ảm thương. Và chúng ta cũng hãy học cách xấu hổ: vâng, để trải nghiệm sự xấu hổ lành mạnh đó phát sinh từ lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ, thiện cảm và quan tâm đến tình trạng và số phận của họ, những điều mà chúng ta nhận ra rằng chúng ta cũng có chung. Đây là con đường của lòng cảm thương, khiến chúng ta trở thành những con người tốt hơn và những tín hữu tốt hơn. Tùy thuộc ở chúng ta, không những việc khẳng định phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người, mà còn dạy cách khóc cho người khác. Vì chỉ khi chúng ta có thể cảm nhận được những khó khăn của người khác như của chính mình, thì chúng ta mới thực sự là con người.
Một thách thức hoàn cầu cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt là chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Trước những biến đổi khí hậu khắc nghiệt, chúng ta cần phải bảo vệ môi trường tự nhiên, để nó không trở thành mồi cho trục lợi, nhưng được gìn giữ cho các thế hệ mai sau, cho sự ca tụng Tạo hóa. Theo lời của Abai, “Thật là một thế giới tuyệt vời mà Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta! Người cao thượng và đại lượng đã ban cho chúng ta ánh sáng của Người, khi mẹ đất cho chúng ta bú sữa mẹ, Cha chúng ta ở trên trời đã ân cần nghiêng mình trên chúng ta ”(Bài thơ “ Mùa xuân ”). Với sự quan tâm yêu thương, Đấng Tối Cao đã cung cấp một ngôi nhà chung cho mọi sự sống. Làm thế nào chúng ta, những người tự xưng là con cái của Người, lại có thể cho phép nó bị ô nhiễm, bị ngược đãi và bị tàn phá? Chúng ta hãy liên kết các nỗ lực của chúng ta để vượt qua thách thức này. Nó không phải là ít quan trọng nhất. Thật vậy, nó được liên kết với thách thức đầu tiên, đó là đại dịch. Những loại virút như Covid-19, một virút, dù cực nhỏ, nhưng có sức mạnh phá vỡ các giấc mơ tiến bộ vĩ đại của chúng ta, thường liên hệ đến việc phá vỡ sự cân bằng với môi trường tự nhiên, phần lớn là do bản thân chúng ta. Thí dụ, chúng ta nghĩ đến nạn phá rừng, buôn bán trái phép động vật sống và chăn nuôi thâm canh. Não trạng bóc lột thực chất là phá hủy ngôi nhà mà chúng ta đang sống. Và không chỉ có vậy. Nó đang dẫn đến sự xóa mờ viễn kiến đầy tôn trọng và có tính tôn giáo về thế giới do Đấng Tạo Hóa mong muốn. Do đó, điều cần thiết là phải khuyến khích và cổ vũ việc bảo vệ sự sống dưới mọi hình thức của nó.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước, để chặng đường của các tôn giáo ngày càng ghi đậm dấu ấn tình bằng hữu. Abai nói rằng “một người bạn giả dối giống như một cái bóng: khi mặt trời chiếu vào bạn, bạn không thể loại bỏ anh ta, nhưng khi mây tụ lại trên bạn, không thấy anh ta đâu cả” (Lời 37). Mong sao điều này không bao giờ xảy ra với chúng ta! Mong sao Đấng Toàn năng giải thoát chúng ta khỏi bóng tối của sự nghi ngờ và thiếu chân thành, đồng thời cho phép chúng ta vun đắp tình bạn cởi mở và huynh đệ thông qua đối thoại thường xuyên và sự chân thành sáng ngời trong mục đích. Ở đây, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao đối với những nỗ lực mà Kazakhstan đang thực hiện trong vấn đề này: luôn luôn đoàn kết, luôn tìm cách thúc đẩy đối thoại, luôn tìm cách xây dựng tình bằng hữu. Đây là một điển hình mà Kazakhstan đang cung ứng cho tất cả chúng ta và chúng ta nên làm theo và ủng hộ nó. Mong sao chúng ta đừng bao giờ nhắm vào các hình thức giả tạo và hòa giải của chủ nghĩa hoà đồng hổ lốn, vì những hình thức này là vô ích, nhưng thay vào đó, chúng ta nên duy trì vững chắc bản sắc riêng của mình, can đảm cởi mở đối với sự khác biệt và gặp gỡ huynh đệ. Chỉ bằng cách này, chỉ dọc theo con đường này, trong thời kỳ tăm tối mà chúng ta đang sống, chúng ta mới có thể chiếu tỏa ánh sáng của Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Cảm ơn tất cả anh chị em!