1. Ukraine lên tiếng về vụ đánh chìm xà lan, hàng trăm lính Nga tử trận
Trong bản báo cáo hôm thứ Tư 21 tháng 9, Nataliya Humenyuk, người đứng đầu trung tâm báo chí chung của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, cho biết cô lấy làm tiếc là nhiều binh sĩ Nga đã không đón nhận lời kêu gọi bỏ vũ khí xuống đầu hàng, nhưng liều lĩnh vượt sông Dnipro, dẫn đến những cái chết không cần thiết.
Quân Nga đã dùng tầu kéo đưa một xà lan vào bờ trong khu vực giáp giới giữa Nova Kakhovka và Kozatsky, và sau đó di chuyển binh sĩ và các thiết bị sang bên kia sông, nhưng đã không thành công. Chiếc xà lan chở đầy vũ khí, thiết bị và binh sĩ đã bị quân Ukraine đánh chìm dưới dòng nước đang chảy xiết ở một khúc sông rộng đến hàng km.
Các binh sĩ Nga có lẽ không còn ai sống sót giữa một khúc sông lớn và chảy xiết như thế. Quân Nga đã bỏ lại xe tăng, thiết giáp và các phương tiện giao thông khác khi rút lui bằng xà lan khỏi Nova Kakhovka.
Bao nhiêu binh sĩ Nga tử trận trong vụ này vẫn chưa có thể biết chính xác. Tuy nhiên, có thể lên đến vài trăm người.
Cô Nataliya Humenyuk nói thêm rằng quân đội Nga đã mất tinh thần và trước đó họ được cung cấp một lối thoát “dưới sự bảo trợ của luật nhân đạo quốc tế” là buông súng đầu hàng vô điều kiện và đó là cơ hội duy nhất để trở về quê hương của họ. Tiếc rằng họ đã quyết định không làm như thế.
Trước khi họ chạy được đến vị trí này, ít nhất 90 binh sĩ Nga đã thiệt mạng do các cuộc tấn công hôm thứ Hai, trong khi 3 xe tăng, 8 xe bọc thép và một số pháo và bệ phóng tên lửa của Nga cũng được tường trình đã bị phá hủy.
2. Cờ Ukraine được kéo lên trên biên giới giữa hai vùng Donetsk và Kharkiv
Trong bản báo cáo hôm thứ Tư 21 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết cờ Ukraine đã được kéo lên trên biển báo lối vào được lắp đặt ở biên giới của các vùng Donetsk và Kharkiv sau các chiến thắng gần đây trong cuộc phản công Kharkiv.
Ông Pavlo Kyrylenko, thống đốc khu vực Donetsk, cho biết
“Cờ Ukraine đã được kéo lên trên biển báo lối vào được lắp đặt ở biên giới của các vùng Donetsk và Kharkiv!. Cảm ơn Lực lượng vũ trang của chúng ta, đoạn này của đường cao tốc Kyiv-Kharkiv-Dovzhansky không còn bóng quân xâm lược, nhưng cực kỳ nguy hiểm, vì nó thực sự vẫn còn đầy bom mìn và những mảnh đạn chết người.”
Kyrylenko cho biết những trận chiến khốc liệt đã diễn ra trong khu vực cho đến gần đây, nhưng giờ đây chỉ còn lại các xác xe tăng quân Nga, những thiết bị bỏ hoang và bãi mìn.
“Cùng với Phó Vụ trưởng thứ nhất của Bộ Nội vụ Yevhen Yenin và Cục trưởng Cục Tình trạng khẩn cấp Nhà nước Serhiі Kruk, chúng tôi đã đến hiện trường để đánh giá quy mô công việc phải thực hiện liên quan đến việc rà phá bom mìn,” Kyrylenko nói.
3. Putin kéo lính nhảy dù từ Syria về để bổ sung cho chiến trường Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Pulling Paratroopers From Syria to Replenish Ranks: Ukraine”, nghĩa là “Phía Ukraine cho biết Putin kéo lính nhảy dù từ Syria về để bổ sung hàng ngũ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các quan chức Kyiv cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang kéo lính dù từ Syria để bổ sung quân cho Ukraine.
Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, hy vọng quân đội đông đảo của ông sẽ đưa ông đến chiến thắng nhanh chóng. Tuy nhiên, Ukraine đã đáp trả bằng một hàng phòng thủ mạnh hơn mong đợi, ngăn cản Mạc Tư Khoa giành được bất kỳ chiến thắng đáng kể nào sau bảy tháng giao tranh. Trên thực tế, quân đội Ukraine hiện đã tiến hành các cuộc phản công để chiếm lại các khu vực quan trọng trước đây bị Nga chiếm đóng.
Mạc Tư Khoa đã phải giải quyết vô số vấn đề xung quanh quân đội của họ trong suốt cuộc xung đột, khi các báo cáo cho thấy rằng nhiều binh sĩ thiếu động lực và các sĩ quan Nga thiếu khả năng lãnh đạo hiệu quả - tương phản một cách rõ ràng khi so sánh với khí thế của quân Ukraine trong các nỗ lực phòng thủ.
Những thách thức này đã buộc Nga phải chuyển sang những cách thức sáng tạo để tuyển mộ và giữ chân binh sĩ tiếp tục chiến đấu ở Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine hôm thứ Ba cho biết trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự, Nga hiện đang chuyển một lữ đoàn lính dù quan trọng từ Syria sang Ukraine.
“Do việc tiến hành các biện pháp huy động bán chính thức không thành công, giới lãnh đạo quân sự-chính trị của Liên bang Nga đã quyết định rút các đơn vị của Lữ đoàn Nhảy dù 217 khỏi lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria mà không có sự chuẩn bị để chuyển tới Ukraine”, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã cho biết như trên trong bản cập nhật hoạt động hàng ngày.
Lữ đoàn dù 217, được thành lập vào những năm 1940, là một nhóm binh sĩ giàu kinh nghiệm trước đó đã được gửi đến Belarus vào tháng Giêng năm 2022, một tháng trước khi Putin phát động “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Nga đã hiện diện quân sự ở Syria trong cuộc nội chiến của đất nước Trung Đông này, vì Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Putin là những đồng minh quan trọng. Ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác đã lên án “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, Assad vẫn là một trong những người ủng hộ ông ta. Cuộc chiến của Syria vẫn đang tiếp diễn sau hơn một thập kỷ giao tranh.
Báo cáo của Ukraine được đưa ra vào thời điểm then chốt của cuộc xung đột Ukraine, khi các nhà lãnh đạo do Nga cài đặt ở các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng như Donetsk và Luhansk chuẩn bị tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga trong tuần này, có khả năng tạo tiền đề cho một cuộc huy động lớn hơn để tăng quy mô của quân đội Nga.
Tuần trước, Syria là một trong bảy quốc gia bỏ phiếu phản đối việc mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, theo hãng tin AP.
Ukraine cho biết: Trong một nỗ lực để giải quyết tình trạng thiếu quân, ông Putin hồi tháng 8 đã ra lệnh cho quân đội Nga bổ sung thêm 137.000 binh sĩ mới. Tuy nhiên, sắc lệnh sẽ chủ yếu dựa vào các tình nguyện viên và sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 1 tháng Giêng. Nga cũng đã tuyển mộ binh lính bị bệnh và bị thương từ các bệnh viện để thay thế các tổn thất.
Ukraine cũng cho biết Nga đã phải chịu nhiều tổn thất trong cuộc xung đột. Ukraine ước tính khoảng 54.810 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, theo Bộ Quốc phòng nước này. Các ước tính khác đưa ra con số thấp hơn và Nga đã không cung cấp thông tin cập nhật kể từ tháng 3, khi họ nói rằng họ đã phải gánh chịu 1.351 trường hợp tử vong.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
4. Putin buộc phải di chuyển tàu ngầm khỏi Crimea sau các cuộc tấn công của Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Forced to Move Submarines From Crimea After Ukrainian Attacks: U.K.”, nghĩa là “Anh quốc cho biết: Putin buộc phải di chuyển tàu ngầm khỏi Crimea sau các cuộc tấn công của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã buộc phải chuyển Hạm đội Hắc Hải của mình từ Bán đảo Crimea của Ukraine bị Nga sáp nhập về miền nam nước Nga sau các cuộc tấn công của Ukraine.
Trong bản cập nhật tình báo hàng ngày về cuộc chiến Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sau khi Ukraine tấn công sâu vào bán đảo, chỉ huy Hạm đội Hắc Hải của Nga “gần như chắc chắn đã di dời các tàu ngầm lớp KILO” từ cảng Sevastopol ở Crimea tới Novorossiysk trong vùng Krasnodar.
Bản cập nhật cho biết: “Điều này hầu như chắc chắn xảy ra vì có sự thay đổi gần đây về mức độ đe dọa đối với an ninh địa phương khi Nga đối mặt với khả năng tấn công tầm xa đã gia tăng của Ukraine”.
Bộ Quốc Phòng Anh trích dẫn các cuộc tấn công vào trụ sở hạm đội Nga và sân bay hàng không-hải quân chính của nước này trong hai tháng qua.
Bảo đảm căn cứ Crimea của Hạm đội Hắc Hải có thể là một trong những động lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi sáp nhập bán đảo này vào Nga năm 2014. An ninh căn cứ hiện đã bị xói mòn trực tiếp bởi cuộc xâm lược đang tiếp diễn của Nga đối với Ukraine.
Đánh giá này được đưa ra sau khi cựu Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ ở Âu Châu, là Tướng Ben Hodges, cho biết trong một đoạn video được công bố hôm thứ Hai rằng Hạm đội Hắc Hải của Putin đã là một “sự lãng phí hoàn toàn” khi các lực lượng của nhà lãnh đạo Nga phải vật lộn trên bộ và dưới nước trong cuộc chiến Ukraine.
Hodges nói rằng trước cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, Hạm đội Hắc Hải của Nga “đã kiểm soát về cơ bản toàn bộ Hắc Hải”.
“Nhưng trong sáu tháng qua, chúng ta đã nhận ra rằng hải quân Nga không khá hơn lục quân Nga,” Hodges nói.
Vị tướng đã nghỉ hưu của Mỹ đề cập đến vụ đánh chìm tàu chiến ở Hắc Hải của Nga, tàu Moskva, trị giá khoảng 750 triệu Mỹ Kim, và các sự việc gần đây khác khiến tàu Nga bị đánh chìm ở Hắc Hải.
Hodges cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga “sợ hãi khi đi bất cứ nơi nào gần bờ biển Ukraine” và đã ẩn náu ở Crimea.
“Tôi nghĩ Hạm đội Hắc Hải vĩ đại, ngoài các tàu ngầm của họ, là một sự lãng phí hoàn toàn. Nó đã chẳng làm được tích sự gì trong cuộc chiến. Và khi các lực lượng Ukraine tiến ngày càng gần Crimea, họ sẽ sớm có thể bắt đầu phóng hỏa tiễn HIMARS và các hỏa tiễn khác vào Sevastopol, khiến cho Hạm đội Hắc Hải của Nga mất đi danh xưng bất khả chiến bại, một danh xưng ngày càng trở nên buồn cười”.
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng Ukraine sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea như một phần của cuộc phản công sâu rộng nhằm chiếm lại lãnh thổ đã bị Nga chiếm giữ.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
5. Báo cáo cho thấy Nga rút hết vũ khí của một căn cứ phòng không quan trọng để tiếp tế chiến tranh
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Emptying Crucial Air Defense Base to Resupply War: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Nga rút hết vũ khí của một căn cứ phòng không quan trọng để tiếp tế chiến tranh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo các hình ảnh vệ tinh được hãng thông tấn Phần Lan Yleisradio Oy đưa tin hôm Chúa Nhật, Nga được tường trình đã tháo khoán hoàn toàn một căn cứ phòng không quan trọng để tiếp tế cho các lực lượng ở Ukraine trong bối cảnh tổn thất ngày càng gia tăng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, với hy vọng giành chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã đáp trả quân đội của Putin với một hàng phòng thủ mạnh hơn dự kiến, và đã được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây.
Nga đã bị thiệt hại đáng kể về trang thiết bị trong bối cảnh chiến tranh, buộc họ phải chuyển sang sử dụng các loại vũ khí cũ hơn như các loại hỏa tiễn phòng không từ thời Liên Xô. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố đã phá hủy một số lượng lớn vũ khí của Nga, bao gồm 2.212 xe tăng, 1.313 hệ thống pháo và 251 máy bay, mặc dù những tuyên bố này không thể được xác minh một cách độc lập.
Theo công ty phát thanh truyền hình quốc gia Phần Lan Yleisradio Oy, gọi tắt là Yle, giữa các báo cáo về tổn thất thiết bị cao, Nga dường như đang di chuyển hỏa tiễn phòng không từ St.Petersburg về phía Ukraine.
Hãng thông tấn này thu được các hình ảnh vệ tinh từ tháng 8 và tháng 9 cho thấy ít nhất 4 trong số 14 căn cứ hỏa tiễn phòng không bao quanh St.Petersburg đã không còn thiết bị.
Không biết chính xác thời điểm chuyển thiết bị, nhưng chuyên gia quân sự Phần Lan Marko Eklund nói với Yle rằng các thùng chứa hỏa tiễn đã được nhìn thấy được chất lên các xe vận tải vào tháng 5 dọc theo bờ hồ Ladoga.
Các căn cứ này đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng thủ St. Peterburg. Các hỏa tiễn phòng không trong các căn cứ này được bố trí để bắn hạ bất kỳ máy bay, hỏa tiễn hoặc trực thăng nào trong trường hợp bị tấn công.
Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị được đưa ra khỏi căn cứ có khả năng là một phần của hệ thống hỏa tiễn S-300. Hệ thống hỏa tiễn S-300 là hệ thống từ thời Liên Xô có từ những năm 1970 và có tầm bắn kém hơn so với các hỏa tiễn mới hơn, được cập nhật.
Điều này có nghĩa là chúng kém uy lực hơn các hỏa tiễn khác có thể có trong các căn cứ này, và Eklund nói với Yle rằng việc loại bỏ chúng có thể sẽ không ảnh hưởng đến các nỗ lực phòng thủ của thành phố.
Tuy nhiên, những hỏa tiễn cũ hơn có thể thúc đẩy nỗ lực của Nga ở Ukraine, nơi quân đội của Putin đã sử dụng hỏa tiễn phòng không từ thời Liên Xô trong suốt “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Trong tháng 7, các lực lượng của Điện Cẩm Linh đã tiến hành sáu cuộc không kích vào Mykolaiv, một thành phố ở miền nam Ukraine, sử dụng hỏa tiễn S-300. Một cuộc tấn công khác vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk vào tháng 6 khiến 20 người thiệt mạng được cho là do hỏa tiễn Kh-32, có nguồn gốc từ những năm 1990
Theo Newsweek, Nga đã cập nhật thiết bị từ thời Liên Xô với công nghệ GPS, cho phép chúng tấn công các mục tiêu cụ thể hơn, Newsweek đưa tin vào tháng 7. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo cảnh giác rằng việc sử dụng những vũ khí cũ hơn này vẫn có khả năng dẫn đến cái chết vô tội của dân thường.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
6. Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ cho biết Nga rất hiếm khi dám sử dụng Không Quân
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được tường trình đã tổ chức một cuộc họp bao gồm các sĩ quan cao cấp của Nga đang tham chiến trong vùng Donbas, và lực lượng Không Quân nước này với quyết tâm xây dựng một phòng tuyến ngăn chặn quân Ukraine tại sông Oskil.
Trong cuộc họp Sergei Shoigu, đã yêu cầu Không Quân Nga đóng một vai trò tích cực hơn. Sau khi phòng tuyến này bị đập tan, Tướng James Hecker phát biểu tại Hội nghị Hàng không, Vũ trụ & Không gian mạng ở Washington, rằng Không Quân Nga hiếm khi bay vào Ukraine mà thay vào đó là bắn hỏa tiễn tầm xa vì sợ các hệ thống phòng không của Ukraine.
Nga nhận thức rõ về hệ thống phòng không của Ukraine, nhưng các cuộc tấn công ban đầu của Nga vào cuối tháng 2 đã không thể phá hủy các hệ thống phòng thủ đó, chẳng hạn như hệ thống hỏa tiễn đất đối không.
Tư lệnh Lực lượng Phòng không của Ukraine tại Âu Châu cho biết các lực lượng phòng không của Ukraine đã bắn hạ khoảng 55 máy bay chiến đấu của Nga kể từ đầu cuộc chiến. Kết quả là trong suốt hơn 6 tháng diễn ra cuộc chiến, máy bay Nga hiếm khi bay vào Ukraine mà thay vào đó là bắn hỏa tiễn tầm xa.
Hecker nói: “Khi họ cố gắng đưa máy bay chiến đấu và máy bay của họ vào các khu vực giao tranh, hỏa tiễn đã bắn hạ họ. Khoảng 55 máy bay chiến đấu của Nga đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không và hỏa tiễn tích hợp của Ukraine.”
Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã mất 55 máy bay chiến đấu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, trong đó có 4 chiếc “có khả năng cao” bị mất chỉ trong 10 ngày qua.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Reveals How It Took Down Russian Plane Without Firing a Missile”, nghĩa là “Ukraine tiết lộ cách hạ máy bay Nga mà không cần bắn một hỏa tiễn nào” trong đó một chỉ huy quân đội Ukraine cho biết đơn vị của ông đã hạ được một máy bay Nga mà không cần bắn một hỏa tiễn nào
Yaroslav Melnyk đứng đầu một đơn vị cho đến nay đã tiêu diệt 28 mục tiêu, bao gồm 11 máy bay chiến đấu, hai trực thăng, hai hỏa tiễn hành trình và 13 phương tiện bay không người lái. Khẩu đội hỏa tiễn phòng không Buk M1 của ông đã chiến đấu ở khu vực phía đông Kharkiv kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.
Melnyk nói rằng đơn vị của ông ban đầu đã tiến hành công việc chiến đấu ở các khu vực bao gồm Novaya Kakhovka, và sau đó là Zaporizhzhya, thành phố nơi xảy ra các vụ xung đột gần lò phản ứng hạt nhân lớn nhất Âu Châu đã khiến quốc tế lo ngại.
Ông mô tả cách khẩu đội của mình đã đứng vững trước máy bay Nga trong khu vực Kharkiv, khi chúng thực hiện các cuộc không kích vào thành phố Izyum và các khu vực lân cận. Ông nói, trong một lần, đơn vị của ông không cần phải triển khai đầy đủ các khả năng không đối đất khi hệ thống radar chiếu sáng Buk theo dõi và chiếu sáng mục tiêu đã đủ để xua đuổi phi công Nga.
Ông nói: “Chúng tôi cũng đã bắn hạ một chiếc máy bay mà không bắn một quả hỏa tiễn nào và giải thích rằng phi công Nga có khả năng phản ứng hấp tấp với tín hiệu cảnh báo có radar theo dõi.
“Anh ta nhận ra rằng mình đã biến từ một thợ săn thành một mục tiêu. Điều này có lẽ khiến phi công choáng váng đến mức anh ta ngay lập tức nhấn nút phóng ra ngoài. Máy bay bị rơi”.