Nhân dịp các Giám Mục thuộc ngành Flemish của Bỉ ban hành văn kiện phụng vụ về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính và tự hào là họ đi đúng tinh thần của Đức Phanxicô (xem https://cruxnow.com/church-in-europe/2022/09/head-of-new-flemish-lgbt-ministry-confident-its-in-the-spirit-of-our-pope), Ed. Condon, đồng sáng lập tạp chí The Pillar, có bài phân tích với tựa đề như trên.
Kế hoạch ban phúc lành cho các cặp đồng tính của các giám mục Flemish đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giành di sản cải cách của Đức Giáo Hoàng, mặc dù ngài vẫn còn đương nhiệm.
Các giám mục Flemish của Bỉ hôm thứ Ba đã công bố một văn bản về việc chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo tự xác nhận là LGBT, bao gồm lời cầu nguyện cho “tình yêu và lòng chung thủy” của các cặp đồng tính; văn bản này được hiểu rộng rãi là một văn bản dùng để chúc phúc cho các mối quan hệ đồng tính. Bộ phận tiếng nói tiếng Pháp của hội đồng giám mục Bỉ dự kiến sẽ sớm phát hành phiên bản của riêng mình.
Lời cầu nguyện có thể đoán trước là gây tranh cãi, với các nhà phê bình cho rằng đó là sự phủ nhận hướng dẫn của Vatican về chủ đề này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ can thiệp vào vấn đề này hay không? Điều đó vẫn chưa chắc chắn.
Nhưng việc công bố nó có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chiến công khai trong Giáo hội để giành di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Và liệu Đức Giáo Hoàng có bước vào để xác định di sản đó cho chính mình hay không vẫn là một câu hỏi không chắc chắn, nhưng thật cấp bách.
Chỉ hơn một năm trước, Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ đã ban hành một văn bản giải thích rằng Giáo hội không có quyền chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính, dù nhấn mạnh phẩm giá của tất cả mọi người, bao gồm cả những người Công Giáo tự xác định là đồng tính luyến ái.
Tài liệu trên nhằm đáp ứng Giáo hội ở Đức, nơi mà các tài liệu ban đầu của “con đường đồng nghị” đã kêu gọi sửa đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục con người, và kêu gọi việc chúc phúc cho các mối liên hệ đồng tính trong các nhà thờ.
Văn bản của Bộ Giáo lý Đức tin đã không được con đường đồng nghị Đức hoan nghênh, và các giáo sĩ Đức đã tổ chức một ngày biểu tình đông đảo, chúc phúc hàng trăm cuộc kết hợp đồng tính trong các nhà thờ trên khắp đất nước.
Nhưng các giám mục Đức hầu như chấp nhận những gì Rôma hướng dẫn - trong lúc này - trong khi thề sẽ thúc đẩy việc tranh luận về nghị trình đồng nghị của họ.
Thực ra, chính ở Bỉ, chỉ thị của Bộ Giáo lý Đức tin mới gặp phải phản ứng thách thức nhất.
Giám mục Johan Bonny của Antwerp cho biết bản văn của Bộ Giáo lý Đức tin khiến ngài “xấu hổ về Giáo hội của tôi”.
Vị giám mục đã bác bỏ Bộ giáo lý của Vatican như một “hậu phòng ý thức hệ”, và cáo buộc người ký chính của văn bản, Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, thực sự, đã không có chiều sâu: Bonny nói, “Về mặt trí tuệ, vị này thậm chí không đạt đến trình độ học sinh trung học”.
Một năm sau, các giám mục Bỉ dường như đã cho thấy sự khinh thường của họ đối với Bộ Giáo lý Đức tin không phải chỉ là lời nói khoa trương.
Tài liệu quy định về sự chúc phúc cho các mối liên hệ đồng tính được ban hành chỉ vài tuần trước chuyến thăm ad limina của các giám mục tới Rôma, chuyến thăm đầu tiên của họ trong hơn một thập niên.
Khi ở Rôma, như tất cả các giám mục đến thăm, họ sẽ có các cuộc họp với tất cả các cơ quan chính của giáo triều, kể cả Bộ Giáo lý Đức tin.
Văn bản của Bỉ chắc chắn sẽ được nêu ra, nhưng nó có thể là một chủ đề gây bối rối cho Đức Hồng Y Ladaria, một tu sĩ Dòng Tên và được Đức Phanxicô bổ nhiệm, hơn là đối với những vị khách của ngài. Các giám mục nhận thức rõ giáo huấn của Giáo hội là gì và Bộ Giáo lý Đức tin đã nói gì về vấn đề này. Xem ra các ngài muốn cho thấy rõ giáo huấn của Giáo hội phải thay đổi, và thánh bộ của Đức Hồng Y Ladaria không thể làm gì để ngăn cản cố gắng của các ngài.
Trong những thập niên và thế kỷ trước, thẩm quyền cuối cùng của Vatican về các vấn đề đức tin và đạo đức đều được hiểu và minh nhiên - nhưng bên dưới việc hiểu biết đó là sự mong đợi của tất cả các bên rằng, quá một điểm nào đó, thì Đức Giáo Hoàng sẽ can thiệp, một cách dứt khoát nếu cần.
Đó là trường hợp trong những thập niên gần đây, khi Đức Tổng Giám Mục Raymond Hunthausen của Seattle thấy mình là chủ đề của một chuyến viếng thăm tông tòa vào những năm 1980, và Thánh Gioan Phaolô II đã giao cho ngài một giám mục phó để thanh lý và chỉnh sửa hữu hiệu các lời giảng dạy của Đức Tổng Giám Mục.
Trong một điển hình gần đây hơn, Giám mục William Morris của Toowoomba của Úc đã bị Đức Bênêđíctô XVI cách chức vào năm 2011, khi rõ ràng ngài không tuân theo giáo huấn của Giáo hội về việc không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ.
Nhưng khi Ladaria ngồi lại với các giám mục Bỉ trong vài tuần nữa, một vài người trong thánh bộ có thể sẽ nghiêm túc xem xét viễn cảnh Đức Phanxicô có thể đáp ứng như Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô từng đáp ứng.
Dù Đức Giáo Hoàng đã cho thấy ngài sẵn sàng cách chức một giám mục vì lý do “không vâng lời” và không hiệp thông với các giám mục khác, nhưng chưa có điển hình nào về việc Đức Phanxicô thực hiện hành động kỷ luật về các vấn đề giáo lý.
Kết quả là, các tranh chấp về các vấn đề đức tin và đạo đức giữa Rôma và các giám mục, đặc biệt ở châu Âu, có xu hướng xoay quanh những cách giải thích cạnh tranh - một số khá có tính suy đoán - về những gì Đức Phanxicô thực sự dạy và thực sự nghĩ.
Chẳng hạn, điều đáng lưu ý là cả văn bản năm 2021 của Bộ Giáo lý Đức tin loại trừ khả năng Giáo Hội chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính lẫn tài liệu của Bỉ đưa chúng vào, cả hai đều tham chiếu tông huấn Amoris laetitia năm 2016 của Đức Phanxicô.
Trong khi các Giám Mục Bỉ nhấn mạnh rằng kế hoạch của họ nằm trong khuôn mục vụ được các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng đòi hỏi, thì Bộ Giáo lý Đức tin có thể nhận định rằng chính Đức Phanxicô đã ra lệnh công bố văn kiện của họ ngay từ đầu.
Tuy nhiên, ấn tượng đã thành hình, cả ở Rôma lẫn trên toàn Giáo hội, rằng không có xác suất gì là Đức Giáo Hoàng sẽ minh nhiên nghiêng về phía nào.
Một số người theo dõi Vatican coi đó như bằng chứng của “chủ nghĩa bánh ngọt” của Đức Giáo Hoàng, tức thiên hướng vừa ăn bánh mà vừa còn nó - trong trường hợp này dường như cùng một lúc vừa đứng chung với các giáo huấn lâu đời của Giáo hội vừa cho phép việc thúc đẩy các thay đổi triệt để đối với chúng.
Những người khác, kể cả nhiều viên chức làm việc trong giáo triều Rôma, lặng lẽ gợi ý rằng mặc dù hình ảnh của ngài là một giáo hoàng chỉ đạo một cuộc cải cách sâu rộng về văn hóa và quản trị của Giáo hội hoàn vũ, nhưng Đức Phanxicô thực sự lo sợ phải đối đầu trực tiếp với các hội đồng giám mục tiến bộ hơn như Bỉ và Đức, và lo lắng rằng ngài không có thẩm quyền đưa họ vào hàng, ngay cả khi ngài nghĩ rằng họ đã đi quá xa.
Cho dù một trong hai ấn tượng đó hay không có ấn tượng nào trong số này chính xác, thực tại là các cuộc tranh luận gay gắt nhất hiện đang diễn ra – liên quan tới giáo huấn của Giáo hội về luân lý tình dục, về các bí tích, về ý nghĩa và bản chất của tính đồng nghị - tất cả đã trở thành những trận chiến giành di sản của Đức Phanxicô trong tư cách giáo hoàng, ngay khi ngài vẫn còn tại vị.
Trong số các viên chức Vatican nói chuyện với The Pillar, có một sự đồng thuận: điểm nguy kịch đã đến trong căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa những người thất vọng rằng Vatican đã không đưa ra "tiến bộ" nào về mặt học thuyết trong các vấn đề như mối liên hệ đồng tính, và những người làm việc để ngăn chặn điều bị họ coi như phủ nhận giáo lý Công Giáo.
Các phương tiện truyền thông đồ đoán về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng, hoặc gợi ý về việc ngài từ chức, là điều bình thường ở giai đoạn này của triều giáo hoàng - Đức Phanxicô sắp bước sang tuổi 86. Nhưng đằng sau những lời bàn tán thường ngày trên báo chí, cuộc chiến giành di sản của triều giáo hoàng Phanxicô đã trở thành thực tế, cả trong số những người tự coi mình như những người cương quyết ủng hộ nghị trình của ngài.
Một bên là những người theo chủ nghĩa định chế, những người coi cuộc cải cách lớn nhất của Đức Phanxicô là sự thay đổi âm nhạc, thay vì lời ca, cho Giáo hội, mang lại một giai điệu mục vụ mới cho các chân lý và tín lý bất biến. Đối với những nhân vật đó, hành động của các giám mục Đức và Bỉ là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại đối với sự hiện hữu có tính cơ cấu của Giáo hội hoàn vũ, đe dọa chia lìa với Rôma và các hội đồng giám mục khác trên khắp thế giới về các vấn đề tín lý căn bản.
Phía bên kia là những người coi triều giáo hoàng của Đức Phanxicô như một cơ hội để cải tổ giáo huấn của Giáo hội một cách mạnh mẽ có bản chất, chứ không chỉ trong giọng điệu. Họ sợ cửa sổ đó đang đóng lại nhanh chóng và gây hứng cho một tình trạng cấp bách mới để củng cố các đề xuất và cuộc thảo luận thành hành động và kết quả.
Có lẽ đáng chú ý, lực đẩy và lực kéo giữa hai bên đó cho đến nay đã diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị cho phiên họp thượng hội đồng cuối cùng của năm tới, dự kiến vào tháng 10 - nhưng ít nhất trong các cuộc trò chuyện xung quanh Rôma, khung quy chiếu đang chuyển sang việc thảo luận nhiều-hay-ít cởi mở về mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo và quá đó nữa.
Trong khi các nhà bình luận thường cố loại bỏ việc coi cuộc bầu cử Giáo hoàng như bao gồm các ứng viên bảo thủ chống các ứng viên tự do, thì sự chia rẽ giữa những người duy định chế và những người cực cấp tiến hoàn toàn đáng được theo dõi kỹ hơn, với cả hai phe đều cho rằng mình là phù hợp nhất để tiếp tục các cải cách của Đức Phanxicô.
Một số Hồng Y nổi tiếng, như Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin và chủ tịch hội đồng giám mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, từ lâu đã được nhắc đến trong một số giới như những người thừa kế có thể có của Đức Phanxicô. Nhưng nay, càng ngày các ngài càng được nói đến - ít nhất bởi một số người cấp tiến - như quá gần với tư duy “duy định chế” và không cởi mở đủ đối với loại cải cách triệt để, chẳng hạn như của các giám mục Bỉ và Đức.
Những cái tên mới hiện đang bắt đầu xuất hiệp khắp Rôma như các “Đức Phanxicô II” trong tiềm năng, đặc biệt là Hồng Y Mauro Gambetti, vị tổng linh mục của Nhà thờ Thánh Phêrô và là tổng đại diện của thị quốc Vatican, và Hồng Y người Malta Mario Grech - người đứng đầu văn phòng thường trực của Thượng hội đồng. Mỗi vị đều được cho là đang âm thầm báo hiệu cam kết của mình trong việc “dứt khoát cải tổ” Giáo hội.
Tuy nhiên, những người duy định chế và những người cải cách cấp tiến dường như chia sẻ một điểm chung quan trọng – viễn kiến về Giáo hội nhấn mạnh quyền lực bắt nguồn từ con người và chức vụ của giáo hoàng.
Nhưng một cách nghịch lý, chính việc Đức Giáo Hoàng từ chối minh nhiên ủng hộ phe này hay phe khác trong những mối bất hòa khác nhau đang nảy sinh giữa giáo triều của ngài và các giám mục Bỉ và Đức khiến nhiều nhà quan sát lo ngại viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng hiệp thông toàn diện.
Động lực của Rôma nói một điều và các giám mục làm điều ngược lại - thí dụ ở Bỉ - đơn giản không chống chữa được trong bất cứ khoảng thời gian thực nào. Ngay cả khi Rôma (và Đức Giáo Hoàng) từ chối hành động chống lại các Giám Mục Bỉ, hoặc các Giám Mục Đức, công khai phớt lờ tình hình cũng không có khả năng làm cho nó biến mất.
Thật vậy, nếu hy vọng của Đức Phanxicô là nhờ không đứng về phía nào, ngài có thể tránh được xung đột, thì chiến lược này kết cục có thể sẽ kích động chính cuộc đối đầu mà ngài hy vọng sẽ tránh được.
Cuối cùng, những bức thư quan tâm của các giám mục từ các nơi khác trên thế giới sẽ biến thành lời thừa nhận thẳng thắn rằng hội đồng giám mục này hay hội đồng giám mục nọ đã vi phạm giáo huấn và kỷ luật phổ quát của Giáo hội, cả khi Đức Phanxicô từ chối đáp ứng những điều đó. Nhưng một số người hiện đang suy đoán điều đó có thể là một phần của kế hoạch.
Một lý thuyết đang được đề xuất trong các bộ phận của Vatican là một số hội đồng giám mục cấp tiến đang ve vãn một cuộc đối đầu.
Lý thuyết đó cho rằng nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô không minh nhiên ủng hộ chẳng hạn việc phong chức cho phụ nữ hoặc công nhận các cuộc kết hợp đồng tính, thì cuối cùng người kế nhiệm ngài sẽ giải quyết vấn đề. Trong trường hợp đó, lập luận tiếp tục, việc kích động một cuộc chia lìa công khai về các vấn đề có thể buộc người kế nhiệm của ngài phải lựa chọn giữa chương trình cải cách tiến bộ và viễn cảnh ly giáo thực sự - với việc các nhà cải cách trông cậy vào việc ngài chọn sự hợp nhất hơn là thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội. Vị giáo hoàng tương lai đó lúc ấy sẽ hàn gắn việc chia lìa trong khi giải quyết hướng cải cách có lợi cho chúng, một lần và mãi mãi.
Giống như tất cả các chiến lược tiền mật nghị bầu Giáo Hoàng, nó có thể hoặc không có thể gần nhất quán và có tổ chức như một số người vẫn nghĩ. Và cũng như những kế hoạch khác trước đây, nó có thể thành công hoặc không.
Nhưng vào lúc này, hình như ít nhất một số người con trong giáo hội của Đức Phanxicô đang đòi chia phần tài sản của họ ngay bây giờ. Liệu họ có được thỏa lòng hay không là điều vẫn còn cần được nhìn thấy.