1. Các giám mục Hoa Kỳ đề cử các ứng cử viên cho chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục
Hôm thứ Ba, các giám mục Hoa Kỳ đã công bố tên của 10 ứng cử viên được đề cử làm chủ tịch và phó chủ tịch tiếp theo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.
Một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong phiên khoáng đại mùa thu của các Giám Mục ở Baltimore từ ngày 14 đến 17 tháng 11 để thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, và phó chủ tịch, là Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit. Nhiệm kỳ ba năm của hai vị kết thúc trong phiên khoáng đại này.
Những vị được các Giám Mục Hoa Kỳ đề cử bao gồm:
Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, Tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ.
Đức Cha Michael F. Burbidge, Giáo phận Arlington, Virginia
Đức Cha Frank J. Caggiano, Giáo phận Bridgeport, Connecticut
Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley, Tổng Giáo phận Thành phố Oklahoma
Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone, Tổng giáo phận San Francisco
Đức Tổng Giám Mục Paul D. Etienne, Tổng Giáo phận Seattle
Đức Cha Daniel E. Flores, Giáo phận Brownsville, Texas
Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, Tổng giáo phận San Antonio
Đức Tổng Giám Mục William E. Lori, Tổng giáo phận Baltimore
Đức Cha Kevin C. Rhoades, Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana
Theo quy định của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, vị chủ tịch trước tiên sẽ được bầu bằng đa số phiếu đơn giản của những người có mặt và bỏ phiếu. Sau đó, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức cho vị trí phó chủ tịch, trong số những vị được đề cử còn lại. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu, cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được thực hiện. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số thì cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra giữa hai vị có phiếu bầu cao nhất.
Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu các chủ tịch mới của sáu ủy ban thường trực của USCCB.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y người Guatemala đáp trả cuộc tấn công của Daniel Ortega vào Giáo Hội Công Giáo
Đức Hồng Y Álvaro Leonel Ramazzini Imeri của Huehuetenango đã có một phản ứng mạnh mẽ đối với tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, người cách đây vài ngày đã công kích Đức Thánh Cha Phanxicô và nói rằng Giáo Hội Công Giáo là “chế độ độc tài hoàn hảo”.
“Đúng là, Giáo Hội Công Giáo không phải là một nền dân chủ, nhưng Giáo Hội có tinh thần tham gia và hiệp thông giúp cho tất cả chúng ta, những người tạo nên Giáo hội, từ giáo hoàng đến giáo dân, được sống trong hòa bình và hòa hợp,” Đức Hồng Y người Guatemala cho biết trong một video do Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh đăng ngày 1 tháng 10.
“Ông Chủ tịch Daniel Ortega, nếu ông là một người Công Giáo, thì điều mà tôi với tư cách là giám mục mong đợi ở ông là ông có sự tôn trọng đối với Giáo Hội Công Giáo và trật tự thích hợp chỉ đạo tổ chức này được thành lập bởi Chúa Giêsu Kitô của chúng ta”.
Trong bài phát biểu kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Cảnh sát Quốc gia, Ortega đặt câu hỏi: “Ai bầu các linh mục, giám mục, giáo hoàng, Hồng Y, bao nhiêu phiếu, ai bầu cho họ? Nếu họ muốn dân chủ, họ phải bắt đầu bằng cách bầu giáo hoàng, các Hồng Y, giám mục, với lá phiếu của dân chúng, với lá phiếu của người Công Giáo. “
“Hãy để dân chúng bầu chọn họ và không phải tất cả họ được áp đặt lên người dân, đó là một chế độ độc tài, chế độ độc tài hoàn hảo. Đó là một chế độ chuyên chế, một chế độ chuyên chế hoàn hảo”.
Sau khi gọi giáo hoàng là “bạo chúa thánh thiện”, nhà độc tài Nicaragua hỏi: “Ông nói với tôi về nền dân chủ với thẩm quyền nào? Giám mục đã có bao nhiêu phiếu bầu từ dân chúng để được bổ nhiệm làm giám mục?”
Ramazzini nói rằng nếu Ortega không tôn trọng Giáo hội, thì “Tôi rất nghi ngờ rằng bạn thực sự là một người Công Giáo.”
“Không phải là vấn đề nói rằng 'Tôi là người Công Giáo và tôi làm bất cứ điều gì tôi cảm thấy thích. Tôi là một người Công Giáo, một tổng thống Công Giáo và đó là lý do tại sao tôi tống một giám mục vào tù, buộc tội ông ta một cách gian dối. Tôi là người Công Giáo và tôi đàn áp Giáo hội mà tôi là thành viên. Đó là một sự mâu thuẫn nghiêm trọng, '' vị Hồng Y khẳng định.
Vị Giám Mục bị bắt mà Đức Hồng Y đề cập đến là Đức Cha Rolando Álvarez, Giám Mục Matagalpa, người mà cảnh sát đã bắt cóc ngày 19 tháng 8 từ Tòa Giám Mục nơi ngài đã bị cảnh sát chống bạo động quản thúc trong hơn hai tuần và sau đó đưa ngài đến Managua, nơi ông vẫn bị quản thúc tại gia.
Cùng đêm Đức Cha Álvarez bị bắt, bốn linh mục, hai chủng sinh, và một giáo dân cũng bị quản thúc trong Tòa Giám Mục với ngài cũng bị bắt đi và đang bị giam giữ trong nhà tù El Chipote, là nơi tra tấn những người chống đối chế độ.
Đức Hồng Y Ramazzini cũng nhấn mạnh rằng “các nhà độc tài thường muốn tạo cơ sở cho thái độ và hành động độc tài của họ để có thể tự thuyết phục mình”.
“Tôi hy vọng rằng những tuyên bố này có thể giúp làm sáng tỏ các ý tưởng, bởi vì không có gì tệ hơn việc nói nửa sự thật, bởi vì điều đó khiến cho những lời nói dối nửa vời trở thành lời nói dối hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency
3. Các video cho thấy những người đàn ông Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Videos Show Russian Men Breaking Limbs to Avoid Conscription”, nghĩa là “Các video cho thấy những người đàn ông Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ.”
Nhiều video đã xuất hiện với mục đích cho thấy những người đàn ông Nga cố tình bẻ gãy tay chân của bạn bè, với sự đồng ý rõ ràng của họ, để tránh bị nhập ngũ.
Vào ngày 21 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh động viên bán phần dân số Nga, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết 300,000 người có kinh nghiệm quân sự trước đây sẽ bị gọi nhập ngũ.
Bất chấp tuyên bố này, đã có nhiều báo cáo về những người đàn ông không hề có chút kiến thức quân sự nào, bao gồm cả sinh viên và đàn ông ở độ tuổi 60, vẫn bị gọi nhập ngũ
Hàng nghìn người đàn ông Nga muốn tránh bị buộc phải chiến đấu ở Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng, bao gồm Kazakhstan, Georgia và Mông Cổ, kể từ khi lệnh nhập ngũ được ban hành.
Tuy nhiên, một số dường như đang thực hiện các biện pháp thậm chí còn cực đoan hơn để tránh bị đẩy vào cuộc chiến.
Trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội Nga và đăng lại trên Reddit, một người đàn ông Nga dùng búa tạ đập vào tay người khác.
Đoạn phim, có thể được nhìn thấy trong phần description, cho thấy một người đàn ông với cánh tay trái của mình trên băng ghế, trong khi một người đàn ông khác nâng một chiếc búa tạ qua đầu và sau đó hạ nó xuống như một vụ tai nạn.
Hai phụ nữ được nhìn thấy đang kiểm tra cánh tay của người đàn ông, mặc dù mức độ thương tích của anh ta không rõ ràng.
Trong một nỗ lực rõ ràng khác để tránh nghĩa vụ quân sự được đăng trên mạng xã hội, một người đàn ông có thể được nhìn thấy đang nhảy lên chân của bạn mình, từ trên đỉnh cầu thang, dường như gây ra một vết thương đau đớn.
Newsweek chưa thể xác minh độc lập nội dung của một trong hai clip.
Tại thị trấn Ust-Ilimsk của Siberia, một sĩ quan lính nghĩa vụ Nga đã bị bắn và bị thương bởi một người đàn ông tức giận vì bạn của anh ta đã bị nhập ngũ, trong khi một người biểu tình ở thành phố Ryazan, miền trung nước Nga đã tự thiêu để phản đối quân dịch. Các cuộc biểu tình chống lệnh động viên của Putin đã được tổ chức tại 38 thành phố của Nga trong những ngày sau tuyên bố của Putin. Cảnh sát thực hiện hàng ngàn vụ bắt giữ.
Newsweek đã nói chuyện với một số chuyên gia chính sách đối ngoại về những gì mà người Nga sẽ cố gắng vượt qua trong thời gian dài bất thường này để tránh bị gọi nhập ngũ trong nỗ lực chiến tranh của Putin.
“Như Chesterton đã nói, 'người lính thực sự chiến đấu không phải vì anh ta ghét những gì trước mặt, mà vì anh ta yêu những gì sau lưng mình.' Những người lính Ukraine đang bảo vệ ngôi nhà và lò sưởi của họ — và chiến đấu như thế; trong khi đó, Putin đang yêu cầu những người đàn ông Nga chết trong một cuộc chiến tranh xâm lược dựa trên một lý do giả tạo”, Peter Rough, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson, nói với Newsweek, và nhấn mạnh rằng sự giả tạo trong quan điểm của Putin có những tác động rõ ràng đối với tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Nga.
Nikolai Petrov, một thành viên nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nói thêm: “Người Nga, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trước đây không sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, và bây giờ họ đang cố gắng tránh nó bằng mọi cách. Hàng trăm nghìn người đã tìm cách rời khỏi đất nước. Ngày nay để làm được điều này vừa rất tốn kém lại vừa khó khăn.
“Có hai lựa chọn chính: bị đưa đến Ukraine hoặc đi tù 10 năm vì trốn tránh lệnh động viên, thành ra có người sẵn sàng gây thương tích nặng cho bản thân và hy sinh sức khỏe của mình để bảo toàn tính mạng và tự do.”
Tiến sĩ Alan Mendoza, giám đốc điều hành của Hiệp hội Henry Jackson có trụ sở tại London, nói với Newsweek rằng việc huy động được Putin đưa ra trong tình trạng tuyệt vọng nhằm chấm dứt chiến tranh với việc Nga giành được lãnh thổ.
Mendoza nói: “Các phương tiện truyền thông Nga thường đề cập đến quyết tâm của những người lính Nga thực sự tình nguyện chiến đấu ở Ukraine trong vòng vài tháng, tuy nhiên, có lẽ điều thường thấy hơn là có rất ít hoặc không có sự nhiệt tình từ quân lính nghĩa vụ”.
“Đây là lý do tại sao, thông qua cuộc trưng cầu dân ý giả và việc sáp nhập các phần của Ukraine, Putin đang cố gắng kết thúc chiến tranh với một lợi ích lãnh thổ hữu hình, vì nói cho cùng, ông ta sẽ đấu tranh để tồn tại về mặt chính trị bất kể các chiến bại trên chiến trường.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
Source:Newsweek