Theo Gerard O’Connell của tạp chí America, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại Rome vào ngày 6 tháng 9, Đức Hồng Y Pedro Barreto Jimeno, S.J. nói với tờ này rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn quy chế của Hội đồng Giáo hội Amazon (CEAMA), dành cho nó sự công nhận chính thức trong Giáo Hội.



Đức Hồng Y Barreto, 78 tuổi, tổng giám mục của Huancayo ở vùng núi Trung tâm Andes của Peru, được bầu làm chủ tịch Hội đồng Amazon vào ngày 27 tháng 3, kế nhiệm Đức Hồng Y Claudio Hummes của Brazil, người đã từ chức vì sức khỏe kém và sau đó đã qua đời.

Phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, ngài giải thích rằng định chế hiện đã được chính thức công nhận “bao gồm các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân từ chín quốc gia trong khu vực Amazon,” cụ thể là Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru, Venezuela, Suriname, Guiana và Guiana thuộc Pháp. (Ngược lại, một hội đồng giám mục chỉ bao gồm các giám mục của một lãnh thổ nhất định.) Ngài nói, “Đây là hội đồng đầu tiên thuộc loại này trong lịch sử của giáo hội,” và là “thành quả cụ thể đầu tiên của thượng hội đồng vùng Amazon.” Đức Hồng Y là một trong ba đại biểu chủ tịch của thượng hội đồng đó.

Ngài nói, Hội đồng Giáo hội Amazon có thể được so sánh “với hạt cải nhỏ mọc lên từng chút một và vươn cành chào đón toàn thể giáo hội hoàn cầu”. Ngài hy vọng các hội đồng giáo hội tương tự sẽ xuất hiện ở các lục địa khác trong những năm tới, bao gồm cả Châu Phi và Châu Á, vì các giám mục từ các lục địa đó đã tỏ ra rất quan tâm đến sự phát triển cơ cấu ở khu vực Amazon.

Ngài dự đoán rằng trong những năm tới “các hội đồng giám mục” sẽ phải chuyển mình thành các hội đồng giáo hội.” Ngài tin rằng các Thượng Hội Đồng trong tương lai sẽ là “các Thượng hội đồng Giáo hội”, như đã được báo hiệu bởi sự kiện là “Predicate Evangelium”, hiến pháp để cải tổ Giáo triều Rôma, đã bỏ cụm từ “giám mục” một cách chiến lược. Không còn là “Văn Phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục,” nữa, nay được gọi là “Văn Phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng.”

Vị Hồng Y Dòng Tên người Peru nhớ lại rằng tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng về Amazon đã được “Đức Giáo Hoàng phê chuẩn”. Ngài coi đây là “một cuộc cách mạng trong Giáo hội” bởi vì trước đó, mỗi thượng hội đồng đã trình bày các khuyến nghị hoặc đề nghị của mình (thường là khoảng 50) cho Đức Giáo Hoàng, người sẽ kết hợp chúng thành tông huấn hậu thượng hội đồng của ngài.

Tuy nhiên, đối với Thượng hội đồng Amazon, Đức Giáo Hội Phanxicô đã không tuân theo mô hình này; thay vào đó, ngài trình bày tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng cho toàn thể Giáo Hội khi công bố tông huấn "Querida Amazonia"; ngài nói rằng, "Tôi không muốn trích dẫn tài liệu cuối cùng trong tông huấn này vì tôi muốn khuyến khích mọi người đọc nó trọn vẹn."

Đức Hồng Y Barreto nói rằng tài liệu cuối cùng nhấn mạnh sự cần thiết của một cơ quan giáo hội mới để thúc đẩy tính đồng nghị và lên khuôn một giáo hội với “khuôn mặt Amazon”, đồng thời tìm kiếm những con đường mới để truyền giảng Tin Mừng và cho một hệ sinh thái toàn diện. Hội đồng Giáo hội mới của Amazon là cơ quan đó.

Nó chính thức được tạo ra vào ngày 29 tháng 6 năm 2020, như là “một công cụ hữu hiệu” để thực hiện các đề nghị phát xuất từ Thượng Hội đồng năm 2019 về Amazon và để mang lại sức sống cho “bốn giấc mơ lớn” của khu vực được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng “Querida Amazonia” của ngài.

Đức Hồng Y Barreto nói rằng bằng cách chọn tựa đề "Querida Amazonia" cho Tông huấn hậu thượng hội đồng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã "đặt tên cho một sinh vật vốn là một quần xã [biome], trong đó có 30 triệu người và ba triệu cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống." Ngài nói, việc lựa chọn tên gọi, “cho thấy một thái độ của Giáo Hội, điều này cũng tương ứng với mong muốn của người dân bản địa, vốn mong ước Giáo Hội là đồng minh của những dân tộc này, những người trong lịch sử luôn bị vùi dập trong cuộc sống của họ và ngày nay chịu cảnh bị phá rừng và việc khai thác tài nguyên của vùng đất của họ.”

Ngài trưng dẫn một thí dụ về sự đau khổ của họ là mặc dù Brazil có 63% lãnh thổ Amazon, nhưng lại có dân số bản địa thấp hơn so với tám quốc gia khác trong khu vực chiếm 45% lãnh thổ. Ngài nói, "điều này cho thấy rằng các dân tộc bản địa trong lịch sử đã phải chịu nạn diệt chủng ở Brazil và ở các nước khác như Peru."

Ngài nói “ ‘Querida Amazonia’ nói lên mong ước của Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tìm kiếm những con đường mới cho Giáo Hội và những con đường mới cho một hệ sinh thái toàn diện.”

Ngài nói thêm, “Tôi có ấn tượng bởi sự kiện này: trong khi là một thượng hội đồng cho vùng Amazon, nó đã đặt ra những con đường mới cho toàn thể Giáo Hội, chứ không riêng cho vùng Amazon. Do đó, Đức Giáo Hoàng đã nghĩ đến Giáo Hội phổ quát, nhưng bắt đầu từ vùng ngoại vi hiện sinh là nền văn hóa Amazon."

Đức Hồng Y nhìn thấy “mối liên hệ” giữa “Querida Amazonia,” văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng và cơ quan Giáo Hội mới được công nhận: “Có thể nói Hội đồng Giáo hội Amazon là món quà tuyệt vời nhất mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban tặng không những cho vùng Amazon mà còn cho cả Giáo Hội phổ quát. Tại sao? Bởi vì cho đến nay đã có các hội đồng giám mục, nhưng hội đồng giáo hội Amazon là đầu tiên [thuộc loại này] trong lịch sử của Giáo Hội".

Ngài giải thích, “Sự khác biệt rất lớn vì cho đến nay Giáo hội đã thống nhất các giám mục và Hồng Y trong các hội đồng [giám mục] của các quốc gia khác nhau, và ngay cả trong các tổ chức như CELAM [hội đồng giám mục Mỹ Latinh], trong khi Hội đồng Giáo hội… xoay quanh dân Chúa phù hợp với Công đồng Vatican II”.

Ngài nhắc lại rằng chương thứ hai của Hiến chế tín lý của Công đồng Vatican II về Giáo hội, "Lumen Gentium," được dành cho "dân Chúa", trong khi chương thứ ba nói về "các giám mục phục vụ dân Chúa Giêsu." Đức Hồng Y Barreto nhắc thêm rằng “Công Đồng Vatican II đã chứng kiến sự tuôn trào Chúa Thánh Thần trong việc canh tân Giáo hội hoàn vũ.”

Khi được hỏi liệu cơ quan mới của Amazon có thể được coi là “một trong những điểm mới lạ của triều đại giáo hoàng này hay không,” vị Hồng Y nhấn mạnh rằng “đây không phải là điều gì mới từ Đức Phanxicô; nó thực sự bắt nguồn từ Công đồng Vatican II, và Đức Phanxicô đang thực hiện Công đồng đó.”

Hội đồng Giáo hội này “có liên hệ rất nhiều với REPAM, tức Mạng lưới Giáo hội Toàn vùng Amazon”, một mạng lưới dành cho khu vực Amazon được thành lập vào năm 2014 để đáp lại những mối quan tâm nghiêm trọng của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội liên quan đến những vết thương sâu xa của khu vực và các dân tộc.

Ngài nhắc lại rằng “REPAM bao gồm một đơn vị tập chú vào nhân quyền trên lãnh thổ Amazon và báo cáo nhanh chóng cho Liên hiệp quốc, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ khi các quyền này bị vi phạm, do đó làm cho tiếng nói của khu vực được nghe thấy.”

Ngài nói: Một sự phát triển quan trọng khác sẽ là việc thành lập Đại học Công Giáo Amazon, nhờ một qũy do Đại học Công Giáo Quito thành lập nhưng độc lập với nó. Trường đại học mới này rất quan trọng vì mức độ tham gia thấp của sinh viên từ các cộng đồng Bản địa vào giáo dục đại học; chỉ có 3.2% hiện đang học đại học.

Đức Hồng Y giải thích rằng hội nghị đang phát triển một nghi lễ Amazon theo yêu cầu của thượng hội đồng và đang suy gẫm về “những kinh nghiệm với các nghi lễ, biểu thức phụng vụ và linh đạo Amazon.” Ngài tiết lộ rằng trong chuyến thăm Rôma này, ngài cùng với các thành viên khác trong ban lãnh đạo Hội đồng, đã đến thăm Thánh bộ Thờ phượng Thiên Chúa và Kỷ luật Bí tích vào ngày 1 tháng Chín.

Ngài nói, “Chúng tôi đang trong quá trình đối thoại với Thánh bộ Thờ phượng Thiên Chúa và với Đức Hồng Y [Arthur] Roche, và đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể đối thoại với Thánh bộ này một cách huynh đệ, trong thái độ lắng nghe”.

Vị Hồng Y người Peru nhấn mạnh rằng “ngay từ đầu, Giáo Hội đã tìm cách hội nhập văn hóa Tin Mừng bằng mọi cách có thể, và Đức Phanxicô đã khẳng định rõ ràng rằng điều này phải được thực hiện”. Đức Hồng Y nhắc lại rằng Matteo Ricci (1552-1610), nhà truyền giáo Dòng Tên sinh ở Ý và đến Trung Quốc, là một người thực sự đi đúng con đường hội nhập văn hóa, nhưng “chủ nghĩa tập quyền Rôma” đã sớm ngăn chặn nỗ lực này qua quyết định về vấn đề nghi lễ Trung Quốc, với những hậu quả mà chúng ta vẫn thấy ngày nay”.

Tuy nhiên, ngài bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy rằng giờ đây, một não trạng khác đang chiếm ưu thế ở Rôma tại Thánh bộ Thờ phượng Thiên Chúa, nơi “chúng ta đã có kinh nghiệm chào đón, lắng nghe và đồng hành”. Do đó, ngài nói, "chúng ta đang đang đi đúng, chúng ta đã bắt đầu đối thoại và chúng ta sẽ không đi một mình." Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với các giám mục của Thánh bộ.

Ngài tiết lộ rằng các thành viên của Hội đồng Amazon “cũng đang thảo luận về vấn đề các thừa tác vụ… sự phục vụ của họ trong Giáo Hội và đặc biệt hơn, thừa tác vụ của phụ nữ và việc phục vụ của các phụ nữ ở vùng Amazon”. Ngài báo cáo "rằng bên trong vùng Amazon, nhưng cả bên ngoài khu vực nữa, các nữ tu sĩ đã cử hành bí tích rửa tội, đám cưới, các buổi phụng vụ và thậm chí một số còn nghe các lời xưng tội của những người muốn tâm sự các vấn đề bản thân với các dì mặc dù các dì không thể giải tội [bí tích]."

Ngài nhắc lại rằng CLAR - từ viết tắt của Hội đồng Các Tu sĩ Nam Nữ ở Mỹ Latinh - là một trong những thực thể sáng lập của cả Hội đồng Giáo hội mới thành lập và REPAM.

“Vì điều này, chúng tôi đang khám phá những nhân vật rất quan trọng của phụ nữ Bản địa… và vai trò của họ trong cộng đồng.” Thí dụ, ngài nói đến ban lãnh đạo của REPAM bao gồm một chủ tịch và ba phó chủ tịch, và hai trong số phó chủ tịch là phụ nữ, bao gồm một phụ nữ bản địa. Tương tự như vậy, ban lãnh đạo của Hội đồng Giáo hội Amazon cũng bao gồm một chủ tịch và bốn phó chủ tịch, và một lần nữa, ban lãnh đạo không chỉ bao gồm một nam giáo dân mà còn bao gồm một nữ tu sĩ và một phụ nữ bản địa.

Đức Hồng Y Barreto tiết lộ ban đầu Thánh Bộ Giám Mục cảm thấy bối rối trước Hội đồng Giáo hội mới này. Ngài nói, “Họ không biết phải liên lạc với Hội đồng Giáo hội Amazon như thế nào”. Nhưng sau đó, Đức Hồng Y Marc Ouellet, người đứng đầu Thánh Bộ, đã viết một lá thư cho Đức Hồng Y Hummes, chủ tịch hội đồng Amazon, "thông báo sự chấp thuận Hội đồng Giáo hội Amazon theo giáo luật nhưng đồng thời yêu cầu chúng tôi sửa đổi quy chế." Đức Hồng Y nói, quy chế sửa đổi, nhấn mạnh hơn đến tính chất giáo hội của hội đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận và phê chuẩn và “sẽ được công bố trong những ngày tới”.

Ngài kết thúc cuộc phỏng vấn bằng những lời này, “Chúng ta đang sống trong một thời điểm rất đặc biệt của ân sủng Thiên Chúa. Đó là thời điểm của hy vọng giữa một nhân loại tuyệt vọng, không có mục đích”.