1. Các cuộc biểu tình nổ ra ở Malta khi quốc hội tranh luận về sửa đổi phá thai
Một bức ảnh lớn của một em bé chưa chào đời đã được đặt bên ngoài văn phòng của thủ tướng Malta vào hôm Chúa Nhật khi những người biểu tình kêu gọi chính phủ hãy dừng kế hoạch sửa đổi luật chống phá thai nghiêm ngặt của đất nước.
Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm đã thu hút hàng nghìn người bao gồm cả giám mục Công Giáo hàng đầu của Malta và lãnh đạo phe đối lập bảo thủ, và được lãnh đạo bởi một cựu tổng thống trung tả, Marie Louise Coleiro Preca.
Maria Formosa, sinh viên đại học 19 tuổi, một trong những diễn giả tại cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi ở đây để trở thành tiếng nói của thai nhi. Khi phá thai, sự sống luôn bị mất đi.”
Một số người có mặt mang theo những tấm bảng ghi những khẩu hiệu như “Hãy ngăn chặn việc phá thai ở Malta” và “Hãy bảo vệ con cái của chúng ta”. Họ cũng hô vang “Không phá thai, đồng ý với sự sống”.
Tuân giữ truyền thống Công Giáo, Malta là thành viên duy nhất của Liên minh Âu Châu cấm phá thai trong mọi trường hợp, ngay cả khi tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ bị đe dọa do mang thai.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Chris Fearne đã trình bày một sửa đổi trước quốc hội, theo đó sẽ khiến các bác sĩ không còn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tù 4 năm nếu sự can thiệp của họ để giúp đỡ những phụ nữ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dẫn đến việc phá thai.
Cho đến nay, không có bác sĩ nào bị truy tố về tội danh này.
Phe đối lập trung hữu, Giáo Hội Công Giáo hùng mạnh và một số tổ chức phi chính phủ đã mô tả việc sửa đổi là không cần thiết và mở đường cho việc tự do hóa hoàn toàn việc phá thai. Đảng Lao động trung tả cầm quyền đã bác bỏ cáo buộc này.
Chính phủ của Thủ tướng Robert Abela chiếm đa số và không có bất đồng nào xuất hiện trong hàng ngũ của họ, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số phản đối việc phá thai, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Không ai trong chính phủ đưa ra bất kỳ bình luận nào để đáp lại cuộc biểu tình vào Chúa Nhật.
Động thái thay đổi các quy định về phá thai được đưa ra sau khi một du khách người Mỹ, Andrea Prudente, hồi tháng 6 bị từ chối yêu cầu chấm dứt thai kỳ không thể sống được sau khi cô bắt đầu ra máu nhiều.
Các bác sĩ của cô ấy nói rằng tính mạng của cô ấy đang gặp nguy hiểm và cuối cùng cô ấy đã được chuyển đến Tây Ban Nha để phá thai. Sau đó, cô đã kiện chính phủ Malta, kêu gọi tòa án tuyên bố rằng việc cấm phá thai trong mọi trường hợp là vi phạm nhân quyền.
Vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Source:Reuters
2. Đức Hồng Y Charles Bo khẩn cầu chính quyền quân sự đối thoại với phe đối lập
Đức Hồng Y Charles Maung Bo, tổng giám mục Yangon, đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dân sự ở Miến Điện sau một cuộc tấn công của quân đội vào ngôi làng quê hương của ngài ở khu vực miền trung Sagaing.
Đức Hồng Y nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ngài 'rất buồn' trước cuộc tấn công vào làng Mon Hla tỉnh Khin-U vào ngày 23 tháng 11 và giết chết một số thường dân, trong đó có một cậu bé bảy tuổi.
Trong số những người bị thiệt mạng cũng có 6 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, là cánh vũ trang của Chính phủ Thống nhất Quốc gia bao gồm các đại biểu của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia, bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2 năm 2021.
Quân đội đã san bằng khoảng 200 tòa nhà, trong đó có một trường học và một nhà thờ được xây dựng bằng tiền quyên góp của Đức Hồng Y.
Các Kitô Hữu sống ở Mon Hla và các làng Chaung Yoe và Chan Thar gần đó được gọi là Bayingyi và là người gốc Bồ Đào Nha: họ đã sống dọc theo sông Chindwin và Mu từ đầu thế kỷ 17.
Cuộc tấn công vào thành phố Khin-U bắt đầu vào giữa tháng 11: ba cánh quân tiến vào từ phía tây và đốt cháy hàng trăm ngôi nhà với sự hỗ trợ của các cuộc không kích.
Sau trận ném bom vào ngày 23 tháng 11, quân đội tiếp tục hành quân về phía nam, chiếm hết làng này đến làng khác. Tại ngôi làng Myin Daung, nơi bị binh lính xâm lược trong ba ngày, thi thể cháy thành than của một số thường dân được tìm thấy bên trong một cửa hàng sau khi binh lính rời đi.
Theo người dân, quân đội đã thiêu sống họ vì các thi thể được tìm thấy với hai tay bị trói sau lưng.
Trong khi đó, tại bang miền tây Rakhine, các tướng lĩnh đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng dân quân sắc tộc chính của khu vực, là Quân đội Arakan, trong những tuần gần đây. Các lực lượng dân quân sắc tộc, những người đã chống lại nhà nước Miến Điện kể từ khi đất nước giành được độc lập từ Đế quốc Anh, đã liên minh với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân chống lại quân đội.
Lệnh ngừng bắn đã được ký kết để cho phép viện trợ và thuốc men được gửi đến người dân. Nó được môi giới bởi chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật Bản, Yohei Sasakawa, một nhà ngoại giao có liên hệ với người đứng đầu chính quyền quân sự là Tướng Min Aung Hlaing, và là người đã tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn giữa Quân đội Arakan và quân đội Miến Điện vào tháng 11 năm 2020, trước cuộc cuộc bầu cử vừa qua.
Tuy nhiên, theo một số nhân vật kháng chiến, việc tạm dừng giao tranh sẽ giúp quân đội của chính quyền tái định vị ở Bang Chin và các khu vực Magwe và Sagaing, nơi giao tranh chưa bao giờ ngừng.
Tuần trước, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, Tổng thống Duwa Lashi La, phát biểu tại hội nghị Reuters Next, đã so sánh tình hình ở Miến Điện với tình hình ở Ukraine, nói rằng cần phải có vũ khí phòng không để buộc quân đội phải ngồi yên tại bàn đàm phán.
Chế độ Miến Điện cho đến nay đã từ chối tham gia đối thoại với Chính phủ Thống nhất Quốc gia và Lực lượng Kháng chiến Nhân dân, mà họ coi là các tổ chức khủng bố.
Source:Asia News
3. Vị Tổng Giám Mục được Đức Thánh Cha bổ nhiệm ở Ấn Độ phải nhờ cảnh sát bảo vệ
Tòa án đã chấp nhận lời yêu cầu xin được bảo vệ của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath vì tranh chấp phụng vụ trong tổng giáo phận thuộc Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar đã trở nên trầm trọng hơn
Một tòa án hàng đầu ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ đã ra lệnh cảnh sát bảo vệ vị giám quản tông tòa của một tổng giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar theo nghi thức Đông phương, đang vướng vào một vụ tranh chấp gay gắt về nghi thức phụng vụ.
Tòa án Tối cao Kerala đã chấp thuận yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath trong đơn thỉnh cầu của ngài vào ngày 5 tháng 12.
Tòa cũng chỉ đạo công an dẹp bỏ các linh mục và giáo dân biểu tình cản đường ngài vào Tòa Tổng Giám mục.
Vatican đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Thazhath làm giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly vào ngày 30 tháng 7 để giải quyết tranh chấp phụng vụ kéo dài hơn 5 thập kỷ về việc cử hành Thánh lễ theo lệnh của Thượng hội đồng.
Tuy nhiên, một nhóm linh mục và giáo dân trong tổng giáo phận đã nắm quyền kiểm soát Tòa Tổng Giám mục kể từ ngày 21 tháng 11 và từ chối không cho ngài vào Tòa Tổng Giám Mục.
Thẩm phán Anu Sivaraman trong một phán quyết ngắn gọn đã gọi những người đang chặn lối vào Tòa tổng giám mục là “những kẻ bất lương hoặc người ngoài cuộc”.
Đức Tổng Giám Mục Thazhath trong đơn thỉnh cầu của mình đã đề cập đến Cha Sebastian Thalian, người triệu tập Ủy ban Bảo vệ Tổng Giáo phận, và Riju Davis, thư ký của Phong trào Minh bạch Tổng Giáo phận, gọi tắt là ATM, với tư cách là những người phải ra tòa trả lời về những chống đối của họ.
Tranh chấp phụng vụ đang diễn ra trở nên xấu đi khi Đức Tổng Giám Mục Thazhath bị từ chối cho vào bên trong nhà thờ chính tòa Đức Bà để dâng Thánh lễ vào ngày 27 tháng 11.
Đức Tổng Giám Mục Thazhath đến nhà thờ chính tòa phớt lờ lời cảnh báo của linh mục quản xứ và các nhân viên Tòa Giám Mục rằng mọi người đang bị kích động, các linh mục trong tổng giáo phận nói.
Sau đó, Đức Cha đi đến Tòa Tổng Giám mục, nơi một đám đông ủng hộ ngài đã phá cổng chính và dẹp bỏ các chướng ngại vật như đồ nội thất, chân dung và các đồ vật khác.
“Ngay cả bây giờ, không có bất kỳ thẩm quyền nào, một số người vẫn cư trú trong Tòa Tổng Giám mục với ý định cản trở việc đi lại tự do của cá nhân tôi,” Đức Tổng Giám Mục Thazhath nêu trong đơn thỉnh nguyện của mình.
Vị Tổng Giám Mục cho biết một đơn khiếu nại đã được gửi đến cảnh sát để tìm kiếm sự bảo vệ để có thể “ra vào nhà thờ chính tòa và Tòa Tổng Giám mục được diễn ra suôn sẻ”.
Ngài còn cáo buộc trong đơn rằng cảnh sát đã không đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo vệ của ngài vì họ chịu ảnh hưởng của Cha Thalian và Davis.
Đức Tổng Giám Mục Thazhath cho biết ngài không thể thực hiện các nhiệm vụ được Vatican giao phó và do đó, phần lớn các tín hữu “hoàn toàn chìm trong bóng tối”.
Trong khi đó, ATM đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát chống lại Đức Tổng Giám Mục Thazhath và 30 người khác cáo buộc rằng họ đã cố gắng dùng vũ lực để vào Tòa Tổng Giám mục vào ngày 27 tháng 11.
Đám đông ngang ngược chỉ rời khỏi địa điểm sau khi cảnh sát bước vào và đuổi họ đi.
Trong quá khứ, nhiều giáo phận trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar đã tuân theo các phương thức cử hành Thánh lễ khác nhau. Một điểm khác biệt rõ ràng là các linh mục khi cử hành thánh lễ đối diện với cộng đoàn ở một số giáo phận, trong khi ở một số giáo phận khác, các linh mục đối diện với bàn thờ.
Cách thức hợp nhất là sự kết hợp của cả hai và nó được ấn định có hiệu lực từ Lễ Phục sinh 2022 trên toàn Giáo hội. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, các linh mục sẽ quay xuống cộng đoàn. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, các linh mục sẽ quay lên bàn thờ. Từ Kinh Lạy Cha sẽ lại quay xuống cộng đoàn.
Tất cả 32 giáo phận khác của Giáo hội này có trụ sở tại Kerala đã tuân thủ các hướng dẫn của thượng hội đồng để có Phụng Vụ Thánh lễ thống nhất
Tuy nhiên, phần lớn các linh mục và giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly nhất quyết tiếp tục với một Thánh lễ cũ, trong đó linh mục phải đối mặt với cộng đoàn trong suốt thánh lễ như người Công Giáo Latinh.
Cha Sebastian Thalian và nhóm ATM đã đe dọa cắt đứt quan hệ với Giáo Hội Công Giáo nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Những người bênh vực Đức Tổng Giám Mục Thazhath và Thượng Hội Đồng Giáo Hội Syro-Malabar cáo buộc Cha Thalian là bất tuân phục và đe dọa sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Tuy nhiên, những người bênh vực ngài thì cho rằng với Tự Sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha khuyến khích Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican 2, nhóm của họ cũng chỉ muốn cử hành thánh lễ như bao nhiêu người Công Giáo khác trên thế giới, chứ không hề muốn gì khác hơn.
Source:UCANews