1. Kết quả cuộc điều tra tại tu viện Kyiv-Pechersk Lavra có từ thế kỷ 11
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 10 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã trình bày một số kết quả điều tra liên quan đến những hành vi cộng tác của hàng giáo sĩ Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, trong cuộc xâm lược vẫn còn đang diễn ra của Nga.
Trong số các tổ chức bị cơ quan an ninh Ukraine nhắm đến có tu viện Kyiv-Pechersk Lavra có từ thế kỷ 11, còn được gọi là Tu viện Hang động, một trung tâm quan trọng của Chính Thống Giáo Ukraine. Ở miền tây Ukraine, các đặc vụ đã đột kích vào Tu viện Koretsky và Tu viện Volyn.
Trong một tuyên bố, cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ cần tiến hành kiểm tra để bảo đảm những kẻ phá hoại hoặc cộng tác viên bị cảnh sát truy nã không được trú ẩn trong các tòa nhà của UOC. “Các hoạt động này đang được thực hiện để ngăn chặn việc sử dụng các cộng đồng tôn giáo như cơ sở nằm vùng của 'thế giới Nga' và để bảo vệ người dân khỏi các hành động khiêu khích và khủng bố, trong số những thứ khác”. Các quan chức Ukraine cho biết tài liệu đã được tìm thấy trong các cuộc đột kích cho thấy UOC đã duy trì liên kết với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa trong suốt cuộc chiến. Cụm từ “thế giới Nga,” hay Russkiy mir, là một khái niệm mà Putin đã gợi lên để biện minh cho việc sáp nhập Crimea của mình và được coi là lý do để ông ta xâm lược Ukraine.
Phát biểu với tờ POLITICO của Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Klyment, phát ngôn viên của UOC, ban đầu coi thường các cuộc đột kích, nói rằng “cơ quan an ninh đang xem xét nhiều hơn các biện pháp y tế liên quan đến COVID.”
Nhưng vài ngày sau đó ngài lại nói: “Đó là sự thao túng chính trị - họ muốn buộc tội Lavra đã làm sai, nhưng cuối cùng, họ không tìm thấy bất cứ điều gì buộc tội, vũ khí hay kẻ phá hoại hay bất cứ thứ gì tương tự.”
Có thể không có vũ khí, nhưng SBU đã buộc tội một số giáo sĩ từ Lavra vì tội “tôn vinh nước Nga” trong các buổi lễ nhà thờ, dẫn dắt các bài thánh ca và bài hát về sự thức tỉnh của người Nga và đưa ra lời biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Người đứng đầu SBU Vasily Malyuk cho biết: “Những người chờ đợi 'sự thức tỉnh của Mẹ Nga' trong cuộc chiến toàn diện mà Nga đang tiến hành chống lại Ukraine cần hiểu rằng điều này gây tổn hại đến lợi ích và an ninh của Ukraine cũng như công dân của họ. “Chúng tôi sẽ không cho phép những biểu hiện như vậy.”
Các quan chức SBU cho biết các cuốn sách nhỏ ủng hộ Điện Cẩm Linh, sách và báo như “Người đưa tin Nga” đã được tìm thấy trong các cuộc đột kích.
Kể từ cuộc nổi dậy Maidan năm 2014, đã có nhiều lời kêu gọi cấm UOC vì liên kết với Nga. Nhiều người lo ngại rằng UOC là Con ngựa thành Troy. Khoảng 600 giáo xứ đã chuyển sang Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine tân lập, gọi tắt là OCU từ năm 2014 đến đầu năm 2022. Sau cuộc xâm lược, điều đó đã trở thành một dòng thác với hàng nghìn giáo xứ khác chuyển đổi sang OCU.
Với sự gia tăng chỉ trích - và trong một nỗ lực rõ ràng là cố gắng ngăn chặn sự chuyển đổi sang OCU - Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã thông báo vào tháng 5 rằng họ đã viết lại điều lệ của mình, chấm dứt sự phụ thuộc vào Giáo Hội Chính thống Nga và Thượng Phụ Kirill. Nhưng UOC đã không công bố hiến pháp mới của mình và tiếp tục tổ chức các buổi lễ nơi các linh mục cầu nguyện cho nước Nga và ca ngợi thế giới Nga.
Trong một diễn biến đáng chú ý, các giáo sĩ tại tu viện Kyiv-Pechersk Lavra đã quyết định gia nhập OCU.
2. Ủy ban Âu châu bổ nhiệm tường trình viên về tự do tôn giáo
Hôm 07 tháng Mười Hai vừa qua, Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao lão thành làm Tường trình viên đặc biệt về tự do tôn giáo ngoài lãnh thổ của Liên hiệp.
Đó là nam tước Frans van Daele, 75 tuổi, làm việc cạnh Phó chủ tịch Ủy ban hành pháp của liên hiệp Âu châu, là ông Margaritis Schinas. Ông Daele có nhiệm vụ đối thoại với các Giáo hội và các các cộng đoàn tôn giáo, cũng như tác tổ chức triết lý và không tôn giáo trong Liên hiệp, đồng thời cũng đặc trách về vấn đề cực đoan hóa.
Trong thông báo về việc bổ nhiệm, Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu khẳng định rằng: “Tự do hoặc xác tín tôn giáo bị tấn công trong nhiều miền trên thế giới... Phái viên đặc biệt về tôn giáo có nhiệm vụ thiết lập một cuộc đối thoại với các chính quyền quốc gia và các thành phần liên hệ tại những nước đang chịu nạn kỳ thị về tôn giáo hoặc các xác tín. Ông phải hỗ trợ các tiến trình đối thoại liên văn hóa và liên tôn, nhất là cổ võ đối thoại giữa các đại diện các tôn giáo khác nhau và đề ra các sáng kiến chung, đưa ra những sáng kiến nhắm loại trừ và phòng ngừa sự cực đoan hóa về tôn giáo hoặc xác tín tại các nước thứ ba. Qua sự cộng tác với chính quyền các nước thứ ba, ông sẽ thăng tiến sự khác biệt tôn giáo và tinh thần bao dung trong khuôn khổ các chương trình giáo dục”.
Nam tước van Daele nguyên là Chánh văn phòng của Vua Philippe nước Bỉ (2013-2017), sau khi làm Chánh văn phòng của Chủ tịch Hội đồng Âu châu, ông Herman van Rompuy (2009-2012). Trước đó, ông đã làm đại diện thường trực của Bỉ cạnh tổ chức NATO, rồi đại sứ Bỉ tại Mỹ, đại sứ của Bỉ cạnh Liên hiệp Âu châu.
Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Âu châu, gọi tắt là COMECE, đã chào mừng việc bổ nhiệm ông van Daele làm tường trình viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tuyên bố sẵn sàng cộng tác với ông, đồng thời kêu gọi Ủy ban hành pháp Âu châu cung cấp tài nguyên thích hợp cho công việc của ông, đồng thời xác định rõ ràng sứ mệnh ông được trao phó.
Cho đến nay, Văn phòng vị tường trình viên đặc biệt về tự do tôn giáo thường thiếu phương tiện tài chánh và nhân sự, và trách vụ này cũng không được xác định rõ ràng.
3. Triều Tiên xử tử thanh thiếu niên phát tán phim nước ngoài
Các quan chức đã làm cho cư dân của thành phố Hải Sâm (Hyesen, 海森) gần biên giới với Trung Quốc vô cùng sửng sốt vì đã xử tử công khai ba thanh thiếu niên vì bị cáo buộc đã xem và phát tán phim nước ngoài.
Theo UCANews ‘Những người xem hoặc phát tán phim truyền hình và phim Hàn Quốc, và những kẻ gây rối trật tự xã hội như giết người, sẽ bị kết án bằng một hình phạt cao nhất là tử hình!”
Các vụ hành quyết công khai tàn bạo không phải là hiếm có ở Bắc Triều Tiên, chính quyền thường xử dụng hình phạt để khủng bố người dân nhằm cấm cản họ!
Các vụ hành quyết diễn ra khoảng một tuần sau khi bọn cầm quyền tuyên bố sẽ đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với những tội phạm liên quan đến truyền thông nước ngoài, đặc biệt những gì đến từ Hàn Quốc.
Các nhà quan sát cho biết chính quyền Bắc Triều Tiên lo lắng về làn sóng phim Hàn Quốc và phương Tây cũng như các chương trình ca nhạc và truyền hình trong những năm gần đây.
Các báo cáo cho biết phương tiện truyền thông này được nhập lậu vào nước này từ Trung Quốc và được phân phối khắp Triều Tiên trên các ổ đĩa USB và thẻ SD. Điều này khiến Triều Tiên lo lắng về sự xâm nhập văn hóa từ Hàn Quốc dân chủ và thịnh vượng, nơi mà họ nói có những phần tử “suy đồi và phản cách mạng” có khả năng làm chao đảo giới trẻ.
RFA trước đó đưa tin chính quyền đã tịch thu điện thoại thông minh của người dân và đưa ra các bản án nghiêm khắc cho những kẻ phạm tội.
Một nguồn tin nói với RFA rằng bất kỳ ai bị bắt xem phim nước ngoài trước tiên đều bị đưa đến trại lao động. Đối với tội tái phạm, người vi phạm cùng với cha mẹ sẽ bị buộc vào trại lao động cải tạo 5 năm. Cha mẹ bị trừng phạt vì đã không giáo dục con cái. Đến lần thứ ba dù người phạm tội còn vị thành niên vẫn bị tử hình
Hai thiếu niên bị hành quyết vì bán USB có nội dung bị cấm, được cho là đã bị gài bẫy bởi các gián điệp do chính quyền dàn dựng.
Một cư dân của tỉnh Bắc Hàm Cảnh Đầu (Hamgyong, 咸镜头) cho biết các vụ hành quyết dã man đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng. Người ấy nói: “Mặc dù có sự kiểm soát và đàn áp gắt gao nhằm xóa bỏ tư tưởng và văn hóa phản động, giới trẻ vẫn lén lút xem phim Hàn Quốc. … Vì vậy, bây giờ các nhà chức trách đang bắt tay vào một chiến dịch khủng bố thông qua các vụ hành quyết công khai.”