Tokyo (AsiaNews) – Với sự gia tăng chi tiêu đáng kể về quân sự mới đây, Nhật Bản sẽ có thể trang bị những vũ khí có khả năng tấn công vào bất kỳ căn cứ nào của kẻ thù trong trường hợp khẩn cấp.

Đó là tóm lược ba tài liệu quốc phòng được chính phủ Kishida phê chuẩn ngày 16 tháng 12, trong đó có một bản sửa đổi về Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS).

Đối với Chính phủ Nhật Bản thì mục tiêu của chiến lược phòng thủ mới là ngăn chặn Trung Quốc và Triều Tiên, những nước làm mất ổn định cán cân quyền lực ở khu vực bằng các mối đe dọa mới đây của họ.

Các nhà phê bình lưu ý rằng hiến pháp sau chiến tranh của Nhật Bản chỉ cho phép nước này hành động để tự vệ, nhưng đối với những người ủng hộ cho “NSS mới” thì nó chỉ đơn giản cung cấp cho Nhật Bản những “biện pháp tự vệ tối thiểu”.

So với “NSS năm 2013”, chính quyền Kishida cho biết Nhật Bản đã phải đối mặt với "môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng nhất" kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Nếu tiếp tục theo NSS cũ thì hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có là không đủ so với lực lượng tên lửa tăng cường của Trung Quốc và Triều Tiên.

Kế hoạch của ông Kishida là tăng chi tiêu quân sự lên gấp đôi là 2% GDP trong vòng 5 năm, tương đương 43 nghìn tỷ yên (315 tỷ USD), với khoảng 5 nghìn tỷ được sử dụng để mua tên lửa có thể phóng xa hơn tầm bắn của kẻ thù, cộng thêm với những tên lửa hành trình Tomahawk do Hoa Kỳ chế tạo

Theo NSS thì một cuộc phản công của Nhật Bản sẽ chỉ xẩy ra khi hội đủ 3 điều kiện: (1) Nhật Bản hoặc một quốc gia thân thiện bị tấn công gây đe dọa đến sự sống còn của Nhật Bản, (2) không có biện pháp thích hợp nào khác để đẩy lùi cuộc tấn công và (3) việc sử dụng vũ lực được giữ ở mức tối thiểu.

Chiến lược mới (NSS mới) gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất" từ trước đến nay, đây cũng là quan điểm chính thức của Hoa Kỳ. Trong NSS 2013 (cũ), sự quyết đoán quân sự của Trung Quốc được coi là “một vấn đề gây quan ngại đối với cộng đồng quốc tế”.

Theo nhiều nhà phân tích thì khả năng đối đầu vũ trang giữa hai nước Nhật Bản và Trung Quốc là có thể xảy ra vì 2 quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư đối với người Trung Quốc) ở Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã không chờ đợi lâu để phản ứng. Bộ Ngoại giao Trung quốc cho biết Nhật Bản đã "phớt lờ sự thật" và "đi chệch khỏi cam kết" giữa "quan hệ song phương và những hiểu biết chung", đồng thời cho rằng nước này "làm tổn thương uy tín một cách vô căn cứ" đối với các nước láng giềng của mình.

Học thuyết quân sự mới của Nhật Bản cũng xét lại lập trường của nước này đối với hai nước Triều Tiên và Nga.

Triều Tiên được mô tả là "mối đe dọa nghiêm trọng hơn, cận kề hơn trước đây" trong khi Nga là "mối quan ngại an ninh nghiêm trọng" vì hợp tác chiến lược với Trung Quốc và đang xâm lăng Ukraine.