“do một người nữ sinh ra” (Gal 4:4).
Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa làm người, không phải từ trời cao ngự xuống trần gian. Ngài được sinh ra bởi Đức Maria. Ngài không giáng trần vào cung lòng một người phụ nữ mà là sinh bởi một người phụ nữ. Điều này về cơ bản là khác biệt - nó có nghĩa là Chúa muốn mặc lấy xác thịt từ Đức Mẹ. Ngài không sử dụng Mẹ, nhưng yêu cầu Mẹ nói “xin vâng”, yêu cầu sự tán thành của Đức Mẹ. Và như thế, cùng với Mẹ bắt đầu cuộc hành trình chậm rãi thai nghén một nhân tính không tội lỗi, tràn đầy ân sủng và chân lý, tràn đầy tình yêu và lòng trung tín. Một nhân tính đẹp đẽ, tốt lành và chân thật, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nhưng đồng thời, được dệt bằng xác thịt của chúng ta do Mẹ Maria hiến dâng…không bao giờ thiếu Mẹ…luôn luôn được Mẹ đồng ý…trong tự do, trong sự nhưng không, trong tôn trọng, trong tình yêu.Và đây là cách Thiên Chúa đã chọn để bước vào thế giới và bước vào lịch sử. Đây là cách. Và cách này là điều quan yếu, quan yếu như chính sự thật rằng Ngài đã đến. Tư cách làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria – tình mẫu tử đồng trinh, sự đồng trinh sinh hoa trái – là cách biểu lộ sự tôn trọng tối đa của Thiên Chúa đối với tự do của chúng ta. Đấng tạo dựng nên chúng ta khi không có chúng ta, lại không muốn cứu chúng ta mà không có chúng ta (x. Thánh Augustinô, Bài giảng CLXIX, 13).
Con đường Người chọn để đến cứu độ chúng ta là con đường mà Người cũng mời gọi chúng ta đi theo Người để tiếp tục dệt nên nhân loại – một nhân loại mới, tự do, hòa giải – cùng với Người. Đây là từ chủ yếu: nhân loại được hòa giải. Đó là một phong cách, một cách quan hệ với chúng ta, từ đó phát sinh ra muôn vàn những đức tính tốt đẹp và tử tế của con người khi sống với nhau. Một trong những nhân đức này là lòng tốt, như một lối sống nuôi dưỡng tình huynh đệ và tình bạn xã hội (x. Thông điệp Fratelli tutti, 222-224).
Và nói về lòng tốt, vào lúc này, tự nhiên tôi nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI thân yêu, người đã từ biệt chúng ta sáng nay. Chúng ta cảm động khi nhớ đến ngài như một người cao thượng, rất nhân từ. Và chúng ta cảm thấy lòng biết ơn: lòng biết ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Giáo Hoàng Danh dự cho Giáo hội và thế giới; lòng biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng Danh dự về tất cả những điều tốt lành mà ngài đã thực hiện, và trên hết, về chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của ngài, đặc biệt là trong những năm cuối cùng của cuộc đời chiêm niệm của ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới biết giá trị và sức mạnh của lời chuyển cầu của ngài, của những hy sinh mà ngài đã dâng vì lợi ích của Giáo Hội.
Và tối hôm nay, tôi muốn nhắc lại lòng tốt cũng như một đức tính dân sự, đặc biệt khi nghĩ đến giáo phận Rôma của chúng ta.
Lòng tốt là một khía cạnh quan trọng của văn hóa đối thoại, và đối thoại là điều không thể thiếu để sống trong hòa bình, để sống như anh chị em, những người không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau – điều này là bình thường – nhưng vẫn nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau và cố gắng hiểu nhau và tiến về phía nhau. Chúng ta chỉ cần nghĩ xem “thế giới sẽ như thế nào nếu không có cuộc đối thoại kiên nhẫn của nhiều người hào phóng, những người đã giữ các gia đình và cộng đồng lại với nhau. Khác với bất đồng và xung đột, đối thoại bền bỉ và dũng cảm không gây xôn xao dư luận, nhưng âm thầm giúp thế giới sống tốt đẹp hơn” (thượng dẫn., 198). Vì vậy, lòng tốt là một phần của đối thoại. Nó không chỉ là vấn đề về “cách cư xử tốt”; nó không phải là vấn đề về “nghi thức”, về cách cư xử nhã nhặn…. Không. Đây không phải là điều chúng ta muốn đề cập đến khi nói về lòng tốt. Thay vào đó, đó là một đức tính tốt cần được học hỏi và thực hành hàng ngày để đi ngược dòng chảy; và nhân bản hóa xã hội của chúng ta.
Tác hại của chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng đang ở trước mắt mọi người. Và thiệt hại nghiêm trọng nhất là những người khác, những người xung quanh chúng ta, bị coi là chướng ngại vật cho sự bình yên, hạnh phúc của chúng ta. Những người khác “gây bất tiện” cho chúng ta, “làm phiền” chúng ta, cướp đi thời gian và nguồn lực của chúng ta mà chúng ta muốn dùng theo ý mình. Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và theo chủ nghĩa tiêu dùng của chúng ta có xu hướng hung hăng, vì xem những người khác là đối thủ cạnh tranh của họ (xem thượng dẫn., 222). Tuy nhiên, trong chính những xã hội này của chúng ta, và ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt, có những cá nhân chứng minh làm thế nào có thể “tu dưỡng lòng tốt” và do đó, bằng phong cách sống của họ, họ “trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời giữa mịt mùng đêm đen” (thượng dẫn.).
Trong Thư gửi tín hữu Galát, được trích làm Bài đọc cho phụng vụ này, Thánh Phaolô cũng, nói về hoa trái của Chúa Thánh Thần, trong đó có một điều được nhắc đến bằng từ tiếng Hy Lạp chrestotes (x. 5:22). Đây là điều mà chúng ta có thể hiểu là “lòng tốt”: một thái độ nhân từ nâng đỡ và an ủi người khác và tránh mọi hình thức thô bạo và khắc nghiệt. Đó là cách đối xử với người lân cận của mình, cẩn thận để không gây tổn thương bằng lời nói hoặc hành động; cố gắng làm nhẹ đi gánh nặng của người khác, khuyến khích, an ủi, nâng đỡ, và không bao giờ hạ nhục, hành hạ hay coi thường (x. Fratelli tutti, 223).
Lòng tốt là liều thuốc giải độc chống lại một số bệnh lý trong xã hội của chúng ta: đó là liều thuốc giải độc chống lại sự tàn ác, là thứ không may có thể chui vào như chất độc thấm vào tim, làm say các mối quan hệ; một liều thuốc giải độc chống lại sự lo lắng và sự điên cuồng mất tập trung vốn khiến chúng ta tập trung vào bản thân, khép kín đối với người khác (x. thượng dẫn., 224). Những “căn bệnh” này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta khiến chúng ta trở nên hung hăng, khiến chúng ta không thể hỏi “tôi có thể không”, hay đi xa hơn là nói “xin lỗi”, hay đơn giản là nói “cảm ơn”. Ba từ vô cùng nhân bản để sống với nhau: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Với ba từ này, chúng ta tiến bước trong hòa bình, trong tình bạn của con người. Đó là những lời tử tế: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Sẽ rất tốt nếu chúng ta nghĩ xem liệu chúng ta có sử dụng chúng thường xuyên trong cuộc sống hay không: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Và vì thế, khi chúng ta gặp một người tử tế trên đường phố, trong một cửa hàng, hoặc trong văn phòng, chúng ta vô cùng ngạc nhiên, đó dường như là một phép màu nhỏ bởi vì thật không may, lòng tốt không còn phổ biến nữa. Nhưng, tạ ơn Chúa, vẫn còn những con người nhân hậu, biết gạt bỏ mối bận tâm riêng tư để quan tâm đến người khác, biết trao tặng nụ cười, trao lời động viên, lắng nghe người cần tâm sự điều gì đó, hay muốn được giải tỏa (x. thượng dẫn.).
Anh chị em thân mến, tôi nghĩ rằng việc coi lòng tốt như một đức tính cá nhân và dân sự có thể giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện cuộc sống trong các gia đình, cộng đồng và thành phố. Vì lý do này, khi chúng ta hướng tới năm mới với tư cách là Thành phố Rôma, mong muốn của tôi dành cho tất cả chúng ta đang sống ở đây là chúng ta có thể phát triển đức tính này: lòng tốt. Kinh nghiệm dạy rằng lòng nhân ái, nếu nó trở thành một phong cách sống, có thể tạo ra một lối sống lành mạnh với nhau, nó có thể nhân bản hóa các mối quan hệ xã hội, xua tan sự hung hăng và thờ ơ (x. thượng dẫn.).
Chúng ta hãy nhìn vào hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Hôm nay và ngày mai, tại Đền Thờ Thánh Phêrô này, chúng ta có thể tôn kính Mẹ qua hình ảnh Đức Mẹ Carmine thành Avigliano, gần Potenza. Chúng ta đừng coi thường thiên chức làm mẹ của Đức Mẹ! Chúng ta hãy để cho mình kinh ngạc trước sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đấng đã có thể đến thế gian bằng hàng ngàn cách khác để biểu lộ quyền năng của Người, nhưng thay vào đó, lại muốn được thụ thai hoàn toàn tự do trong cung lòng Đức Maria, muốn được hình thành trong chín tháng như mọi trẻ thơ và, cuối cùng, được sinh ra bởi Đức Mẹ, được sinh ra bởi một người phụ nữ. Chúng ta đừng vượt qua điều này một cách nhanh chóng. Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm và suy niệm vì ở đây có một nét cốt yếu của mầu nhiệm cứu độ. Và chúng ta hãy cố gắng học hỏi “phương pháp” của Thiên Chúa, sự tôn trọng vô hạn của Ngài, “lòng nhân từ” của Ngài, có thể nói như vậy, bởi vì con đường cho một thế giới nhân bản hơn được tìm thấy trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana