1. Cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1/2023
Có những báo cáo khác nhau về số người tham dự cuộc rước kiệu rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ở Manila, Phi Luật Tân trong năm nay. Tuy nhiên, một con số được nhiều nguồn in đề cập đến là 9 triệu người.
Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.
Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.
Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.
Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.
Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm ngoái cuộc rước kéo dài 7km này bị hủy bỏ vì đại dịch coronavirus.
Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros hay Nội Thành, là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.
Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.
Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.
Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.
Năm ngoái, vì đại dịch coronavirus, đã không có cuộc rước kiệu long trọng này.
Trong năm ngoái 2022, Nhà thờ Quiapo đã ấn định giới hạn 400 người cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, 15 thánh lễ được cử hành trong ngày lễ 9 tháng Giêng. Điều này có nghĩa là chỉ 6,000 người có thể tham gia các cử hành bên trong nhà thờ.
2. Chính thống giáo Serbia mừng lễ Giáng Sinh trong bóng tối xung đột
Ở Serbia, các tín hữu Chính Thống Giáo nước này đã tuân theo các truyền thống như đốt cành sồi khô vào buổi tối và chuẩn bị cho các buổi lễ lúc nửa đêm trong các nhà thờ, với buổi lễ chính do Thượng phụ Porfirije chủ trì tại nhà thờ lớn nhất Belgrade, là Đền thờ Thánh Sava.
Mặc dù hầu hết thông điệp Giáng Sinh truyền thống của ngài tập trung vào tình hình của người dân tộc Serb ở Kosovo, nơi chủ yếu là người dân tộc Albania, Thượng phụ Serbia cho biết ngài đang cầu nguyện cho cuộc chiến ở Ukraine kết thúc, mà ngài nói là đang được thúc đẩy từ bên ngoài.
Porfirije nói: “Thật đáng buồn khi chúng ta chứng kiến các cuộc xung đột, chiến tranh và các nạn nhân, trong đó, công khai hoặc bí mật, nhiều người đang tham gia. Hậu quả của cuộc xung đột bi thảm, huynh đệ tương tàn, được kích động hàng ngày từ bên ngoài, thật khủng khiếp, và ngọn lửa chiến tranh, hơn bao giờ hết, đang đe dọa toàn thế giới.”
Giáo Hội Chính thống Serbia có quan hệ chặt chẽ với Giáo Hội Nga và thường xuyên chỉ trích phương Tây và các chính sách của họ.
3. Chính thống giáo Ai Cập mừng lễ Giáng Sinh trong khó khăn kinh tế
Ở Ai Cập, nơi các Kitô hữu Coptic chiếm khoảng 10% dân số 104 triệu người của quốc gia, lễ Giáng Sinh Chính Thống Giáo đã diễn ra giữa sự bất ổn nghiêm trọng về nền kinh tế của quốc gia.
Ở vùng ngoại ô phía bắc Shobra của Cairo và các trung tâm Kitô giáo khác, đèn vàng thần tiên và đồ trang trí theo chủ đề Giáng Sinh đã tô điểm cho các đường phố. Mặc dù Shobra thường nhộn nhịp với các gia đình mua quà trước Giáng Sinh Chính thống, nhưng năm nay các chủ cửa hàng cho biết doanh số bán hàng giảm mạnh. Đồng bảng Ai Cập đã sụt giảm giá trị so với đồng đô la, chạm mức thấp mới vào đầu tuần này khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ do Nga đưa quân vào Ukraine.
Trong bài phát biểu của mình tại Thánh lễ Đêm Giáng Sinh của người Coptic ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã nhấn mạnh tác động tai hại của cuộc giao tranh ở Ukraine đối với đất nước ông.
“Sau cuộc khủng hoảng hiện tại, thế giới sẽ khác với thế giới mà chúng ta đã thấy trước đây. Cuộc khủng hoảng kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia nếu chiến tranh tiếp diễn trong năm nay hoặc lâu hơn”, el-Sissi nói.
El-Sissi đã tham dự một số nghi lễ Đêm Giáng Sinh do thiểu số Chính thống giáo Coptic của đất nước tổ chức, trong một hành động công khai thể hiện sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Ở Ai Cập chủ yếu là người Hồi giáo, Kitô hữu Coptic chiếm khoảng 10% dân số 104 triệu người của quốc gia và phải đối mặt với nhiều hạn chế, bao gồm hôn nhân khác tôn giáo và xây dựng nhà thờ.
Một thánh lễ Giáng Sinh ở Dohuk, thuộc khu vực người Kurd ở Iraq, đã thu hút các tín hữu Armenia từ khắp thành phố.
Các tín hữu cùng nhau cầu nguyện và hát những bài thánh ca trong một nhà thờ đá cũ, cầu xin sức khỏe và bình an. Các Kitô hữu từng là một thiểu số đáng kể ở Iraq, ước tính khoảng 1,4 triệu người. Nhưng số lượng của họ bắt đầu giảm trong bối cảnh hỗn loạn sau năm 2003 khi các chiến binh Sunni thường tấn công vào các Kitô hữu. Họ đã nhận thêm một đòn nữa khi nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan quét qua miền bắc Iraq vào năm 2014.
Source:AP
4. Phân tích: Một cái nhìn sâu hơn về các chi tiết nghi lễ trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI
Ký giả Andrea Gagliarducci chuyên về Vatican có bài tường trình đăng trên Catholic News Agency nhan đề “Analysis: A closer look at the ceremonial details of Benedict XVI’s funeral”, nghĩa là “Bài Phân tích: Một cái nhìn sâu hơn về các chi tiết nghi lễ trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Không còn nghi ngờ gì nữa, tang lễ của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI vào ngày 5 tháng Giêng là một tang lễ của một vị giáo hoàng. Nghi thức tang lễ không chỉ được báo trước cho cái chết của một giáo hoàng, mà tất cả các nghi thức đi kèm với nó cũng diễn ra như vậy.
Ví dụ, các huy chương và đồng xu của triều đại giáo hoàng, “rogito” (tài liệu ngắn mô tả triều đại giáo hoàng), và các dây pallium đặc trưng cho hoạt động của ngài - của tổng giám mục Munich, của niên trưởng Hồng Y đoàn, và của giáo hoàng — được chôn cất cùng với Đức Bênêđíctô trong quan tài, theo thông lệ đối với một giáo hoàng.
Ngoài ra, lễ kỷ niệm là một trong những kinh điển về cái chết của giáo hoàng, ngoại trừ việc bãi bỏ những lời cầu của Giáo phận Rôma và của các Giáo hội Đông phương. Trên thực tế, cả hai lời cầu này đều đặc biệt liên quan đến cái chết của một vị giáo hoàng đang trị vì và sẽ không được chỉ định cho vị giáo hoàng hưu trí.
Nghi thức tang lễ cho Đức Bênêđictô XVI tiếp nối nghi thức được dành cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 8 tháng 4 năm 2005. Tuy nhiên, có một số khác biệt nhỏ, chẳng hạn như quyết định không sử dụng Sách Lễ Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể cổ xưa nhất của Giáo hội Rôma, mà cho đến nay vẫn luôn là thông lệ. Thay vào đó, Kinh nguyện Thánh Thể III đã được sử dụng.
Trong mọi cử chỉ, tất cả các nghi thức cho thấy Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo và triều đại giáo hoàng của ngài là một phần lịch sử của Giáo hội.
Mặt khác, việc từ chức của Đức Bênêđictô XVI khác với sáu lần từ chức giáo hoàng khác đã diễn ra trong những năm trước. Người duy nhất trong số này có lẽ có thể so sánh được là Đức Celestinô Đệ Ngũ, hay Pietro di Morrone, người đã trở lại làm tu sĩ cho đến cuối đời. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô XVI đã mở ra một con đường mới: Đó là sự từ bỏ đầu tiên của một vị giáo hoàng không phải vì ngài bị áp lực hay bất lực mà vì ngài ý thức rõ ràng rằng mình không còn đủ sức để chèo chống con thuyền Phêrô.
Vì lý do này, tang lễ của Đức Bênêđictô XVI là tang lễ của một giáo hoàng, nhưng không phải là tang lễ của một giáo hoàng qua đời khi đang trị vì. Và điều này có thể được nhìn thấy trong nhiều chi tiết.
Đầu tiên, không có tình trạng “sede vacance” nghĩa là “trống ngôi Giáo Hoàng”, và do đó không có nghi thức “sede vacance.” Những điều đó đã được thực hiện vào cuối triều đại giáo hoàng, vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, khi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, khi đó là Hồng Y Nhiếp Chính, cùng với các thành viên của Tông Tòa đến dinh thự của giáo hoàng để cử hành các nghi thức vào cuối triều đại giáo hoàng: bao gồm việc phá vỡ chiếc nhẫn Ngư Phủ, những con dấu được dán vào căn hộ của giáo hoàng. Ngay cả khi đó, vẫn chưa có một bước quan trọng là xác nhận cái chết.
Tuy nhiên, khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, đã có một vị giáo hoàng trị vì. Do đó, tất cả quyền tài phán đều thuộc về giáo hoàng đương kim và do đó, thuộc về Phủ Quốc vụ khanh của Tòa thánh.
Từ quan điểm chính thức, việc xác nhận cái chết được thực hiện bởi chính Đức Thánh Cha Phanxicô, người đầu tiên được Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein thông báo và đã chạy đến bên giường bệnh của Đức Bênêđíctô sau khi ngài qua đời.
Thông báo sau đó được đưa ra với một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh. Cơ quan này phổ biến thông tin chính thức từ Tòa thánh, nhận thông tin từ Quốc vụ khanh.
Ngược lại, khi một đương kim giáo hoàng qua đời, thông báo được đưa ra từ Điện Tông tòa. Nó được công bố bởi vị đại diện của giáo hoàng cho Giáo phận Rome - khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, chính Phó Quốc vụ khanh lúc bấy giờ, là Đức Hồng Y Leonardo Sandri, đã tuyên bố về sự qua đi của Đức Giáo Hoàng.
Sự vắng mặt của các phái đoàn chính thức trong lễ tang của Đức Bênêđíctô là một đặc điểm khác có sức nặng nhất định. Nếu Đức Giáo Hoàng đang trị vì băng hà, thì các phái đoàn của các quốc gia tham dự lễ tang đều là phái đoàn chính thức, vì trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng là nguyên thủ quốc gia. Trong trường hợp của Đức Bênêđíctô, ngài không còn là nguyên thủ quốc gia nên Tòa Thánh chỉ mời Ý và Đức là hai phái đoàn chính thức, bất kỳ sự tham gia nào của các nguyên thủ quốc gia, quốc vương hoặc thành viên chính phủ đều là với tư cách cá nhân.
Tất cả những điều này xảy ra bởi vì có một “see plena,” tất cả các quyền lực của ngai tòa Giáo Hoàng còn nguyên vẹn. Do đó, những người đứng đầu các bộ vẫn chưa kết thúc nhiệm vụ của mình khi Đức Bênêđictô XVI qua đời vì triều đại giáo hoàng vẫn chưa kết thúc. Và Nhiếp Chính của Giáo hội Rôma chưa nắm quyền vì triều đại giáo hoàng vẫn còn.
Đức Hồng Y Kevin J. Farrell, Nhiếp Chính, không có mặt khi quan tài được đóng lại vào ngày 4 tháng Giêng.
Thay vào đó, đã có:
Đức Hồng Y Giovan Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn;
Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô;
Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám Quản giáo phận Rôma;
Đức Hồng Y Fernando Vergez, Thống đốc Quốc gia Thành phố Vatican;
Đức Tổng Giám Mục Edgar Pena Parra, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh, và Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô
Khi thi hài của Đức Bênêđictô XVI được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô, buổi cầu nguyện do Đức Hồng Y Gambetti chủ trì chứ không phải bởi Vị Nhiệp Chính vì Tòa thánh không trống ngôi Giáo Hoàng.
Chính những chi tiết này giúp hiểu rằng chính vị giáo hoàng danh dự đã qua đời chứ không phải vị giáo hoàng đương kim. Ngay cả tiếng chuông của Đền Thờ Thánh Phêrô cũng không vang lên để thông báo về cái chết của Đức Bênêđíctô.
Không có ngày để tang, và tang lễ không được tuyên bố chính thức đối với quốc gia thành Vatican ngay cả trong ngày tang lễ, mặc dù nhiều nhân viên của Vatican đã tham dự nghi lễ.
Nói cách khác, các tín hiệu nghi lễ đã được gửi đi để làm rõ rằng Đức Bênêđictô XVI không phải là đương kim giáo hoàng.
Đồng thời, không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng và tang lễ của ngài nên được tổ chức theo nghi thức dành cho các vị giáo hoàng.
Theo cách tương tự, cần phải xem xét rằng dường như cái chết của giáo hoàng đã xảy ra hai lần: lần đầu tiên, khi từ chức, trong thời gian đó bắt đầu “sede vacante”, và một mật nghị đã diễn ra để bầu người kế vị, và sau đó là lúc Đức Bênêđíctô chết thực sự. Nói cách khác, đám tang là nửa sau của các cử hành bắt đầu với việc trống ngôi vào ngày 28 tháng 2 năm 2013.
Cuối cùng, Tông Hiến Dominici Gregis, hiến pháp của Đức Gioan Phaolô II quy định các thủ tục sau khi giáo hoàng qua đời, tuyên bố các nghi thức tang lễ của giáo hoàng quá cố phải được “cử hành trong chín ngày liên tiếp, xác định thời điểm bắt đầu, theo cách sao cho việc chôn cất sẽ diễn ra, trừ những lý do đặc biệt, từ ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi chết.”
Theo những tiêu chuẩn này, lễ tang của Benedict được cử hành trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, sẽ không có chín ngày để tang chính thức liên tục, mặc dù các Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn của Đức Bênêđictô XVI sẽ được cử hành.
Cuối cùng, một sự tò mò: Đức Bênêđictô XVI đã không đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ, chiếc nhẫn đã bị đập bể vào cuối triều đại giáo hoàng của ngài, như một thủ tục. Thay vào đó, ngài đeo chiếc nhẫn Thánh Bênêđíctô, mô phỏng các biểu tượng trên huy hiệu của Thánh Bênêđíctô, tượng trưng cho mối liên hệ độc đáo của ngài với vị thánh đến từ Nursia, người đồng bảo trợ của Âu Châu.
Source:Catholic News Agency