Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, cổng thông tin chính phủ đưa tin vào ngày 7 tháng Giêng

Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết các tài liệu tuyên truyền của Nga được tìm thấy trong các cuộc đột kích vào khuôn viên các nhà thờ và tu viện của UOC

Sắc lệnh số 898/2022 đã được tổng thống ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2022, liên quan đến 13 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục của 6 giáo phận Donetsk, Crimea, Dnipro, Romen, Odesa và Bukovyna.

Đặc biệt hai Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh, và Serhiy Leonidovych Anitsoi bị kết tội phản quốc và tài sản bị tịch thu. Ngày 30 tháng 9, Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga. Hai vị này đã hồ hởi phấn khởi tham dự và trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Tass, ngập tràn hy vọng về tương lai.

Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko của Crimea cũng bị kết tội phản quốc. Ngày 27 tháng 5, 2022, Đức Tổng Giám Mục Onufriy Berezovsky của Kyiv và toàn Ukraine quyết định không trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa. Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko phản đối quyết định này và đưa các giáo xứ của ông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Quyết định của Tổng thống Zelenskiy cũng tước quyền công dân của linh mục Viktor Anatoliyovych Gradomskyy, Cha sở nhà thờ chính tòa Alexander Nevsky ở Odessa.

Trong một quyết định khác, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trừng phạt thêm bảy linh mục của UOC với các bản án khác nhau, bao gồm cả việc trục xuất khỏi Ukraine.

Lịch sử vắn tắt của Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Thế giới Chính Thống Giáo không có vị lãnh đạo tương đương với Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Từng quốc gia có một Giáo Hội độc lập hoàn toàn với các Giáo Hội Chính Thống ở các quốc gia khác. Có 14 Giáo Hội Chính Thống độc lập như thế, trong đó Chính Thống Giáo Nga có đông tín hữu nhất. Trong số 14 Giáo Hội này, Tòa Thượng Phụ Constantinople được gọi là Tòa Thượng Phụ Đại Kết hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, Đức Thượng Phụ Đại Kết được coi là vị đứng đầu trong số 14 vị Thượng Phụ, về danh nghĩa, chứ không có quyền tài phán như Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Thứ hai, các Giáo Hội tân lập ở các quốc gia có số tín hữu ít quá sẽ trực thuộc vào Tòa Thượng Phụ Constantinople cho đến khi họ được cấp tư cách độc lập qua một sắc lệnh gọi là Tomos của Tòa Thượng Phụ Constantinople.

Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Nga. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv. Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác.

Năm 1596, Đức Tổng Giám Mục Michael Rohoza của Kyiv và toàn Nga chấp nhận Hiệp Ước Brest, quay lại hiệp nhất hoàn toàn với Tòa Thánh, và đưa các giáo xứ của mình vào Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Chính Thống Giáo Nga được cấp Tomos để thành lập một Giáo Hội Chính Thống riêng và theo Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô giải thích vào năm 2018, Chính Thống Giáo Nga được Tòa Thượng Phụ Đại Kết ủy quyền chăm sóc cho Chính Thống Giáo Ukraine. Nói cách khác, Chính Thống Giáo Ukraine vẫn thuộc quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Constatinople, không phải Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Thượng Phụ Kirill phản đối giải thích này.

Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.

Phản ứng lại, Thượng Phụ Kirill đoạn giao với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cấm các linh mục hiệp thông thánh thể với Chính Thống Giáo Constantinope, và không được cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cấp Tomos cho OCU, thế giới Chính Thống Giáo có 15 Giáo Hội Chính Thống độc lập. Nếu kể thêm Giáo Hội Chính Thống ở Mỹ, thì là 16.
Source:Reuters