CÙNG CHÚA, TA VƯỢT QUA
CHÚA NHẬT THỨ II THƯỜNG NIÊN NĂM A

Thánh Gioan Tông đồ ghi lại lời thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Đấng được gọi là “Chiên Thiên Chúa”, cũng được thánh Gioan giới thiệu hết sức long trọng: “Ngài có trước tôi, Ngài cao trọng hơn tôi. Tôi đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Ngài”.

Cuối bài Tin Mừng, thánh Gioan còn giới thiệu Chúa cách quả quyết và long trọng trọng hơn nữa: “Ngài là Con Thiên Chúa”. Lời giới thiệu mà thánh Gioan dâng lên Chúa Giêsu là những lời hết sức cao trọng, một sự cao trọng trên mức bình thường.

1. Vì sao “Con Thiên Chúa” cũng chính là “Chiên Thiên Chúa”?

Chiên là vật người Dothái nuôi nhiều. Nó hiền từ, dễ yêu. Trong đêm Vượt qua xưa của người Dothái, đêm mà Chúa cứu họ thoát cảnh lầm than nô lệ người Aicập, qua ông Môisen, Chúa truyền phải cử hành lễ Vượt qua bằng cách mỗi gia đình giết một con chiên không tì vết, không thương tật, tế lễ cho Thiên Chúa, cảm tạ lòng thương xót Chúa dành cho dân khi giải phóng họ.

Đêm lễ Vượt qua, trước khi lên đường rời khỏi đất nô lệ, toàn dân cử hành nghi thức ăn lễ Vượt qua gồm bánh không men, rau diếp đắng và thịt chiên. Họ phải ăn thật vội vả. Sau đó, ngay trong đêm, tất cả lên đường rời bỏ Aicập, vượt qua tình trạng nô lệ để sống tự do.

Hành động giết chiên mừng lễ Vượt qua phải được cử hành hàng năm để muôn đời toàn dân phải nhắc đi, nhắc lại cho con cháu, không phân biệt bất cứ thế hệ nào. Đó cũng là hành động ghi nhớ khởi đầu cuộc thanh luyện dài 40 năm trong sa mạc trước khi tiến chiếm Đất hứa mà Thiên Chúa hứa ban cho dân tộc Người tuyển chọn.

Bằng việc nhắc nhớ hàng năm, hành động ăn thịt chiên để cử hành Vượt qua, người Dothái còn giúp nhau ý thức rằng: Chính Chúa đã ban cho họ vùng đất mà họ đang sống để làm gia nghiệp, làm quê hương xứ sở. Họ phải tận trung với tình yêu bền vững, một tình yêu cuồn cuộn mà muôn đời Người đã dành cho cha ông họ và vẫn tiếp tục tuôn đổ trên họ.

Khi giới thiệu Chúa Giêsu là “chiên Thiên Chúa”, thánh Gioan như muốn nói, từ nay, không còn thể thức mừng lễ với thịt chiên của Cựu ước nữa. Đúng hơn, chiên vượt qua của giao ước cũ là hình bóng báo trước, là sự chuẩn bị cho việc mừngVượt qua của giao ước mới.
Và Chúa Giêsu, chiên vượt qua của giao ước mới, là chính Con Thiên Chúa làm người hiến dâng mạng sống mình để tha thứ, cứu chuộc ta. Chúa Giêsu vượt qua sự chết, tiến vào sự sống, để ta cùng với Người, nhờ Người, vượt qua tình trạng nô lệ của tội, tiến vào tự do được làm con Chúa.

Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu mang nơi mình hình ảnh con chiên hiền lành bị đem đi giết. Bởi đó, thánh Gioan Tẩy giả không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

Cho đến hôm nay, và mãi về sau, lời giới thiệu này được Hội Thánh lặp đi lặp lại trong từng thánh lễ. Cùng với lời đọc này, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh Chúa đã được bẻ ra để mọi người tôn thờ.

Hành động bẻ đôi Mình Thánh Chúa có ý cho thấy sự tự hiến của Chúa Giêsu. Người đã bẻ chính sự sống mình, bẻ cuộc đời mình dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội ta. Hành động bẻ đôi Mình Thánh Chúa cũng nói lên sự xóa mình của Chúa Giêsu.

Ngày nay, mỗi lần dâng thánh lễ, ta cử hành lễ Vượt qua, được ăn tiệc Vượt qua, và thịt chiên Vuợt qua chính là Mình Máu Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu tự hiến mình để chia sẻ kiếp sống của ta. Người đã chịu đau khổ để thông cảm và đồng cảm cùng mọi khổ đau trong đời ta. Chỉ cần ta có lòng tin, ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện bên mình.

2. Ta cần một lòng tin.

Chuyện kể rằng: Danh họa Raphael, người Ý, muốn họa chân dung Chúa Giêsu. Ông đi khắp nơi để tìm mẫu người thích hợp khuôn mặt Chúa. Nhưng càng tìm, Raphael càng khám phá: Trên trần gian không một ai hoàn hảo như Chúa Giêsu. Và ông cũng không tài đến nỗi có thể góp nhặt tất cả mọi vẻ đẹp của mọi người để tạc vào khuôn mặt của Chúa.

Nhưng vẫn quyết tâm vẽ bằng được. Vì thế, ông bỏ thời gian dài trong nhiều năm để nghiền ngẫm về tác phẩm mà ông sẽ thực hiện. Cuối cùng, Raphael bắt tay vào thực hiện bức họa. Ông vẽ Chúa Giêsu có khuôn mặt hiền từ, khả ái.

Không ngờ, trong thời gian ông đang hoàn thành bức họa Chúa Giêsu, thì liên tiếp những bất hạnh xảy ra cho ông: Nhà ông bị cháy hết một phần. Bức tranh mà ông đang vẽ tưởng chừng như bị thiêu rụi cùng với một phần của căn nhà. May mà ông cứu nó kịp thời.

Nhưng đứa con trai đầu lòng của ông bị bỏng nặng. Vợ ông, vì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của đám cháy, và chứng kiến cảnh tượng thương tâm của đứa con, đã trở nên ngớ ngẩn, điên dại. Còn bản thân danh họa Raphael, vì quá đau buồn nên bị kiệt lực và bệnh nặng.
Nhưng ông vẫn gượng lấy lại bình tĩnh, lấy lại nghị lực để tiếp tục sống. Ông cũng tiếp tục dành nhiều thời gian để hoàn thành bức chân dung Chúa Giêsu. Không ai ngờ, chính trong đau khổ cùng cực của mình, nhà họa sĩ đã vẽ nên một tuyệt tác.

Khuôn mặt của Chúa Giêsu vốn đã hiền từ, khả ái, bây giờ lại càng độ lượng, đáng yêu đến mức, ai nhìn vào đó, đều nhận ra khuôn mặt của Chúa toát lên một vẽ đẹp bình an và thông cảm đến kỳ diệu. Bức chân dung Chúa Giêsu của Raphael, vì thế, trở nên nổi tiếng.

Họa sĩ Raphael, trong đau khổ tột cùng, đã phác họa chính nội tâm của mình. Ông đã trút tất cả tâm tư đầy khát vọng của tâm hồn ông lên khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu.

Bởi không phải phác họa chân dung, không đi tìm bất kỳ khuôn mặt của bất kỳ ai, mà là chính khuôn mặt của tâm hồn mình, nhà họa sĩ tài ba đã để lại cho đời tuyệt phẩm bất hủ.

Bên trong bức họa chân dung Chúa, điều mà người ta nhận thấy mạnh mẽ nhất, lớn lao nhất chính là đức tin của Raphael. Chính đức tin đã làm cho ông, trong đau khổ, không oán giận Thiên Chúa. Ngược lại, càng đau khổ, ông càng nhận ra Thiên Chúa hiền lành, nhân từ, độ lượng. Ông nhìn thấy một Thiên Chúa khả ái, yêu thương và thông cảm. Người như đang sớt chia cùng ông mọi hoàn cảnh mà ông phải trải qua.

Đức tin đã cho ông thấy Thiên Chúa. Nhờ nhận ra Chúa, tâm hồn ông đầy khát vọng sống trong Chúa, vươn lên tới Chúa và trung thành với thánh ý Người xếp đặt trong đời ông.

Như bao nhiêu anh chị em tín hữu: Họ tin mãnh liệt. Ta hãy mang lấy lòng tin bất khuất như thế, để suốt đời và hết mọi ngày trong đời, dù bi thương hay hạnh phúc, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, ta cảm nhận sâu xa: Có Thiên Chúa ở cùng. Có Chúa Giêsu cùng ta song hành.

Nhận ra tình thương, sự hiện diện của Chúa, để cùng Chúa, ta sống lễ Vượt qua kiên trì, bền bỉ, để nhờ Chúa, ta vượt qua tội lỗi, vượt qua mọi cám dỗ, vượt qua mọi bất trắc…, mà tiến đến thánh giá, can đảm vác thánh giá hướng về ơn phục sinh của đời mình trong Chúa.
Chỉ có lòng tin như thế, cuộc đời ta mới thực là lễ Vượt qua khải hoàn, vinh thắng.