Theo tạp chí The Pillar, Vatican đã đưa ra lời chỉ trích mới nhất trước tình thế căng thẳng đang diễn ra đối với việc quản trị Giáo hội ở Đức.
Thực vậy, các viên chức cấp cao của Vatican đã thông báo cho các giám mục Đức rằng họ không được trao quyền để thành lập một cơ quan được coi là lập pháp bao gồm các giáo sĩ và giáo dân, sẽ hoạt động như một cơ quan quản trị toàn bộ Giáo hội trong nước.
Một lá thư gửi ngày 16 tháng Giêng cho các giám mục Đức, mà The Pillar có được, giải thích, “Chúng tôi muốn xác minh rằng cả Con đường Đồng nghị, cũng như bất cứ cơ quan nào được thành lập bởi nó, cũng như bất cứ Hội đồng Giám mục nào, đều không có thẩm quyền thành lập 'Hội đồng Đồng nghị' ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”.
Bức thư được ký bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, cùng với Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Đức Hồng Y Marc Ouellet, người đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục.
Ý tưởng thành lập một cơ quan quản trị thường trực gồm các giám mục và giáo dân cho Giáo hội ở Đức đã được phê chuẩn tại một cuộc họp của “Con đường Đồng nghị” vào tháng 9 năm ngoái, tại đó những người tham gia đã bỏ phiếu để thành lập một “hội đồng đồng nghị” quản trị thường trực.
Hội đồng này cũng sẽ “đưa ra các quyết định căn bản có ý nghĩa cấp siêu giáo phận đối với kế hoạch mục vụ, viễn cảnh tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội mà không được quyết định ở cấp giáo phận”.
Vatican đã cân nhắc về ý tưởng này trong tháng này, sau khi năm giám mục hỏi Vatican liệu họ có bắt buộc phải tham gia vào “ủy ban đồng nghị” – một tổ chức chuyển tiếp đã được lên kế hoạch, bao gồm 74 thành viên giám mục và giáo dân, sẽ bắt đầu vào năm nay, mở đường cho việc thành lập hội đồng đồng nghị.
Câu hỏi được nêu ra trong một bức thư ngày 21 tháng 12 từ những người đứng đầu các giáo phận Cologne, Eichstätt, Augsburg, Passau và Regensburg, sau chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Đức tới Rôma vào tháng 11. Trong chuyến viếng thăm đó, ba vị Hồng Y đã ký bức thư ngày 16 tháng 1 gửi đến các giám mục Đức tại một cuộc họp liên bộ hiếm hoi tại Vatican vào ngày 18 tháng 11.
Bức thư ngày 16 tháng 1 nói rằng các giám mục không bắt buộc phải tham gia vào “ủy ban đồng nghị”. Sau đó, nó giải thích rằng các giám mục không được trao quyền để tạo ra một hội đồng đồng nghị có tính quản trị hoặc ra quyết định cho đất nước của họ.
Bức thư trích dẫn Lumen gentium của Công đồng Vatican II, dạy rằng việc tấn phong làm giám mục “trao nhiệm vụ giảng dạy và cai quản” trong Giáo hội.
Bức thư ngày 16 tháng 1 đã được gửi đến Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục. Bätzing được yêu cầu chuyển bức thư tới các giám mục trước ngày 23 tháng Giêng.
Tài liệu giải thích, bản văn của bức thư đã được sự chấp thuận cụ thể của Đức Giáo Hoàng, người đã ra lệnh gửi nó đi.
Về phần mình, Bätzing đã đưa ra một tuyên bố công khai vào ngày 23 tháng 1 gợi ý rằng kế hoạch thành lập hội đồng đồng nghị có tính quản trị không nhằm làm suy yếu thẩm quyền của các giám mục.
Ngài nói, “Xét về tính đồng nghị, chủ yếu đây không phải là về các vấn đề tín lý, mà là về các vấn đề văn hóa đồng nghị sống động trong diễn trình tham vấn và ra quyết định chung. Không ai đặt câu hỏi về thẩm quyền của hàng giám mục”.
Vị giám mục gọi mối lo ngại của Vatican “rằng một cơ quan mới có thể đứng trên hội đồng giám mục hoặc làm suy yếu thẩm quyền của từng giám mục” là “vô căn cứ”.
Ngài viết, “Hội đồng đồng nghị, sẽ được chuẩn bị bởi ủy ban đồng nghị, do đó sẽ hoạt động theo giáo luật hiện hành phù hợp với nhiệm vụ có trong nghị quyết”.
Nhưng vị giám mục cũng nói rằng sự can thiệp của Rôma sẽ có nghĩa là phải suy nghĩ lại về những gì hội đồng đồng nghị thực sự có thể làm.
Vị giám mục viết, “Tài liệu từ Rôma sẽ có hệ quả đối với chúng tôi ở Đức rằng chúng tôi sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn nhiều về các hình thức và khả năng tham vấn và ra quyết định đồng nghị để phát triển một nền văn hóa đồng nghị,”.
Mặc dù không đề cập đến các chi tiết cụ thể, nhưng Bätzing khẳng định rằng sự can thiệp không phải là một tổn thất đối với các giám mục Đức.
“Tôi coi điều này là hữu ích và khả thi trong danh mục nhiệm vụ của ủy ban đồng nghị, đồng thời tôn trọng các giới hạn và khả năng do luật giáo hội đưa ra. Ủy ban đồng nghị không bị bức thư Rôma đặt nghi vấn.”
Ngài nói thêm rằng hội đồng thường trực của hội đồng giám mục Đức đã thảo luận về lá thư của Vatican tại cuộc họp hôm thứ Hai ở Würzburg.
Không rõ các giám mục Đức khác sẽ phản ứng thế nào với chỉ thị của Vatican. Mùa thu năm ngoái, triển vọng về một “Hội đồng đồng nghị” có tính quản trị đã nhận được sự ủng hộ từ đa số các giám mục trong cuộc họp tháng 9 của Con đường đồng nghị, được tổ chức tại Frankfurt.
Vào ngày 10 tháng 9, các đại biểu đã tán thành một tài liệu dài hai trang có tựa đề “Tăng cường một cách bền vững tính đồng nghị: Một Hội đồng Đồng nghị cho Giáo Hội Công Giáo ở Đức” trong lần đọc thứ hai. 93% trong số hơn 200 thành viên của Con đường Đồng nghị có mặt đã chấp thuận tài liệu, kể cả 88% giám mục.
Tài liệu đã bị nhà thần học nổi tiếng người Đức là Hồng Y Walter Kasper chỉ trích mạnh mẽ; ngài nói rằng nó đe dọa phá hủy cấu trúc “mà Chúa Kitô muốn cho Giáo hội của Người.”
Các giám mục đã bỏ phiếu cho đề xuất này bất chấp tuyên bố của Vatican vào tháng 7 năm ngoái rằng Con đường Đồng nghị không có quyền “buộc các giám mục và tín hữu chấp nhận những cách thức quản trị mới và những cách tiếp cận mới đối với tín lý và luân lý”.
Tuyên bố đó cho biết, “Trước khi có sự đồng ý ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, sẽ không được phép khởi xướng các cấu trúc hoặc tín lý chính thức mới trong các giáo phận, điều này sẽ đả thương sự hiệp thông giáo hội và là mối đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo hội”.
Kỳ vọng rằng Vatican sẽ gửi một lá thư quan trọng cho các giám mục Đức sau chuyến viếng thăm ad limina của họ lần đầu tiên được Đức Giám Mục Peter Kohlgraf của Mainz bày tỏ công khai vào ngày 1 tháng 12. Vị Giám Mục này nói ngài mong lá thư này đến trước phiên họp thứ năm và cuối cùng của Con đường Đồng nghị, dự kiến vào ngày 9-11 tháng 3 tại Frankfurt.
Vào tháng 10, Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức đã bầu 27 thành viên phục vụ trong ủy ban đồng nghị.
Con đường đồng nghị là một cuộc tụ tập nhiều năm giữa các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực, chức tư tế, phụ nữ trong Giáo hội và tình dục sau cuộc khủng hoảng lạm dụng tàn khốc và giữa cuộc ra đi ồ ạt của người Công Giáo Đức.