Mới đây thôi, trong một tuyên bố ngày 26 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh “ngạc nhiên và lấy làm tiếc” khi biết về việc Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), được Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Giang tây, một giáo phận mà Tòa Thánh khẳng định là giáo phận ma “không được Tòa Thánh công nhận”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng lặng lẽ tấn phong Giám Mục cho hai linh mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) mà hoàn toàn không thông báo cho Tòa Thánh.

Quan hệ Vatican - Trung Quốc căng thẳng như vậy, nhưng trong bối cảnh khinh khí cầu vừa bị bắn hạ Trung Quốc đã tìm cách ve vãn Tòa Thánh. Tờ Crux vừa có bài tường trình nhan đề “Digital gift a small reminder of big thaw in China-Vatican relations”, nghĩa là “Món quà kỹ thuật số nhắc nhở nhỏ về sự tan băng lớn trong quan hệ Trung Quốc-Vatican”.

Ngay khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc một lần nữa sa lầy trong những lời buộc tội, lần này là do một quả khinh khí cầu bị phá hủy mà Hoa Kỳ mô tả là một thiết bị gián điệp mà Trung Quốc tiếp tục cãi bướng rằng đó chỉ là một công cụ khí tượng, có một lời nhắc nhở nhỏ khác về mối quan hệ giữa Rôma và Bắc Kinh dường như đang nóng lên.

Thứ Tư vừa qua, khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Tiểu Vũ Nam (Xiao Wunan, 萧武男) một doanh nhân Trung Quốc được coi là thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là phái viên thường xuyên thay mặt Bắc Kinh tại Ý.

Mục đích bề ngoài của cuộc gặp gỡ được dàn xếp chớp nhoáng là để Tiểu Vũ Nam tặng Đức Thánh Cha tác phẩm đầu tiên trong số 12.000 tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số mô tả chiếc áo choàng được mặc bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nay là Thánh Gioan Phaolô, khi ngài khai mạc Năm Thánh vào chiều Vọng Lễ Giáng Sinh năm 2000.

Được thiết kế bằng hình ảnh do máy tính tạo ra, tác phẩm nghệ thuật được coi là NFT hoặc “mã thông báo không thể thay thế”, nghĩa là một phần tài sản kỹ thuật số độc nhất vô nhị. Nó dựa trên thiết kế của Stefano Zannella của X Regio, một công ty may đã sản xuất lễ phục cho các vị giáo hoàng từ năm 1997.

Hai mươi ba năm trước, màu sắc ấn tượng và thiết kế tương lai của chiếc áo choàng đã để lại ấn tượng sâu sắc. Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, lúc đó là Chưởng Nghi của Đức Giáo Hoàng, đã từng khôi hài rằng “không ai nhớ ngài đã nói gì vào đêm hôm đó, nhưng mọi người đều nhớ ngài đã ăn mặc như thế nào.”

Tiểu Vũ Nam đã thêm một lá thư vào món quà kỹ thuật số.

“Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời, và Công Giáo có một lịch sử lâu đời ở Trung Quốc,” Tiểu Vũ Nam viết.

“Tôi có nhiều bạn bè tin vào đạo Công Giáo, và mặc dù tôi là một Phật tử, tôi vẫn thường đến các nhà thờ Công Giáo Trung Quốc. Trong những năm gần đây, chúng tôi biết rõ rằng dưới sự hướng dẫn của ngài, quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican đã được cải thiện.”

Tiểu Vũ Nam, một giám đốc điều hành của Tổ chức Hợp tác Á Châu Thái Bình Dương, cũng ca ngợi vai trò của Đức Phanxicô như một người kiến tạo hòa bình.

“Chúng tôi vô cùng hy vọng có thể đóng góp vào việc giải quyết xung đột,” ông nói, đồng thời bày tỏ “lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với sự hỗ trợ mạnh mẽ và phước lành của Đức Thánh Cha trong công việc vì hòa bình thế giới này.”

Tiểu Vũ Nam, 59 tuổi, là một cựu quan chức của chính phủ Trung Quốc, người đã đóng một vai trò quan trọng như một trung gian không chính thức giữa Trung Quốc và Ý. Ông đã đóng một vai trò trong việc quảng bá “Milan World Expo” năm 2015 tại Trung Quốc, đồng thời giúp môi giới các thỏa thuận kinh tế giữa Ý và Trung Quốc.

Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở nước này, về cơ bản trao cho chính phủ một vai trò chính thức trong việc lựa chọn các ứng cử viên. Ban đầu được hình thành như một thỏa thuận hai năm, thỏa thuận này đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.

Phát ngôn nhân của Vatican đã ca ngợi thỏa thuận này là điều cần thiết để khắc phục sự rạn nứt lịch sử giữa một Giáo Hội Công Giáo chính thức ở Trung Quốc được nhà nước công nhận và một Giáo Hội thầm lặng từ chối chấp nhận sự kiểm soát của Cộng sản. Những người chỉ trích phàn nàn rằng thỏa thuận này dẫn đến sự đầu hàng trước chính phủ, và cũng khẳng định rằng sau khi nó được ký kết, sự đàn áp những người theo đạo Kitô ở Trung Quốc thực sự trở nên dữ dội hơn.

Vào tháng 11 năm 2022, Vatican cáo buộc Bắc Kinh vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm một giám mục vào một giáo phận không được Rôma công nhận. Một tuyên bố vào thời điểm đó khẳng định rằng việc bổ nhiệm Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu làm Giám Mục Giang Tây không “phù hợp với tinh thần đối thoại” của thỏa thuận năm 2018.

Bất chấp những trục trặc như vậy, hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng quan hệ Vatican-Trung Quốc dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn mạnh mẽ và đang được cải thiện, vượt qua xu hướng thù địch chung giữa Bắc Kinh và các chính phủ phương Tây.
Source:Crux