1. Các nỗ lực của Nga để đột phá ở phía bắc không thành công khi trận chiến Bakhmut tiếp tục

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 24 tháng Hai, đúng một năm Nga xâm lược Ukraine trong một cuộc chiến đẫm máu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết các lực lượng Nga đã cố gắng tấn công nhưng không thành công dọc theo một số khu vực của chiến tuyến ở phía bắc Ukraine—bao gồm cả dọc biên giới của các vùng Kharkiv và Luhansk - một khu vực mà người Nga đã cố gắng đột phá trong vài tuần qua.

Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết các tướng lĩnh Nga đã chịu áp lực rất nặng phải đạt được một điều gì đó trước ngày kỷ niệm một năm cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục thất bại và trong 24 giờ qua đã gánh chịu một tổn thất kỷ lục lên đến 16 xe tăng và 24 xe thiết giáp bị phá hủy, và 7 hệ thống pháo bị tịch thu tại mặt trận.

Các khu rừng phía tây Kreminna do Nga nắm giữ đã chứng kiến giao tranh ác liệt kể từ khi quân Nga đưa quân tiếp viện vào khu vực này vào tháng 12. Nhưng họ đã không thể tiếp cận vùng đất trống xung quanh các thị trấn Torske và Zarichne, nhằm tiến gần hơn đến các thành phố lớn hơn ở vùng Donetsk.

Ngoài ra còn có giao tranh ác liệt ở phía bắc, xung quanh thị trấn Svatove, nhưng chiến tuyến ở đó ít thay đổi.

Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, cho biết: “Chiến cuộc đã leo thang vài ngày trước ở cả khu vực Svatove và Kreminna. Chúng ta thực sự gặp khó khăn khi họ tấn công.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “hôm nay trời yên tĩnh vì quân phòng thủ của chúng ta đã đẩy lùi các cuộc tấn công mạnh mẽ từ mọi hướng, phá hủy rất nhiều nhân lực và thiết bị.”

“Tôi đoán người Nga đã rút lui để tập hợp lại, để mang theo một số thiết bị,” ông nói thêm.

Hayday nói rằng người Nga “tung một đại đội thiết bị hạng nặng và một đại đội bộ binh vào cuộc tấn công cùng một lúc. Trước đây, họ chỉ tấn công bằng một đến hai xe tăng cộng với một trung đội duy nhất, giờ thì họ tung ra một lực lượng đông đảo hơn gấp bội.”

Trong khi đó ở phía đông: Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết các lực lượng Nga tiếp tục tấn công vào một số địa điểm xung quanh thành phố Bakhmut. 13 khu định cư trong khu vực đã bị tấn công. Ông cho biết các tổn thất lớn của Nga về khí tài chiến tranh và nhân sự đã diễn ra xung quang thành phố Vuhledar.

Các tài khoản quân sự không chính thức nói rằng giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở phía bắc và tây bắc của Bakhmut, nơi các đơn vị Nga - bao gồm cả lực lượng bán quân sự Wagner - đang cố gắng chiếm lấy vùng đất cao hơn và siết chặt các tuyến đường tiếp cận Bakhmut.

Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 28 cho biết trong một tin nhắn video rằng “tình hình ở sườn phía bắc đang trở nên khó khăn hơn. Đây là nơi họ muốn có thể bao vây Bakhmut.”

“Vùng ngoại ô phía bắc của Bakhmut đêm qua rất sôi động, giờ yên tĩnh hơn. Chúng ta đang chuẩn bị cho đêm sắp tới... Hướng đông nam cũng như các khu vực nam và tây nam luôn chịu áp lực của đối phương.”

Quân đội Ukraine cũng cho biết hỏa lực súng cối và pháo binh xuyên biên giới vẫn tiếp tục ở phía bắc, với một số nơi ở vùng Sumy, Chernihiv và Kharkiv bị ảnh hưởng. Một số nhà phân tích đánh giá rằng các trận pháo kích liên tục này nhằm giữ các đơn vị phòng ngự của Ukraine ở phía bắc, ngăn không cho họ tái triển khai tới khu vực Donetsk, nơi tập trung nhiều cuộc giao tranh ác liệt nhất.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 23 Tháng Hai, Lực lượng phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 145.850 quân nhân Nga. Hơn nữa, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.350 xe tăng Nga, 6.593 xe thiết giáp, 2.352 hệ thống pháo, 471 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 244 hệ thống tác chiến phòng không, 299 máy bay chiến đấu, 287 máy bay trực thăng, 2.029 máy bay không người lái chiến thuật, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.215 phương tiện và xe chở nhiên liệu, và 228 thiết bị đặc biệt.

2. Hơn 140 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu ủng hộ công thức hòa bình Ukraine

Nghị quyết mang tên “Các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine” đã được thông qua tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng.

Nga, Belarus, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Eritrea, Mali, Nicaragua, Syria bỏ phiếu chống.

Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Cuba, Iran, Kazakhstan, Armenia, Nam Phi nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết 11 điểm “nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được, càng sớm càng tốt, một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc” và kêu gọi các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế “tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao” để đạt được nó.

Tài liệu tái khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận và nhắc lại yêu cầu Liên bang Nga “ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện” rút toàn bộ lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine.

Đại hội đồng kêu gọi trao đổi hoàn toàn các tù binh chiến tranh, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất hợp pháp và trao trả tất cả những người bị quản thúc và thường dân bị cưỡng bức chuyển giao và trục xuất, kể cả trẻ em.

Ngoài ra, nghị quyết kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào vào các đối tượng dân sự, bao gồm cả những nơi là nhà ở, trường học và bệnh viện.

Tài liệu nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm trách nhiệm giải trình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine thông qua các cuộc điều tra và truy tố thích hợp, công bằng và độc lập ở cấp quốc gia hoặc quốc tế.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dmytro Kuleba tuyên bố rằng nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về hòa bình ở Ukraine bao hàm những điểm chính của công thức hòa bình do Tổng thống Zelenskiy đưa ra.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 2/3/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết “Xâm lược Ukraine” lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga và yêu cầu Liên bang Nga ngay lập tức rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Nghị quyết được 143 quốc gia ủng hộ.

Vào ngày 24 tháng 3 năm 2022, Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết mang tên “Hậu quả nhân đạo của hành động xâm lược Ukraine” với 140 phiếu thuận.

3. Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock tranh cãi quyết liệt với đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc

Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, đã đụng độ với các nhà ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm, kịch liệt bác bỏ tuyên bố của họ rằng phương Tây đang đổ thêm dầu vào lửa bằng cách vũ trang cho Ukraine.

Baerbock cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải yêu cầu Nga ngừng gây hấn.

Trong một cuộc tranh luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đánh dấu kỷ niệm cuộc xâm lược và được coi là thước đo quan trọng về tình hình dư luận thế giới, Trung Quốc đã can thiệp để thể hiện mình đứng trên cuộc xung đột bằng cách đề xuất một danh mục các biện pháp bao gồm ngừng bắn, ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, đối thoại, bảo đảm an ninh đối với Nga, bảo vệ thường dân và duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ.

Phó đặc phái viên Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Đới Bình (Dai Bing, 戴兵) khẳng định phương Tây đang làm tình hình tồi tệ hơn bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine, nói rằng: “Đổ thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng”.

Nhận xét của ông đã kích động Baerbock phản bác mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố của ông rằng phương Tây đang chi tiêu quân sự mà không quan tâm đến những ưu tiên khác quan trọng hơn đối với người dân thường.

Cô ấy hỏi: “Tại sao chúng tôi lại làm thế?” và nói thêm: “Chúng tôi không muốn cuộc chiến này. Chúng tôi không chọn cuộc chiến này.” Cô ấy nói rằng chính phủ của cô ấy “rất muốn tập trung mọi sức lực và tiền bạc của chúng tôi vào việc sửa chữa các trường học của chúng tôi, chống lại khủng hoảng khí hậu và củng cố công bằng xã hội”, và nói thêm: “Sự thật là nếu Nga ngừng chiến đấu, chiến tranh sẽ kết thúc, ngay tức khắc. Nếu Ukraine dừng cuộc chiến này, Ukraine sẽ biến mất.”

Cô ấy nói rằng sự đau khổ, bao gồm “bắt cóc, hãm hiếp và tra tấn”, sẽ tiếp tục hàng ngày và rằng những vết thương hở của thế giới do nạn đói, lạm phát và thiếu năng lượng gây ra sẽ không chấm dứt.

Cô lập luận rằng mọi quốc gia đều có nhiệm vụ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng chiến tranh phải kết thúc. Phát biểu trước 30 đến 40 quốc gia có khả năng không tuân theo nghị quyết, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, cô lưu ý: “Hôm nay, mỗi chúng ta phải đưa ra quyết định đứng trong tình thế cô lập với kẻ áp bức hoặc sát cánh cùng nhau vì hòa bình.”

Cô nói rằng có một kế hoạch hòa bình cho Ukraine, và nó được gọi là hiến chương Liên Hiệp Quốc với các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không sử dụng vũ lực.

“Mỗi người trong chúng ta hôm nay đều có cơ hội đóng góp vào kế hoạch hòa bình này bằng cách yêu cầu kẻ xâm lược dừng lại”.

Với việc Iran một lần nữa tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng, có vẻ như Nga sẽ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. Tuy nhiên, số các quốc gia bỏ phiếu trắng đã giảm. Lần trước khi một cuộc bỏ phiếu liên quan đến Ukraine được tổ chức, 35 quốc gia đã bỏ phiếu trắng, trong đó có 18 quốc gia ở Phi Châu, lần này chỉ có 32 quốc gia đã bỏ phiếu trắng.

Cuộc tranh luận bị chi phối bởi tiếng nói của Âu Châu đòi hỏi một số quốc gia Phi Châu có kế hoạch bỏ phiếu trắng phải giải thích suy nghĩ của họ. Ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna, trực tiếp kêu gọi những người có khả năng bỏ phiếu trắng, nói rằng chiến tranh là “việc của mọi người” và nhấn mạnh: “Trung lập có thể đồng lõa với kẻ xâm lược.” Cô cho biết nhiệm vụ chung của chúng ta là ngăn chặn bạo lực quá mức, đồng thời nói thêm: “Không ai trong số họ có thể ngủ yên trong một thế giới khi một cường quốc có thể tùy ý tấn công các nước láng giềng của mình”.

4. Thủ tướng Tây Ban Nha gặp Zelenskiy ở Kyiv, thăm quốc hội Ukraine

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và có bài phát biểu trước quốc hội Ukraine vào hôm thứ Năm.

Nhà lãnh đạo Tây Ban Nha đang có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine vào đêm trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Sau đó, ông đã tổ chức một cuộc họp báo chung với Zelenskiy.

Sánchez cũng có kế hoạch đến thăm Bucha và Irpin, hai thị trấn gần Kyiv đã trở thành đồng nghĩa với cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga. Ngoài ra, ông sẽ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm chiến tranh.

Chuyến đi của Sánchez diễn ra sau chuyến thăm bất ngờ của tổng thống Joe Biden tới thủ đô Ukraine vào thứ Hai, trong đó Tổng thống Hoa Kỳ công bố khoản hỗ trợ mới trị giá nửa tỷ đô la cho Kyiv.

Tây Ban Nha là một trong số các đồng minh NATO đã đồng ý gửi xe tăng hiện đại tới Ukraine và đã huấn luyện 800 binh sĩ Ukraine tại quốc gia Iberia kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Bộ trưởng Quốc phòng Madrid cho biết hôm thứ Tư.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Zelenskiy, Thủ tướng Pedro Sánchez đã tuyên bố trao tặng cho Ukraine 10 xe tăng Leopard 2. Ông cũng cho biết Tây Ban Nha có thể trao cho Ukraine một số lớn hơn nhiều những xe tăng Leopard 1 mà Bộ Quốc Phòng Tây Ban Nha đang có kế hoạch tu bổ và nâng cấp.

5. Nga 'đàm phán với nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua máy bay không người lái' - Der Spiegel

Nga đang đàm phán với một nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua 100 máy bay không người lái, với ngày giao hàng là tháng 4, tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin hôm thứ Năm mà không trích dẫn nguồn cụ thể.

Trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ, Đức và các nước phương Tây khác đã cảnh báo Trung Quốc không được bán vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến chống Ukraine, nói rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nga, đang bị bao vây bởi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây nhằm đáp trả cuộc tấn công vào Ukraine, được cho là đã mua vũ khí từ Iran và Triều Tiên, bao gồm cả máy bay không người lái của hai nước này, nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn đứng ngoài cuộc.

Der Spiegel cho biết nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc Xi'an Bingo Intelligent Aviation Technology cho biết họ đã chuẩn bị chế tạo 100 nguyên mẫu máy bay không người lái ZT-180, loại máy bay mà tạp chí cho biết có thể mang đầu đạn từ 35 đến 50kg.

Der Spiegel cho biết chiếc máy bay không người lái này tương tự như chiếc Shaheed-136 của Iran, loại máy bay mà Nga đã thực hiện vô số cuộc tấn công vào Ukraine, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự.

6. 'Chúng ta sẽ xây dựng lại', Zelenskiy nói nhân kỷ niệm cuộc xâm lược

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết trong một bài phát biểu qua video vào đầu ngày thứ Sáu rằng tình hình quân sự ở miền nam Ukraine khá nguy hiểm ở một số nơi trong khi điều kiện ở miền đông rất khó khăn.

Phát biểu nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Zelenskiy cho biết các lực lượng thân Mạc Tư Khoa lại nã pháo vào thành phố Kherson ở miền nam, lần này làm ảnh hưởng đến việc cung cấp nhiệt cho 40.000 người.

“Đối với miền nam – ở một số nơi tình hình khá nguy hiểm nhưng quân đội của chúng ta có phương tiện để đáp trả quân xâm lược,” ông nói, tóm tắt các sự kiện trên các mặt trận khác nhau.

“Ở phía đông – rất khó khăn, đau đớn. Nhưng chúng ta đang làm mọi thứ để chống lại điều đó,” ông nói tiếp, ám chỉ các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Nga nhằm chiếm các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk.

Ông Zelenskiy cho biết công việc sửa chữa ở Kherson, nơi đang bị pháo kích hàng ngày, sẽ tiếp tục cho đến khi các hệ thống nhiệt được phục hồi.

“Và chúng ta sẽ xây dựng lại. Bất kể những kẻ khủng bố và lũ khốn người Nga này có thể làm gì, chúng ta sẽ xây dựng lại và khôi phục mọi thứ,” ông nói.

7. Mỹ dự kiến công bố gói viện trợ 2 tỷ USD cho Ukraine vào thứ Sáu

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết chính quyền Biden dự kiến sẽ công bố thêm 2 tỷ đô la trong quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine vào ngày thứ Sáu, nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga.

Không giống như các gói giải ngân, được lấy trực tiếp từ kho vũ khí của Hoa Kỳ và có thể được vận chuyển nhanh chóng đến Ukraine, các gói USAI được mua hoặc ký hợp đồng từ ngành công nghiệp quân sự. Mặc dù hàng viện trợ có thể mất nhiều thời gian hơn để đến Ukraine, nhưng nó cũng báo hiệu một cam kết lâu dài hơn trong việc cung cấp hỗ trợ cho Kyiv trong điều mà Mỹ coi là cuộc xung đột kéo dài chống lại Nga.

Khoản tài trợ mới để mua thiết bị cho Ukraine, bao gồm:

hỏa tiễn HIMARS

Đạn pháo 155 ly

nhiều loại máy bay không người lái

Thiết bị chống máy bay không người lái

Thiết bị rà phá bom mìn

Thiết bị thông tin liên lạc an toàn

Kinh phí đào tạo và duy trì

Chỉ 3 ngày trước, Mỹ tuyên bố viện trợ thêm thiết bị của Mỹ cho Ukraine lần thứ 32, trị giá 450 triệu USD, bao gồm thêm đạn HIMAR và trọng pháo, hỏa tiễn chống tăng Javelin và radar giám sát đường không.

Thông báo được đưa ra cùng ngày Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm hết sức bất ngờ tới Kyiv, gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, sau đó có bài phát biểu sôi nổi ủng hộ Ukraine từ Warsaw.

“Một năm trước, thế giới đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của Kyiv,” Biden nói tại Ba Lan. “Chà, tôi vừa đến thăm Kyiv và tôi có thể báo cáo rằng Kyiv rất vững mạnh. Kyiv tự hào, đứng sừng sững và quan trọng nhất, tự do đang đứng vững.”

Biden cho biết hôm thứ Ba rằng ông đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong các cuộc trò chuyện với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khi ở nước này.

“Tôi có thể tự hào nói rằng sự ủng hộ của chúng ta dành cho Ukraine vẫn không hề lay chuyển,” Biden nói.

8. Moldova bác bỏ cáo buộc của Nga về việc Ukraine lên kế hoạch xâm chiếm Transnistria

Moldova đã chính thức bác bỏ cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm rằng Ukraine đã lên kế hoạch xâm chiếm khu vực ly khai Transnistria của Moldova. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết theo kế hoạch, quân Ukraine sẽ cải trang thành quân Nga tấn công Ukraine từ khu vực ly khai Transnistria để lấy cớ xâm lược Transnistria, và kêu gọi bình tĩnh.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Tass dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết phương Tây đã chỉ thị cho chính phủ Chisinau ngừng mọi tương tác với chính quyền Transnistrian do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn.

Tổng thống Moldova, Maia Sandu, hồi đầu tháng đã cáo buộc Mạc Tư Khoa lên kế hoạch đảo chính lật đổ chính phủ và kéo Transnistria vào cuộc chiến của mình.

Khu vực chủ yếu nói tiếng Nga này đã tách khỏi Moldova thuộc Liên Xô vào năm 1990. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, những người ly khai thân Nga đã tiến hành một cuộc chiến đẫm máu với lực lượng chính phủ Moldova.

9. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhận định về cuộc chiến của Putin: 'Tôi nghĩ ông ấy sẽ không dừng lại'

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Ben Wallace, cho biết cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài thêm một năm nữa. Khi được hỏi liệu Vương Quốc Anh có thể tiếp tục ủng hộ Ukraine như hiện nay trong thời gian ông vừa nói hay không, Ông Ben Wallace nói:

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được. Tôi nghĩ rằng Nga đã thể hiện sự coi thường hoàn toàn, không chỉ đối với cuộc sống của người dân Ukraine mà còn đối với những người lính của chính họ. Chúng ta đang ngồi ở đây 12 tháng sau và 188.000 lính Nga, thực tế có thể còn nhiều hơn, đã chết hoặc bị thương do tính toán sai lầm thảm khốc và hành động gây hấn của Tổng thống Putin.”

Wallace nói thêm: “Khi ai đó đã vượt qua ranh giới và nghĩ rằng có thể làm điều đó với người dân của mình, điều hành một máy xay thịt hiệu quả cho quân đội, tôi nghĩ anh ta sẽ không dừng lại.”

Ông nói rằng các máy bay hiện do các nước Nato nắm giữ có thể được trao cho Ukraine và ông nhấn mạnh rằng cuộc chiến “không phải là xung đột giữa Nga và NATO”

Wallace nói: “Tôi nghĩ đã có cuộc nói chuyện về việc một quốc gia Đông Âu cung cấp MiG-29… Đó không là vấn đề của Nato, chúng ta thấy trong vấn đề này các quốc gia là thành viên của Nato có khả năng cung cấp thiết bị không quân hoặc MiG-29 cho Ukraine”.

10. Thụy Điển, Phần Lan, và Tiệp gởi xe tăng Leopard cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển nói với các phóng viên báo chí rằng Thụy Điển đã sẵn sàng để gửi một số xe tăng chiến đấu Leopard tới Ukraine khi nước này chuẩn bị đưa ra một gói viện trợ khác để giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Phần mới nhất mà Thụy Điển chuyển giao cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược bao gồm các xe thiết giáp, mà Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson nói với Reuters sẽ là đóng góp chính của nước này cho Ukraine về mặt thiết bị cho chiến tranh trên bộ.

Thụy Điển cũng đang chuẩn bị gửi cho Ukraine hệ thống pháo Archer tiên tiến tới Ukraine, và quốc hội Thụy Điển ngày càng ủng hộ việc đóng góp thêm một số trong số khoảng 120 xe tăng Leopard của nước này.

“Chúng tôi cởi mở với điều đó và trên hết chúng tôi đang đối thoại chặt chẽ với Đức về điều đó,” Jonson nói.

Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết nước này sẽ gửi ba xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine.

Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho biết họ sẵn sàng gửi một số xe tăng chiến đấu Leopard.

Bộ trưởng Quốc phòng Tiệp Jana Černochová cho biết hôm thứ Năm rằng chính phủ Tiệp đã phê duyệt một chuyến hàng viện trợ quân sự tiếp theo tới Ukraine và sẽ tiếp tục gửi thiết bị từ kho dự trữ.

Theo báo cáo của Reuters, Černochová không tiết lộ chi tiết về các thiết bị cụ thể được vận chuyển, nhưng cho biết cho đến nay nước này đã gửi 38 xe tăng, 55 xe bọc thép, 4 máy bay và 13 pháo tự hành từ kho dự trữ quân sự của mình, cùng với các lô hàng lớn hơn từ khu vực tư nhân.