1. Công tố viên nói: Nghi phạm thừa nhận đã hạ sát Đức Cha Phụ Tá Los Angeles

Theo các công tố viên, nghi phạm bị bắt liên quan đến cái chết của Giám mục Los Angeles David G. O'Connell hôm thứ Bảy đã thừa nhận giết vị linh mục được nhiều người yêu mến.

Carlos Medina, 61 tuổi, chồng của quản gia của Đức Cha O'Connell, đã bị buộc tội giết người.

Biện lý quận Los Angeles George Gascón cho biết trong một cuộc họp báo rằng Medina đã thừa nhận vụ giết người với các nhà điều tra, tờ Los Angeles Times đưa tin.

Ông Gascón cho biết Medina, một người thợ thủ công đã từng làm việc tại Tòa Giám Mục, cũng phải đối mặt với cáo buộc đặc biệt về việc sử dụng súng trong khi gây án. Nếu bị kết án về cả hai tội danh, anh ta có thể phải đối mặt với án tù từ 35 năm đến chung thân.

“Tôi biết đây là một cú sốc đối với cộng đồng của chúng ta,” Gascón nói. “Đây là một hành động bạo lực tàn bạo đối với một người đã cống hiến cả cuộc đời mình để làm cho các khu phố của chúng ta an toàn hơn, khỏe mạnh hơn và luôn phục vụ bằng tình yêu thương.”

Đức Cha O'Connell được tìm thấy đã chết trong ngôi nhà ở Hacienda Heights hôm thứ Bảy với nhiều vết thương do đạn bắn. Los Angeles Times trích dẫn các nguồn thực thi pháp luật giấu tên nói rằng khẩu súng liên quan là vũ khí cỡ nòng nhỏ và rằng “vết thương của Đức Cha O'Connell không thể nhìn thấy rõ ràng đối với vị phó tế, người đầu tiên phát hiện ra thi thể của vị giám mục.” Một phó tế đã đến gặp vị giám mục khi vị giám mục không có mặt trong cuộc hẹn vào ngày hôm đó.

“Theo các nguồn tin, vị giám mục đã bị bắn năm lần,” tờ Times cho biết.

Tờ báo cho biết Medina đã xuất hiện một thời gian ngắn trước tòa vào chiều thứ Tư, nơi Thẩm phán Armenui Amy Ashvanian ấn định số tiền bảo lãnh tại ngoại là 2,3 triệu USD. Phiên tòa xét xử anh ta được ấn định vào ngày 22 tháng 3.

Các báo cáo ban đầu nói rằng Medina đã lẩm bẩm với một người về việc vị giám mục nợ anh ta tiền, nhưng các nhà điều tra vẫn chưa nói nhiều về động cơ. Một cuộc điều tra đang diễn ra, bao gồm cả việc kiểm tra vũ khí được tìm thấy trong nhà của Medina.

Trung úy Michael Modica của sở cảnh sát Los Angeles cho biết tại cuộc họp báo rằng khi Medina được phỏng vấn, anh ta đã đưa ra một số lý do dẫn đến vụ giết người, nhưng “không lý do nào hợp lý đối với các nhà điều tra.”

Ông nói: “Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ giá trị nào với lời khai nợ tiền”.

Ricardo Garcia, Luật sư Công của Quận Los Angeles nói với tờ Times rằng cho đến nay theo luật pháp Mỹ, Medina vẫn “được cho là vô tội và có quyền được bào chữa.”

“Chúng tôi rất nhạy cảm với tác động của vụ án này đối với cộng đồng của chúng tôi, nhưng đồng thời cũng thận trọng trước bất kỳ phán quyết vội vàng nào, bởi công chúng hoặc giới truyền thông, cho đến khi tất cả các sự kiện được xác lập tại tòa án,” tuyên bố cho biết.

Tờ Times đưa tin các chi tiết khác về nghi phạm, nói rằng anh ta có một lịch sử lâu dài về các vụ bắt giữ và kết án sử dụng ma túy từ năm 2005 đến 2017. Các thám tử đang điều tra xem liệu anh ta có sử dụng ma túy vào thời điểm giết Đức Cha O'Connell hay không.

Tờ Times cho biết Medina không có tiền sử bị bắt giữ bằng bạo lực.

Tờ báo cho biết: “Trong khu phố chưa hợp nhất Torrance, nơi Medina và vợ thuê một ngôi nhà trát vữa màu vàng hai phòng ngủ, những người hàng xóm cho biết cặp đôi này có cuộc sống yên tĩnh, bình thường và thân thiện với những người hàng xóm của họ.

“Ông ấy chưa bao giờ nói điều gì xúc phạm,” Francisco Medina Lopez, 74 tuổi, một người hàng xóm thân thiện với Medina, nói. "Nó thật kì lạ."

Tờ báo viết tiếp rằng những người hàng xóm cho biết Medina, người đi khập khiễng, thường được nhìn thấy đang mày mò sửa chữa xe hơi hoặc làm việc trong sân nhà. Vợ ông là nhân vật quen thuộc trong khu phố, người thường xuyên được quan sát thấy đang dắt một con chó lớn màu trắng mà cư dân cho rằng đó là của vị giám mục.

Hai người hàng xóm thỉnh thoảng uống bia với anh ta hoặc chia sẻ bữa ăn cùng nhau, trò chuyện trong khi nghe nhạc ranchera.

Mặc dù vợ của Medina làm việc cho Đức Giám Mục, Medina Lopez cho biết hai vợ chồng này có vẻ không đặc biệt sùng đạo và không đề cập đến tôn giáo trong các cuộc trò chuyện. Họ cũng không trang trí nhà cửa bằng các đồ vật và hình ảnh Công Giáo.

Nhưng Medina Lopez cho biết anh luôn nghĩ tốt về người hàng xóm của mình, người thỉnh thoảng sẽ chở anh đến buổi gặp gỡ trao đổi hoặc các cửa hàng gần đó.

Luis Lopez, người sống trong một ngôi nhà phía sau nhà của gia đình Medinas cho biết: “Anh ấy là một người đàn ông lớn tuổi bình thường, luôn nói nhiều và có tâm trạng tốt. Anh ấy có vẻ là một người bình thường.”

2. Ngoại trưởng Tòa Thánh giải thích lập trường của Đức Thánh Cha về Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 23 tháng Hai vừa qua, nhân kỷ niệm một năm bắt đầu chiến tranh tại Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Gallagher cho biết Tòa Thánh hy vọng có những cuộc thương thuyết để đạt tới hòa bình. Ngài nói: “Ngoại giao Tòa Thánh trước tiên được những sáng kiến của Đức Thánh Cha hướng dẫn và thúc đẩy, trong các kinh nguyện cũng như các diễn văn của ngài, trong những buổi tiếp kiến chung, cũng như những buổi đọc kinh Truyền tin mỗi trưa Chúa nhật. Ngài luôn kêu gọi hòa bình cho Ukraine và chúng tôi hướng theo ngài, luôn nghĩ đến những tàn ác của chiến tranh và tìm cách hành động: luôn bày tỏ sự sẵn sàng đối với các tác nhân trong cuộc chiến về sự sẵn sàng giúp thương thuyết để chấm dứt chiến tranh kinh khủng ngày. Tôi tin rằng đó là vai trò của chúng tôi. Cả khi điều đó là khó khăn đối với Ukraine và nhiều người khác, nói về đối thoại và hòa bình, hòa giải, nhưng đó là điều mà Giáo hội, Tòa Thánh, và Đức Thánh Cha có thể và phải làm. Điều cơ bản là luôn giữ cho giấc mơ hòa bình được hiện diện. Chúng tôi hiểu rằng trong thời điểm đau khổ này, đối với nhiều người thật khó nghĩ đến hòa bình, nhưng vẫn phải có người nào đó nghĩ đến hòa bình, vì cuối cùng, cuộc chiến này cũng phải kết thúc, và chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm kết thúc”.

Trả lời câu hỏi: đứng trước cuộc xâm lăng của Nga, Đức Tổng Giám Mục có nghĩ: bao nhiêu nhân dân Ukraine có thể chiến đấu cho nền hòa bình mà Đức Giáo Hoàng không ngừng kêu gọi? Đức Tổng Giám Mục Gallagher đáp:

“Tôi không nghi ngờ về việc mọi người Ukraine đều mơ ước hòa bình, đó là điều rất bình thường. Khi những người cha người mẹ nhìn con cái của họ, họ hy vọng chúng có thể tăng trưởng trong hòa bình. Họ phải bảo tồn giấc mơ đó, mặc dù những đau khổ, khó khăn, mặc dù những tương quan rõ ràng nhiên là đau thương với Nga và người Nga hiện nay. Nhưng bạn cũng phải nghĩ đến tương lai với một niềm lạc quan. Có lẽ bạn nghe đến những năm tự do, những năm hòa bình mà Ukraine đã được hưởng sau khi độc lập, và cố gắng bắt đầu nghĩ ngay từ bây giờ tới việc tái thiết đất nước này. Có rất nhiều điều phải được tái thiết và hòa giải tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Ukraine Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halych đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 7 tháng 11 tại Vatican, đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp kể từ khi Nga bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng Hai, mặc dù hai vị đã nói chuyện qua điện thoại nhiều lần. Đức Tổng Giám Mục nói với các phóng viên báo chí rằng lập trường của Tòa Thánh đã thay đổi rất nhiều sau cuộc gặp gỡ nói trên.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trao cho Đức Giáo Hoàng “một mảnh vỡ của một quả mìn Nga đã phá hủy mặt tiền của nhà thờ Công Giáo Ukraine ở thị trấn Irpin, gần Kyiv, vào tháng Ba. Đó là một món quà rất mang tính biểu tượng, không chỉ vì Irpin là một trong những 'thị trấn tử vì đạo' đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine, mà còn vì những mảnh mìn tương tự được lấy ra từ thi thể của binh lính, dân thường và trẻ em Ukraine, là một dấu chỉ hữu hình của sự tàn phá và chết chóc mà chiến tranh mang lại mỗi ngày. “

Trở về Vatican từ Bahrain vào ngày 6 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên đi cùng ngài rằng Vatican “thường xuyên chú ý” đến những gì đang xảy ra ở Ukraine và rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp tục làm những gì có thể và đã làm việc ở hậu trường để giúp sắp xếp trao đổi tù nhân.

Đức Giáo Hoàng cũng nói với các phóng viên rằng ngài nghĩ sự tàn khốc của các cuộc tấn công vào Ukraine và dân thường của quốc gia này là do những người lính đánh thuê, không phải người Nga, những người là “một dân tộc vĩ đại” và có một “chủ nghĩa nhân đạo” mạnh mẽ. Thực ra, những người lính đánh thuê cũng chủ yếu là người Nga và các cuộc pháo kích nhắm vào các cơ sở hạ tầng và dân thường Ukraine là do các tướng lĩnh Nga quyết định. Tất cả những điều này vượt quá xa thẩm quyền của những người lính đánh thuê.

Gặp Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vào ngày hôm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cam kết của Tòa Thánh trong việc chấm dứt chiến sự và tìm cách đạt được “một nền hòa bình công bằng”.

“Cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến thuộc địa, và những đề xuất hòa bình đến từ Nga là những đề xuất nhằm bình định thuộc địa”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đức Giáo Hoàng. Những đề xuất này liên quan đến việc phủ nhận sự tồn tại của người dân Ukraine, lịch sử, văn hóa của họ và thậm chí cả Giáo hội. Đó là sự phủ nhận chính quyền tồn tại của nhà nước Ukraine, được cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Đức Tổng Giám Mục cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì tất cả những lời cầu nguyện và nỗ lực của ngài “để ngăn chặn chiến tranh và đạt đến hòa bình, giải phóng con tin và tù nhân và tổ chức sự đoàn kết toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo thay mặt cho những người dân Ukraine đang đau khổ”