1. 300 nhà khoa học tôn giáo Israel liên đới với các Kitô hữu
Khoảng 300 chuyên gia về tôn giáo và linh đạo tại các đại học và trường cao đẳng ở Israel liên đới với các cộng đoàn Kitô tại nước này, đứng trước thái độ thù nghịch và các cuộc tấn công của các nhóm Do thái giáo cực đoan.
Trong thư ngỏ được hãng tin Công Giáo Đức KNA truyền đi hôm 20 tháng Hai vừa qua, các chuyên gia vừa nói khẳng định rằng: “Chúng tôi cấp thiết kêu gọi chính quyền Israel quyết liệt chống lại những kẻ có trách nhiệm về các tội phạm và bảo vệ mọi tôn giáo chống lại oán ghét, sự u mê và bạo lực”.
Những người ký tên vào lá thư ngỏ nhấn mạnh sự đánh giá cao đối với các truyền thống lâu đời, liên kết các tín hữu Kitô với đất nước Israel, cũng như gia sản phong phú của Kitô giáo. Thư có đoạn viết: “Sự hiện diện lâu đời của các tín hữu Kitô ở Giêrusalem và các nơi khác rất quan trọng đối với chúng ta”.
Lá thư ngỏ bằng tám thứ tiếng, mang chữ ký của các giáo sư thuộc nhiều đại học và trường cao đẳng ở Israel, cùng với một số tổ chức khác, như Bảo tàng viện Israel ở Giêrusalem, Đại học Israel ở Tel Aviv, Bar-Ilan và Haifa.
Trong số các phụ nữ ký tên, có bà Yesica Harani, người đã được giải thưởng ‘Núi Sion” về đối thoại, do Đan viện Biển Đức Dormitio của Công Giáo Đức ở Giêrusalem trao tặng hồi năm 2013.
2. Bốn nữ đại biểu nổi bật tuyên bố rời bỏ Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức
Bốn nữ đại biểu tuyên bố rời bỏ Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức, vì nó làm cho Giáo Hội Công Giáo tại Đức xa lìa Giáo hội hoàn vũ.
Trong thư được đăng trên báo “Die Welt”, Thế giới, ra ngày 22 tháng Hai vừa qua, ở Đức, bốn nữ đại biểu (Katharina Westerhorstmann, Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, Dorothea Schmidt và Marianne Schlosser) thuộc Tiến Trình Công Nghị, từ năm 2019, viết rằng: Mục đích của Tiến Trình Công Nghị mà người ta tuyên bố là để cứu xét những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo Hội Công Giáo Đức. “Nhưng trong hành trình này, các giáo huấn và xác tín nòng cốt của Công Giáo bị đặt lại vấn đề. Vì thế, chúng tôi không thể tiếp tục con đường này, qua đó chúng tôi thấy rằng Giáo hội tại Đức ngày càng xa lìa Giáo hội hoàn vũ”.
Bốn phụ nữ cho biết chính vì thế họ quyết định không tham dự khóa họp toàn thể, từ ngày 09 đến ngày 11 tháng Ba tới đây và rời bỏ Con đường này. Họ nói: “Chúng tôi từ nhiệm”.
Bốn phụ nữ nhận xét rằng: Tiến Trình Công Nghị Đức cố tình không biết đến những can thiệp nhiều lần và sự minh xác của các vị hữu trách ở Vatican và Đức Giáo Hoàng. “Vì thế, tiếp tục tham dự con đường này có nghĩa là ủng hộ một tiến trình hiển nhiên kéo Giáo hội tại Đức xa lìa Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Chúng tôi không thể và không muốn chia đồng trách nhiệm về vấn đề này”. Những nghị quyết trong ba năm qua do Tiến Trình Công Nghị đề ra không những đặt lại vấn đề những nền tảng thiết yếu của Thần học, nhân loại học và đường lối thực hành của Giáo Hội Công Giáo, nhưng trong một số trường hợp còn hoàn toàn thay đổi chúng. Người ta không thấy rõ một lập luận thần học có giá trị. Những vấn nạn bênh vực đạo lý giá trị hiện nay của Giáo hội, Tiến Trình Công Nghị hầu như không để ý tới.
“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục bao gồm 230 đại biểu, trong đó có các giám mục thuộc 27 giáo phận ở Đức cùng với Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức; mục đích là để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.
Chiêu bài của Tiến Trình Công Nghị Đức là tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết tội lỗi lạm dụng tính dục cần phải cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tại sao phải chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, tái định nghĩa lại hôn nhân? Hay tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.
Hơn thế nữa, tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.
Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.
3. Chiến dịch “Ngày chay gia đình” ở Áo
Các giám mục và các vị lãnh đạo các tiểu bang ở Áo ủng hộ chiến dịch “Ngày chay gia đình”, do Phong trào phụ nữ Công Giáo khởi xướng để lạc quyên tài trợ 70 dự án giúp đỡ phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới.
Chiến dịch này được phát động vào mỗi Mùa chay trong các giáo xứ tại Áo và được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo cấp cao nhất, như Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Vienne, và bà Doris Schmidbauer, Phu nhân Tổng thống Áo.
Hằng năm, trong Mùa chay ở Áo, có truyền thống gọi là “cháo mùa chay” do Phong trào phụ nữ Công Giáo phát động để quyên góp giúp đỡ các phụ nữ nghèo tại một số nước. Hai vị cùng với nhiều người khác sẽ tham dự bữa súp, tổ chức lúc 5 giờ chiều ngày 03 tháng Ba tới đây, tại Bộ Ngoại giao ở Vienne, và quốc gia được chọn làm chủ đề năm nay là Phi Luật Tân, và qui trọng tâm vào những công nhân di dân làm việc trong lãnh vực săn sóc sức khỏe và người già.
Các bữa ăn tương tự cũng được tổ chức tại vùng thủ đô trong những tuần tới đây. Ví dụ, thứ Tư Lễ Tro, ngày 22 tháng Hai này, lúc 12 giờ trưa, một bữa ăn bác ái được tổ chức tại Tháp thành phố Innsbruck, với Đức Cha Hermann Glettler, Giám mục sở tại, và ông Anton Mattle, Thống đốc miền Tyrol, đồng thời tại trụ sở của bang ở thành phố Bregenz có bữa tương tự với Đức Cha Benno Elbs và Thống đốc Markus Wallner.
Tại hội trường các giáo xứ trên toàn nước Áo, các bữa cháo Mùa chay cũng được tổ chức, đặc biệt sau thánh lễ Chúa nhật. Năm ngoái, ngân khoản lạc quyên được trong các bữa ăn này là một triệu 600.000 Euro.
Số người Phi Luật Tân di cư làm việc tại nước này hiện chiếm khoảng 9% dân số toàn quốc, và họ gửi tiền về nước để giúp đỡ gia đình. Phần lớn các phụ nữ Phi Luật Tân làm công việc giúp việc nhà cho các gia đình hoặc trông coi con cái cho chủ nhà.