1. Phản ứng đáng ca ngợi của một linh mục đối với màn trình diễn ma quỷ trong lễ trao giải Grammy

Cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn sau khi ca sĩ Sam Smith và Kim Petras có màn trình diễn ma quái tại Lễ trao giải Grammy 2023.

Smith, Petras và các vũ công dự bị của họ tự miêu tả mình là ma quái và ác quỷ, xung quanh họ là lồng, roi và lửa. Vũ điệu, trang phục và lời bài hát cũng là những khiêu khích rõ ràng về tình dục.

Linh mục người Mễ Tây Cơ, Cha Rafael Pacaníns, đã gây sốt sau khi chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại của những người nổi tiếng: đó là sự khăng khăng tôn thờ Satan công khai của họ.

“Hôm qua, Sam Smith đã biểu diễn một màn vũ về quỷ Satan tại lễ trao giải Grammy. Ngày càng có nhiều người nổi tiếng công khai ủng hộ Satan.”

Ngài chỉ ra rằng “những người theo satan thực hiện nghi lễ phá thai ở Hoa Kỳ nhân danh tự do tôn giáo.”

“Trận chiến tâm linh là có thật. Hãy cầm lấy vũ khí, là thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Ê-phê-sô chương 6”

Cho đến nay, phản hồi của ngài đã nhận được hơn 124.000 lượt xem, khoảng 1600 lượt thích và hơn 700 lượt tweet lại.

Một số người dùng đã phản ứng như sau

Một người dùng cho biết: “Xưng tội, rước lễ, lần hạt, cầu nguyện, giúp đỡ người khác. Đây là vũ khí của chúng ta.”

Một người dùng khác hỏi: “Thưa cha, làm thế nào để chúng ta đối mặt với cuộc chiến tâm linh? Chúng ta nên chuẩn bị như thế nào?”

Cha Pacaníns trả lời: “Hãy cầm lấy vũ khí tâm linh mà Thánh Phaolô đề cập đến trong thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô chương 6. Và sống rất hiệp nhất với Bí tích Thánh Thể.”

Người dùng này cũng hỏi: “Chúng ta có thể làm gì thưa cha? Ngoài lời cầu nguyện?”

Vị linh mục nói: “Hãy nên thánh. Chỉ có các thánh, với sức mạnh của Thiên Chúa, mới hạ gục được quyền lực của ma quỷ trong suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta cần phát động một cuộc cách mạng thánh thiện trong Giáo hội.”

Cha Pacaníns không phải là linh mục duy nhất thảo luận về xu hướng tôn thờ Satan ngày càng tăng giữa những người nổi tiếng và trong xã hội.

Linh mục Dòng Đa Minh, Cha François-Marie Dermine, một nhà trừ quỷ nổi tiếng, lưu ý rằng “ma quỷ được ca ngợi một cách công khai và thu hút nhiều người – đây là hình ảnh của ma quỷ tự giải thoát mình khỏi Chúa để sống theo ý muốn của mình.”

“Cũng có sự phát triển của các nhóm Satan thực sự, trong khi trước đây chúng là một thực tế rất đặc biệt. Chúng đang nhân lên một cách rất đáng lo ngại”.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua cho biết trong một xã hội cạnh tranh như trong xã hội Hoa Kỳ, nhiều người, nhất là những người nổi tiếng hay đang muốn nổi tiếng có khuynh hướng tìm đến Satan để đạt lợi thế cạnh tranh. Họ tin rằng Satan sẽ giúp họ chiến thắng đối phương dễ dàng.
Source:Church POP

2. Lời cầu nguyện ứng khẩu của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự buổi chiếu một bộ phim tài liệu về những giờ đầu tiên của cuộc chiến và dâng một lời cầu nguyện ứng khẩu.

“Chúng ta hãy hướng về Ukraine, chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine, và hãy mở lòng đón nhận nỗi đau,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi kết thúc buổi chiếu phim tại Vatican vào ngày 24 tháng 2 năm 2023. Bộ phim đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin, một năm sau khi ông ta xua quân xâm chiếm Ukraine.

Đức Thánh Cha lên án “tinh thần chiến tranh” vốn thúc đẩy “sự hủy diệt, không cho phép phát triển, hủy diệt tất cả mọi người – đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già, tất cả mọi người”.

Khoảng 250 người bao gồm những người tị nạn và các thành viên của cộng đồng Ukraine, những người nghèo từ Giáo phận Rôma, và các thành viên của các hiệp hội, cùng với Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, đã tham dự buổi chiếu bộ phim “Freedom on Fire”, “Tự do đang bốc cháy: Cuộc chiến giành tự do của Ukraine,” của Evgeny Afineevsky.

Bộ phim tài liệu mới của ông, được trình chiếu tại Liên hoan phim Venice vào tháng 9 năm ngoái, tập trung vào sự khởi đầu của cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Những giờ đầu tiên này được kể theo quan điểm của những thường dân Ukraine bình thường.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự buổi chiếu từ hàng ghế sau của căn phòng, và cuối cùng, phát biểu trước khán giả một cách ứng khẩu. Ngài cầu xin Chúa cho mọi người hiểu rằng “chiến tranh là hủy diệt, chiến tranh luôn làm chúng ta nhỏ bé đi”.

Sau đó, ngài đưa ra một lời cầu nguyện ứng khẩu ngắn gọn như sau:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời

Xin Cha nhìn đến những đau khổ của chúng con,

Xin đoái nhìn những vết thương của chúng con,

Xin nhìn đến những nỗi đau của chúng con,

Xin Cha cũng hãy nhìn vào tính ích kỷ của chúng con, những quyền lợi thấp hèn của chúng con và khả năng mà chúng con có để hủy hoại chính mình.

Xin Cha hãy chữa lành, chữa lành trái tim của chúng con, chữa lành tâm trí của chúng con, chữa lành đôi mắt của chúng con, để đôi mắt chúng con có thể nhìn thấy vẻ đẹp mà Cha đã tạo ra

Và không phá hủy nó trong sự ích kỷ.

Xin gieo trong chúng con hạt giống bình an.

Amen.”

Vatican News, phương tiện truyền thông duy nhất có mặt bên cạnh một đài truyền hình Ukraine, đã kể lại những cuộc trao đổi giữa Đức Thánh Cha và những người tị nạn Ukraine khác nhau có mặt. Một nhà báo Ukraine kêu gọi Đức Thánh Cha giúp giải thoát các tù nhân và đến thăm Ukraine.
Source:Aleteia

3. Kỷ niệm chiến tranh Ukraine đánh dấu một năm rất kỳ lạ trong lịch sử ngoại giao của Tòa Thánh

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, vừa có bài viết nhan đề “Ukraine War Anniversary Marks a Very Strange Year in the History of Papal Diplomacy”, nghĩa là “Kỷ niệm chiến tranh Ukraine đánh dấu một năm rất kỳ lạ trong lịch sử ngoại giao của Tòa Thánh.”

Trong chuyến thăm bất ngờ và đầy cảm hứng tới Kyiv hôm thứ Hai, Tổng thống Joe Biden đã được vinh danh bằng một tấm bảng trên “Con đường của những người dũng cảm” ở thủ đô Kyiv, nhằm vinh danh các nhà lãnh đạo nước ngoài đã đến Kyiv trong chiến tranh.

Trong năm, kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên nói về mong muốn đến thăm Kyiv. Nhưng ngài chưa đi.

Biden không nói về chuyến thăm, nhưng ông ấy đã đi. Đó là một hoạt động bí mật phức tạp bao gồm một chuyến tàu xuyên đêm kéo dài 10 giờ từ biên giới Ba Lan. Chưa từng có tổng thống Hoa Kỳ nào đến thăm một vùng chiến sự sôi động mà không có sự hiện diện bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ trong hậu trường.

Sự dũng cảm và tình đoàn kết của Biden đã được Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ca ngợi, người đã nói với các nhà báo Ý rằng “ quân đội Nga đã kết án tử hình chúng tôi theo đúng nghĩa đen,” nhưng chuyến thăm của Biden và nhiều nhà lãnh đạo khác “mang lại cho chúng tôi hy vọng rằng bản án này sẽ không được thi hành.”

Vì vậy, không có tấm bảng nào trên “Con đường của những người dũng cảm” dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là điều đáng tiếc, vì Đức Thánh Cha khá can đảm trong các chuyến công du nước ngoài. Ngài đã đến một khu vực chiến tranh sôi động vào tháng 11 năm 2015 tại Cộng hòa Trung Phi, bao gồm cả việc dừng lại ở một phần của thành phố Bangui do lực lượng thánh chiến kiểm soát. Ngài đã đến Iraq vào tháng 3 năm 2021, trong thời gian xảy ra đại dịch, để gặp người đứng đầu tinh thần của Hồi giáo Shiite trong tình hình an ninh vẫn còn bất ổn. Tại Phi Luật Tân vào Tháng Giêng năm 2015, mối đe dọa không phải là vấn đề chiến tranh nhưng là chuyện khí tượng học, dù thế Đức Thánh Cha nhất quyết hoàn thành chuyến thăm của mình càng nhiều càng tốt khi đối mặt với một cơn bão sắp xảy ra.

Tuy nhiên, năm đầu tiên của cuộc chiến đã kết thúc với việc Đức Giáo Hoàng tiếp tục vắng mặt ở Ukraine, bất chấp một cuộc diễn hành dài các tổng thống và thủ tướng có mặt ở Kyiv. Thật vậy, một ngày sau chuyến thăm Kyiv của tổng thống Biden, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng có mặt ở Ukraine, thăm Bucha, nơi các lực lượng Nga đã tàn sát khoảng 500 người.

Vậy tại sao không có Đức Thánh Cha Phanxicô ở Ukraine, khi việc an ủi những người đau khổ là một khía cạnh trong sứ vụ mục vụ của ngài, đã chạm đến trái tim của rất nhiều người?

Câu trả lời là rõ ràng, nhưng lý do cho nó thì không. Và điều bí ẩn đó là tâm điểm của một năm rất kỳ lạ trong lịch sử ngoại giao của Đức Giáo Hoàng.

Nó bắt đầu ngay từ đầu. Ngay khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc xâm lược ở Crimea bắt đầu từ năm 2014 – Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một bước phi thường là đích thân đến thăm đại sứ quán Nga tại Tòa thánh. Đại sứ tồn tại chính xác là để được triệu tập trong những trường hợp như vậy. Nhưng thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đi đến đó như một người cầu xin, để cầu xin hòa bình. Mong muốn chân thành của Đức Thánh Cha là chấm dứt sự khủng khiếp của chiến tranh đã được thể hiện.

Đó chắc chắn là nguồn cảm hứng cho việc tận hiến nước Nga và Ukraine trên toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria vào ngày 25 tháng 3 năm 2022.

Tuy nhiên, chuyến thăm đầu tiên tới đại sứ quán Nga cũng báo hiệu một điều kỳ lạ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết tâm - thậm chí là đã ấn định - về cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, tin chắc rằng bằng cách nào đó ngài có thể thuyết phục họ từ bỏ chiến tranh. Do đó, ngài miễn cưỡng lên án rõ ràng hành động xâm lược của Nga trong nửa đầu năm 2022, và ngài nhiều lần khẳng định rằng, mặc dù ngài muốn đến thăm Kyiv, nhưng ngài sẽ chỉ làm như vậy nếu có thể đến thăm Mạc Tư Khoa.

Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại bị thuyết phục đến mức tin rằng ngài có thể đến Mạc Tư Khoa - và coi đó là điều kiện tiên quyết để đến thăm Kyiv - là một bí ẩn lớn. Năm 1988, Giáo Hội Chính thống Nga - dưới chế độ chính trị tự do hóa của Mikhail Gorbachev - đã không cho phép Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm trong dịp mừng thiên niên kỷ Kitô giáo Nga. Không bao giờ có khả năng họ sẽ thay đổi suy nghĩ dưới thời Putin giữa cuộc chiến tranh đang nóng bỏng. Tuy nhiên, vì mục đích hành hạ Ukraine, Nga đã treo lơ lửng khả năng gặp Kirill trong nhiều tháng, cho đến khi ông ta rút lui khỏi một cuộc họp liên tôn ở Kazakhstan, nơi ông ta có thể gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi người Công Giáo Ukraine đã công khai biết ơn về sự đoàn kết của Tòa thánh được nhắc đến nhiều lần; một cách riêng tư, họ vô cùng lo sợ về việc Kirill tiếp tục tán tỉnh Tòa Thánh, cho dù ông ta công khai ủng hộ cuộc chiến của Putin. Đến mùa hè, sự kiên nhẫn của họ giảm dần; sự bực tức với Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đến đỉnh điểm.

Vào tháng 7, giám mục Công Giáo Latinh của Kyiv đã công khai nói rằng nếu Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mạc Tư Khoa trước, như mong muốn rõ ràng của ngài, thì đó sẽ là một “thảm họa”.

Vào tháng 8, diễn biến gây sốc nhất trong hoạt động ngoại giao gần đây của Đức Giáo Hoàng đã nổ ra. Phẫn nộ vì thói quen tìm lý do để giảm nhẹ tội cho Nga của Đức Giáo Hoàng, đại sứ Ukraine tại Tòa thánh đã lên án mạnh mẽ Đức Thánh Cha, nói rằng ngài không có khả năng phân biệt về mặt đạo đức giữa “kẻ hiếp dâm và kẻ bị hãm hiếp”.

Một cuộc tấn công thẳng thừng như vậy vào thẩm quyền luân lý của Đức Thánh Cha - từ một quốc gia nói chung là thân thiện - không thể không gây ra phản ứng. Các nhà ngoại giao kỳ cựu chờ xem Rôma sẽ phản ứng như thế nào.

Phản hồi đã đến nhanh chóng. Tòa thánh đã đầu hàng, từ bỏ chỉ sau một đêm quan điểm đã kéo dài đến sáu tháng trước đó của Đức Giáo Hoàng. Háo hức tìm cách lấy lại uy tín đã mất, các nhà ngoại giao của Tòa Thánh lên án sự xâm lược của Nga với những thuật ngữ hết còn mơ hồ, bao gồm cả vai trò của Thượng phụ Kirill, và thẳng thừng gọi sự ủng hộ của ông đối với cuộc chiến là “phạm thánh”.

Sự đảo ngược kịch tính này cho phép Đức Thánh Cha nói một cách tự do hơn về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine trong những tháng cuối năm 2022, nhưng vẫn không thể khắc phục thiệt hại của sáu tháng lập lờ đầu tiên. Khả năng luôn xa vời về việc Vatican đóng vai trò trung gian hòa giải giờ chỉ còn là điều viển vông; Đức Thánh Cha Phanxicô không được chính phủ Ukraine tin tưởng, chưa nói đến mối quan hệ lạnh nhạt lịch sử với Mạc Tư Khoa.

Đối với việc viếng thăm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không được phép đến thăm Mạc Tư Khoa, và không có sự nhiệt tình nào để chào đón ngài đến thăm Kyiv. Chắc chắn rằng những biểu hiện về tình đoàn kết của Đức Giáo Hoàng đã được hoan nghênh, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô không được coi là một người bạn vững chắc. Và thời gian đã trôi qua để một chuyến thăm như vậy có thể tạo ra một tác động đáng kể. Khi thủ tướng Anh đã đến thăm ba lần, tác động của bất kỳ chuyến thăm nào của Đức Giáo Hoàng đã giảm đi rất nhiều.

Bây giờ Biden đã gạt những bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, chính sách ngoại giao của Đức Giáo Hoàng sang bên lề thậm chí còn xa hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy đã đến thăm Washington vào tháng 12 và London và Paris vào đầu tháng này. Người ta không mong đợi rằng Rôma là một ưu tiên - trừ khi anh ta đến để đáp lại chuyến thăm của thủ tướng Ý.


Source:National Catholic Register