Theo trang mạng chính thức (https://addisababa.synod2023.org), Phiên họp Cấp lục địa về tính đồng nghị của châu Phi đã khai mạc vào ngày 2 tháng 3, tại Addis Ababa (Ethiopia) với Thánh lễ do Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg và là Tổng tường trình viên của Phiên họp Toàn thể thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, chủ sự, ngài đã nhắc nhở rằng “Thượng hội đồng Giám mục không phải là về quyền lực. Nó không phải là về dân chủ. Đó là về Chúa Thánh Thần. Đó là về một Giáo hội mở cửa cho thế giới. Nhiệm vụ của nó là cho toàn nhân loại. Đó là một Giáo hội biết cầu nguyện. Đó là một Giáo hội phù hợp với Chúa Thánh Thần”.



Sự kiện kéo dài bốn ngày với chủ đề: “Vì một Giáo hội Đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Truyền giáo” đã quy tụ 206 người tham gia từ khắp lục địa, tất cả đều quyết tâm đưa ra một tài liệu đại diện cho tiếng nói thực sự của Châu Phi. Trong số đó có 9 Hồng Y, 29 giám mục và 41 linh mục. Số còn lại là các tu sĩ và giáo dân gồm cả nam, nữ, thanh niên và đại diện của các tôn giáo khác.

Cuộc họp được chủ trì bởi Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, Chủ tịch mới được bầu của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, và có sự tham dự của Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng.

Phiên họp thứ nhất

Phiên họp buổi sáng bắt đầu với bài phát biểu chào mừng của Tổng thư ký Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, Cha Rafael Simbine Junior, người đã kêu gọi những người tham gia chia sẻ kinh nghiệm của Châu Phi về Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Về phần mình, Đức Cha Lúcio Muadula, Phó chủ tịch đầu tiên của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar dẫn nhập các việc làm qua thời gian cầu nguyện, đã mời những người tham gia “lắng nghe lẫn nhau về những gì Chúa Thánh Thần đang chỉ đạo Gia đình Giáo hội của Thiên Chúa ở Châu Phi để bắt đầu một kỷ nguyên truyền giáo mới”.

Công việc được tiến hành với phần trình bày về phương pháp «đàm đạo thiêng liêng” của Cha Giacomo, Cố vấn của Tổng thư ký Thượng hội đồng.

Lễ khai mạc dự kiến diễn ra vào buổi sáng đã phải dời lại vào buổi chiều do tắc đường khiến lưu lượng giao thông ở thành phố Addis Ababa bị chậm lại đáng kể, hạn chế việc di chuyển của các đại biểu đến địa điểm - khi cả nước kỷ niệm Ngày Chiến thắng Adwa.

Trong lời chào mừng cử tọa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ethiopia, Đức Hồng Y Berhaneyesus Demerew Souraphiel, đã kêu gọi “hãy lắng nghe sâu sắc tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau để trở thành khí cụ của hòa bình”.

Sứ thần Tòa Thánh tại Ethiopia, Đức Giám Mục Antoine Camilleri nhắc nhở rằng “Cùng nhau bước đi, vốn là một phần của tính liên tục, không loại trừ sự gián đoạn, đặc biệt là đối với một Giáo hội biết quan tâm đặc biệt chú ý đến mọi người, thậm chí vượt ra ngoài những chia rẽ mà xã hội chúng ta đang sống và trong đó chúng ta học cách lắng nghe nhau. Đó là lý do tại sao tính đồng nghị có nghĩa là liên đới, hỗ trợ lẫn nhau, quan tâm đến người khác… Do đó, đây không phải là một cấu trúc mới của Giáo hội: đây là vấn đề làm những điều cho đến nay vẫn luôn được làm, nhưng theo một cách đổi mới được Tin Mừng linh hứng”.

Đức Hồng Y Fridolin Cardinal Ambongo, Chủ tịch Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha về sáng kiến mục vụ này nhằm kêu gọi toàn thể Giáo Hội Công Giáo tái khám phá giá trị quý giá của tính đồng nghị. Ngài nói “Tiến trình đồng nghị này, dưới dấu hiệu của sự hiệp thông, tham gia và sứ mệnh, tạo nên một thời gian ân sủng và một thời điểm tuyệt vời của sự hiệp thông giáo hội đối với Giáo hội. Tiến trình đồng nghị này xác nhận cách thức hoạt động của Giáo hội ở Châu Phi. Thật vậy, bắt nguồn từ các nguyên tắc nhân học châu Phi, đặc biệt là palaver (trao đổi quan điểm), ubuntu (cảm thương và nhân đạo) và ujamaa (hệ thống hợp tác xã làng thôn xã hội chủ nghĩa), nhấn mạnh tinh thần cộng đồng, ý thức gia đình, tinh thần đồng đội, liên đới và tiệc tùng vui vẻ, Giáo Hội Công Giáo ở châu Phi đã phát triển như một Gia đình của Thiên Chúa”.

Cuộc họp còn có sự tham dự của Tiến sĩ Monique Nsanzabaganwa, Phó Chủ tịch Liên minh Châu Phi, đại diện cho Tổng thư ký Liên minh Châu Phi, Tiến sĩ Moussa Faki Mahamat. Cô nói rằng “Tính đồng nghị là một nguyên tắc thiết yếu của Giáo Hội Công Giáo và sự liên quan của nó vượt ra ngoài các tổ chức tôn giáo. Tính đồng nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bao hàm và đối thoại trong các quá trình ra quyết định. Nó cũng có khả năng góp phần giải quyết các thách thức khác nhau của lục địa châu Phi”.

Trong lời chào mừng của ngài, Đức Hồng Y Mario Grech, nói với những người tham dự rằng “Giáo hội ở Châu Phi, Madagascar và Quần đảo sở hữu những nguồn lực quan trọng để đóng góp cho Giáo hội Hoàn vũ đang tham gia vào tiến trình đồng nghị này. Ngài lưu ý rằng một nền thần học châu Phi về tính đồng nghị có thể là một đóng góp lâu dài cho sự phát triển của một giáo hội đồng nghị trong Thiên niên kỷ thứ ba”. Và ngài chỉ ra rằng “khi tôi đề cập đến nền thần học Châu Phi khác biệt của anh chị em, tôi không chỉ đề cập đến sự đóng góp giá trị mà các nhà học thuật có thể cống hiến mà còn đến nền thần học được xây dựng bởi toàn thể dân Chúa, xét vì dân thánh của Thiên Chúa là chủ thể của việc biện phân thần học và mục vụ – dân thánh của Thiên Chúa là người chủ đạo của diễn trình đồng nghị này. Nếu chúng ta cần làm thần học, chúng ta phải lắng nghe dân Thiên Chúa, cả dân Thiên Chúa ở lục địa Châu Phi nữa”.

Phiên họp thứ hai

Thượng Hội đồng Châu Phi về tính đồng nghị đang diễn ra tại Addis Ababa (Ethiopia) bước vào phiên làm việc thứ hai trong khi Cầu nguyện, Suy tư, Đàm thoại thiêng liêng và chia sẻ về Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (DCS) vẫn là những nội dung chính trong chương trình của các đại biểu.

Mục đầu tiên trong nghị trình là Thánh Thể do Đức Hồng Y Antoine Kambada, Tổng Giám Mục Kigali ở Rwanda, chủ sự. Đức Hồng Y đã mở đầu bằng cách nhắc nhở những người tham dự về sự cần thiết phải phát huy việc lắng nghe. Ngài bày tỏ sự hối tiếc khi nói: “Chúng ta không lắng nghe nhau mặc dù chúng ta có các phương tiện truyền thông.” Đức Hồng Y Kambanda, người đã giảng trong Thánh lễ sáng, cho biết “hồng phúc quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại là lời nói và lời nói hiện thực hóa mục tiêu của nó và có ý nghĩa khi nó được lắng nghe. Chúng ta cần lắng nghe lời Chúa này để sống mà đón nhận sự sống thần linh của Người.

Đấng Bản quyền địa phương của Tổng giáo phận Kigali ta thán rằng “ngày nay có rất nhiều phương tiện truyền thông nhưng đây là thời kỳ mà truyền thông ở mức thấp nhất vì chúng ta không lắng nghe nhau mặc dù chúng ta có các phương tiện truyền thông”.

Sau khi tóm tắt kinh nghiệm và tiến trình của ngày hôm trước, phần lớn buổi sáng của ngày làm việc thứ hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Phi được dành cho việc thực hành đàm thoại thiêng liêng: phương pháp được trình bày vào đầu cuộc họp nhằm phát huy việc lắng nghe Chúa Thánh Thần và việc lắng nghe nhau giữa những người tham dự.

Giới thiệu diễn biến buổi sáng và cung cấp hướng dẫn đọc Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa là Cha Agbonkhianmeghe Orobator SJ, Chủ tịch Hội đồng Dòng Tên Châu Phi và Madagascar. Đầu tiên, ngài mời gọi các tham dự viên nhìn nhận phẩm giá rửa tội chung của họ. Vị linh mục Dòng Tên nhắc nhở, Bí tích Rửa tội “là căn tính nền tảng của chúng ta, giúp chúng ta đủ điều kiện tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, trong sự hiệp thông, chia sẻ và đối thoại với mọi người thuộc mọi hệ phái”. Sau đó, ngài nhắc lại rằng trọng tâm của cuộc đàm đạo thiêng liêng “là cầu nguyện và thinh lặng” cho phép tất cả những người tham gia bày tỏ ý kiến của họ một cách cởi mở và trung thực.

Sau đó, đề cập đến lời mời “mở rộng không gian của lều”, cha Orobator nhắc nhở hình ảnh chiếc lều lấy từ sách tiên tri Isaiah có thể được so sánh ra sao với Tukul của người Châu Phi, ngôi nhà tuyệt hảo bao gồm mái, tường và cột trung tâm. Cho dù đó là một cái lều hay một Tukul, “ngôi nhà của Giáo hội không có những cánh cửa đóng lại, mà là một chu vi không ngừng mở rộng”. Đó là “một cái lều, một gia đình nơi mọi người có thể tìm thấy một nơi chốn và một mái ấm.” Cuối cùng, vị tu sĩ Dòng Tên lặp đi lặp lại rằng “đây là thời điểm để tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã quy tụ chúng ta lại với nhau, được Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn. Đây là lúc để vui mừng: chúng ta đừng để cỏ dại cản trở mình; chúng ta hãy để tinh thần dẫn dắt chúng ta tiến về phía trước.

Trong phiên họp buổi chiều, 15 nhóm đàm đạo thiêng liêng đã trình bày các báo cáo tóm tắt về các cuộc thảo luận trong các nhóm liên hệ của họ. Nhiều nhóm khác nhau đề xuất sự hiệp nhất, đấu tranh chống đói nghèo, đấu tranh cho bình đẳng xã hội, chủ nghĩa thực dân mới là một số lĩnh vực ưu tiên mà các Nghị phụ Thượng Hội Đồng cần tập trung vào trong diễn trình thượng hội đồng.

Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa được mời gọi rao giảng Tin Mừng qua việc đào tạo. Một gia đình được đào tạo tốt sẽ bảo đảm để xã hội tốt đẹp và phát triển theo các giá trị châu Phi.

Các nhóm đã cam đoan Giáo hội đồng nghị là một gia đình của Thiên Chúa với các vai trò và trách nhiệm được xác định nhằm cổ vũ các giá trị của châu Phi và cải thiện việc quản trị cấu trúc của gia đình Giáo hội của Thiên Chúa bằng cách trao quyền cho giáo dân thông qua việc đào tạo.

Tính đồng nghị mời gọi chúng ta cùng nhau hành trình chứ không phải bước đi một mình bởi sự đa dạng của các nền văn hóa của chúng ta. Châu Phi được kêu gọi kiểm tra tất cả các cơ chế được đưa ra để bảo đảm hành trình cùng nhau trở thành hiện thực.

Tính đồng nghị mời gọi chúng ta hoán cải sâu sắc. Điều này có thể đạt được thông qua sự tôn trọng các giá trị châu Phi, trong đó gia đình có thể đóng một vai trò quan trọng. Tiếng nói của người Châu Phi cần được cân nhắc trong quá trình ra quyết định của Giáo hội.

Các nhóm nhấn mạnh sự cần thiết của một sự hiểu biết xoay quanh gia đình về tính đồng nghị và thúc đẩy các giá trị châu Phi và một cuốn giáo lý toàn diện cho tất cả mọi người.

Phiên kết thúc

Sau một buổi sáng dành riêng cho việc thực hành đàm đạo thiêng liêng trong các nhóm làm việc về dự thảo Văn kiện mà cuối cùng sẽ được gửi đến Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng trước ngày 31 tháng 3, chiều nay, các tham dự viên đã tập trung trong phiên họp toàn thể để chia sẻ thành quả của công việc buổi sáng.

Phần lớn thời gian của buổi chiều được dành để hoàn thiện tài liệu cuối cùng với các chỉnh sửa và bổ sung. Đó là một công việc tập thể gay go nhưng chân thực, nơi mọi người đều có thể bày tỏ ý kiến của mình. Phiên họp đã lo liệu phê duyệt một loạt các ưu tiên mà nó dự định cung cấp như tài liệu Thượng Hội đồng Châu Phi cho Giáo hội hoàn vũ trong việc làm của Phiên họp Toàn thể lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục.

Nhóm đặc nhiệm gồm các chuyên gia, kể từ các cuộc hội thảo ở Accra và Nairobi, từng làm việc cho tài liệu của Phiên họp Thượng Hội đồng Addis Ababa, sẽ tiếp tục tinh chỉnh tài liệu theo những chỉ dẫn nhận được từ Phiên họp trước khi gửi tài liệu đó cho Tổng Thư ký của Thượng hội đồng.

Trong bài phát biểu bế mạc, Đức Hồng Y Berhaneyesus Souraphiel, người chủ trì cuộc họp, nói rằng:

“Tất cả chúng ta đều là người châu Phi, vì vậy hãy để chúng ta được tự do chuyển dịch bất cứ đâu, cùng nhau hành trình, đặc biệt là giới trẻ của chúng ta, những người khao khát được đi đến các khu vực Ả Rập của Châu Phi và Nam Phi để tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn. Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar không thể chỉ là tiếng nói của Châu Phi mà còn là điểm quy chiếu”.

Đức Giám Mục Lucio Muadula, phó chủ tịch thứ nhất của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, đã trích dẫn thánh vịnh 133 “Thật tốt đẹp thay khi anh em chung sống hòa thuận! Như dầu quý đổ lên đầu, chảy xuống râu, chảy xuống râu Aarôn, chảy xuống cổ áo ông” để bày tỏ sự hài lòng và nhắn nhủ “Đồng hành cùng nhau cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thách thức.”

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Phiên họp Toàn thể Thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục, đã bày tỏ niềm vui và sự hài lòng về công việc của phiên họp. “Tôi muốn cảm ơn Thiên Chúa và tất cả anh chị em vì thời gian tuyệt vời này để lắng nghe, lắng nghe một cách tương cảm. Trong tất cả các phiên họp châu lục, tôi đã tìm thấy một cách thức Công Giáo để cùng nhau hành trình, của tính đồng nghị thông qua cuộc đàm đạo thiêng liêng trong đó các anh chị em là nơi Chúa Thánh Thần nói với chúng ta và là nơi tất cả chúng ta được mời gọi hoán cải để phục vụ thế giới”. Và đặc biệt đề cập đến phiên cuối cùng, ngài nói “Tôi phải nói rằng tôi ngưỡng mộ anh chị em vì niềm đam mê mà anh chị em đã dành cho cuộc tranh luận cuối cùng này. Nó cho thấy rằng Giáo hội ở Châu Phi đang sống và Thánh Thần của Chúa đang sống trong anh chị em”.

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, đã chính thức bế mạc Phiên họp khi nói rằng “Chúng ta đã đi đến hồi kết của Hội nghị Toàn thể Châu lục lịch sử này của Thượng hội đồng về Tính đồng nghị. […] Những ngày chúng ta cùng nhau tham dự Thượng hội đồng này không chỉ là thời điểm để nói về tính đồng nghị, mà còn là thời điểm trải nghiệm tính đồng nghị. Chúng ta thực sự cảm thấy như một gia đình, gia đình của Thiên Chúa ở Châu Phi và Quần đảo cùng nhau bước đi, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong thời đại của chúng ta".

Tập chú vào việc thực hành lắng nghe, Đức Hồng Y Ambongo nhìn nhận rằng “việc lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần đã giúp chúng ta đạt được sự đồng thuận trong việc giải quyết các chủ đề tế nhị mà Giáo hội đang sống ngày nay trên lục địa và Quần đảo, đồng thời xác định các ưu tiên của Giáo hội ở Châu Phi. Phiên họp Thượng hội đồng này đã kết thúc, nhưng Giáo hội đồng nghị và truyền giáo vẫn đang tiến bước!”